221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1275600
Trái tim vĩ đại của người mẹ nuôi con nuôi tật nguyền
0
Article
null
Trái tim vĩ đại của người mẹ nuôi con nuôi tật nguyền
,


Mẹ dành cuộc đời nuôi con đẻ của mình bị khuyết tật đã đáng quý, dành cả cuộc đời của mình nuôi con nuôi khuyết tật còn đáng cảm phục hơn. Bà là Nguyễn Thị Thảo ở tổ 33 khu 3 phường Cao Thắng, Hạ Long, Quảng Ninh. Gặp bà, hỏi về những năm dài đằng đẵng đó bà bảo rằng : Bà đã không buồn không khóc và chỉ thương yêu.

Ước ao đọng lại

Mô tả ảnh.
“Mẹ Thảo” cười tươi và mãn nguyện với hạnh phúc, đau khổ và cả yêu thương của cuộc đời mình.
Chúng tôi đi tìm bà, người mà những đồng nghiệp của tôi coi như là những minh chứng sống cho sự tồn tại của lòng nhân ái, sự bao dung giữa những thách đố và cả bất hạnh trong cuộc sống.

Nhà bà Thảo ở một con dốc treo leo. Căn nhà hai gian, nằm trên đỉnh một con dốc đẹp, quanh nhà có đủ loại cây cối xanh tốt. Ở đó bà kể về những tháng ngày hồi hộp, đau khổ, sướng vui của đời mình.


Bà lấy chồng sớm, chồng bà là một cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc. Hai người lấy nhau, đắp xây một gia đình hạnh phúc, thế nhưng có một điều trớ trêu là họ lấy nhau suốt 10 năm mà không có con.

Sốt sắng, bà Thảo nhờ bạn bè ở bệnh viện xin cho một đứa con nuôi để chăm bẵm, yêu thương, lấy làm điểm tựa khi về già…“Ngày 12-8-1973 sau một đợt đi công tác về, gia đình đã đặt vào tay tôi, một em bé của những ngày chờ mong, em bé đó bị bỏ lại trên bệnh viện tỉnh, mới được 4 ngày tuổi”, sau tôi đặt tên là Dương Thị Liễu.

“Cái khổ của tôi là cái khổ của một người mẹ nuôi con không có sữa. Tôi dốc những đồng tiền mình có để mua những giọt sữa thời bao cấp để nuôi nựng con, tôi mong chờ con lớn từng giây từng phút. Điều chua xót nhất là nuôi con đếm từng ngày cực nhọc, vậy mà không thấy con nói được, đầu con cứ to ra, hay khóc, mắt nhìn ngược lên trời… Thế là tôi bế con đi khắp nơi khám chữa bệnh, cả những bác sĩ giỏi lẫn những thầy lang khắp các vùng miền. Đi đâu người ta cũng lắc đầu không biết bệnh gì, nói chữa thì không ai dám chữa”.

Mãi đến khi có một giáo sư ở Hà Nội lên Quảng Ninh làm việc, bà bế đứa con mình đi khám, ông Giáo sư bảo: Con của bà bị úng thủy não, một bệnh hiểm nghèo, không thể chữa khỏi.


4 đêm liền sau đó bà ôm con khóc, không ăn không ngủ. Bé Liễu từ đứa bé xinh đẹp, hồng hào mang niềm hi vọng cho bà, nay vì bệnh trở thành khuyết tật, hết hi vọng và còn gieo đôi chút hoang mang.

Thế nhưng bà Thảo lúc này đã nghĩ: “Cứ bi lụy vậy thì không còn sức để nuôi con”. Bà quyết định bật dậy, lau khô những giọt nước mắt, sự rã rời mệt mỏi để cùng con chiến đấu với cuộc sống còn nhiều khó khăn phía trước.

Những cánh cửa của sự hi vọng cứ khép dần lại, chồng bà Thảo lúc này đòi trở về miền Nam sinh sống, muốn đón bà đi cùng, nhưng với yêu cầu là bà phải đem trả bé Liễu tại bệnh viện nơi Liễu sinh ra, hoặc đem Liễu gửi ở một trung tâm khuyết tật.

