(VietNamNet) - Thọ Xuân là một trong những huyện chịu thiệt hại nặng nề nhất của cơn lũ vừa qua của tỉnh Thanh Hoá. 3 ngày sau khi nước rút, Phóng viên VietNamNet trở lại Xuân Yên, xã bị ngập nặng nhất của huyện Thọ Xuân, mọi thứ vẫn chìm ngập trong bùn. >> Toàn cảnh trận lũ lịch sử tháng 10/2007
Đường bê tông thành ruộng!
Con đường bê tông huyết mạch từ thị trấn vào trung tâm xã đã thông. Thế nhưng, từ trung tâm xã đến các thôn không thể di chuyển được bằng loại xe nào, ngoại trừ lội bùn và đi xe… bò.
Anh Nguyễn Văn Hâụ, Bí thư đoàn thanh niên xã cho hay, muốn vào các thôn bên dòng sông Chu, cách duy nhất là vượt qua con đường bê tông dài 3km. Song nó đã hoàn toàn bị vùi lấp dưới lớp bùn cao trên nửa mét. Mà đó là trục đường chính, còn muốn vào đường ngang, ngõ tắt, xuống tận nhà dân, bùn ngập cao quá đầu gối, ba ngày qua dân còn chả dám ra, nhà báo không thể lội được, thuê xe bò mà đi.
Sau 2 tiếng được bí thư Đảng uỷ xã điêù xe, chúng tôi may mắn có được một chuyến xe bò đi sâu vào trong những làng bị chia cắt bởi bùn.
Ngồi trên xe, chúng tôi không thể hình dung được khi chứng kiến cảnh nhiều người dân dùng trâu, bò, kéo bừa, cuốc nền nhà, mảnh sân, con đường từ nhà ra ngõ thường ngày được trát xi măng, lát gạch, nay đang nằm sâu dưới bùn từ 60-80cm, có nhà đến cả 1m.
Anh Minh, thôn 7, đang cùng con trâu và chiếc bừa lội bùn trong sân y hệt đang ở trên mảnh ruộng màu mở vừa bừa xong chuẩn bị cho ngày gieo mạ cho hay: Từ hôm mùng 6, nước xuống, ngay trong nền nhà bùn đã ngập quá đầu gối. 3 ngày qua cả ngày anh huy động cuốc, trâu, bừa đẩy bùn ra ngoàI mà vẫn chưa xong vì hiện tại, bùn ngoàI vườn đã cao hơn bùn trong nhà, không thể thoát thêm được.
Tương tự, ở thôn 8, cha con anh Nghĩa đang dùng mọi thứ có thể như cào, bừa để đẩy lớp nước phân trộn bùn sóng sánh đang ngập quá đôI ủng cao khoảng 60cm cậu con trai anh đang mang. Anh Nghĩa nói: đã hai ngày 3 người làm mà vẫn chưa thông ngõ. Chỉ có thông ngõ mới ra ngoàI xin nước được.
Trường học thành ao
Vườn dược liệu, vườn sinh cảnh, hòn non bộ…mà suốt 1 năm qua thầy trò trường THCS Xuân Hoà đầu tư, chăm bón để xây dựng trường chuẩn quốc quốc gia bỗng chốc bị chôn vùi dưới thảm bùn.
Phòng thí nghiệm, thư viện cũng bị cơn cuồng nộ của thiên nhiên biến thành…bãi rác.
Hôm nay, cô thầy cùng một đơn vị bộ đội giúp sức sửa sang lại trường mà lòng tái tê. Cái danh hiệu “chuẩn quốc gia” cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Thanh sẵn sàng “đánh đổi”, miễn sao cho các em có đủ sách sớm trở lại trường vào thứ hai tới. Nhất là khi, phần lớn học sinh trong xã thuộc diện nghèo. Hằng ngày vẫn phải thuê sách giáo khoa của thư viện trường. Nay, kho sách đó đã theo nước con sông Chu về biển!
Nhiều cô giáo trẻ của nhà trường, vốn xuất thân từ đồng ruộng cũng không thể ngờ được, qua bao nhiêu vụ cấy hái, đứng trước bao thửa ruộng đầy ắp phù sa của sông Chu, sông Mã cũng chưa thể “sánh” bằng mảnh ruộng màu mở hôm nay! Oái oăm thay, nó lại ngay trên sân trường ngày nào cô trò đứng khai giảng, chào cờ…
Về thôn… trong bùn, mỗi người dân 3 ngày được… 1 gói mì tôm…
Điểm cuối của chuyến xe bò là thôn 9, đến hôm nay vẫn bị chia cách với…lãnh đạo xã vì bùn.
Theo bà Nguyễn Thị Vĩnh, nước rút đã 3 hôm, vậy mà không hề thấy mặt cán bộ xã về thăm dân, cứu đói. Bà Vĩnh, bà Thắng thay mặt cho cả chục hộ dân đang chờ chuyến hàng đầu tiên của xã sau khi lũ qua cho biết: Đã 3 ngày, phần lớn dân thôn 9 chỉ cầm chừng bằng 1 gói mì tôm. Mà đó là hàng của dân xóm Đạo bên kia sông. Chiều tối mùng 9/10 hàng chục hộ đang mỏi mòn ngóng trông “ông thôn” Lê Văn Hoen phát gạo của xã.
Ông Hoen, trưởng thôn 9 cho biết, thực tế mấy ngày qua, dân chưa có một món hàng nào từ xã. Chủ yếu họ san sẻ nhau nhờ có bà con các vùng ngoài đê về cưu mang, nếu không, dân sẽ vô cùng khốn khổ vì đói.
Tuy nhiên, chiều muộn cùng ngày, chuyến gạo đầu tiên của xã đã về các thôn bị chia cắt vì bùn (thôn 7, 8, 9). Song, dân cũng phải ngậm ngùi nấu gạo trắng với nước sông!
Thậm chí, ngay những thôn gần trung tâm xã, đã thoát khỏi bùn cũng chưa có nước sinh hoạt để dùng. Ông Nguyễn Văn Mai, trưởng thôn 1 thú nhận, hôm nay đã tiếp nhận gạo cứu trợ, vậy nhưng chưa thể phát cho dân vì chờ đoàn cán bộ bác sĩ của Tổng cục hậu cần về hướng dẫn xử lí nước.
Thực tế, hiện trong toàn xã chỉ có trên dưới chục giếng có nước tạm gọi là sạch. Đây là những giếng bơm kính nắp của UniCef thực hiện nhiều năm trước trước. Còn lại tất thẩy giếng khoan, bể chứa nước hoàn toàn bị chìm trong nước lũ. Vì thế, hiện có đến 3/4 dân trong xã chấp nhận uống nước sông!
Cơn lũ đã qua, nhưng muôn vàn khó khăn sau lũ đang hiện dần, thách thức người dân và chính quyền nơi đây: Đói ăn; vẫn bị cô lập vì bùn; nguồn nước ô nhiễm; nguy cơ dịch bệnh…Nhưng vẫn hy vọng rằng, tình người sẽ được sưởi ấm, nuôi dưỡng, để Xuân Yên gượng mình trở dậy sau cơn dận dữ của thiên nhiên…
-
Chí Hiếu - Lê Anh Dũng