(VietNamNet) - Mặc dù đã được "xử lý" tạm thời bằng hệ thống bể lắng-lọc nhưng sau khi đun sôi và rót ra cốc, nước vẫn có mùi tanh, cặn vẩn nổi lờ lờ vì được hút lên từ lỗ khoan nằm cách khu nghĩa trang chỉ vài chục mét...
Nửa phường phải dùng nước "vàng vàng"...
Ở phường Định Công, chỉ có những hộ sống trong khu đô thị mới được dùng nước máy sạch còn hầu hết những hộ dân khác trong phường vẫn phải dùng nước giếng khoan từ hàng chục năm nay. Có những khu dân cư, dù chỉ nằm cách khu đô thị mới Định Công hơn 100m nhưng người dân ở đó thường ngước nhìn sang phía "hàng xóm" mà ước ao: "Bao giờ mình được dùng nước máy?".
Hàng trăm giếng khoan ở xã Thuỵ Phương nằm ngay sát nghĩa trang |
Anh Trần Mạnh Hùng ở mặt phố Định Công nói như than: "Ngày khu đô thị mới hình thành, chúng tôi cứ nghĩ sẽ được "thơm lây" để thoát khỏi cảnh phải sinh hoạt bằng nước giếng khoan. Vậy mà cả chục năm trôi qua, bên đó họ được dùng nước máy thỏa thích còn chúng tôi ở bên này hàng ngày vẫn phải nấu cơm, giặt giũ bằng thứ nước vàng vàng, đầy cặn và mùi tanh".
Chỉ tay vào chiếc chậu rửa tráng men đang bị ố vàng, chị Nguyễn Lê Hoa thì hài hước: "Cái chậu này nhà tôi mới thay được mấy tháng thôi, vậy mà đến giờ nó đã ố vàng gần bằng cái chậu cũ rồi. May là lâu nay nhà tôi chỉ dám dùng nước giếng khoan để tắm rửa, giặt giũ thôi đấy. Nếu mà dùng để ăn thì chắc giờ này ruột gan cả nhà cũng vàng khè cả rồi".
Trong khi đó, tại khu vực làng Phùng Khoang, mặc dù đã có đường ống nước sạch chạy tận cửa nhưng nhiều hộ dân vẫn tiếp tục sử dụng nước giếng khoan với lý do... tiết kiệm. Tuy nhiên, đằng sau sự "tiết kiệm" ấy là nỗi khổ của hàng chục, hàng trăm sinh viên đang thuê trọ trong làng. Thanh Thuỷ - sinh viên ĐH Hà Nội cho biết: "Nước tanh lắm, bọn em cũng chỉ dám dùng nước giếng khoan để giặt giũ và tắm rửa thôi, còn nước nấu cơm và uống thì xin nhà chủ hoặc không thì mua hẳn một bình nước tinh khiết về dùng dần".
Sống trong làng Phùng Khoang, một "nỗi khổ" nữa mà cả những sinh viên thuê trọ và người dân địa phương phải chịu đựng đó là sự ô nhiễm của hồ ao trong khu vực. Ông Nguyễn Văn Minh - người làng Phùng Khoang nói: "Bây giờ chỉ có 2 cái ao cảnh đầu làng đã được kè là đỡ bẩn thôi. Mấy ao - hồ còn lại đều trong tình trạng bùn rác ngập ngụa, bèo thối lềnh bềnh".
Ăn nước... nghĩa địa?
Nằm cạnh khu dân cư Xóm Mới và Thôn Cầu thuộc xã Thuỵ Phương, huyện Từ Liêm là một nghĩa trang lớn rộng chừng 2ha với hàng trăm ngôi mộ cũ mới nằm san sát nhau. Từ xưa đến nay, người dân sống xung quanh nghĩa trang này vẫn có thói quen khoan giếng lấy nước ăn mà không hề nghĩ đến chuyện nguồn nước ngầm ấy đã bị ô nhiễm.
