221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1289057
Xem bóng đá bên giường bệnh
0
Photo
null
Xem bóng đá bên giường bệnh
,

- Trong khi các quán bar, nhà hàng náo nhiệt cùng World Cup thì ở đây, bệnh nhân theo dõi bóng đá trên giường bệnh... Trong những phút giây giành giật sự sống, họ vẫn đầy đam mê môn túc cầu...

Xem bóng đá, thêm tin vào cuộc sống

9 giờ tối tại Bệnh viện K (Hà Nội). Dọc hành lang các phòng bệnh, la liệt người nhà bệnh nhân đang nằm nghỉ hoặc còn loay hoay tìm một chỗ đặt lưng. Ở một góc tối, Nguyễn Văn Quế (quê Thanh Hóa) đang mải theo dõi trận cầu giữa Hàn Quốc và Uruguay qua chiếc đài con cũ kĩ. Không có tai nghe, anh Quế đành vặn tiếng nhỏ nhất có thể, để không làm ảnh hưởng tới những người xung quanh.

fd
Anh Quế
“Trận này không xem thì phí quá. “Thằng” Hàn Quốc chẳng biết cố có vào trong được không"- anh Quế vui vẻ bàn luận khi gặp được người cũng quan tâm tới bóng đá như mình.

“Tôi vào chăm vợ đã hai tuần. Bóng đá thì đàn ông ai chẳng mê, nhưng trong này, ti vi không có, đành “khắc phục” bằng cách này. Cũng không theo dõi hết các trận được, vì nói thật, mệt lắm! Nhiều hôm đang nghe, ngủ gục lúc nào không biết” - anh Quế chia sẻ. Khuôn mặt bịt khẩu trang kín mít chỉ để lộ đôi mắt trũng sâu mệt mỏi.

“Xem cho vui, xem cho quên bớt lo, bớt sợ. Ở trong này, không giữ được tinh thần thì ngay tôi cũng không giữ được sức chứ đừng nói đến bà nhà tôi” - anh thủng thằng tiết lộ cái triết lí giản dị của người đàn ông thương vợ. Hóa ra, bóng đá không giản đơn là một môn thể thao, nó còn khơi thêm niềm tin cho những người như anh.

Tại Khoa Nội ung thư của bệnh viện K, nhiều người đã kéo nhau ra phòng lấy máu- truyền ngồi, nơi duy nhất đặt một chiếc ti vi. Trận đấu đang bước vào những phút gay cấn. Gần hai mươi gương mặt hầu như không còn phân biệt bệnh nhân hay người nhà, tất cả cùng chúi vào những đường bóng.

Anh Hoàng Văn Ngọc - quê Bắc Ninh cười xòa: “Không có tiền vào phòng điều trị tự nguyện nên phải ra đây xem. Chỉ theo dõi được trận này, con trận lúc 1h30 thì đành chịu, hết giờ mở ti vi”. Giọng anh nghe đầy tiếc rẻ. Nhưng dù được xem một trận thì cũng đủ an ủi những người đam mê bóng đá.

Trong căn phòng nhỏ này, chẳng còn phân biệt ai là bệnh nhân, ai là người nhà, ai bệnh nặng, ai bệnh nhẹ. Chỉ còn lại đây niềm vui, niềm phấn khởi khi được xem những pha bóng hấp dẫn. Thi thoảng mọi người lại trầm trồ hoặc ồ lên trước những tình huống gay cấn. “Chỉ nói khẽ thôi, bệnh viện mà!”- anh Ngọc nói.
 
Và những “fan” âm thầm lỡ hẹn

Không có ti vi, không có đài, những người hâm mộ ở nhiều phòng khác đành khắc phục bằng… cách đọc các tờ báo chuyên về bóng đá.

Tại hành lang khu điều trị Ung bướu, một chàng trai trẻ đang chúi mũi vào tờ báo Bóng đá cho bớt thèm. Hoàng- quê Nghệ An ra đây chăm sóc mẹ bị ung thư. Đợi mẹ chợp mắt được chút Hoàng mới ra ngoài nằm.

d
Em Hoàng
Khổ nỗi, ham mê bóng đá, lại phải “ngồi không” giữa lúc trận cầu nảy lửa đang diễn ra, Hoàng không giấu nỗi tiếc nuối: “Đành lỡ hẹn với mùa World Cup này thôi. Nhìn mẹ mệt nhọc trong kia, em không nỡ đi xem ké…”. Hoàng cười cười khoe tờ báo được một bác tốt bụng tặng ban chiều: “Xem cho đỡ… sốt ruột chị ạ”.

Góc hành lang hướng ra ban công đầy gió, một nhóm các chú, các anh đang bàn tán sôi nổi về bóng đá, về World Cup. Đều là những người nông dân chân lấm tay bùn, lại có người thân đang bị bạo bệnh đe dọa, nhưng họ vẫn cố gắng tìm cho mình những niềm vui, niềm lạc quan ở môn thể thao vua.

Anh Nguyễn Văn Kiên (quê Phú Thọ) có con gái đang điều trị chân tình tâm sự: “Dù có được xem thì chắc cũng không toàn tâm, toàn ý mà xem được, vì còn con gái đang đau đớn trong kia, cha nào bóng bánh cho vui được. Nhưng nếu cứ chỉ nghĩ ngợi thì đến mình cũng gục…”.

Hóa ra World Cup lại còn bao ý nghĩa rất khác ở những nơi đặc biệt như thế này. Người ta xem đâu phải chỉ cho vui, đâu phải chỉ cho thỏa những đam mê. Họ còn xem, còn nghĩ về bóng đá, hướng về bóng đá để quên đi những bộn bề của cuộc sống đang chực đánh gục họ…

  • Quỳnh Anh
     

,
Ý kiến của bạn
,
,
,
,