8/11, Cục cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C15, Bộ Công an) đã đồng loạt khởi tố, bắt tạm giam 5 bị can trong tập đoàn lừa tài chính đa cấp qua mạng tại các địa chỉ colonyinvest.net; callysinvest.com... Trong một thời gian ngắn, tập đoàn này lừa đảo hơn 160 tỷ đồng của hơn 20.000 người.
Cơ quan điều tra C15 đã khởi tố 5 bị can về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và bắt giữ 3 người trong đường dây này là Vũ Thị Thu Hằng (ở thành phố Hồ Chí Minh), Hoàng Thị Bây (42 tuổi, ở Trần Đăng Ninh, phường Hoàng Văn Thụ, thành Lạng Sơn), Nguyễn Văn Dân (34 tuổi, quê tại Hải Dương, hiện trú tại Đông Hưng Thuận, quận 12, thành phố Hồ Chí Minh). 3 đối tượng này đã tham gia huy động vốn ảo qua trang web www.callysinvest.
Theo xác định ban đầu của cơ quan điều tra: Trong suốt thời gian qua, việc huy động vốn qua mạng ở một số địa chỉ web site với lãi suất cực cao, tạo nên cơn sốt trong sư luận, nhiều người nghi hoặc về tính xác thực của hình thức huy động vốn khó tin này. Những người trên đã tham gia huy động vốn tín dụng bằng ngoại tệ, theo hình thức đa cấp, hứa trả lãi suất rất cao. Tuy nhiên, họ đã không xin phép của Ngân hàng nhà nước, không tuân thủ các quy định của nhà nước về hoạt động của các tổ chức tín dụng tại Việt Nam.
Hàng loạt website đã được tạo dựng để lừa đảo bằng cách huy động vốn tín dụng qua mạng, đó là các trang: www.colonyinvest.net; www.callysinvest.com (đã bị sập), www.money100.us, www.c-invest.com (đã bị sập), www.vip-viet.com...Nhưng qua xác minh của Phòng chống tội phạm công nghệ cao, thuộc C15, Bộ Công an, đó chỉ là những web ảo được dựng lên để lừa đảo người đầu tư. Dù ngay sau khi nộp tiền vào tài khoản, trên mạng sẽ có tài khoản, điểm số đầu tư... cho người tham gia. Tuy nhiên, các số điện thoại ghi trên các trang này đều không thể liên lạc được.
Thủ đoạn của tập đoàn lừa này cũng rất tinh vi, bằng cách dựng lên các trang web có địa chỉ na ná với các web có thực, thuộc các tập đoàn tài chính lớn có uy tín. Chẳng hạn, wwww, colonyinvest.net thì trên thực tế có www.colonyinvest.com; hoặc www.callysinvest.com thì trang website có trên thực tế là www.callyinvest.com (không có chữ s)...
Qua xác minh về mạng www. colonyinvest.net, các trinh sát phát hiện không có công ty nào trên thế giới có tên là Công ty Colony Invest Management Inc (viết tắt là C.I), không có đại diện, không có đăng kí kinh doanh và trụ sở ở bất cứ nơi nào, tất cả chỉ được liên lạc qua website nói trên. Tất cả những người tham gia đầu tư đều chỉ có quyền truy cập tài khoản của mình do đại lí cấp và chỉ có thể liên lạc với một số người đứng đầu (cấp 1) tại các tỉnh, thành ở Việt Nam.
Theo thông tin quảng cáo trên một số website, Công ty C.I là một trong những nhà kinh doanh độc quyền của Forex và là Nhà quản lí quỹ đầu tư hàng đầu tại Mỹ và có lượng giao dịch luôn vượt quá 300 triệu USD... Nào là đây là tập đoàn kinh tế toàn cầu, chuyên đầu tư vào các lĩnh vực siêu lợi nhuận như sòng bạc ở Las Vegas, thế giới trò chơi Disney Land và thị trường tài chính ở các sàn London, New York, HongKong... Do đầu tư vào những lĩnh vực siêu lợi nhuận nên việc huy động vốn và trả lãi suất cao cho mọi người là đương nhiên.
