(VietNamNet) - Sau bão số 5, rừng trồng ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh) tan hoang, nông dân ngậm ngùi đốn cây đổ, chật vật tìm thuê xe, nghiến răng "làm luật" để bán gỗ non giá "bèo".
>> Toàn cảnh trận lũ tháng 10/2007
Nơi rừng tan tành theo bão
Theo báo cáo sơ bộ của phòng Nông nghiệp huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), nơi tâm bão đi qua, có khoảng 6.000 hecta rừng bị bão số 5 đốn ngã. Đặc biệt, có hơn 90% diện tích rừng cao su đang trong thời gian cho thu hoạch bị tàn phá nặng nề mà không còn khả năng phục hồi.
Rừng trồng ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) sau bão chỉ còn lại như thế này. Người dân đã gần như mất trắng và đang cố gắng bán vội những gì còn lại, để tìm cách gây dựng lại cuộc sống. Ảnh: Hà Vy. |
Từ trị trấn ngược lên các xã Kỳ Hợp, Kỳ Lâm, Kỳ Sơn, Kỳ Thượng dọc theo quốc lộ 12B, chỉ thấy cảnh hoang tàn, xơ xác. Hàng trăm hecta rừng trồng của nông dân bị gió giật tung nằm phơi gốc ngổn ngang hoặc bị chém ngang thân rũ rượi gục xuống. Mùi xú uế do xác cây bị phân huỷ bốc lên nồng nặc.
Hầu như toàn bộ các hộ gia đình có rừng tại huyện Kỳ Anh đều bị thiệt hại nặng nề trong cơn bão khủng khiếp vừa qua.
Anh Nguyễn Văn Quý ở xóm 8 xã Kỳ Tây kể: “Do gió giật quá mạnh, nên hầu như toàn bộ 5 hecta rừng keo lá tràm của nhà tôi đều bị đổ, thiệt hại ước tính khoảng vài trăm triệu đồng. Nhưng tai hại là gia đình tôi đang nợ ngân hàng gần 100 triệu. Bây giờ cây gãy hết cả nên chẳng biết nhìn vào đâu để trả số tiền nợ khổng lồ đó”.
Ông Lương Văn Đình (Chủ tịch xã Kỳ Thịnh) buồn bã thông báo: “Toàn xã có khoảng 204 hecta rừng và 50 vạn cây trồng phân tán bị đổ, cây to ngã đè lên cây nhỏ nên thiệt hại là rất lớn. Kỳ Thịnh là xã nghèo, người dân đang hy vọng vài năm nữa sẽ có chút thu nhập từ rừng nhưng bây giờ tan tành theo bão cả”.
Cảnh ngao ngán chờ đợi của những chủ rừng nghèo đã gần như mất trắng tài sản sau khi bão số 5 tàn phá nhiều huyện ở Quảng Bình, Hà Tĩnh. Ảnh: Hà Vy. |
Bi đát nhất trong trận bão là Công ty cổ phần Nông lâm sản Hà Tĩnh. Ông Bùi Xuân Dương (Giám đốc công ty) cho hay: “Cơn bão đã làm gần 500 hécta keo lá tràm và 274 hecta thông bị đổ, thiệt hại ước tính khoảng hơn 5 tỉ đồng. Do số lượng cây bị ngã quá nhiều nên đến hôm nay chúng tôi vẫn chưa tìm đâu ra đủ người để thu dọn, nếu để quá lâu cây sẽ bị hỏng và mất giá”.
“Sau bão, có rất nhiều hộ gia đình là cán bộ công ty bị thiệt hại nặng, lâm vào cảnh nợ nần chồng chất”, ông Dương nói tiếp.
Cây bị gãy hàng loạt nên biện pháp duy nhất mà người dân và các công ty phải làm lúc này là chặt bán. Họ mong vớt vát lại chút ít vốn liếng đã bỏ ra. Thế nhưng, vào thời điểm này, để bán được số cây bị ngã trong bão họ còn phải vượt qua nhiều “cửa tử” khác.
Muốn bán được cây, phải "làm luật" (!?)
Trong khi bà con đang thống thiết cần bán cây thì ngày 8/10, công ty HanViHa (Công ty trồng rừng và sản xuất nguyên liệu giấy) đã “cài then đóng cửa” với lí do “đang trong thời gian xuất hàng và bãi chứa của công ty đã hết chỗ”.
Đoàn xe sắp hàng kéo dài hàng km, chờ đợi và chờ đợi, trong khi giá cây đang giảm dần. Ảnh: Hà Vy. |
Tại công ty ViJaChip (Công ty sản xuất nguyên liệu giấy Việt - Nhật Vũng Áng) mới sáng tinh mơ đã có hàng trăm chiếc xe ô tô bấm còi inh ỏi để giành chỗ vào nhập hàng trước. Đến 9 giờ thì trên đường Quốc lộ 12B đoạn xuống cảng Vũng Áng đã có 3 làn xe nằm nối đuôi nhau dài hơn 1 km chờ xuất hàng, khiến đoạn đường này tắc cứng.
