- Công ty cổ phần vận tải Tấn Hưng chạy tuyến TP.HCM - Giao Thủy (Nam Định) vừa bị bến xe Miền Đông lập biên bản, tạm đình chỉ bán vé vì “đội” giá vé Tết lên tới 86,4% so với quy định.
Theo đó, vào lúc 15h20 phút ngày 18/1, bến xe Miền Đông kiểm tra phát hiện nhân viên bán vé của Tấn Hưng xuất vé cho hành khách từ TP.HCM - Giao Thủy với giá 590.000 đồng. Tuy nhiên, khi bán cho hành khách vé đi tuyến TP.HCM - Giao Thủy ngày 8/2 (tức 25 âm lịch) giá vé bị “đội” lên tới… 1.100.000 đồng. Trước vi phạm này, ông Kim Văn Thanh, Trưởng phòng bảo vệ bến xe miền Đông, đã lập biên bản, tạm đình chỉ việc bán vé xe Tết của doanh nghiệp này.
Tình trạng tàu xe tại bến xe Miền Đông những ngày qua luôn căng thẳng. Nhu cầu đi lại dịp Tết của người dân tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp, nhà xe có thương hiệu “cháy vé”. Chính vì vậy, một số doanh nghiệp cố tình “đội” giá lên cao để tranh thủ kiếm lời trước tâm lý hoang mang sợ hết vé của người dân.
Doanh nghiệp Tấn Hưng chạy tuyến TP.HCM - Giao Thủy vừa bị bến xe Miền Đông lập biên bản vì bán vé tăng cao quá quy định. Ảnh: Thái Phương |
Theo quy định phụ thu giá vé dịp Tết của bến xe Miền Đông, từ ngày 24 đến 30 tháng Chạp, các doanh nghiệp chỉ được tăng giá vé cao nhất 60%. Các ngày còn lại nhà xe được tăng giá vé từ 20 - 40% tùy thời điểm, tuyến đường…
Thế nhưng không ít doanh nghiệp tự bán vé đã áp dụng mức 60% cho tất cả các ngày cao điểm dịp Tết (thay vì tùy thời điểm) khiến hành khách bị thiệt thòi khi phải mua vé giá cao. Về vấn đề này, ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc bến xe Miền Đông, cho biết bến xe chỉ có thể yêu cầu nhà xe không bán vé vượt quá 60%. Còn ngược lại, các doanh nghiệp tự đưa mức giá bán cho hành khách thì bến xe không có ý kiến.
Chiều 18/1, rất đông hành khách xếp hàng mua vé về Quảng Ngãi. Ảnh: Thái Phương |
Ghi nhận của PV VietNamNet chiều 18/1, rất đông hành khách vẫn xếp hàng chờ mua vé các tuyến về Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên… Ngoài một số doanh nghiệp thông báo hết vé, một số nhà xe cũng bắt đầu bán vé tăng cường, vé đợt 2 trước nhu cầu đi lại của người dân tăng cao.
Trước đó, Công ty Dịch vụ vận tải kinh doanh dịch vụ Trần Hòa chạy tuyến TP.HCM - Đại Lộc (Quảng Nam) cũng bị đình chỉ vì bán vé tăng gần 200% so với quy định.
Đến thời điểm này, doanh nghiệp Trần Hòa đã bán vé trở lại sau khi kê lai lại giá vé mới. Sau khi đầu tư xe mới, đầy đủ tiện nghi phục vụ hành khách, Trần Hòa đã tăng giá vé từ 220.000 đồng lên 310.000 đồng/vé ngồi và từ 285.000 đồng lên 410.000 đồng/vé giường nằm. Như vậy, việc đơn vị này bán vé Tết giá 600.000 đồng là không vi phạm quy định, ông Hải cho biết.
-
Thái Phương