221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1264111
Tự tử để đối phó tòa
0
Article
null
Tự tử để đối phó tòa
,

Để gây áp lực với tòa, nhiều bị cáo sẵn sàng áp dụng khổ nhục kế. Dù vậy, họ chỉ có thể làm cho tiến trình xử án bị chậm lại chứ không thể thoát tội khi chứng cứ đã rõ…Dù đã tính toán nhiều biện pháp phòng ngừa, ứng phó nhưng thực tế vẫn có những tình huống mà cơ quan tố tụng không thể lường trước.

Uống thuốc ngủ, thuốc trừ sâu

Tháng 7-2009, trong một phiên xử lưu động, khi TAND huyện Châu Đức (Bà Rịa-Vũng Tàu) bước ra chuẩn bị tuyên án, bất ngờ bị cáo Lê Văn Hòa moi từ túi quần ra một vốc thuốc ngủ nuốt ừng ực. Lập tức phiên tòa phải dừng lại để cảnh sát áp giải đưa Hòa đi súc ruột.

Trước đó, Hòa xin đi vệ sinh, quay vào thì xảy ra sự cố. Khám túi quần Hòa, công an còn thu giữ thêm một số viên thuốc khác.

Mô tả ảnh.
Tự tử để đối phó với toà. (Ảnh minh hoạ)

Hòa bị truy tố về tội cướp tài sản vì chặn đường đánh nạn nhân rồi lấy đi chiếc xe đạp điện. Tại tòa, Hòa kêu rằng mình chỉ có ý đánh dằn mặt bạn gái của vợ vì hay rủ rê vợ đi chơi qua đêm. Theo luật, hành vi dùng cây đánh người rồi lấy xe nạn nhân của Hòa đã thỏa mãn dấu hiệu của tội cướp tài sản. Sau khi được giải thích, tại phiên xử mở lại một tháng sau, Hòa đã chấp nhận tội danh và mức án 5 năm tù.

Tháng 4-2007, khi TAND TP Đà Nẵng đang thẩm vấn, bất đồng với bản cáo trạng truy tố mình về tội cố ý gây thương tích, bị cáo Nguyễn Thanh Châu đã rút từ trong túi ra một chai thuốc trừ sâu uống cạn. Bị cáo cũng được đưa đi cấp cứu và nửa ngày sau đã tỉnh táo trở lại.

Sau đó trong phiên xử lại, TAND TP Đà Nẵng đã tuyên phạt bị cáo một năm tù treo về tội cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng và buộc bồi thường cho nạn nhân hơn 3 triệu đồng.

Phi thân nhảy lầu

Đầu năm 2007, hỏi vay tiền không được, Võ Công Hoàng đã bóp cổ một cô gái lấy trang sức, tiền, điện thoại di động rồi đốt xác phi tang.

Xử sơ thẩm, TAND tỉnh Đồng Nai phạt Hoàng án tử hình. Hoàng kháng cáo xin giảm nhẹ. Tháng 4-2008, lúc tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM tuyên y án, Hoàng cũng cúi đầu chấp nhận. Tuy nhiên, khi cảnh sát áp giải đưa Hoàng về trại giam, bất ngờ Hoàng phóng người qua cửa sổ trụ sở tòa toan nhảy lầu tự tử. Do chân bị xích, tay bị còng nên Hoàng được cảnh sát tư pháp áp giải kịp thời túm lại trong tích tắc.

Tháng 6-2009, trong lúc ngồi chờ xử phúc thẩm, Lê Nguyên Trẻ cũng đột ngột phi người lên vòm cửa sổ hành lang tầng hai định lao mình xuống sân tòa. Tay bị còng, hai chân mang dép lê nên cú phi thân của Trẻ bị thất bại. Cảnh sát phải lôi Trẻ từ ngoài cửa sổ vào rồi còng chân theo lệnh của chủ tọa phiên xử.

Suốt thời gian tòa xử, Trẻ bình thường trở lại, nhận tội và xin giảm án. Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã y án tử hình đối với Trẻ bởi hành vi phạm tội quá dã man, mất nhân tính. Trước đó, Trẻ đã dùng dao cứa cổ hai nạn nhân thuê phòng trọ kế bên để lấy tài sản...

