221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
991264
Vào Nậm Giải nghe người về từ cõi chết kể chuyện
1
Article
null
Vào Nậm Giải nghe người về từ cõi chết kể chuyện
,

(VietNamNet) - Nghe tiếng nước ào ào, anh Ngân Văn Kiên (25 tuổi, ở bản Méo, xã Nậm Giải, huyện Quế Phong, Nghệ An)  tỉnh dậy, đã thấy nước cuồn cuộn ngay dưới sàn lán. Chưa kịp nhảy ra, dòng lũ đã cuốn phăng chiếc lán; 3 người đang say ngủ chìm nghỉm trong nước.

>> Toàn cảnh trận lũ tháng 10/2007

Download phần mềm xem video tại đây

Xem bản tin của VTV1

Đi đường "người khiêng xe"

Đường lên Nậm Giải (Quốc lộ 48 nối dài, từ thị trấn Kim Sơn, huyện lị Quế Phong), con đường độc đạo vào tâm lũ Nậm Giải đến hôm qua hoàn toàn tê liệt. Thật khó tưởng tượng, con đường nhựa vốn phẳng lì và lượn quanh triền núi thơ mộng ngày nào chỉ sau 3 tiếng bị cơn lũ quần thảo giờ như bãi lầy dài hàng km.

Hình ảnh quen thuộc trên đường vào Nậm Giải những ngày sau lũ. Ảnh: Lê Anh Dũng.

Vừa ra khỏi thị trấn, tại km 21, cách cầu Tràm không xa, chiếc xe U-oát đã phải "nằm" lại, "nhường" đường cho cánh phóng viên chúng tôi vào tâm lũ Nậm Giải.

Cuộc mặc cả với những "yêng hùng vùng cao" - dân chạy xe ôm chuyên nghiệp miền Tây Nghệ An này diễn ra nhanh chóng: 200 ngàn cho 20km vào Nậm Giải! Tuy nhiên, cánh xe ôm này còn "mở ngoặc": Tùy vào độ khó của đường, có thể làm thêm giá. Vì thực ra, chưa ai biết được con đường phía trước sẽ ra sao...

Nhận điện thoại từ toà soạn "bằng mọi cách tiếp cận Nậm Giải", nên PV VietNamNet tắc lưỡi gật đầu.

Xe chạy được khoảng 2km, đến km23, cơ bắp của phóng viên bắt đầu được thử thách. Đầu tiên là quãng lầy chừng 20m, chúng tôi hợp sức cùng đẩy xe trong khi bùn lầy ngập phân nửa nan hoa "con" Win.

Qua được một đoạn, tất cả chưa kịp "huênh hoang" về chiến tích "vượt bùn dơ băng lau lách" thì đã phải tái mặt trước đoạn đường dài hàng trăm mét không hề nhìn thấy cột báo km, chỉ có bùn và từng mảng đá lớn đổ xuống án ngữ đường đi.

Đến đây, không thể "độc lập tác chiến" được nữa, sức mạnh tập thể được huy động tối đa khi cùng lúc 4 - 5 người giúp nhau khiêng một xe qua, rồi lại cùng nhau hì hục khiêng xe khác.

Cung đường "người khiêng xe" vào xã Nậm Giải (huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) ngày 7/10/2007. Ảnh: Lê Anh Dũng.

Cứ thế, sau một đoạn ngắn xe chở người là vào một đoạn "người khiêng xe". Cũng chả phân biệt "khách hàng là thượng đế", tất cả cho một mục tiêu: vượt qua đoạn đường trước mặt, vì quay lại những quãng đường đã bò qua được là quá ngán.

Mọi người chỉ còn biết hy vọng đoạn sắp tới sẽ êm ái hơn. Vừa đi, vừa ngẫm lại phép thắng lợi tinh thần của người khát nước đi trên sa mạc: Cứ đi, trước mặt có nước.

Sau 4 tiếng đồng hồ, xe mới vượt qua quãng đường 20km, nhóm phóng viên chúng tôi tiếp cận được... bờ nam con sông Nậm Giải.

Lúc này đã là 13h chiều ngày 7/10, vừa lúc cơn mưa như trút, nước đầu nguồn đổ về. Nước sông Nậm Giải sau 2 ngày không mưa giờ trở lại một màu đục ngầu cuồn cuộn chảy.

Thi thoảng, những khúc gỗ dài đến chục mét, đường kính 70-100cm thi nhau ngụp lặn giữa dòng nước như đem ra một thông điệp của con sông: sẵn sàng cuốn trôi tất thảy những gì gặp trên đường!

Liều mạng cố gắng thêm một lần nữa, chúng tôi vượt qua đập tràn sông Nậm Giải tại bản Mờ.

Nậm Giải, ngày 7/10/2007. Ảnh: Lê Anh Dũng.

Đến bản Cáng, trời lại tiếp tục đổ mưa tầm tã. Lại gặp một chặng đường bị núi lở chắn ngang. Đá to và cây cối nằm ngổn ngang giữa đống bùn lầy ngập ngụa.

Vượt qua được đoạn đường này lại gặp tiếp nhiều đoạn như thế. Con đường chênh vênh bên vách núi bị cắt đứt đoạn thành nhiều khúc men theo bờ sông Nậm Giải. Hai bên đường, những ngôi nhà sàn nằm im lìm trong mưa.

