'Chưa cần thiết phạt tử hình Mẫn'
Cập nhật lúc 11:26, Thứ Năm, 29/07/2010 (GMT+7)
"Việc cải tạo Mẫn trở thành một người lương thiện không khó khăn như các trường hợp khác mà người phạm tội đã có nhiều tiền án tiền sự, có nhân thân xấu" - đây là ý kiến của ông Đinh Văn Quế - nguyên chánh tòa hình sự TAND tối cao về mức án tử hình đối với sinh viên Phan Minh Mẫn.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Bộ luật hình sự vừa được Quốc hội sửa đổi, bổ sung đã bỏ hình phạt tử hình đối với tám tội, thể hiện rõ chính sách hình sự của Nhà nước ta với loại hình phạt đặc biệt này. Vì vậy, các tòa án khi áp dụng hình phạt tử hình nhất thiết quán triệt tinh thần này.
Theo tôi, khi áp dụng hình phạt tử hình với người phạm tội, tòa án phải căn cứ vào quy định của Bộ luật hình sự, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng (theo điều 45 Bộ luật hình sự).
Bị cáo Mẫn phải lãnh án tử hình - Ảnh: Chi Mai |
Sau khi tìm hiểu trường hợp phạm tội của bị cáo Phan Minh Mẫn, căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự, tôi nhận thấy có một số tình tiết cần chú ý như sau:
- Phan Minh Mẫn phạm tội giết người (giết cha) thuộc trường hợp quy định tại điểm đ khoản 1 điều 93.
- Phan Minh Mẫn phạm tội giết người có tình tiết tăng nặng thuộc trường hợp quy định tại điểm h khoản 1 điều 48 Bộ luật hình sự (phạm tội đối với người trong tình trạng không thể chống cự), vì cha Mẫn đang ngủ.
- Phan Minh Mẫn phạm tội giết người có tình tiết giảm nhẹ thuộc trường hợp quy định tại điểm p khoản 1 điều 46 Bộ luật hình sự (người phạm tội khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải).
Cân nhắc sự đánh giá của xã hội
Tuy nhiên, đó mới chỉ là các quy định của Bộ luật hình sự và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nhưng để áp dụng hình phạt cụ thể đối với bị cáo, tòa án còn cần phải cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội.
Vậy tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội mà Phan Minh Mẫn thực hiện trong vụ án này được xác định thế nào? Đây chính là vấn đề cần cân nhắc một cách thấu đáo khi hội đồng xét xử lượng hình.
Theo tôi, trước hết tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội phụ thuộc sự đánh giá của xã hội mà “dư luận xã hội” là một kênh rất quan trọng. Vụ án hành hạ cháu Hào Anh ở Cà Mau là một ví dụ điển hình về tính chất nguy hiểm cho xã hội qua kênh “dư luận xã hội”. Dư luận xã hội là ý kiến đông đảo của quần chúng nhân dân ở địa phương, cũng như cả nước được các cơ quan thông tin truyền tải. Khi áp dụng hình phạt tử hình đối với người phạm tội, tòa án phải cân nhắc: nếu tử hình một người phạm tội thì có lợi cho ai, dư luận xã hội có đồng tình không?
Bị cáo là người có thể cải tạo
Về nhân thân, Phan Minh Mẫn mới 20 tuổi, đang đi học nên không có các tình tiết giảm nhẹ gắn với nhân thân người phạm tội như có huân chương, huy chương hay các danh hiệu cao quý mà Nhà nước tặng thưởng. Nhưng có điều ai cũng biết là Mẫn còn quá trẻ, lại đang đi học, chưa có tiền án tiền sự và cũng không phải là một thanh niên hư hỏng.
Động cơ phạm tội không xấu, chỉ vì bức xúc trước những hành động của cha mình với mẹ và gia đình, ở tuổi 20 Mẫn chưa đủ độ chín suy nghĩ để “sao không chọn cách khác”. Việc cải tạo Mẫn trở thành một người lương thiện không khó khăn như các trường hợp khác mà người phạm tội đã có nhiều tiền án tiền sự, có nhân thân xấu.
Người bị hại là người có lỗi với gia đình, bởi vì là chồng, là cha nhưng đã có những hành vi mà pháp luật ngăn cấm và xã hội cũng lên án. Tình trạng bạo lực trong gia đình hiện nay như trường hợp của ông Phan Thế T. là tình trạng đang báo động ở nước ta. Nói như thế không phải cứ có bạo lực trong gia đình là giết người. Tuy nhiên, khi xem xét tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội cũng phải cân nhắc đến để lựa chọn một hình phạt sao cho tương xứng.
Tóm lại, nếu những gì mà báo phản ánh là đúng thì việc áp dụng hình phạt tử hình với Phan Minh Mẫn, theo tôi, là chưa cần thiết.
(Theo Tuổi Trẻ)
,