- Lê Thanh Chót lĩnh án 19 năm tù giam với tội danh giết người khi gây ra cái chết thương tâm cho Đoàn Thị Hà - người tình của Chót. Vụ án giết người của Lê Thanh Chót xảy ra vào tháng 5/2009 khiến cả thị xã Tam Điệp (Ninh Bình) đến giờ vẫn chưa hết xôn xao. Xôn xao về sự tàn nhẫn và nông nổi của thủ phạm, về một tình yêu mù quáng đã khiến cho số phận của nhiều gia đình trở thành bi kịch.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Hận tình mù quáng
Ngày 8/5/2009, xác của chị Đoàn Thị Hà (công nhân nhà máy xi măng Tam Điệp) được phát hiện tại một bãi đá trên địa bàn phường Nam Sơn, thị xã Tam Điệp. Nạn nhân chết do bị thắt cổ dẫn đến ngạt thở. Chỉ hai ngày sau, các trinh sát đã bắt được thủ phạm Lê Thanh Chót đang tự tử tại nhà riêng, trên tường là dòng chữ viết bằng máu: “Tôi giết Hà”. Đến lúc tỉnh dậy, trong sự hoảng loạn và đau đớn, người đàn ông ấy bật khóc nói: “Tôi đã giết chết người phụ nữ tôi mê”.
Phạm nhân Lê Thanh Chót (Ảnh: Lan Hương) |
Đến tận lúc này, ngồi nói chuyện với tôi trong trại giam, chính anh cũng chưa hết bàng hoàng: “Từ lúc quen cô ấy đến lúc vụ án xảy ra, chỉ trong hai năm, tôi đã tiêu hết gần 1 tỷ đồng. Lúc bị công an bắt, tôi chỉ còn lại chưa đến 2 triệu đồng và một cái xác nhà trống rỗng. Tôi đã mê cô ấy đến mức mà chính tôi cũng không kiểm soát được, sẵn sàng dâng tặng cô ấy cả cuộc đời tôi. Mối quan hệ đó đã khiến tôi tự huỷ hoại cuộc đời mình”.
Tôi có hỏi Lê Thanh Chót cái gì đã khiến anh say mê người phụ nữ đó đến mức sẵn sàng ruồng bỏ cả gia đình, anh bần thần nhớ lại: “Cô ấy đẹp, duyên dáng, khéo léo và chiều chuộng mọi nhu cầu của tôi. Mỗi lần tôi tặng một món quà nào đó cho cô ấy, ánh mắt cô ấy thường long lanh hạnh phúc”. Những cái đó, người vợ chất phác, thật thà, chịu thương chịu khó của Chót không có được. Bạn bè khuyên bảo anh không được, người thân nói anh cũng chẳng nghe.
Chị Nguyễn Thị Dung, vợ anh, khi biết không thể khuyên nhủ được chồng đã sẵn sàng chấp nhận sống cảnh “chồng chung” vì không muốn gia đình tan nát. Nhưng Chót vẫn một mực đòi bỏ vợ, bỏ con để về sống với Đoàn Thị Hà, vì như lời Chót nói, anh muốn dành trọn vẹn tình yêu của mình cho chị ta, cùng chị ta vun đắp một mái ấm thiên thần. “Nhưng một tuần trước khi hai vợ chồng tôi hoàn tất thủ tục li dị, cô ấy nói không còn muốn yêu và lấy tôi nữa".
Chiều hôm đó khi về ngôi nhà trống rỗng của mình, nhận ra mình chỉ còn hai bàn tay trắng, vợ con thì đã bỏ đi, đó chính là lúc Chót quyết định giết người phụ nữ mà tôi đã mê đến mê muội, điên cuồng.
Sau khi gây án, Lê Thanh Chót đã tự tử, mà không chết. “Có lẽ là vì tôi bị giời đày, hoặc có thể linh hồn cô ấy dưới suối vàng muốn tôi phải sống để trả giá và dằn vặt đến cuối đời” – Chót kể lại.
