Tại các tỉnh miền Bắc, đỉnh điểm dịch sốt xuất huyết đã đi qua (thường rơi vào khoảng tháng 5 đến tháng 10 hàng năm). Trong khi đó, khu vực từ Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ vẫn phải đối phó với tình hình phức tạp của dịch bệnh, bởi đang vào mùa mưa, thời tiết ẩm ướt tạo điều kiện cho loăng quăng, bọ gậy gây sốt xuất huyết đang phát triển mạnh.
Sốt xuất huyết diễn biến phức tạp
Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy chỉ trong tháng 10/2010, đã có tới 29.068 trường hợp mắc sốt xuất huyết rải rác ở 41 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó có 11 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2009 (74242/58), số mắc tăng 19,4%, số tử vong giảm 03 trường hợp.
Như vậy, tính tới thời điểm này, kể từ đầu năm 2010, đã có 88.620 trường hợp mắc sốt xuất huyết và 55 trường hợp tử vong. Theo thống kê của Bộ Y tế, trong mấy năm gần đây trung bình mỗi năm có 80.000 người mắc sốt xuất huyết. Kể từ 1999 (ngay sau vụ dịch lớn nhất tính đến thời điểm này xảy ra vào năm 1998).
Nguyên nhân dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát mạnh là do thời tiết ẩm thấp tạo điều kiện cho muỗi phát triển, tuy nhiên ý thức phòng chống dịch bệnh trong nhân dân và một số bộ phận cán bộ chưa cao.
Bệnh nhân sốt xuất huyết nằm điều trị ngoài hành lang vì bệnh viện quá tải trầm trọng vào thời điểm đỉnh dịch sốt xuất huyết |
Một số địa phương có dịch lan rộng và diễn biến phức tạp như Quảng Ngãi, Thừa Thiên- Huế (tính đến tháng 8/2010, toàn tỉnh đã có hơn 660 ca mắc sốt xuất huyết. Trung bình mỗi ngày tỉnh này có thêm 5 - 10 bệnh nhân sốt xuất huyết. Có thể nói năm nay dịch sốt xuất huyết đã bùng phát dữ dội tại Thừa Thiên Huế bởi cả năm 2009, toàn tỉnh chỉ có 20 trường hợp mắc)…
Còn tại các tỉnh Nam Bộ, do đang vào mùa mưa, thời tiết ẩm ướt, tạo điều kiện thuận lợi cho bọ gậy sinh sôi nảy nở nhanh chóng, tốc độ sinh sôi vượt xa tốc độ dự phòng và dập dịch nên dịch đã bùng phát mạnh.
Theo bác sĩ Lê Trường Giang, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM, chỉ trong tháng 7/2010, thành phố đã có hơn 400 ca sốt xuất huyết nhập viện. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, số ca sốt xuất huyết nhập viện trong tháng 7/2010 tăng gấp đôi so với tháng 6. Trung bình mỗi ngày có khoảng 40 trẻ em nhập viện điều trị, trong đó số ca bị sốc (rất nặng) chiếm khoảng 10%.
Hiện dịch SXH đã xuất hiện ở 166 phường, xã, chiếm 50% tổng số phường, xã của TP HCM, trong đó có 35 phường, xã có ổ dịch SXH kéo dài trên 3 tháng. Riêng trong tháng 9, số ca mắc SXH đã tăng lên đến 459 ca/tuần, tính trung bình 15 ca bệnh/một phường, xã. Nếu như trong tháng 7, dịch SXH mới chỉ ở mức 633 ca sau đó tăng lên 1.133 ca trong tháng 8, thì bước sang tháng 9 số ca mắc sốt xuất huyết đã lên đến 1.624 ca. Mùa mưa ở TP HCM vẫn còn tiếp diễn nên nhiều khả năng dịch sẽ tiếp tục tăng đến hết tháng 11.
Càng mắc bệnh vào cuối vụ dịch thì càng nguy hiểm
Tình hình sốt xuất huyết không chỉ phức tạp vì số lượng tăng nhanh mà còn vì tính chất dịch bệnh cũng đang thay đổi, nếu bác sỹ không cập nhật và ứng phó kịp thời có thể gây ảnh hưởng đến kết quả quá trình điều trị.
Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp, Phó khoa Cấp cứu, điều trị tích cực, BV Bệnh nhiệt đới Trung Ương cho biết: “Trước đây sốt xuất huyết thường lưu hành dạng type 1, nay chuyển sang type 4, khi thay đổi type thì bệnh cảnh lâm sàng sẽ nặng lên. Cụ thể, trước đây rất ít gặp trường hợp sốt xuất huyết bị suy đa phủ tạng, rối loạn đông máu trầm trọng mà chỉ gặp các trường hợp giảm hồng cầu. Tuy nhiên, ngay từ mùa dịch năm 2009 đã gặp nhiều trường hợp bệnh nhân nặng phải thở máy”.
Từ đầu năm 2010 chưa gặp các trường hợp bị quá nặng nhưng bác sĩ Cấp cho biết, người dân không nên chủ quan vì dịch sốt xuất còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới và đặc biệt đang bùng phát tại khu vực phía Nam.
Càng mắc bệnh vào cuối vụ dịch thì nguy cơ bị sốc càng cao, đặc biệt đối với trẻ em |
Một ví dụ gần nhất minh chứng cho điều này là khoa Hồi sức bệnh viện Nhi đồng 1 vừa cứu sống một bệnh nhi 5 tuổi, ngụ tại Bến Cát, Bình Dương vì sốc sốt xuất huyết độ 4 ngày 4, sốc kéo dài, suy hô hấp.
Tại bệnh viện, bé có biểu hiện suy hô hấp nặng do tràn dịch màng bụng, màng phổi lượng nhiều, tổn thương gan, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa. Tình trạng rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hoá nặng được truyền máu, huyết tương tươi đông lạnh, kết tủa lạnh, tiểu cầu đậm đặc. Kết quả qua gần 3 tuần điều trị (lọc máu, thở máy, …), tình trạng của bé được cải thiện dần. Đây là một trong những trường hợp sốc sốt xuất huyết rất nặng được cứu sống nhờ lọc máu liên tục.
Các bác sỹ cảnh báo về cuối vụ dịch, người dân không nên có tâm lý chủ quan, vì càng mắc bệnh vào cuối vụ dịch thì nguy cơ tử vong, sốc càng cao.
Khuyến cáo phòng, chống dịch sốt xuất huyết: Thực hiện tốt các khuyến cáo của ngành y tế về phòng bệnh SXH như ngủ màn, dùng các biện pháp dân gian xua, diệt muỗi, dùng bình xịt muỗi cá nhân, nhang muỗi, vợt muỗi... và khi có dấu hiệu nguy hiểm cần đưa ngay người bệnh tới cơ sở y tế. Tích cực thường xuyên kiểm tra, xóa bỏ nơi trú ngụ của bọ gậy, nơi sinh đẻ của muỗi ngay trong nhà và vườn của gia định mình như: đổ bỏ dụng cụ phế thải, bịt kín hoặc thả cá vào hồ, bể nước ăn uống, sinh hoạt; bỏ muối vào chân chạn bát, thau rửa các hồ, bể làm lạnh chưng cất rượu, các máng ăn, uống của gà, vịt, chó, lọ hoa, chậu, bể cảnh. Khi y tế tổ chức phun thuốc diệt muỗi cần mở cửa ra vào, cửa sổ để thuốc có thể bay vào trong nhà diệt muỗi. Các địa phương cần tổ chức các tổ/nhóm kiểm tra, giám sát quyết liệt hàng ngày, thông báo cụ thể bằng các phương tiện thông tin sẵn có của địa phương, nêu đích danh những gia đình không thực hiện hoặc thực hiện chưa tốt và có biện pháp, chế tài thưởng, phạt đúng mức đối với các gia đình không nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Tránh quá lo lắng, yêu cầu phải được nằm bệnh viện, phải được truyền dịch khi cán bộ y tế khuyên chưa cần thiết. Không truyền dịch tại nhà hoặc thầy thuốc tư. Không dùng các thuốc hạ sốt khác ngoài paracetamol. Khi bị bệnh đến mức phải nằm bệnh viện thì phải tuân thủ đúng nội quy bệnh viện, không tự ý trốn, bỏ viện về nhà sẽ có nguy cơ lây bệnh cho người trong gia đình hoặc hàng xóm xung quanh. |
- Ngọc Anh