221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1261496
Sinh viên "bất ngờ" khi thấy bảo vệ trường mang súng
1
Article
null
TP.HCM:
Sinh viên 'bất ngờ' khi thấy bảo vệ trường mang súng
,

- Nhiều SV ĐH Tôn Đức Thắng (98 Ngô Tất Tố, P.19, quận Bình Thạnh, TP.HCM) “vô cùng bất ngờ” khi thấy bảo vệ trường đeo súng ngang hông mặc dù trong trường không xảy ra chuyện gì.

Phản ánh qua đường dây nóng của VietNamNet, N.V, SV ĐH Tôn Đức Thắng cho biết, vào ngày 1/2, V. thấy nhân viên bảo vệ tại trường được trang bị súng trong quá trình làm việc. “Em không biết có chuyện gì nhưng em thấy 1 trong 2 bảo vệ trường em đang đeo một khẩu súng ở thắt lưng (kiểu súng lục). Em thực sự không tin nổi khi nhìn điều trên”- V. cho biết.

PV VietNamNet đã có mặt tại ĐH Tôn Đức Thắng và ghi nhận những phản ánh nói trên. Theo quan sát của chúng tôi, đến ngày 2/2, tại khu vực cổng trường luôn thường trực một bảo vệ giắt súng bên thắt lưng. Súng được bọc trong bao da và luôn đeo bên mình nhân viên bảo vệ trong suốt quá trình làm việc.

Nhân viên bảo vệ ĐH Tôn Đức Thắng và khẩu súng đeo bên hông. Ảnh: Đàm Đệ


Trao đổi về vấn đề này, một lãnh đạo của ĐH Tôn Đức Thắng (yêu cầu không nêu tên) xác nhận: Việc bảo vệ của trường trang bị súng công cụ hỗ trợ là hợp pháp, theo đúng các quy định của Nhà nước.

Trong ngày 2/2, ông C., Đội trưởng đội bảo vệ của ĐH Tôn Đức Thắng cũng đã cho VietNamNet xem 3 giấy phép sử dụng súng của trường này do Công an TP.HCM cấp và 1 giấy phép khác sử dụng roi điện.

Ông C. cho biết, trường trang bị roi điện từ mấy năm qua. Trong năm 2009 vì có nhu cầu bảo vệ cơ sở vật chất và việc xây dựng trụ sở mới của trường tại phường Tân Phong, Q.7 (TP.HCM) có nhiều phức tạp nên trường đã được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp các giấy phép sử dụng 3 khẩu súng công cụ hỗ trợ theo đề nghị của Ban Giám hiệu nhà trường.

Ông C. xác nhận thêm, nhân viên bảo vệ của trường luôn mang theo súng công cụ hỗ trợ để làm nhiệm vụ và bảo dưỡng, quản lý rất kỹ càng.

Cùng ngày, trao đổi với VietNamNet, ông Đỗ Quốc Anh, Vụ trưởng, Giám đốc cơ quan đại diện Văn phòng phía Nam Bộ Giáo dục và Đào tạo tại TP.HCM cho biết: ĐH Tôn Đức Thắng không thuộc quyền quản lý của Bộ. Nhưng đến nay, Bộ vẫn chưa có một quy định cụ thể nào về việc bảo vệ trường đại học có được sử dụng súng hay không. Tuy nhiên, ông bình luận chắc chắn đây không thể là súng quân dụng mà là các loại súng hỗ trợ được cấp phép. “Dù vậy, có phép hay không thì việc mang súng trong trường cũng gây phản cảm”- ông Quốc Anh nói.

Chúng tôi cũng đã liên hệ với Văn phòng 2 của Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam tại TP.HCM, cơ qua chủ quản của ĐH Tôn Đức Thắng để tìm hiểu sự việc. Tuy nhiên, nhân viên ở đây cho biết Văn phòng 2 không quản lý trực tiếp ĐH Tôn Đức Thắng. Việc này của Tổng Liên đoàn.

Được biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phát động phong trào xây dựng môi trường trường học thân thiện.

“Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ được trang bị các loại công cụ hỗ trợ: gậy cao su, gậy sắt, roi cao su, roi điện. Căn cứ vào số lượng nhân viên dịch vụ bảo vệ và yêu cầu thực tế, doanh nghiệp làm văn bản gửi cơ quan công an đã cấp giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự để đề nghị cấp giấy phép mua công cụ hỗ trợ, trong đó nêu rõ số lượng, chủng loại công cụ hỗ trợ cần được trang bị…”.
(Trích Thông tư số 45/2009/TT-BCA (C11) về việc hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 52/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2008 về quản lý kinh doanh dịch vụ bảo vệ).

Khoản 3, Điều 8 Nghị định 52/2008/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý kinh doanh dịch vụ bảo vệ quy định các hành vi bị cấm như sau:
a) Tiến hành các hoạt động vũ trang, hoạt động điều tra, thám tử tư dưới mọi hình thức.

b) Thực hiện hoặc thông qua người khác thực hiện các hành vi xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, quyền tự do cá nhân và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của tổ chức, cá nhân.

c) Sử dụng nhân viên dịch vụ bảo vệ chưa qua đào tạo, chưa được cấp chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ.

d) Sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực nhằm mục đích đe dọa, cản trở, gây khó khăn cho hoạt động bình thường của tổ chức, cá nhân hoặc xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

đ) Thực hiện các hành vi vượt quá giới hạn cho phép của pháp luật hoặc vượt quá nội dung hợp pháp đã thoả thuận trong hợp đồng dịch vụ bảo vệ.

e) Trang bị, sử dụng trái phép các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ.

g) Sử dụng trang phục, phù hiệu có hình thức, màu sắc tương tự trang phục, phù hiệu của các lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân; trang phục, phù hiệu không phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hoá của dân tộc.

h) Hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ khi chưa có Giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự do cơ quan Công an có thẩm quyền cấp hoặc có giấy xác nhận này nhưng đã bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi.

  • Đàm Đệ - Nguyễn Bằng
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,