Trong hồ sơ của công an, sau khi gây án, Chót đã vào một nhà nghỉ, uống thuốc ngủ tự tử nhưng không chết. Sáng hôm sau tỉnh lại, thấy mình vẫn còn sống, Chót về nhà, viết thư cho gia đình nhờ chăm sóc con cái rồi lại tiếp tục thực hiện ý định tự tử. Chót cắt tay và dùng máu viết lên tường dòng chữ “Tôi giết Hà” rồi treo cổ. Nhưng đúng như lời Chót nói, dường như bị “giời đày”, nên anh không chết. Sợi dây Chót dùng để treo cổ bị đứt, còn anh nằm bất tỉnh một buổi sáng thì tỉnh dậy. Lúc công an vào bắt, anh không chống cự, không phản kháng, chỉ gục đầu giấu những giọt nước mắt ân hận.
Tình yêu lớn của người vợ nhỏ
Hệ quả của một tình yêu mù quáng đã khiến cho Lê Thanh Chót phải chịu mức án 19 năm tù giam. Và đến giờ phút này, anh mới chỉ thi hành án được 2 tháng.
Có một điều thì đến tận lúc chết vẫn khiến Chót không sao hiểu được. Ngay sau khi anh bị bắt vào trại tạm giam để chờ điều tra, người đầu tiên vào thăm anh lại chính là người vợ mà anh đã ruồng bỏ không thương tiếc. Dù đã bỏ về nhà mẹ đẻ ở Nam Hà, nhưng nghe tin chồng bị bắt, chị lại tay xách nách mang, con bồng con bế, ngược đường về Ninh Bình gặp chồng, bất chấp sự ngăn cản của gia đình, của bạn bè thân thiết. Họ nói với chị, chồng chị không xứng đáng được đối xử như thế. Nhưng chị vẫn đi.
Nhìn thấy chồng sau cánh cửa trại giam, chị không một lời trách móc, giận hờn; chỉ khóc và động viên chồng cố gắng giữ tinh thần để vượt qua khó khăn. Nhìn những giọt nước mắt của vợ, nhìn từng gói bánh chị mang vào tiếp tế, Lê Thanh Chót vẫn không sao hiểu được vì sao anh lại có thể nhận được sự bao dung, vị tha cao cả đến nhường đấy. Vì chỉ mấy tháng trước thôi, anh đã xua đuổi chị không thương tiếc, anh đã dằn vặt và phụ bạc chị, anh đã…
Sự bao dung và vị tha của vợ đã cứu rỗi cuộc đời anh. Chị đã đưa tay ra, giữ lấy anh trong bóng đêm; chị đã ở bên anh trong những tháng ngày khốn khó nhất cuộc đời anh, giống như bao nhiêu năm qua chị vẫn cùng anh chia sẻ cuộc sống, bất kể gian khó, bần hàn hay vinh hoa, phú quý. Chị tha thứ cho anh vô điều kiện, không cần lý lẽ hay bất cứ một nguyên nhân nào.
Sự vị tha, chu đáo và trọn vẹn của người vợ là sức mạnh và động lực giúp anh vượt qua những năm tháng khốn khó sau cánh cửa trại giam. Nên 2 tháng sau khi đi tù, Lê Thanh Chót đã thực sự an tâm cải tạo. Cứ vào ngày thứ 7, chủ nhật cuối mỗi tháng, anh lại ngóng đợi người vợ hiền thảo của mình lên thăm nuôi chồng. Lần nào lên thăm anh, chị cũng dặn dò anh cố gắng cải tạo để nhanh chóng trở về đoàn tụ với gia đình, vợ con. Công sức hai vợ chồng gây dựng suốt từ thuở hàn vi giờ đã không còn gì. Nhưng chị cũng không kêu ca, không oán trách. Chị ở nhà, một nách nuôi hai con nhỏ, tìm đủ cách sinh nhai để có thể nuôi thêm người chồng đang cải tạo trong tù.
Trong lúc miên man những câu chuyện về người vợ hiền đầy vị tha, Chót hay kể lại những câu chuyện về hai vợ chồng ngày còn hạnh phúc: “Vợ chồng tôi lấy nhau chỉ có hai bàn tay trắng. Gia đình hai đứa đều nghèo nên chẳng có gì. Vay được 1 triệu đồng của người chị gái, hai chúng tôi mua được một căn nhà tập thể nhỏ vừa bé vừa dột, cứ mỗi lần mưa bão đều cảm tưởng nó đang xiêu xiêu đổ đổ. Ngần ấy năm bên nhau, chúng tôi chẳng hề cãi vã. Cô ấy ở nhà nuôi lợn công nghiệp, tôi mang đi buôn chuyến kiếm lời. Hai vợ chồng xây được nhà lầu, mua được xe, nuôi dạy con cái. Cuộc sống sẽ mãi hạnh phúc nếu như không có sai lầm không thể tha thứ của tôi. Vợ tôi giờ lại ở nhà nuôi lợn, cố gắng hàng tháng gửi cho tôi đôi ba trăm nghìn. Cô ấy quê mùa, ít học, nhưng sau những sóng gió, tôi nhận ra, cô ấy là người phụ nữ vĩ đại nhất thế giới”.