Tuy nhiên, thực tế các thông tin trên đều không có căn cứ. Một nhóm người ở TP Hồ Chí Minh tự xưng là “tập đoàn Colony” có trụ sở chính tại Mỹ cũng ra sức quảng cáo và không ít người đã tin lời đường mật, nộp tiền vào tài khoản của tập đoàn này.
Đứng đầu nhóm ở TP Hồ Chí Minh là Vũ Thị Thu Hằng, 31 tuổi, quê ở Thái Bình, hiện trú tại phường 17 quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh, tự xưng là đại diện cao nhất của Công ty C.I từ Mỹ về để tổ chức mạng lưới công ty ở Việt Nam. Hằng đã tự bỏ kinh phí, cùng một số người khác tổ chức hẳn các cuộc hội thảo với quy mô lớn tại Hà Nội, Bắc Ninh, Lạng Sơn để giới thiệu về chương trình huy động vốn theo kiểu đa cấp này. Các cuộc hội thảo đó đã thu hút được rất nhiều người tham gia, tại Hà Nội có 1.500 người, tại Bắc Ninh cũng có đến 500 người tham gia... Đến nay, 8 tỉnh thành trên cả Việt Nam có người tham gia đầu tư vào tập đoàn này.
Bằng chiêu gửi tiền, quy ra điểm, 1 USD tương đương với một điểm và được ghi vào tài khoản. Hằng là tổng đại lí, bán cho các đại lí tiếp theo đúng giá gốc, sau đó các đại lí này phát triển và bán cho các đại lí cấp dưới (theo kiểu đa cấp) với giá tăng hơn (từ 16.000 đồng Việt Nam nâng thành 17.600 đồng cho mỗi điểm.
Các đại lý dưới lại phát triển và bán tiếp cho đến cấp thứ 7... Điều mà những người tham gia đầu tư không nhận ra được chính là khi nộp tiền là nộp tiền mặt, nhưng khi quy ra điểm là điểm ảo trên mạng. Lãi suất mà tập đoàn này đưa ra hấp dẫn đến mức khó từ chối, đó là từ 2,5 đến 3% mỗi ngày (tương đương với 80 đến 90% một tháng). Chính vì lãi suất cực kì hấp dẫn này nên dù đã được cảnh báo ngay trên chính trang web này rằng lãi suất cao thì rủi ro lớn, có thể không thu hồi được vốn hay giống như một canh bạc, nhưng người đầu tư vẫn lào ào nộp tiền. theo tính toán cảu rất nhiều nhà đầu tư, nếu đầu tư kiểu này, chỉ sau 1 tháng, họ lấy lại vốn và sau đó thì tiền lãi còn tăng lên hàng chục nghìn lần.
Do vậy giao dịch trong mạng lưới dưới dạng tiền ảo ngày càng mở rộng và không rút tiền lãi hệ thống Công ty C.I. Cho đến khi bị bắt, Vũ Thị Hằng khai nhận đã thu được 25 tỷ đồng tiền huy động từ các đại lí. Chị ta chẳng chuyển cho ai mà chỉ đút túi cá nhân. Đấy là chưa kể một số đại lí cấp trên (nhưng sau Hằng) còn lợi dụng giữ lại cả tiền của người đầu tư để chiếm đoạt.
Đối với Hoàng Thị Bây ở Lạng Sơn, khi cơ quan công an khám xét ôtô riêng, còn thu được hàng chục biên lại rút tiền qua thẻ ATM của ngân hàng Công thương Việt Nam. Theo lời khai của Bây, toàn bộ số tiền trong tài khoản bị thu giữ là do những người đầu tư nộp vào, còn chị ta thì tha hồ rút ra chi tiêu.
Cũng theo xác định của cơ quan điều tra, hiện tại ở Việt Nam, có một số tổ chức khác cũng thực hiện việc đầu tư tiền đa cấp qua mạng kiểu này, cơ quan cảnh sát điều tra đang tiếp tục điều tra, xác minh.
(Theo TTXVN)