Anh Lê Văn Viện (35 tuổi ở xóm Quyết Thắng xã Kỳ Phương) buồn rầu: “Gia đình tôi có 6 hecta rừng keo lá tràm bị ngã trong bão, nhưng do cây mới chỉ được 2 năm tuổi nên khi bán bị họ chê ỏng chê eo. Tôi và vợ chầu chực ở đây hơn 2 ngày trời nhưng vẫn chưa thể bán được”.
Cùng chung cảnh ngộ, anh Nguyễn Văn Xuân ở xóm 9 xã Kỳ Thịnh thì phẫn uất: “Gần 20 hecta rừng của tôi bị đốn ngã nhưng rừng lại nằm sâu trong rú (núi) nên đến bây giờ vẫn chưa thuê ra công nhân và phương tiện để khai thác. Xe công nông thì đã bị cấm lưu hành còn gặp xe tải thì chủ xe nào họ cũng lắc đầu vì đang rất bận”.
Khi nói chuyện với chúng tôi, chủ hàng Trần Hữu Ước (quê ở huyện Lệ Thuỷ - Quảng Bình) ngao ngán: “Tôi thuê 4 xe chở gỗ ra đây từ ngày 4/10 nhưng đến hôm nay vẫn chưa thể nhập được xe nào. Lượng xe quá đông, hoạt động lại hết sức lộn xộn, mạnh ai nấy đi. Nếu chủ xe nào quen được bảo vệ và biết "làm luật” tốt thì sẽ ưu tiên vào trước bằng lối cửa sau, còn chúng tôi từ nơi khác đến nên đành bó tay”.
Tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Tân Trường Phát (sáng ngày 9/10) trời mưa tầm tã nhưng có hàng trăm người chen lấn cố giành phần trước cho xe vào cổng. Khi chúng tôi đến thăm, thấy số lượng xe đến nhập gỗ ít hơn so với ViJaChip, hỏi thăm mấy người bán gỗ thì vỡ lẽ: Tân Trường Phát mua vào với giá thấp hơn so với ViJaChip (tính đến ngày 8/10 ViJaChip mua 650 ngàn/1tấn keo tràm còn Tân Trường Phát mua vào là 600 ngàn/1 tấn).
Những chuyến xe đang sắp hàng chờ đợi được bán đi những gì còn lại sau bão. Cuộc sống của người dân vùng Hà Tĩnh, Quảng Bình đã quá khó khăn sau khi bão số 5 tàn phá. Ảnh: Hà Vy. |
Chị Lê Thị Nghiên (47 tuổi ở xóm 6 xã Kỳ Thịnh) bức xúc: “Thấy ở dưới ViJaChip quá đông nên tôi đưa vào đây bán cho nhanh ai ngờ đến đây mới biết họ đã hạ từ 640 ngàn/ 1 tấn xuống còn 590 ngàn/ 1 tấn. Bây gờ muốn quay về xe cũng chẳng có đường ra. Chúng tôi còn gì nữa mà họ làm tình làm tội!”.
Tuy nhiên, khi làm việc với PV VietNamNet, ông Đinh Trọng Tuấn (Giám đốc công ty TNHH Tân Trường Phát) lại cho rằng “Không hề có chuyện công ty ép giá các chủ rừng. Chúng tôi hạ thấp giá vì nhiều lí do. Thứ nhất là vào mùa mưa nên lượng nước trong các cây gỗ tăng lên khá nhiều, hơn nữa các cây bị ngã trong bão chưa đủ tuổi nên lượng gỗ ít và lại rất lắm xơ.
Trong thời điểm này chúng tôi không thể phân loại được đâu là cây đủ tiêu chuẩn và đâu là thứ chưa đạt yêu cầu để định ra các giá khác nhau cho từng loại. Còn việc ViJaChip mua vào với giá như thế nào tôi vẫn chưa nắm rõ được?!”.
Ông Tuấn còn cho biết thêm: “Sáng nay tôi đã lệnh là phải ngừng việc mua gỗ vào vì bãi chứa của công ty mặc dù chưa hết chỗ nhưng lại hết sức lộn xộn vì các chủ xe khi vào đây không tuân thủ các quy định an toàn. Sau vài ngày nữa khi đã sắp xếp xong chúng tôi mới tiếp tục mua”(!?).
Sáng ngày 8/10, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã vào thăm hỏi bà con trồng rừng bị thiệt hại nặng ở một số xã tại huyện Kỳ Anh. Căn cứ vào tình hình thực tế, Phó Thủ tướng đã chỉ đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh cho phép xe công nông được phép hoạt động trở lại để giúp bà con vận chuyển cây bị đổ.
Tuy nhiên, ngày hôm nay (10/10), xe công nông ra đường vẫn bị bắt.
-
Hà Vy