221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1279910
Cả xóm nghèo bàng hoàng ngày trở thành... tỷ phú
0
Article
null
Cả xóm nghèo bàng hoàng ngày trở thành... tỷ phú
,

- Cho đến tận hôm nay, cả xóm Thượng thuộc thôn Khê Tang, xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội vẫn chưa thể nào quên cái ngày mà cả xóm trở thành tỉ phú. Nhà nhà, người người "may túi ba gang" ra ủy ban xã lĩnh tiền đền bù đất. Ai có trí tưởng tượng phong phú nhất cũng chẳng thể mơ mình trở thành tỉ phú nhanh đến thế và có nhiều tỉ đến thế. Cả xóm vỏn vẹn có 300 hộ nhưng tiền đền bù lên đến hơn 800 tỷ, một số tiền quá lớn đối với một làng quê thuần túy nông nghiệp…

Cả xóm thành tỷ phú

Chuyện đền bù đất do nhà nước mở đường, hay các khu đô thị… chẳng còn xa lạ gì đối với Việt Nam khi trong mấy năm qua, quá trình đô thị hóa ngày càng diễn ra mạnh mẽ.

Và một số làng quê vốn chỉ sống thuần túy bằng nông nghiệp bỗng chốc lại trở nên quá giầu. Bên cạnh sự bàng hoàng vì mình có quá nhiều tiền còn có cả chuyện loay hoay không biết làm gì với số tiền to đến như vậy.

d
Đường vào thôn Thượng hôm nay đã lấp ló nhiều nhà cao tầng đang xây dở
Dự án xây dựng tuyến đường mới nối từ thị xã Hà Đông đi xuyên qua các huyện phía nam Hà Tây cũ (nay là thành phố Hà Nội) đi vào thi công. Cuộc sống của người dân xã Cự Khê ( huyện Thanh Oai, Hà Nội) quay ngoắt 180 độ.

Tuyến đường này kết nối với quốc lộ 1A, liên thông với đường vành đai 4, đường Lê Trọng Tấn. Chính việc hình thành tuyến đường đã tạo động lực phát triển kinh tế, là cơ sở hình thành các khu công nghiệp, khu đô thị mới. Cự Khê là một trong những xã mà tuyến đường này chạy qua và nằm gọn trong dự án khu đô thị Thanh Hà – CIENCO 5.

Theo thông kê thì cả xóm Thượng có khoảng 1.200 nhân khẩu, 300 hộ gia đình. Cứ mỗi nhân khẩu sinh từ năm 1982 trở về trước có 3 sào bắc bộ, từ năm 1982 đến 1992 mỗi nhân khẩu được 1 sào 12 thước. Trong đó, mỗi sào bắc bộ tại khu vực này được đền bù lên đến 352 triệu đồng (sở dĩ có mức đền bù cao là do đây là khu vực giáp gianh với khu vực nội thành).

Với số nhân khẩu, số đất nông nghiệp và mức tiền đền bù như vậy thì cả xóm Thượng nhận tới hơn 760 tỉ đồng (theo thống kê của hội đồng giải phóng mặt bằng huyện Thanh Oai).

Tuy nhiên, số tiền được đền bù 760 tỷ chỉ là phần nổi. Nhờ có tuyến đường và khu đô thị Thanh Hà – Cienco5 nên đất thổ cư đắt hơn bao giờ hết, trước đây chỉ vài ba triệu/m2 nhưng nay đã lên tới 27 đến 30 triệu/m2.

Ông Vũ Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Cự Khê– phụ trách giải phóng mặt bằng cho biết: “Không thể tưởng tượng được mức tiền đền bù nhiều đến thế! Điều lo ngại nhất ở đây là việc sử dụng đồng tiền như thế nào cho hợp lý. Tấm gương của nhiều địa phương vẫn còn đó…”.

“Hai năm nữa mới biết ai giàu ai nghèo!”

Sau lời mời của một anh bạn học phổ thông, tôi có cơ hội được vào ngôi làng tỷ phú và được chứng kiến sự đổi thay đến chóng mặt nơi đây.

Chỉ vài tháng trước đây thôi, anh bạn tôi tên H. vẫn là một anh “giai quê” chuyên bán cá, tôm tại các chợ tạm. Cuộc sống khá khó khăn, bố mất sớm, anh phải bỏ học giữa chừng để tìm kế sinh nhai.

d
Xóm Thượng như một "đại công trường", nhiều ngôi nhà cũ bị đập bỏ và các ngôi nhà cao tầng mọc lên
Năm 18 tuổi anh lấy vợ và sinh một mạch 2 mụn con. Đã hơn 10 năm từ ngày quen H., chưa bao giờ tôi thấy... thần sắc anh tốt đến thế, cách nói chuyện cũng khác đi rất nhiều. Anh không còn rụt rè, ngài ngại khi nói đến chuyên tiêu xài nữa.

Bước vào cổng nhà H. đã thấy ngổn ngang vật liệu xây dựng. Nhà H. vừa phá ngôi nhà cổ cha ông để lại để xây một ngôi biệt thự 4 tầng. “Ông thông cảm, nhà đang xây ngổn ngang quá!” - H. niềm nở nói.

