- Hàng ngàn con mắt, con mắt nào cũng ánh lên sự bất bình, bức xúc nhưng chỉ một số ít bàn tay chìa ra. Đó là cách mà các bạn trẻ “đối xử” với tham nhũng.
TIN LIÊN QUAN
"Không phải việc của mình!"
Phần đông các bạn trẻ bức xúc, lên án các hành động thiếu minh bạch nhưng lại cam chịu “sống chung với lũ” hơn là tìm cách loại trừ nó.
“Tham nhũng đã là vấn nạn của xã hội mà bất cứ quốc gia nào cũng có. Số đông những người tham nhũng lại là người nắm trong tay một “mớ” chức quyền. Dân đen như mình thì làm gì được họ”, Quỳnh Trang (ĐH FPT Hà Nội) thản nhiên.
Cũng đồng quan điểm với bạn trẻ trên, Ngọc Anh (CĐ Giao thông vận tải Hà Nội) phán một câu “xanh rờn”: “Chống tham nhũng là việc của các cơ quan chức năng, các cấp lãnh đạo, của luật pháp chứ mình tuổi gì mà dám lên tiếng”.
Theo ước tính của Ngân hàng thế giới, mỗi năm tham nhũng “ăn cắp” các nước đang phát triển như Việt Nam từ 20-40 tỷ đô la |
Chính vì quan niệm “chống tham nhũng là việc của các cơ quan chức năng” nên dù bức xúc, bất bình phần đông các bạn trẻ lựa chọn “nhường lại cuộc chiến” cho các cấp lãnh đạo.
Không chỉ xếp tham nhũng vào danh sách “không phải việc của mình”, nhiều bạn trẻ còn tỏ ra bi quan: “Báo đài nói mãi rồi nhưng có thấy biến chuyển gì đâu! Chống tiêu cực trong thi cử đó, bệnh thành tích trong giáo dục đó vậy mà tình trạng mua bằng, chạy điểm vẫn diễn ra ầm ầm đấy thôi. Ngay trường mình, không “đi” thì thầy cô có mà rớt hết”, một bạn trẻ giấu tên bộc bạch.
Và khi nhắc đến tác động của tham nhũng, nhiều bạn trẻ cho rằng, các bạn đang là sinh viên, chưa có nghề nghiệp nên tham nhũng ít ảnh hưởng đến cuộc sống của các bạn. Điều này thể hiện qua kết quả khảo sát của Trung tâm Live&Learn, chỉ có 21% số bạn trẻ được hỏi cho rằng tham nhũng ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống của họ.
Tham nhũng vặt – hậu quả lớn
“Trước đây mình rất quý và tôn trọng cô giáo dạy cấp 3 của mình. Nhưng một lần về thăm trường, nghe mấy em khóa dưới rỉ tai nhau chuyện cô ấy nhận tiền để giúp một bạn “đại gia đầu đất” vào trường tự nhiên mình thấy thất vọng kinh khủng. Trước cứ mỗi lần về thăm quê mình đều ghé qua nhà cô chơi, giờ tự nhiên chả muốn đến” – Đặng Thị Ngân (CĐ Du lịch Hà Nội) chia sẻ.
Còn Quỳnh Trang (ĐH Văn hóa Hà Nội) lại có một cô bạn “trượt đại học vì bố mẹ muốn dùng tiền để chạy điểm”. Trang kể: “Cô bạn mình nhà giàu nhưng chăm học lắm. Thi tốt nghiệp được điểm cao nhất, nhì lớp mình cơ. Ai cũng nghĩ là bạn ấy sẽ đỗ đại học, đâu ngờ trượt thẳng cẳng”.
Theo kết quả khảo sát của Trung tâm Live&Learn, chỉ có 21% số bạn trẻ được hỏi cho rằng tham nhũng ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống của họ. (Ảnh minh họa- Nguồn internet) |
Giải thích cho nguyên nhân trượt của bạn, Trang nói tiếp: “Mình cứ nghĩ trượt đỗ là do cái số. Nhưng khi nghe bạn ấy rỉ tai là bố mẹ đã nhờ người “lo” sẵn cho bạn một suất vào trường chỉ cần bạn ấy đạt trên điểm sàn thì mình mới té ngửa. Hóa ra vì chủ quan nên cô nàng thi rớt”.
Câu chuyện nhỏ của Ngân và Trang cho thấy, tham nhũng vặt đem lại hậu quả thật đáng gờm. Nó làm mất đi niềm tin, uy tín, giá trị đạo đức. Nó làm xuất hiện ở con người thói ỷ lại đồng tiền, xã hội sẽ mất dần đi những người tài giỏi.
Những hậu quả về tinh thần thật khó đong đếm. Còn thiệt hại về vật chất ta sẽ dễ dàng nhận ra. Theo ước tính của Ngân hàng thế giới, mỗi năm tham nhũng “ăn cắp” các nước đang phát triển như Việt Nam từ 20-40 tỷ đô la. Chỉ 1% số tiền này (200 triệu đô la) cũng đủ tiêm chủng cho 8 triệu trẻ sơ sinh hay nửa triệu người nghèo có nước sạch dùng cho cả năm.
Nhạc sĩ Trương Quốc Khánh đã thể hiện tinh thần của thanh niên thời chiến trong bài hát Tự nguyện thế này: “Nếu là chim tôi sẽ làm loài bồ câu trắng. Nếu là hoa tôi sẽ làm một đóa hướng dương. Nếu là mây tôi sẽ làm một vầng mây ấm. Là người tôi sẽ chết cho quê hương”.
Có thể không ít người trẻ cho rằng lẽ sống này đã “lỗi thời” với cuộc sống hiện đại. Nhưng nếu bạn có lẽ sống, có hoài bão thì việc chung tay vào cuộc chiến chống tham nhũng cũng là một cách để thực hiện lẽ sống của mình.
-
La Hoàn
Kỳ 3: Khi teen Việt học chống tham nhũng