- Lãnh đạo các bến xe khẳng định không “căng”, không “cháy vé” như mọi năm. Ngoài đường, hành khách phải đi xe dù hoặc chấp nhận cuộc hành trình hàng trăm cây số trên những chuyến xe chật cứng người. Vì sao?
Xe chờ, vé sẵn, vẫn “nhảy” xe dù
Sáng 31/01, PV VietNamNet có mặt tại khu vực cửa ra bến xe Miền Đồng suốt từ 10h - 13h. Chúng tôi nhẩm đếm: Cứ 2- 3 phút lại có một xe xuất bến và chủ yếu là các tuyến xe đường dài đi các tỉnh miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên. Trong nhà ga bến xe, lượng người tập trung đông hơn ngày thường, tuy nhiên, không có hiện tượng ùn ứ khách.
Cây xăng Huệ Thiên 3, khách đông như bến. (Ảnh: Tấn Thuấn).
Ông Trần Duy Sinh, Phó Giám đốc bến xe Miền Đông cho biết, lượng khách thông qua bến vẫn ở mức kiểm soát được. Bắt đầu bước vào giai đoạn nóng, ngày cao điểm nhất (22 âm lịch), bến xe Miền Đông cũng chỉ tiếp nhận khoảng 40.000 người. Dự kiến, lượng khách “kỷ lục” có khả năng diễn ra từ ngày 29, 30 âm lịch với trên 60.000 khách/ngày.
“Chúng tôi còn hơn 300 chiếc xe tăng cường đang chờ ngoài bến sẵn sàng xuất bến bất cứ lúc nào để chở hành khách. Số xe này, chúng tôi chưa phải dùng tới”- ông Sinh nói.
Ông Huỳnh Hải Oanh, Phó Giám đốc bến xe Miền Tây cũng cho biết, lượng khách về quê thông qua bến vẫn ở mức bình thường. Số xe phục vụ cho việc đi lại dịp Tết của bến vẫn đáp ứng đầy nhu cầu của hành khách.
Chờ xe "dù" rước. (Ảnh: Thái Thiện).
Thế nhưng, theo tìm hiểu của PV VietNamNet, trên thực tế, đường về quê của những hành khách tha hương còn lắm gian nan. Hỏi chuyện chị Lê Thị Thanh (23 tuổi), công nhân công ty giày đang đón xe về Nghệ An cùng nhóm bạn trước cổng Công ty cân Nhơn Hòa (phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức), chị Thanh giãi bày: “Hôm qua (30/1), công ty mới cho công nhân nghỉ Tết. Cận Tết quá nên chỉ mua được ít quà biếu bố mẹ, em út trong nhà rồi hôm sau ra đón xe về quê liền”.
Đối với lương công nhân như Thanh, chị phải “đắn đo” trong chi tiêu do vậy, dù bến xe nằm cách đó chỉ vài cây số, chị chọn xe “dù” làm phương tiện về quê. “Em ra đây bắt xe cho tiện đường, giá vé lại rẻ hơn nhiều so với xe trong bến”.
Thế nhưng, không như chị Thanh nghĩ, giá xe “dù” không hề rẻ, thậm chí tăng tới 20% so với giá trong bến. Trên những chuyến xe dù, những hành khách như chị Thanh chính là người chịu nhiều thiệt thòi nhất: bị ngồi ghế phụ, ghế sau, bị nhà xe mặc sức nhồi nhét…trong chặng hành trình dài hàng trăm cây số.
Cây xăng- “ổ chứa” xe “dù”
Dọc trên quốc lộ 13, đoạn từ cầu Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước dài khoảng 5km nhưng PV VietNamNet đếm được tới 4 điểm tập kết của xe dù liên tỉnh. “Đình đám” hơn cả là điểm tập kết tại cây xăng Huệ Thiên 2.
Trong khoảng sân rộng, hàng chục xe mang biển số các tỉnh miền Trung, miền Bắc nằm la liệt. Xe vào đây “viện lý do” đổ xăng nhưng thực chất là rước khách.