Bạn bè cũ chưa kịp hàn huyên thì hàng loạt những câu chuyện xoay quanh ngôi nhà đang xây, tiền được đền bù của gia đình H. và xóm Thượng được anh kể một cách hào hứng. “Nhà được đền bù nhiều không?”, H. trả lời thản nhiên: “Được có 5 tỷ bọ! Ở đây thế là bình thường đấy! Có hộ còn được hơn 9 tỉ cơ mà”. Qua cách nói chuyện của H., thì bạc tỉ ở nơi đây nó nhẹ nhàng, bọt bèo quá...

Bước vào xóm Thượng nay như vào một "đại công trường". Ô tô, công nông chở vật liệu xây dựng quần suốt ngày đêm không kể nắng mưa. Khắp đầu đường cuối ngõ đâu cũng ngổn ngang gạch, cát.

Theo thống kê hiện nay, cả xóm có khoảng 50 hộ đang xây dựng nhà mới (toàn biệt thự 3 tầng trở lên), 20 hộ sửa lại nhà và hàng chục hàng quán mới được mở.

Trước đây, xe máy tay ga là loại phương tiện hiếm hoi, liệt vào hạng sang trọng của làng thì nay gần như gia đình nào cũng sở hữu ít nhất là 1 chiềc, có nhà có đến vài ba chiếc.

Câu chuyện của ông B. tại xóm Thượng đang trở thành câu chuyện "hot" nhất mà mọi người truyền nhau kể. Ông B. vốn là nông dân thuần túy, suốt ngày đầu tắt mặt tối với ruộng đồng. Sau khi nhận được tiền đền bù đất, ông quyết định mua cho 3 con mỗi người 1 chiếc xe máy Air Blade xịn.

Với bộ dạng nhếch nhác của mình, chẳng ai nghĩ ông có đủ tiền mua xe máy, hơn nữa ông không chỉ hỏi mua 1 cái mà còn mua đến 3 cái. Chủ cửa hàng không tin, nghĩ "ông này có vấn đề về thần kinh" nên không bán.
Tự ái, ông sang cửa hàng khác ngay bên cạnh.

Hôm đó cả khu phố đều ngã ngửa vì đại gia chân đất, trong chớp mắt ẵm cả 3 con xe Air Blade xịn về nhà.

Còn có rất nhiều chuyện đổi thay đang xảy ra ở đây. Ông T. thì tự hào mình là một trong những người dân xóm Thượng ở xới gà chọi có thể "hô" thật to, bắt độ thật nặng ga mà không cần nghĩ tới chuyện "quay tiền" trả nếu thua.

Nay dân cờ bạc, cá độ xới chọi gà ai cũng biết ông T. với chiếc Dream mới tinh và tiền mang theo cả buộc. Khi được nhận tiền đền bù đất, ông quyết định mua cho vợ con mỗi người một cái két bạc với lý do: “Tiền của ai nấy tiêu, tiền tôi, tôi tiêu cho sướng…!”. Khi đem tiền đi gửi ngân hàng thì mỗi người một sổ không ai liên quan đến ai.

Thấy dân trong xóm đồn ông có con gà chọi dân chơi trả đến 30 triệu nhưng ông không bán. Khách đến nhà hỏi mua ông đều "văng" một câu lạnh tanh: “Trước đây 30 triệu với tôi là cả một gia tài, nhưng giờ nó chẳng là cái gì cả, bán làm gì...”.

"Được cá, mất cần"

Sau khi dân xóm Thượng nhận được tiền đền bù đất, UBND xã Cự Khê có tổ chức 2 cuộc họp. Nội dung các cuộc họp này là kêu gọi bà con trong xóm nên tiết kiệm và không phá hủy ngôi nhà đang ở (còn giá trị sử dụng) để xây nhà mới.

Tuy nhiên, việc này rất khó khăn. Ông Vũ Văn Kim - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Cự Khê cho biết: “Việc này quả thật rất khó, vì tiền trong tay họ, hơn nữa có cả đống tiền như vậy, mua xe rồi chẳng biết làm gì nữa nên đua nhau xây nhà”.

d
"Họ vừa bị bẻ gãy mất chiếc cần câu mà bao đời nay cha ông mình vẫn dùng để mưu sinh..."
Ông Kim lại tiếp lời tỏ vẻ gay gắt: "Nhà ông M. xóm Thượng đấy, một ngày ông ý cho động thổ khởi công xây những 3 cái nhà cho 3 thằng con...”. Ông Kim buồn buồn gạt tàn thuốc lá và nói: “Chỉ 2 năm nữa mới biết ai giàu, ai nghèo chú à!”.

Ông Lê Đức Vinh, Trưởng thôn Thượng cho biết: “Chuyện xây nhà là dĩ nhiên, ai có tiền mà không muốn xây nhà. Ở đây nhà nào cũng vậy, có bao nhiêu thằng con trai là xây từng đó cái nhà”.

“Đấy, nhà ông L.D.T. đó, có 3 thằng con nay ông cũng đang thi công 3 ngôi nhà. Cũng đang trong giai đoạn hoàn thiện rồi”.

Có người ví von, cả xóm Thượng như được "biếu" một con cá khổng lồ, họ đang vui mừng mổ xẻ từng thớ thịt để hưởng thụ. Nhưng họ đâu biết rằng, con cá dù to đến mấy rồi cũng sẽ hết nếu chỉ có hưởng thụ, không chịu lao động tiếp...

  • Quang Anh

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,