Sau những biến cố đã xảy ra, Chót thừa nhận anh vẫn chưa thể quên được Đoàn Thị Hà. Tình yêu mê muội dành cho người phụ nữ ấy thỉnh thoảng vẫn khiến anh nhói lòng, bất chấp tình yêu đó đã khiến anh trở thành một kẻ trắng tay. Đến tận bây giờ Chót vẫn dành những lời lẽ tốt đẹp nhất để nói về người phụ nữ ấy và nhận hết mọi lỗi lầm về mình, như là một cách để chuộc tội với vong linh người đã khuất. Nhưng anh còn cảm thấy có tội với vợ mình nhiều hơn gấp trăm lần: “Tôi luôn cảm thấy không xứng đáng với sự cao thượng của vợ tôi. Sự cao thượng, chu đáo và trọn vẹn của cô ấy khiến tôi càng thêm tủi hổ về những gì mình đã làm trong quá khứ. Nếu tôi nói không còn yêu người phụ nữ kia là tôi nói dối, vì cô ấy vẫn ám ảnh cuộc sống của tôi. Nhưng tấm lòng của người vợ đã khiến tôi thức tỉnh, tình yêu tôi dành cho cô ấy tưởng đã nguội lạnh, giờ đang dần hồi sinh. Tình yêu đó giờ đây có cả sự biết ơn, cảm phục và kính trọng. Bạn bè vào thăm tôi đều nhắc nhở tôi sau này phải trọn vẹn với vợ. Họ bảo vợ tôi là người quá đỗi nhân từ”.
"Khi nào ra tù, tôi sẽ dành hết cả cuộc đời mình để đền ơn và bù đắp cho người vợ bé nhỏ những thiệt thòi mà chị phải gánh chịu do tôi gây ra” – Mong mỏi chân thành đó day dứt trong đôi mắt của Chót.
Chị Nguyễn Thị Dung, vợ Lê Thanh Chót tâm sự: Trước khi qua lại với người phụ nữ kia, chồng tôi là một người hoàn toàn không có gì để chê trách. Anh ấy hiền lành, tử tế, sống rất có nghĩa có tình với gia đình, bạn bè. Dù chồng tôi đã gây ra rất nhiều sai lầm, nhưng trong thâm tâm, tôi chưa bao giờ muốn rời bỏ anh ấy. Tôi cực chẳng đã mới phải đưa con về ở với bố mẹ đẻ. Lúc nhận được tin anh ấy bị bắt, tôi có giận, nhưng thương lắm. Tôi đi hàng trăm cây về tìm chồng, cho con đến gặp bố, cốt để chồng tôi hiểu rằng dù trong những hoàn cảnh tồi tệ và khó khăn nhất, tôi và con vẫn luôn ở bên anh. Vì chúng tôi là một gia đình, và gia đình thì phải biết giúp nhau đứng dậy. Anh ấy đã sai rất nhiều, nhưng tình yêu của tôi thì chưa nguội lạnh. Tôi muốn là chỗ dựa cho anh, cả về vật chất lẫn tinh thần, để anh có thể vượt qua những năm tháng tù đày tủi nhục. Thiên hạ nhiều người mắng tôi điên dại, mù quáng, nhưng tôi tin vào sự lựa chọn của mình. Tin rằng sau này anh sẽ hiểu và quay về với gia đình, sẽ nhận ra ba mẹ con tôi là những người yêu thương anh ấy nhất. Dù 10 năm hay 20 năm nữa, tôi vẫn đợi anh ấy trở về, để cùng nhau làm lại từ đầu, như cái thời tuổi đôi mươi khi chúng tôi mới cưới. |
- Lan Hương