- Theo Thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc Công an Hà Nội: tới đây có thể tiếp tục sử dụng cảnh sát giao thông (CSGT) hóa trang để phát hiện, ngăn ngừa hành vi phạm giao thông.
Bên lề Hội nghị triển khai Nghị định 34 của Chính phủ do liên ngành Công an, giao thông thành phố Hà Nội tổ chức chiều 19/5, Thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh trao đổi với báo chí.
CSGT hóa trang phải mang băng đỏ
- Nhiều người lo ngại, khi tăng mức xử phạt, sẽ có nhiều người vi phạm ”dúi” tiền cho CSGT để không bị lập biên bản phạt nặng. Công an thành phố có biện pháp gì để hạn chế điều này?
Chúng tôi có thanh tra đặc biệt, kiểm tra đặc biệt, có đường dây nóng, rồi báo chí giám sát… Nhưng tôi nghĩ thế này, hành vi dân đã vi phạm, lại đưa tiền cho cảnh sát, không nộp phạt, không cần biên lai, tạo điều kiện cho cảnh sát nhũng nhiễu cần được lên án.
Còn Ban Giám đốc công an thành phố có quan điểm rằng, phát hiện hành vi của cảnh sát nhũng nhiễu, lợi dụng điều đó để tiêu cực sẽ bị xử lý nghiêm.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh Ảnh:C.Hiếu
Ngoài ra, chúng tôi đang đề nghị Chính phủ tăng mức bồi dưỡng cho anh em làm nhiệm vụ để nâng cao mức sống cho anh em.
- Thưa ông, mới đây Công an thành phố có đồng ý cho CSGT hóa trang trong một số chuyên đề gây sự chú ý của dư luận. Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của phương án này và tới đây, khi ra quân xử phạt theo Nghị định 34 có tiếp tục?
CSGT hóa trang phải phối hợp chặt chẽ với các đồng chí CSGt công khai trong một tổ, như 1 đồng chí hóa trang phải đi kèm 2, 3 đồng chí không hóa trang, nhưng CSGT hóa trang phải mang băng đỏ.
Lực lượng hóa trang chỉ làm nhiệm vụ phát hiện vi phạm, còn lập biên bản sẽ do lực lượng công khai thực hiện. Tôi cho rằng, lực lượng này nếu làm chặt chẽ thì rất tốt. Và chắc chắn các hành vi chống người thi hành công vụ, đua xe, bỏ chạy sẽ giảm thiểu vì các đối tượng này khi phát hiện CSGT thường bỏ chạy, nên lực lượng này dễ ngăn chặn hơn.
Trong kế hoạch của công an thành phố quy định trách nhiệm, nghĩa vụ chặt chẽ, nếu ai lợi dụng việc hóa trang để vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.
Khi thực hiện điều này chúng tôi đã lường trước các đối tượng hình sự lợi dụng hóa trang để chặn xe, tiêu cực. Đã giao cảnh sát hình sự, các trinh sát phát hiện, phối hợp xử lý.
Phạt nặng: ùn tắc, tai nạn giảm?
- Tăng mức phạt áp dụng từ ngày mai, liệu ông có nghĩ tai nạn, ùn tắc giao thông của Hà Nội thời gian tới sẽ giảm?
Tăng mức phạt giao thông chúng tôi đề xuất nhiều lần, từ lâu. Nhưng giải quyết vấn đề giao thông Hà Nội không chỉ có xử phạt mà cần nhiều giải pháp: luật pháp, hạ tầng, giao thông công cộng...
Cho nên không thể nói giải pháp này làm toàn bộ giao thông Hà Nội tốt hẳn ngay được. Không ai đặt vấn đề thế cả. Đây chỉ là một trong các giải pháp, chứ không thể giải quyết ngay tức khắc.
Nhưng tôi tin, nếu các lực lượng triển khai triệt để thì giảm ùn tắc và tai nạn và chắc chắn nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân, bởi lẽ, có lỗi nâng mức phạt 2-5 lần, có lỗi tăng đến 10 lần.
Tôi nói giảm vì không ai muốn mất tiền cả, không ai muốn vi phạm cả. Còn cố tình vi phạm bị phạt nặng họ cũng sợ chứ!
CSGT Hà Nội xử lý vi phạm giao thông - Ảnh: C.Hiếu |
- Vừa qua có tình trạng dân phòng ở Hà Nội chặn xe người vi phạm, tới đây khi huy động nhiều lực lượng vào để xử phạt theo Nghị định 34, lực lượng dân phòng có quyền xử phạt, chặn xe không?
Thẩm quyền được xử phạt, giám sát, lực lượng nào phát hiện... đã được quy định. Dân phòng chỉ được quyền dừng xe, chứ không được xử phạt. Dân phòng chỉ hỗ trợ chứ không làm thay chho các lực lượng cảnh sát.
Ví dụ một vi phạm không thể mỗi ông cảnh sát trật tự truy đuổi mà phải có dân phòng chặn đầu chặn đuôi, như thế mới hỗ trợ, chứ đừng trên vỉa hè thì còn gì là hỗ trợ nữa. Nhưng đến khi lập biên bản xử phạt thì phải CSGT, cảnh sát trật tự hay công an phường chứ dân phòng không được xử phạt.
- Thời gian qua có tình trạng CSGT ”e ngại” xử lý phạt giờ cao điểm sẽ có nguy cơ gây ùn tắc giao thông, đợt cao điểm này có phương án gì vừa xử lý được lại vừa tránh nguy cơ ùn tắc?
Công an thành phố giao CSGT khi giờ cao điểm phải tập trung hướng dẫn giao thông, phân luồng là chính, ví dụ khi lưu lượng giao thông lớn mà anh lại chăm chăm bắt một người không đội mũ bảo hiểm, lập biên bản, rồi xử phạt... thì không đủ lực lượng, nên phải ưu tiên việc lớn hơn, quan trọng hơn. Tất nhiên khi phát hiện vi phạm nghiêm trọng vẫn phải xử lý.
Nên không hề có chuyện "e ngại" mà thực ra lúc ấy phương tiện lớn thì buộc anh em tập trung phân luồng, giải tỏa giao thông. Những lúc ấy đôi khi có người vi phạm, có lỗi xẩy ra nhưng anh e phải ưu tiên cái lớn hơn, quan trọng hơn.
Xin cám ơn ông!
-
Chí Hiếu (ghi)