Thông qua đội ngũ cò mồi, xe ôm chở khách về tập kết tại đây. Và cây xăng trở thành bến tập kết an toàn cho xe “ế khách” từ bến chạy ra, xe dù không đăng ký chạy đến.
Vừa ra khỏi bến đá đón khách. (Ảnh: Tấn Thuấn).
Đi xa hơn một chút, trên đoạn đường từ quốc lộ 1 (đoạn từ ngã tư Bình Phước đến Trạm 2, Suối Tiên), các cây xăng lớn dọc tuyến này cũng biến thành “bến cóc” di động đúng nghĩa. Tại các trạm xăng dầu Quốc Phong, Huệ Thiên 3... dọc trên xa lộ Đại Hàn xe dù hoạt động nhộn nhạo, vào ra chèo kéo khách gây ách tắc giao thông cả một đoạn đường dài.
Tại cây xăng Huệ Thiên 3, chúng tôi đếm có hơn 10 chiếc xe chạy tuyến miền Bắc đang nằm chờ rước khác. Thỉnh thoảng có một chiếc “xuất bến” nhưng chỉ là "xuất ảo". Thực chất là đảo vài vòng rước khách rồi lại quay về bến chờ. Cách cây xăng này chì vài bước chân, một đống hành lý, túi xách đồ đạc cồng kềnh chất đống bên vệ đường. Bên trong quán cóc, nhiều người đang ngồi, nằm vất vưởng chờ xe về quê đón Tết.
Khu vực bến xe khách Lam Hồng (ấp Bình Đường 2, xã An Bình, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương) cũng không kém phần “náo nhiệt”. “Đ.M! ra giá như rứa còn trả xuống chi nữa. Mi không đi thì mai tê đi bộ mà về nhà”- một tay lơ xe nói giọng Hà Tĩnh hùng hổ quát tháo cô công nhân tội nghiệp.
Bên kia đường trước cổng ra vào Khu công nghiệp Sóng Thần, một tay lơ xe khác đang rảo quanh những nhóm công nhân đang ngồi chờ bắt xe về quê. “Nghi Xuân, Nghi Lộc lên xe ni. Lên nhanh đi, đồng hương không mà, sẽ lấy giá hữu nghị cho”- tay phụ xe xởi lởi. Nhóm công nhân lục đục kéo nhau lên xe. “Giá răng chú?”- giọng ai đó hỏi vọng. “Sáu trăm thôi!”- gã phụ xe trả lời. Phát hiện ra tay phụ xe “chặt đẹp”, nhóm công nhân kéo nhau xuống xe. Sau một lát làm dữ, một phụ nữ trung niên chạy tới làm hòa và hạ giá nhóm công nhân mới chịu ngồi lại trên xe.
“Xe dù” chạy theo “hợp đồng” miệng
Điểm tập kết gần khu cầu vượt Ngã Tư Ga (quận 12) là “bến xe” của người dân xã Quảng Thái (huyện Quảng Xương, Thanh Hoá). Những ngày gần Tết này, trung bình một ngày có tới 2- 3 chuyến xe chở lao động phổ thông trên địa bàn TPHCM…về quê ăn Tết.
“Đến ngày 27 âm lịch em mới về quê. Mấy ngày này ở lại cố kiếm thêm chút, vì gần Tết ít người làm, bán được hơn bình thường. Tụi em yên tâm ở lại vì từ nay tới 30 Tết ngày nào cũng có xe về Thanh Hoá, giá vé cũng “mềm” chỉ có 500.000 đồng là về tới tận nhà...”- Thanh, cô gái dáng người nhỏ nhắn làm nghề bán báo dạo cho biết.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những chuyến xe xuất bến tại đây “ưu tiên” cho người Quảng Thái, người huyện Quảng Xương. Chưa có ước tính bao nhiêu người Quảng Thái lưu lạc kiếm sống tại Sài Gòn, nhưng theo cách áng chừng của một phụ xe ở “bến xe Quảng Thái” mà chúng tôi gặp thì chắc phải có vài ngàn người.
