221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1295070
Khi phụ huynh trang trải “tình phí” cho con
1
Article
null
Khi phụ huynh trang trải “tình phí” cho con
,

- “Mỗi lần con đi uống nước, chọn quà tặng bạn gái, thì người rút ví là tôi. Cháu còn đi học, tất nhiên không có tiền. Yêu vào, khoản tình phí biết xoay ở đâu?"

Trang trải cả tình phí cho con

“Thấy con suốt ngày ôm khư khư cái điện thoại. Thỉnh thoảng lại cười một mình, mắt long lanh, làm điệu, tôi chỉ đoán biết một phần. Mãi sau cứ tỉ tê trò chuyện, rồi kể cho con những chuyện tình yêu thời trẻ của mình, cháu mới dần thổ lộ với tôi về mối tình đầu của nó. Ban đầu còn ngượng ngập, sau thấy tôi vui vẻ tiếp chuyện thì cháu mạnh dạn kể nhiều hơn. Bây giờ thì hầu như có gì cũng về chia sẻ với mẹ”, chị Minh Ngọc (đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) cho hay.

Nhưng không phải bậc phụ huynh nào cũng được con cái chia sẻ về chuyện tình cảm riêng tư. Để được làm những "quân sư bất đắc dĩ", nhằm luôn sát cánh bên con, nhiều phụ huynh phải tìm cho mình những “bí quyết” riêng. Với anh Hoàng Long (huyện Từ Liêm, Hà Nội) thì bí quyết ấy là luôn làm “mạnh thường quân” cho con.

“Mỗi lần con đi uống nước, chọn quà tặng bạn gái, thì người rút ví là tôi. Cháu còn đi học, tất nhiên không có tiền. Yêu vào, khoản tình phí biết xoay ở đâu? Tôi cũng hiểu, nên cứ nhẹ nhàng tâm sự và… rút ví chi cho con khoản “tình phí” - anh Long hóm hỉnh cho biết.

Mô tả ảnh.
Nhưng nhiều cha mẹ đã chọn cách ứng xử thông minh là biến mình thành đồng minh, thành bạn của con.

Còn vợ anh, chị Nguyễn Thị Ngân cũng đồng ý theo chồng: "Cháu được cái thật thà. Không đua đòi ăn chơi theo chúng bạn nên vợ chồng tôi không tiếc con. Có lần cậu chàng băn khoăn cân nhắc mua quà tặng sinh nhật bạn gái. Tôi rộng lượng cho con 500 ngàn đưa bạn đi siêu thị chọn quà. Cháu cảm kích ra mặt. Mình nghĩ, thời con gái cũng thích được người yêu chiều chuộng, gia đình giờ cũng không phải khó khăn, thôi thì thi thoảng chiều con một chút cũng không sao…”.

Còn chị Nguyễn Thị Phương (huyện Mê Linh, Hà Nội) tuy gia đình làm nông, nhưng khi con đến tuổi yêu, rồi có bạn gái, chị cũng vui vẻ đồng ý.

“Nhiều khi cả nhà ăn cơm hay ngồi chơi lại đem chuyện của cháu ra hỏi han vô tư. Cháu cũng vui vẻ tâm sự không ít thì nhiều. Thấy con vui và công khai, tôi cũng yên tâm” - chị kể.

Gia đình chị cũng khá quý cô bạn của con trai, nhiều khi đi đâu về chị Phương còn nhớ mua cả quà cho cô bé. “Những quà nhỏ thôi nhưng chúng nó rất quý. Con bé được tặng quà thích mê, mà con trai mình cũng mát lòng” - chị Phương nói.

Những chuyên gia tâm lý bất đắc dĩ

Khi cậu con trai đầu (đang học lớp 11) tâm sự đang quen một cô bạn khác lớp, chị Nguyễn Thị Lan (ở Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội) thay vì cấm đoán, đe nẹt đã dịu dàng chia sẻ bí mật ấy với con mình. Nhận được "tín hiệu" thân thiện của mẹ, từ đó Huy, con chị càng tin tưởng, hầu như chuyện gì cũng kể với mẹ.

“Đến tuổi này, một chút rung cảm yêu đương là tất yếu, không thể cấm con được. Tôi chọn cách làm bạn, để được hiểu và chia sẻ với con cả những điều thầm kín nhất” - chị Lan tâm sự. Vậy là, xuất phát từ sự thông cảm của người mẹ, chị Lan đã trở thành một chuyên gia tâm lý bất đắc dĩ cho con.

Mô tả ảnh.
Làm bạn với con


“Đừng tưởng tình yêu của chúng là “trẻ con”. Có lần hình như thằng bé hiểu lầm rồi “ghen tuông” gì đó, giận cô bé kia ghê lắm. Tôi phải lựa lời giảng giải, phân tích để con bớt suy nghĩ, bớt buồn. Ngày hôm sau, thấy hai đứa nó lại dàn hòa, vui vẻ chở nhau đi học tôi mới thở phào” - chị Lan kể.

Suốt những năm cấp ba, con trai chị Hương (quận Hoàng Mai, Hà Nội là một tín đồ của game online. Nhìn con đắm chìm vào thế giới ảo, chị Hương sốt ruột, nhưng không sao “trị” được con. Ấy vậy mà sang kì hai của năm học lớp 11, chị bỗng thấy con mình ngoan ngoãn hẳn.

Cậu không còn ham chơi điện tử, không còn xin tiền vô tội vạ như trước. Và đặc biệt là, mỗi sáng sớm, mới 4 giờ sáng chị đã thấy con lục đục dậy học bài.

Thì ra, sáng nào con trai chị cũng được cô bạn lớp phó học tập “đánh thức” học bài. Nhờ cô bé lớp phó ấy cảm hóa mà con trai chị gần như bỏ hẳn game, lao vào học. Lên lớp 12, Quân càng chăm chỉ học. Kì thi ĐH năm ấy, Quân thi đỗ vào một trường ĐH danh tiếng.

“Thấy con yêu vào mà tiến bộ như thế, tôi cũng mát lòng. Không có cô bạn kia, chắc gì thằng bé nhà tôi đã được như hôm nay” - chị Hương phấn khởi cho biết. Chị tâm sự thêm: “Chúng nó yêu nhau ở cái tuổi dở dở ương ương này mình cũng lo. Sợ các con vượt rào, sợ các con yêu nhau mà tan vỡ, cũng khổ. Cho nên tôi lúc nào cũng hỏi han, vừa nhắc nhở, vừa vun vén cho tình yêu của chúng nó”.

Thương con thì thương cho trót?

Không ít phụ huynh không giấu được nỗi lo lắng khi con bước vào tuổi dậy thì, cái tuổi ẩm ương và khó bảo. Họ càng lo lắng hơn khi con mình vướng vào chuyện yêu đương, lo sợ con làm liều, hư hỏng…

Nhưng nhiều cha mẹ đã chọn cách ứng xử thông minh là biến mình thành "đồng minh", thành bạn của con.

“Nhiều khi em cũng ngần ngại khi tiết lộ chuyện tình cảm của mình với mẹ. Nhưng mẹ em lần nào cũng lắng nghe rất nghiêm túc, nhiều khi còn “quân sư” nhiệt tình. Nên bây giờ cũng chẳng ngại, mà em còn tự hào nữa. Bọn bạn em có khi yêu mà cứ phải giấu giếm, khổ lắm” - Lê Quốc Dũng (trường Đoàn Thị Điểm, Hà Nội) bộc bạch.

“Dù các con còn nhỏ, nhưng tôi chưa bao giờ coi chuyện tình cảm riêng tư của con là hời hợt, phù phiếm. Mình tỏ ra tin con, hiểu con, chân thành chia sẻ với con thì con cũng hiểu, tin tưởng và càng tôn trọng mình” - anh Long khẳng định. Và chính thái độ như thế đã giúp vợ chồng anh luôn là chỗ dựa vững chắc của con.

Nói về cách dạy con của mình, anh Long tỏ ra rất “thức thời”. Anh tiết lộ bí quyết dạy con: “Tình yêu là một phần quan trọng tạo nên hạnh phúc. Mình ủng hộ chuyện tình cảm của con để con được thoải mái về tâm lý, có vậy mới không thờ ơ chuyện học hành. Mình ủng hộ để con không nói dối, không trốn tránh, con có trót lầm lỡ gì còn kịp thời can ngăn, giúp đỡ. Thương con thì thương cho trót, dạy con “yêu” cũng quan trọng không kém gì dạy con học, dạy con sống”.

  • Quỳnh Anh

    Mời quý độc giả xem tiếp những thông tin hấp dẫn khác tại đây
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,