(VietNamNet) - Thanh tra 2.200 mặt hàng, có 94 mặt hàng tăng từ 0,5-23%, trong đó 72 loại thuốc ngoại và 22 thuốc nội. Việc lưu thông phân phối lòng vòng, qua nhiều khâu trung gian được xác định là nguyên nhân chính đẩy giá thuốc đội trần.
Theo kết quả sơ bộ về kiểm tra tình hình buôn bán dược phẩm được thanh tra Bộ Y tế báo cáo lên Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang vào hôm qua (13/4), các nhà thuốc tại bệnh viện thường bán giá cao hơn so với nhà thuốc tư nhân gần khu vực bệnh viện. Giá bán cho cơ sở điều trị cao hơn so với bán cho doanh nghiệp.
Cũng trong quá trình kiểm tra tại các nhà thuốc bệnh viện, lực lượng thanh tra đã phát hiện các nhà thuốc này chỉ niêm yết giá trên bảng mà chưa niêm yết trên từng hộp thuốc hoặc bao bì ngoài của thuốc. Chênh lệch giữa giá thuốc mua vào và bán ra thông thường là 13-15%, cá biệt có mặt hàng chênh tới 60%.
Theo báo cáo, đoàn thanh tra giá thuốc đã thực hiện kiểm tra tại Hà Nội gồm: 2 nhà thuốc của các bệnh viện Mắt Trung ương và bệnh viện Nội tiết; 4 công ty: dược phẩm Đông Á, Phương Đông, Vân Hồ, IC VN. Kết quả kiểm tra phát hiện chỉ có 5 đơn vị thực hiện niêm yết giá đầy đủ với các hình thức: bảng giá, trên bao bì thuốc, thông báo giá.
Nhà thuốc bệnh viện Nội tiết chỉ niêm yết khoảng 30% số thuốc và có 4 loại thuốc bán giá cao hơn giá niêm yết. Chênh lệch giữa giá thuốc mua vào và bán ra thông thường là 4-23%, cá biệt có mặt hàng chênh lệch 108%.
Việc thanh tra tại Hà Nội đã xác định, quá trình lưu thông phân phối thuốc còn qua nhiều khâu trung gian, lòng vòng, vì vậy đã khiến giá thuốc bị đẩy lên cao. Ví dụ, loại thuốc Tobicom có giá bán lẻ kê khai là 365.000đồng/hộp nhưng thực tế giá xuất xưởng bán cho công ty bán buôn đầu tiên chỉ là 171.429đồng/hộp; đến công ty thứ hai, giá bán buôn trung gian là 265.714đồng/hộp trước khi bán lẻ ở thị trường là 306.000đồng/hộp.
Cũng theo Thanh tra Bộ Y tế, 11/150 mặt hàng được kiểm tra trực tiếp tăng giá, chiếm 7,33% với tỉ lệ tăng dao động từ 1,6-15,8%, và đây đều là thuốc nhập. Chỉ có 2 mặt hàng giảm giá bình quân là 5,85%.
Tại TP. Hồ Chí Minh, 10 cơ sở gồm: Nhà thuốc bệnh viện và khoa dược của bệnh viện Ung bướu TP.HCM, bệnh viện Nhân dân Gia định, Trung tâm Y khoa Medic, bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM; 5 cơ sở bán buôn là các công ty: Kim Đô, Châu Hưng, Khương Duy, Minh Tâm, Minh Trí và nhà thuốc Song Võ.
Theo kết quả kiểm tra, các cơ sở kinh doanh thuốc tại TP.HCM đều kinh doanh thuốc có xuất xứ rõ ràng, chứng từ hoá đơn thuế hợp lệ. Cá biệt nhà thuốc Trung tâm Y khoa Medic có 3 loại thuốc chưa rõ nguồn gốc, đã được niêm yết và chờ giải trình.
Tại công ty TNHH dược phẩm Châu Hưng, thanh tra phát hiện 106 hộp thuốc Difosfen 30 viên/hộp số lô 61340A, hạn dùng 4/2009, số đăng ký VN - 9552-05 (hàng do công ty dược phẩm và thiết bị y tế Hà Nội nhập khẩu) có dấu hiệu mua bán lòng vòng nhằm nâng giá bán buôn cao hơn nhiều lần so với giá kê khai trong hồ sơ xin cấp giấy đăng ký lưu hành tại Cục quản lý dược VN: giá ban đầu là 133.405đ/hộp tăng thành 480.000đ/hộp. Lực lượng thanh tra đã yêu cầu dừng việc buôn bán thuốc Difosfen và phải báo cáo giải trình.
-
Khánh Chi