Lúc đó thêm một lần, bà đã mạnh mẽ dứt khoát: “Một ngày làm mẹ thì nên nghĩa cả đời làm mẹ. Mà chỉ có mẹ chăm con là tốt nhất, nếu cho Liễu lên trung tâm đông người chắc hẳn không chăm tốt bằng tôi ở nhà, con tôi không biết tự ăn, không biết gọi một tiếng mẹ, tôi càng thương con hơn…” Bà từ chối một nơi hạnh phúc, một trốn yên bình mà người vợ nào cũng muốn để ở lại một mình nuôi con khuyết tật, dẫu rằng đứa con ấy với bà không phải máu mủ.

Mô tả ảnh.
Bà Thảo khi trẻ và người con khuyết tật khi nhỏ.
Hồi còn trẻ bà Thảo là một người đàn bà đẹp, ngay trong những bức hình đen trắng chụp và ở tuổi 30 nét đẹp ấy vẫn thật đáng để nhớ: Đôi mắt đen lay láy, cặp lông mày rặm, hai má tròn căng, sống mũi cao… Tất cả những điểm đó kết hợp hài hòa tạo nên một khuôn mặt đẹp đẽ sáng ngời, hẹn hứa một tương lai hạnh phúc. Nhưng, cuộc sống của mẹ lận đận.

Hạnh phúc nhỏ nhoi bây giờ biết lắng lại!

Những tháng ngày sau đó, bà dốc hết sức lực để làm việc và chăm con. Hằng ngày bà địu con trên lưng đi làm, đến cơ quan rải chiếc chiếu ở góc phòng cho con nằm chơi. Tôi hỏi bà rằng, khi vất vả quá có lúc nào bà định bỏ Liễu vào trung tâm không? Bà nhìn tôi nghiêm khắc: Lúc nào bà bỏ Liễu là lúc bà không có trên đời.

Bà kể về những đêm dài bế con đến viện, lúc mắt con bị đục thủy tinh thể, những lúc ở nhà tranh vách đất ọp ẹp… Vất vả, chua chát, cay đắng nhưng chưa lúc nào bà cho phép mình được thỏa hiệp với ý nghĩ “bỏ con đi cho nhẹ nợ”. Bà bảo rằng, mình được là mẹ của Liễu cũng là do số phận, mà người thì khó cưỡng lại được số phận.

Liễu chỉ có thể ngọ nguậy và nói ú ớ, mọi sinh hoạt từ ăn uống, đi vệ sinh đều phụ thuộc hết vào bà. Liễu chỉ biết mang đến niềm vui cho mẹ khi đêm về mệt nhọc. khi thì nắn tay, nắn vai, khi thì ghé gần vào để ủ cho mẹ ấm.

Tôi hỏi bà về hành trình nuôi con dài đằng đẵng, thì bà bảo mình không hề cô đơn, cũng không khóc… Đôi mắt bà biết cười, bà nhìn về con, nhìn về những tấm ảnh thời trẻ, hạnh phúc nhỏ nhoi nhưng bây giờ biết lắng lại và khi phát hiện ra nó, ta lại thấy rằng hạnh phúc đó lớn hơn tất cả.

Nói về người chồng, đã hai lần giục mình bỏ đứa con nuôi, chạy vào Nam sinh sống, bà vẫn rất mực độ lượng. Ông ấy đi một mình, ông ấy có thể lấy vợ, sẽ có con. Thế là có nguồn vui của ông ấy… Khuôn mặt bà bình thản, khi trò chuyện, dù xoáy sâu vào những điều thầm kín nhất, tôi vẫn thấy bà mạch lạc, sáng suốt, mạnh mẽ biết bao.

Lúc bà nhận nuôi Liễu thì bà 37 tuổi, và năm nay Liễu cũng tròn 37 tuổi, như vậy bà bước vào tuổi 74, mái tóc ngả bạc, tuổi già đến bà lại lo cho con nhiều hơn lo cho chính bản thân mình. Bà tính toán kĩ lưỡng: Lúc nào mẹ không chăm được con nữa, mẹ phải nằm xuống vì ốm đau, thì lúc đấy cả hai mẹ con mình cùng vào trung tâm con nhé.

