Lạ kỳ những gã đàn ông tò mò chuyện... trinh tiết
Tại Trung tâm tư vấn tình cảm Linh Tâm, mỗi tháng có khoảng 200 - 300 khách hàng là nam giới thắc mắc về trinh tiết của bạn gái, nhưng chưa có một khách hàng nữ nào hỏi về trinh tiết của nam.
Thước đo phẩm giá?
Theo bà Bùi Thị Thanh Hoà, Trưởng phòng tư vấn Linh Tâm, hầu như ngày nào Trung tâm tư vấn Linh Tâm cũng có khoảng 5 - 10 cuộc gọi hỏi về trinh tiết của bạn gái.
Những câu hỏi như: "Nhìn bên ngoài thì có biết được bạn gái em còn trinh không?"; "Quan hệ tình dục lần đầu tiên sao không thấy ra máu"; "Tại sao ngực và âm đạo của bạn gái em lại có màu thâm, không có màu hồng”; "Em quan hệ thấy rất dễ, bạn gái em không tỏ ra sợ hãi đau đớn mà thấy rất bình tĩnh, thậm chí còn chủ động"...
Qua phân tích các cuộc tư vấn, chuyên gia Vũ Tuyết Anh (Trung tâm tư vấn tình cảm Linh Tâm) nhận thấy rằng, mọi hành vi của nữ giới khi lần đầu "quan hệ" đều bị bạn tình săm soi xem "có còn trinh hay không?". Điều này cho thấy, nam giới còn mang nặng định kiến.
Nói chuyện với chuyên gia tư vấn, hầu hết nam giới khi thắc mắc về trinh tiết của bạn gái đều "chua" thêm một câu rằng: "Em không quan trọng hay đặt nặng vấn đề trinh tiết, chẳng qua là để kiểm tra xem bạn gái của em có thật thà hay không".
Tuy nhiên, bà Tuyết Anh cho rằng, đây chỉ là cách nói bao biện, không đổ lỗi cho bản thân, không tự nhận rằng mình là người "cổ hủ" mang nặng định kiến. Bởi nếu không coi trọng trinh tiết thì sẽ không có ai đi săm soi và dò hỏi về việc "còn hay mất" của bạn gái. Thậm chí, nam giới còn lấy điều này làm thước đo cho phẩm giá của bạn tình.
"Trong khi tỏ ra rất coi trọng chữ "trinh" ở phụ nữ thì rất nhiều nam giới lại hiểu về "màng trinh" hay "trinh tiết" một cách mù mờ. Đa số những khách hàng nam biết về màng trinh của phụ nữ thông qua bạn bè, qua truyền tai nhau chứ không qua sách báo chuyên ngành, qua bác sĩ. Sự thiếu hiểu biết là lý do khiến cho cách nghĩ về trinh tiết trở nên lệch lạc" - bà Tuyết Anh nói.
Mặc cảm tội lỗi
Một điều lạ lùng khác mà những nhà tư vấn tâm lý nhận ra là trong khi rất nhiều nam giới thắc mắc về chuyện trinh tiết của người yêu, của bạn gái mình thì không có một khách hàng là nữ nào có câu hỏi ngược lại.
Khi bị dò xét, bị quy kết, thậm chí là bị bạo hành thì cũng rất hiếm có người nữ nào"dám" đặt câu hỏi mang tính đấu tranh đòi quyền lợi cho mình như: "Vậy anh đã từng quan hệ với ai chưa?"; "Anh có phải là người đầu tiên của em không?"...
Khi không còn trinh tiết, một số chị em tỏ ra mặc cảm, ân hận, tự dày vò bản thân. Theo ông Nguyễn An Chất, Giám đốc Công ty tư vấn tình cảm An Việt Sơn thì đó là cách nghĩ "mua dây buộc mình".
Mỗi ngày, tại Công ty An Việt Sơn có khoảng 1 - 2 khách hàng là nữ tỏ ra rất lo lắng về chuyện mất trinh. Có những khách hàng bị ám ảnh về việc mất trinh suốt một thời gian dài dẫn đến có ý định tự tử. Hiện tượng này cũng xuất hiện tương tự ở Trung tâm tư vấn Người bạn tri kỷ và nhiều trung tâm tư vấn khác.
"Tại Trung tâm tư vấn tình cảm Linh Tâm, số khách hàng là nữ hỏi về vấn đề mất trinh không nhiều. Nhưng khi bắt đầu cuộc tư vấn, thường không dám hỏi ngay, mà chỉ xin tư vấn về các vấn đề tình cảm. Khi nói chuyện cởi mở, các bạn ấy mới tâm sự về chuyện mất trinh của mình", bà Tuyết Anh nhận xét.
Theo bà Tuyết Anh, những người can đảm gọi điện cho chuyên gia tư vấn thì chỉ đau đáu những câu hỏi như: "Có nên nói với người yêu hoặc chồng sắp cưới là có quan hệ tình dục hay chưa, nếu nói thì sao?"; "Rất muốn nói nhưng sợ anh ấy không chấp nhận".
Có trường hợp một khách hàng đã lấy chồng hơn chục năm nay, đã "qua mặt" chồng về việc mất trinh nhưng lúc nào cũng trong tâm trạng của một kẻ "tội đồ". Chính ý nghĩ mang "trọng tội" đó đã tạo nên sự bất bình đẳng giới sâu sắc trong gia đình. Chị bị chồng bạo hành nhưng không dám phản kháng, phải tìm đến chuyên gia tư vấn để tìm lối thoát.
Không những nam giới mà phụ nữ cũng mang định kiến giới nặng nề. Cách nghĩ, trinh tiết của phụ nữ là "cái ngàn vàng", là thước đo giá trị nên khi mất trinh, phụ nữ tự cho đó là sai lầm, tội lỗi. Cách nghĩ này đã góp phần làm nặng nề hơn tư tưởng bất bình đẳng giới trong xã hội. Chính bản thân phụ nữ đã tự buộc mình vào "vòng kim cô" không lối thoát. (TS Khuất Thu Hồng - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội). |
(Theo GĐXH)