Bản Pục và bản Méo chìm trong mưa mù mịt. Đường từ bản Cáng lên bản Pục là cả một hành trình gian nan. Bờ sông lại lở cắt ngang con đường bám ven núi. Những khúc gỗ lớn cùng rác rưởi bị lũ cuốn từ thượng nguồn về vứt lại lấp kín mặt đường.

Dãy nhà ở của giáo viên trường tiểu học Nậm Giải vốn nằm xa bờ sông giờ đây đã bị lũ lấn vào xé toang một nửa. Đi đến đâu cũng chỉ thấy một cảnh tượng hoang tàn, xác xơ.

Đi bộ thêm 1 giờ đồng hồ nữa, chúng tôi đặt chân đến bản Pục. Trước mắt là một bãi bồi mênh mông do nước lũ dâng nhanh trên sông Nậm Giải xé toang hai bờ.

Trời ngả về chiều, mây đen vần vũ báo hiệu một cơn mưa lớn đang đến gần. Muốn vượt qua sông để vào bản Méo quả thực lực bất tòng tâm, chúng tôi buộc lòng phải quay ngược lại tìm chỗ trú ẩn.

Gặp người thoát chết trong lũ

Người trở về từ cõi chết, anh Ngân Văn Kiên tại Trạm y tế xã Nậm Giải ngày 7/10/2007. Ảnh: Lê Anh Dũng.

Tại trạm xá xã Nậm Giải, PV VietNamNet gặp một người vừa từ cõi chết trở về: Anh Ngân Văn Kiên (25 tuổi, ở bản Méo) bị lũ quét cuốn trôi đêm 3/10, thoát chết.

Anh Kiên đang trong tình trạng thương tích đầy mình, trên khắp cơ thể không có chỗ nào là không có vết thương, chỉ còn cử động được đôi tay và 1 chân rất yếu ớt.

Do anh Kiên không nói được tiếng phổ thông (tiếng Kinh) nên phải nhờ một người khác phiên dịch, chúng tôi mới tạm hiểu sự thoát chết thần kỳ của anh.

Đêm 3/10, anh Kiên đi thăm lúa về ghé vào lán của bà Lê Thị VIên bên bờ sông xin ngủ lại. Lúc này trong lán có tất cả 5 người. Khoảng 3h sáng 4/10, nghe tiếng nước ào ào, anh Kiên tỉnh dậy ra ngoài nhìn thì thấy lũ đang cuồn cuộn ngay dưới sàn nhà. Anh Kiên chưa kịp nhảy ra khỏi lán, thì dòng lũ đã cuốn phăng lán đi.

Lúc bấy giờ, trong lán vừa có thêm 1 người tỉnh dậy. 3 người còn lại vẫn ngủ rất say, chìm nghỉm trong nước lũ.

Cả 5 người bị lũ cuốn phăng ngay giữa đêm tối mịt mùng. Anh Kiên chỉ kịp vớ một khúc gỗ giữa dòng, chìm nổi giữa dòng nước cuồn cuộn, chịu đựng sự va đập của gỗ lớn, gỗ bé, cành cây... lao vùn vụt vào người.

Trôi như vậy tới bản Pục, anh Kiên bị dòng nước xoáy hất thẳng vào bờ ruộng. Khi đó, Kiên chỉ biết trèo lên càng cao càng tốt, khản tiếng kêu cứu.

May mắn, có 4 người ở trên chòi giữ lúa nghe thấy tiếng kêu liền chạy xuống đưa anh vào chòi trong tình trạng không còn mảnh vải trên người, thân mình giập nát, máu me bê bết.

Nậm Giải, những gì còn lại sau lũ. Ảnh: Lê Anh Dũng.

Tính ra, từ lán bị cuốn đến khi văng lên bờ, anh Kiên trôi được tròn 4 km giữa dòng nước lũ.

4 ngày đêm liền kề sau đó, anh Kiên phải nằm lại chòi canh lúa với sự chăm sóc của mấy người dân ở đó, vì nước lũ đang dân nên chưa thể qua sông. Đến 11h ngày 7/10, người dân mới có thể đưa anh tới trạm y tế xã Nậm Giải. Tuy thương tích đầy người, nhưng anh Kiên vẫn khá tỉnh táo khi nhớ lại quãng thời gian kinh hoàng đêm 3/10, rạng sáng 4/10 định mệnh đó.

Đến 11h hôm nay (8/10), 10  nạn nhân trong số 13 người mất tích ở xã Nậm Giải (huyện Quế Phong, Nghệ An) đã được tìm thấy xác.

Nậm Giải, sau trận lũ lịch sử tháng 10/2007, sẽ được nhiều người biết đến. Nhưng, đó là sự "nổi tiếng" bằng tính mạng và nước mắt của quá nhiều người dân!

  • Quang Cường - Lê Anh Dũng - Chí Hiếu

,
Item_article_xahoib1
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
Trang trước Trang sau
,
,


,
,
,
© Báo VietNamNet, số 141 Bà Triệu, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Cơ quan chủ quản: Bộ Thông tin và Truyền thông.
Số giấy phép: 1285/GP - BTTTT cấp ngày 27/8/2008. Tổng biên tập: Nguyễn Văn Bá
® Ghi rõ nguồn "VietNamNet" khi phát hành lại thông tin từ website này.
,