Xe ôm- "trợ thủ" đắc lực cho cánh xe "dù". (Ảnh: Thái Thiện).
Người phụ xe này nói: “Xe chúng em chỉ ưu tiên phục vụ “người nhà” vì người trong làng trong xã ai cũng biết nhau. Yên tâm là không có cảnh nhồi nhét khách, ngược lại khách được chở về tận xóm, vào đến tận nhà”.
Theo ông Lê Hồng Việt, Phó Chánh thanh tra Sở GTCC TP.HCM, sở dĩ giới xe dù chọn cây xăng, các khu dân cư làm “bến đỗ” vì CSGT, Thanh tra giao thông khó mà bắt bẻ. Có xét hỏi, tài xế thanh minh: Vào đổ xăng, thay nước bình, xe hư không bắt khách; Bọn em chỉ dừng lại vài phút rồi đi…
Lý giải về hiện tượng hành khách “ham” xe dù hơn xe bến, ông Trần Duy Sinh, Phó Giám đốc bến xe Miền Đông cho rằng hành khách thiếu thông tin nên cứ tưởng xe trong bến đã hết vé. “Thực ra, vé còn rất nhiều”- ông Sinh nói.
Theo Phó Giám đốc Sở GTCC TP.HCM Dương Hồng Thanh, báo cáo của Công ty TNHH một thành viên bến xe Miền Đông cho biết, trong những ngày qua, một số doanh nghiệp vận tải tại các tỉnh phía Bắc và miền Trung có khai thác tuyến vận tải khách đến TP.HCM đã đăng ký giá vé bán tại TP.HCM cao gấp 2 lần (tăng 100% so với mức vé ngày thường). Điều này đã dẫn đến tình trạng một số hành khách bỏ ra ngoài đón xe “dù”, gây nên cảnh mất trật tự vận tải tại TP.HCM. Mặt khác dẫn đến việc bất ổn về giá vé tại bến xe Miền Đông.
Còn theo lý giải của một hành khách “tự nguyện” làm mồi cho xe dù thì “Năm ngoái, xe 45 chỗ, nhưng bắt khách, nhồi nhét tới gần 60 người. Dọc đường về Quảng Bình, xe 2 lần chết máy …Nhưng về tới nhà là may rồi”.
Kế hoạch kiểm tra, xử lý xe “dù”, bến “cóc” đã thực hiện thường xuyên bắt đầu từ 1/1/2008. Từ ngày 1- 15 âm lịch, số lượng xe vi phạm không nhiều. Thanh tra GTCC chỉ phát hiện một số trường hợp. Thế nhưng từ ngày 15/1- 31/1, xe “dù”, bến “cóc” bắt đầu đầu “nở rộ”. Thanh tra GTCC đã lập biên bản vi phạm 157 trường hợp đón, trả khách không đúng quy định. Ông Việt cho biết chưa phát hiện ra trường hợp xe xuất bến chở khách quá tải. Ông Việt nói việc xe ra ngoài chở khách quá tải có nhiều khả năng xảy ra. Tuy nhiên, lực lượng Thanh tra GTCC không thể kiểm tra được. Về các “điểm nóng” là các cây xăng cho phép xe dù vào lưu đậu, đón khách, ông Việt nói đã vận động chủ cây xăng và đề nghị chính quyền địa phương can thiệp. Thế nhưng, việc này dường như không có hiệu quả. Trước sự hoành hành của xe “dù” Sở GTCC cho biết đã triển khai bốn mũi tấn công xe “dù”, bến “cóc” tại các điểm nóng trên QL13, QL51, QL22 và hướng về các tỉnh miền Tây. |
-
Trần Duy- Tấn Thuấn - Thái Thiện
Mời quý vị cùng kể về hành trình về quê ăn Tết: