- Một viên đạn được tìm thấy ở chân trái trước của cá thể tê giác, sừng của nó bị lấy mất. Cùng với dấu vết trên bộ xương và các ảnh chụp cho thấy cá thể tê giác đã bị bắn chết.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Ngày 27/5, Quỹ bảo tồn động vật hoang dã Thế giới (WWF) đã công bố một vài nghi vấn liên quan đến cái chết của con tê giác một sừng cực kỳ quý hiếm sau khi bộ xương của nó được phát hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên.
Các chuyên gia về Tê giác của WWF xác định có những vết cắt không tự nhiên ở vị trí sừng trên sọ tê giác. Đồng thời, một mảng lớn xương hàm trên cũng đã bị cắt và lấy đi cùng chiếc sừng.
Trước đó, ngày 7/5 trong khi thu thập mẫu phẩm từ xác tê giác để phân tích ADN, tổ công tác của WWF đã phát hiện một viên đạn nằm kẹt trong xương chân của tê giác. Vị trí viên đạn nằm tại chân trái trước của cá thể tê giác.
Sọ của xác tê giác tìm thấy trong rừng Quốc gia Cát Tiên với chiếc sừng bị lấy mất và vết cắt trên sọ. Ảnh: WWF |
Tuy nhiên sau khi phân tích bức ảnh chụp viên đạn lớn ở trong chân con tê giác, ông Craig Bruce, một chuyên gia nhiều năm làm việc trong các khu bảo tồn tê giác thế giới cho rằng: “Bức ảnh phóng to và theo mô tả của những người có mặt tại hiện trường cho thấy cá thể tê giác này đã bị thương nặng trước khi chết. Một viên đạn khá to găm vào xương hiển nhiên không thể coi là vết thương nhẹ phần mềm. Không tính tới yếu tố tuổi, viên đạn cắm trong xương và chiếc sừng bị lấy đi có thể coi là bằng chứng cho thấy cá thể tê giác này bị săn trộm để lấy sừng”.
Cá thể tê giác một sừng quý hiếm. Ảnh: rhinoresourcecenter.com |
Cũng theo chuyên gia này, hiếm có trường hợp sừng tê giác vô tình bị lấy đi sau khi nó chết tự nhiên. Thông thường, 98% trường hợp tìm thấy tê giác bị mất sừng là do con người giết trộm để lấy sừng. Và các vết cắt trên sọ càng chứng minh điều này. Ngoài ra, nhiều khả năng chứng cứ vết đạn trên xương chỉ là một trong số các vết đạn đã gây ra cái chết cho cá thể tê giác, ông Craig Bruce dẫn chứng thêm.
Trước đó, ngày 29/4 lực lượng kiểm lâm trạm Kiểm lâm Gia Viễn phát hiện 1 bộ xương lạ tại tiểu khu 513 - trên khu vực Cát Lộc do Vườn quốc gia Cát Tiên quản lý. Kết quả điều tra từ các mẫu xương, mẫu phân và dấu vết còn lại ở hiện trường cho thấy xác bộ xương là của cá thể tê giác 1 sừng (Rhinoceros sondaicus) rất quý hiếm.
Hiện các cơ quan chức năng đang điều tra làm rõ sự việc.
-
T.Phương