“Mẹ cháu với cháu là máu mủ mà lúc nào mẹ cũng mong cháu chết đi”

Đôi khi những đồng nghiệp của tôi gọi bà là mẹ, đặt tên một phóng sự cũng chỉ vẻn vẹn là “mẹ Thảo”.

Ngồi cạnh tôi, vân vê tà áo, bà kể về những lần gặp gỡ đầy ám ảnh với những đứa con và những người mẹ khác. Có cậu bé đi bán tăm bị khuyết một bên mắt, nó chưa cần nài nỉ, bà đã gọi lại mua. Bà đưa cho cậu cả 10 nghìn và bảo không cần trả lại. Lúc ấy cậu bé mới tần ngần: Sao bà lại cho cháu? Người khác họ thương họ vẫn mua của cháu nhưng họ mặc cả lên xuống, còn bác không mặc cả lại cho thêm…

Bà nhìn cậu bé và bảo: “Bác cũng có một đứa con nuôi nhưng cũng bị khuyết tật, con bác nó lại nằm đấy, nó không biết tự đi như cháu. Nhưng thế hay thế nào thì bác cũng thương hết”. Lúc ấy cậu bé mới trải lòng kể cho bà nghe: Cháu cũng có một người mẹ, mẹ đẻ ra cháu là máu mủ mà lúc nào cũng chỉ mong cháu chết đi.

Lúc ấy bà bảo mình rớm nước mắt, nghĩ ngợi mất nhiều ngày vì những lời trần thuật chân tình của cậu bé. 37 năm nuôi con khuyết tật, đến những ngày tháng của tuổi già kéo tới, trong khi chưa nhận được đền đáp cho những hi sinh của mình, bà vẫn không ân hận. Câu chuyện bà kể vẫn chất chứa thông điệp yêu thương cho những người do kém may mắn mà khuyết thiếu một phần thân thể.

Cách đây vài năm, khi lên chùa thắp hương, bà cũng gặp một cụ già khoảng 80 tuổi, sống nhờ ở chùa. Ban ngày ngày cụ đi hái sim, nhặt củi đem bán lấy tiền mua gạo, ban đêm cụ về ngủ trên một kệ xi măng trong căn phòng ở góc chùa với chiếc màn rách, những lỗ thủng được vá víu chằng chịt bởi những sợi lạt bánh. Mẹ Thảo đến gần hỏi han, thì được biết bà cụ cũng có 8 người con nhưng về già chẳng trông vào ai được, đành bỏ lên nhà chùa xin chỗ ở dựa để kiếm sống… Lúc ấy bà Thảo đã đi xin chiếu, chăn, quần áo rét ở nhiều nơi mang lên cho cụ. Bà bảo rằng: Lúc ấy bà còn nghèo lắm, chỉ giúp được bà cụ đến vậy, và mỗi khi nghĩ đến bà cụ lòng bà nặng nề.

Điều đặc biệt là khi kể những câu chuyện, bà Thảo không hờn trách ai cả. Lặng lẽ chỉ ra cái xấu, điều nhẫn tâm… nhưng lý giải những điều đó bà cho rắng tất cả đều do phúc phận của con người. Và đúng là xã hội đã trở lên thấu đáo hơn khi nhìn bằng con mắt của những người mẹ đã trải qua đau khổ.

Mô tả ảnh.
Những nụ cười lạc quan trên môi của hai mẹ con, tựa vào nhau để sống lạc quan hơn trên đời.
Những ngày này, bà vẫn chăm chị Liễu trong căn nhà trên triền dốc. Bà còn băn khoăn về việc tìm cơ quan đỡ đầu cho chị để khi “nhỡ bà có đi trước” thì chị còn có người chăm. Mùa đông, khô hanh thế mà xung quanh nhà bà, hoa vẫn nở rợp trời. Những màu sắc đó không phải mang màu não nề, không gieo nỗi buồn mà làm ấm lên những con tim, còn tin vào số phận và cố gắng làm nó trở lên lạc quan hơn, hơn nữa.

T.Phan





,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,