(VietNamNet) - Cơ chế, chính sách, quy hoạch, vốn đầu tư triển khai các dự án quan trọng... là các nội dung buổi làm việc của Thủ tướng Phan Văn Khải với lãnh đạo TP. Hà Nội.
''Hà Nội cần là tấm gương cho các địa phương''. |
Thực tế, những chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong kế hoạch 2005-2010 còn thiếu trọng tâm và thấp hơn hẳn so với tiềm năng của Hà Nội. Hà Nội đáng ra phải đi đầu trong việc hình thành các thị trường (chứng khoán, lao động, bất động sản...) nhưng công tác này đang làm rất chậm. Về cơ cấu thành phần, tăng trưởng kinh tế ngoài quốc doanh của Hà Nội còn thấp trong khi đây là tiềm năng lớn của Thủ đô. Ngoài ra, mảng kinh tế đối ngoại hiện còn quá mờ nhạt, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài còn thấp so với mặt bằng chung cả nước. Vì vậy, theo Phó Thủ tướng Vũ Khoan, trong kế hoạch 5 năm tới, những vấn đề này cần được lãnh đạo thành phố nghiên cứu, xem xét lại.
Tuy nhiên, ưu điểm của Hà Nội là khả năng huy động vốn ngoài ngân sách rất cao, chiếm tới 85% tổng vốn đầu tư nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc trong công tác huy động vốn, đặc biệt là ở thị trường đất đai. Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Tá cho rằng những “ách tắc” về vốn đầu tư sẽ được khai thông nếu Hà Nội phát huy thế mạnh này.
Bộ trưởng GTVT Đào Đình Bình hoàn toàn nhất trí với các đề nghị xây dựng giao thông của Hà Nội. Theo Bộ Trưởng thì Trung ương nên quản lý giúp cho Hà Nội và tiếp tục hỗ trợ Hà Nội trong việc hoàn thành những dự án thuộc cửa ngõ Thủ đô như đường 70, đường 32... Bộ GTVT sẽ giúp cho Hà Nội xây dựng 3 tuyến đường sắt đô thị (trong số 8 tuyến). Thứ trưởng Bộ Công nghiệp Bùi Xuân Khu nhận định cho đến nay Hà Nội chưa chọn được ngành công nghiệp chủ lực, theo Thứ trưởng thì Hà Nội nên tập trung phát triển những lĩnh vực rất mạnh như cơ khí, điện tử...
Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhận xét, cơ cấu do Hà Nội đề xuất: “dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp” là hợp lý nhưng cần xác định rõ dịch vụ phải là ngành sản xuất lớn, không phải để phục vụ những ngành khác. Theo Phó Thủ tướng Vũ Khoan thì ''Những gì trong khả năng thì nên làm thật bài bản, quy mô còn những gì chưa đủ “lực” thì không nên cố, tránh sự lãng phí không đáng có”.
Thủ tướng Phan Văn Khải đánh giá các mặt của Hà Nội phát triển khá, tuy nhiên hệ thống chính quyền ở Hà Nội vẫn còn nhiều chỗ phiền hà nhũng nhiễu dân, Thủ đô cần xây dựng bộ máy hành chính hết lòng vì dân để các địa phương học tập. Về vấn đề quy hoạch, Thủ tướng gợi ý: “Quy hoạch Thủ đô phải rất hiện đại và không được phép sai lầm. Nên mời các chuyên gia có kinh nghiệm, chấp nhận tốn kém để xây dựng quy hoạch Thủ đô cho tương xứng”.
Lãnh đạo Hà Nội tiếp thu chỉ đạo của Thủ tướng Phan văn Khải và những ý kiến đóng góp của lãnh đạo các Bộ ngành trung ương. Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Phú Trọng thì: “Hà Nội đang phải giải quyết một mẫu thuẫn lớn, muốn tăng trưởng nhanh trong khi cơ sở hạ tầng còn thiếu và yếu, quy hoạch còn nhiều điểm bất hợp lý... Vì vậy, ngoài việc Hà Nội chủ động và sáng tạo còn cần sự phối hợp chặt chẽ từ phía các cơ quan Trung ương mới tạo được thế phát triển bền vững”.
Thủ tướng Phan Văn Khải cho ý kiến về những kiến nghị của Hà Nội |
1- Đồng ý với kiến nghị của Hà Nội về việc hoàn chỉnh dự thảo Nghị định hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh Thủ đô là làm quá chậm. Đề nghị Văn phòng Chính phủ khẩn trương đôn đốc hoàn thành sớm. 2- Đồng ý với Hà Nội về việc tách chức năng quản lý nhà nước ra khỏi chức năng quản lý sản xuất kinh doanh, xóa bỏ cơ chế cơ quan chủ quản đối với doanh nghiệp. 3- Đồng ý với kiến nghị của Hà Nội về việc quản lý dân cư trên địa bàn. Giao cho Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Nội vụ và UBND TP Hà Nội xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý dân cư trên địa bàn Hà Nội để trình Thủ tướng quyết định. 4- Đồng ý với Hà Nội về kiến nghị quản lý tài sản công trên địa bàn thành phố. Giao cho Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Tài nguyên - Môi trường phối hợp với các Bộ, ngành liên quan sử dụng tài sản công như thế nào cho có hiệu qủa. 5- Đồng ý với Hà Nội về việc di dời các doanh nghiệp ra khỏi trung tâm thành phố, đặc biệt là các doanh nghiệp gây ô nhiễm. Tuy nhiên cần xem xét sử dụng hợp lý phần kinh phí thu được từ chuyển quyền sử dụng đất để đầu tư. 6- Đồng ý về việc xây dựng cơ chế để xây dựng một số trung tâm giáo dục, đào tạo, văn hóa, TDTT... chất lượng cao. Đề nghị các Bộ, ngành nghiên cứu trình sớm. 7- Đồng ý và khuyến khích về việc xây dựng cơ chế đầu tư một số dự án theo hình thức BO, BOT trong nước. Giao cho Bộ KH&ĐT nghiên cứu và trình Thủ tướng. 8- Đồng ý về mặt chủ trương phân cấp cho Hà Nội phê duyệt dự án đầu tư nước ngoài đến 40 triệu USD. Lưu ý một điều là phân cấp thì phải làm quy hoạch rất chặt chẽ. |
- Kiều Minh