Bà Thịnh - nhà chỉ cách nghĩa trang hơn chục bước chân nói: "Mấy chục năm nay chúng tôi vẫn dùng nước giếng khoan để ăn mà có thấy bị làm sao đâu?! Trước còn chưa có các loại bể lọc, nước ngầm bơm lên đổ thẳng vào bể cho lắng bớt cặn rồi dùng luôn". Một phụ nữ khác cho biết: "Có cơ quan hay chính quyền nào lấy mẫu nước để xét nghiệm độc hại đâu mà chúng tôi biết nước giếng khoan có ăn được hay không? Không có nước máy để dùng thì chúng tôi đành phải ăn nước giếng khoan thôi chứ đâu thể làm khác được. Nhà ít tiền thì xây bể lọc và đánh phèn nước, nhà nhiều tiền thì ngoài việc xây bể thì mua thêm bình lọc cho yên tâm".
Theo các chuyên gia, nước ngầm được bơm lên tiếp xúc với không khí, nhiều loài vi khuẩn chuyển amoni thành nitrite (NO2-) và nitrat (NO3-). Khi vào cơ thể nitrat có thể chuyển thành nitrite do hoạt động của một số vi khuẩn đường ruột. Nitrite trong cơ thể cạnh tranh với hồng cầu để lấy oxy và gây bệnh đường hô hấp đặc biệt đối với phụ nữ mang thai và trẻ em, và cũng có thể kết hợp với một số thành phần hữu cơ để tạo ra các chất có khả năng gây ung thư. (Nguồn www.dddn.com.vn) |
Theo tìm hiểu của phóng viên VietNamNet, cả xã Thuỵ Phương hiện đều đang phải sử dụng nguồn nước từ các giếng khoan, nhà ít cũng khoan 1 giếng, nhà nhiều có tới 3-4 giếng. Một cán bộ xã Thuỵ Phương cho biết, từ trước đến giờ chưa có bất kì dự án cấp nước sạch nào được thực hiện ở Thuỵ Phương cho dù chính quyền xã đã kiến nghị với huyện và thành phố cho phép sử dụng nguồn nước sạch từ Nhà máy nước Cáo Đỉnh nhưng đến nay vẫn chưa được chấp thuận?!
Không riêng gì người dân Thuỵ Phương, ngay cả hàng nghìn hộ dân sống ở xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm dù sống ngay sát nhà máy nước Cáo Đỉnh cũng vẫn phải khoan giếng lấy nước ăn... Và nằm rải rác khắp xã cũng có tới 2-3 nghĩa trang lớn nhỏ. Chỉ xuống mương nước vàng khè đang lững lờ chảy ngay trước cửa nhà, ông Trần Thành - ở Xuân Lộc, Xuân Đỉnh nói: "Nước sạch thì không có chứ nước bẩn từ nhà máy nước Cáo Đỉnh thải ra thì chúng tôi nhiều lắm. Họ hút nước ngầm phục vụ nơi khác còn dân địa phương chúng tôi "được" hưởng toàn nước vàng, cặn lắng và mùi tanh".
Ngay cả những người dân đang sống tại các khu tập thể cũ của Hà Nội, mang tiếng là được dùng nước máy nhưng ngoài chuyện "yếu và thiếu" ra, họ còn phải chịu đựng việc nước đã "biến chất" trước khi vào tới từng gia đình do đường ống đã cũ nát. Ông Nguyễn Trần Kiên ở khu tập thể Thanh Xuân Bắc cho hay: "Thỉnh thoảng nước vẫn có mùi khó ngửi, nhiều cặn, thậm chí còn có cả bọ gậy vì bể chứa trạm bơm và bể chứa trên mái các khu tập thể đã bị nứt vỡ nhiều. Nhưng "thỉnh thoảng" mới bị thế vẫn còn hơn là chịu cảnh mất nước thường xuyên hay phải dùng nước giếng khoan như ở khu vực ngoại thành".
|
|
-
Công Thanh