Trước tình hình dịch tiêu chảy cấp có nguy cơ lan rộng, Bộ Y tế đã và đang phối hợp với các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để dập dịch.
Cùng với việc xác định đây là loại dịch bệnh rất nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao, từ 40% đến 50%, Bộ Y tế đã thông báo việc dịch bệnh đang có chiều hướng diễn biến ngày càng phức tạp, có nguy cơ lan rộng do đã phát hiện những trường hợp mắc tiêu chảy cấp thứ phát (nghĩa là không sử dụng những loại thực phẩm có nguy cơ lây bệnh cao như mắm tôm, rau sống...). Bên cạnh đó, Bộ Y tế khuyến cáo người dân:
1. Giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường:
Phun thuốc sát trùng là biện pháp phòng, dập dịch tiêu chảy cấp hiệu quả. |
- Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Mỗi gia đình có một nhà tiêu hợp vệ sinh, cấm đi tiêu bừa bãi. Đối với gia đình có bệnh nhân tiêu chảy cấp, cần rắc vôi bột hoặc Cloramin B sau mỗi lần đi tiêu.
- Phân và chất thải của người bệnh phải đổ vào nhà tiêu, cho vôi bột, Cloramin B... vào sau mỗi lần để sát khuẩn.
- Tránh tập trung ăn uống nơi đông người như ma chay, cưới xin, cúng giỗ.
- Hạn chế người ra, vào vùng đang có dịch.
2. An toàn vệ sinh thực phẩm:
- Mọi người, mọi nhà đều thực hiện ăn chín, uống sôi.
- Không ăn rau sống, không uống nước lã.
- Không ăn các thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn, đặc biệt là mắm tôm sống, hải sản tươi sống, gỏi cá, tiết canh và nem chua.
3. Bảo vệ nguồn nước và dùng nước sạch:
- Nguồn nước ăn uống phải được bảo vệ sạch sẽ.
- Tất cả nước uống đều phải được sát khuẩn bằng hoá chất Cloramin B.
- Cấm đổ chất thải, nước giặt, rửa và đồ dùng của người bệnh xuống ao, hồ, sông, giếng. Cấm vứt súc vật chết xuống ao, hồ, sông, giếng.
4. Khi có người bị tiêu chảy cấp:
Khi gia đình có người bị tiêu chảy cấp, phải nhanh chóng báo ngay cho cơ sở y tế nơi gần nhất để được điều trị kịp thời.
-
Gia Linh