221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1002976
Thêm 2 tỉnh có người mắc tiêu chảy cấp
1
Article
null
Thêm 2 tỉnh có người mắc tiêu chảy cấp
,

(VietNamNet) - Ngày 8/11, Nam Định và Hà Nam phát hiện bệnh nhân tiêu chảy cấp, nâng tổng số tỉnh có người mắc bệnh này lên con số 13 (Hà Nội, Hà Tây, Hải Phòng, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Phú Thọ, Thái Bình, Thanh Hóa, Hải Dương, Nghệ An, Nam Định và Hà Nam).

vbb
Thực phẩm có nguy cơ gây tiêu chảy cho người ăn là mắm tôm, rau sống. Ảnh:Lệ Hà

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Phòng chống dịch tiêu chảy cấp chiều 8/11, TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, sau 17 ngày phát dịch, đã có 1.216 bệnh nhân bị tiêu chảy, trong đó 157 ca là tiêu chảy cấp nguy hiểm. Ngày 8/11, có thêm 165 ca mới trong đó Hà Nội phát hiện thêm 47 ca, Hà Tây 41 ca, Hưng Yên 20 ca, Thái Bình 12 ca... và Nam Định, Hà Nam cũng có ca tiêu chảy cấp nguy hiểm đầu tiên. Các bệnh viện vẫn trong tình trạng quá tải.

Theo Ban chỉ đạo, nguồn lây vẫn là điều đáng lo nhất. Khoảng 8% bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm được coi là không dính dáng đến mắm tôm mà do ăn bún, ốc, rau sống, thịt chó,... Nguồn nước sinh hoạt được cảnh báo là một trong những nguyên nhân làm lây bệnh nhưng đến nay vẫn được đảm bảo, chưa có ca bệnh nào mắc bệnh do đường nước sinh hoạt.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn lo lắng: một trong những điều đáng lo nhất hiện nay là người lao động đi từ các vùng có dịch về vùng không có dịch. Khá nhiều ca bệnh ở Hà Nam, Thanh Hoá và Nam Định được phát hiện sau khi bệnh nhân đi từ Hà Nội hoặc Hà Tây về quê. Do đó, vấn đề kiểm dịch biên giới phải được kiểm soát chặt chẽ.

cvc

Hà Nội phát dịch tiêu chảy cấp, thức ăn đường phố vẫn bán chạy. Ảnh: Lệ Hà.

Những người có dấu hiệu nghi ngờ bệnh, cần được thông báo ngay với cơ quan y tế để tiến hành khử khuẩn. Bên cạnh đó, cần siết chặt quản lý thức ăn đường phố.

Nhân viên khách sạn 5 sao cũng mắc tiêu chảy 

Chiều cùng ngày, Cục Y tế dự phòng cũng thông báo về việc 1 đầu bếp khách sạn 5 sao đã bị phát hiện mắc tiêu chảy cấp nguy hiểm. Anh này ăn xôi và thịt kho buổi sáng thì đến 14h phát bệnh. Ngoài ra còn 1 đầu bếp ở  khách sạn trên phố Phạm Ngọc Thạch (Hà Nội) cũng bị tiêu chảy cấp.

Theo thống kê của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, chỉ có khoảng 47% khách lưu trú ăn tại khách sạn. 

Do đó, theo Thứ trưởng Trịnh Quân Huấn, các khách sạn lớn, nhà hàng, cửa hàng bán thức ăn nhanh cũng phải chú ý phòng dịch và cần được kiểm tra. 

 Phát động chiến dịch "ăn chín, uống sôi" trên toàn quốc

Ngày 8/11, Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) TƯ ra công văn gửi Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP các tỉnh, thành phố về việc tăng cường các biện pháp VSATTP để dập tắt và kiểm soát dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm.

Theo đó, Ban chỉ đạo T.Ư đề nghị ban chỉ đạo các tỉnh, thành phố triển khai chiến dịch tuyên truyền sâu rộng về bảo đảm VSATTP, đưa thông điệp đến từng người dân, từng hộ gia đình về thực hiện tốt việc “ăn chín, uống sôi”.

Bảo đảm cung cấp nước sạch, đúng tiêu chuẩn, thường xuyên kiểm tra, xử lý nồng độ clo dư trong nước theo quy định. Tăng cường các biện pháp kiểm tra giám sát, bảo đảm VSATTP các dịch vụ ăn uống, nhất là dịch vụ thức ăn đường phố, các bếp ăn tập thể ở trường học, khu công nghiệp, các khu lễ hội, đám cưới, đám ma.

Đồng thời, tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân, thực hiện rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Không ăn rau sống, không ăn tiết canh, không ăn mắm tôm, mắm tép sống, không ăn gỏi cá, hải sản sống, nem chạo, nem chua, không uống nước lã, nước đá mất vệ sinh…

Tổ chức kiểm tra việc sản xuất, lưu thông phân phối và tiêu dùng thực phẩm trên địa bàn, nhất là tại các chợ, siêu thị, cửa khẩu, có biện pháp xử lý thật nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về VSATTP.

  • Lệ Hà
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,