Đập đầu tự tử

Bị cáo Lê Văn Tâm làm nghề cạo mủ sao su, ở chung nhà với gia đình một bé gái sinh năm 2000. Tháng 7-2006, lợi dụng lúc mẹ cháu bé ngủ say, Tâm bồng cháu vào phòng khác giở trò đồi bại. Nghe con kể lại, gia đình chủ nhà báo công an và Tâm bị bắt.

Sau khi bị TAND tỉnh Bình Dương phạt 12 năm tù về tội hiếp dâm trẻ em, Tâm kháng cáo kêu oan. Tháng 3-2008, khi tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đang bác bỏ việc kêu oan thì Tâm lao đầu vào cạnh bàn của tòa. Sau khi chở đi cấp cứu, băng bó vết thương ở đầu, công an áp giải Tâm về trại quản lý, theo dõi tiếp. Cuối cùng, vì chứng cứ đã quá rõ, tòa phúc thẩm vẫn tuyên y án đối với Tâm.

Hai tháng sau lại xảy ra một vụ tương tự tại TAND huyện Châu Đức (Bà Rịa-Vũng Tàu). Theo hồ sơ, sáu bị cáo bị truy tố vì gây ra 18 vụ trộm xe máy. Ở phiên sơ thẩm, các bị cáo kêu oan nhưng tòa vẫn lần lượt phạt từ hai đến bốn năm tù. Tháng 9-2007, xử phúc thẩm, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hủy án sơ thẩm. Tại phiên sơ thẩm lần hai, các bị cáo lại đồng loạt kêu oan và hai trong số đó đã đập đầu vào vành móng ngựa gây áp lực...

Tòa phải có bản lĩnh

Có lần một bị cáo dọa là sẽ nhảy lầu tự tử nếu bị tuyên án nặng. Tôi tuyên bố thẳng là bị cáo có nhảy lầu chết đi chăng nữa thì tòa cũng không bị tội đâu mà dọa. Vì pháp luật người ta phải tìm hiểu cặn kẽ nguồn gốc cái chết của bị cáo chứ không phải cứ bị cáo chết là tòa có tội đâu. Cuối cùng bị cáo này không còn có thái độ chống cự nữa.

Theo tôi, những hành vi tự tử hay đe dọa tự tử là những hiện tượng văn hóa pháp đình không lành mạnh, cần phải tìm mọi cách ngăn chặn. Tòa trấn áp trực tiếp và hiệu quả nhất những chuyện này vì chỉ khi ra tòa, trước mặt đông người, các bị cáo mới như vậy. Tòa phải nắm bắt tình hình để khống chế, không tạo điều kiện cho chúng xảy ra.

Thẩm phán Nguyễn Thanh Tùng Chánh án TAND tỉnh Bình Dương

Nắm vững kỹ năng

Việc thẩm phán, kiểm sát viên nắm vững kiến thức, kỹ năng về tâm lý tư pháp là yếu tố quan trọng để ngăn ngừa chuyện bị can, bị cáo manh động tại tòa. Họ cần phải theo dõi, nắm vững diễn biến tâm lý của những người tham gia tố tụng để xử lý tình huống khéo léo, không để đương sự rơi vào trạng thái kích động. Nếu đương sự bị kích động hoặc có biểu hiện lạ thì cán bộ tòa cần chủ động có giải pháp hợp lý làm giảm sự kích động đó. Ngoài ra, nếu biết trước phiên xử nào bị cáo có khả năng manh động cao thì cần chủ động yêu cầu lực lượng cảnh sát tư pháp hỗ trợ trong tinh thần cảnh giác cao.

Thạc sĩ Phan Anh Tuấn, giảng viên Trường Đại học Luật TP.HCM

Nâng chất cảnh sát tư pháp

Việc xây dựng lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp chính quy là quan trọng. Nhưng cần luật hóa chức năng, nhiệm vụ của chức danh này để thành một kiểu chuyên nghiệp, hỗ trợ hiệu quả cho cơ quan tố tụng.

Theo tôi, chức danh cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp phải được đào tạo độc lập, rộng rãi như các chức danh thẩm phán, luật sư, kiểm sát viên. Khi ấy không chỉ văn hóa pháp đình, trật tự phiên tòa được đảm bảo mà luật sư và người tham gia phiên tòa cũng thấy an tâm hơn.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Hằng, Học viện Tư pháp

(Theo Pháp luật Tp HCM)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,