(VietNamNet) - Ông Nguyễn Đình Yên (Chủ tịch UBND huyện Quế Phong) nói "tôi nghĩ rằng trong đó người dân cũng không bị đói" khi hỏi về phản ứng cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ chậm trễ đối với người dân các xã trong huyện.
>> Toàn cảnh trận lũ tháng 10/2007
4 ngày sau cơn lũ quét làm chết 13 người (thông tin trước đó là 14 người) ở huyện miền núi Quế Phong (Nghệ An), chuyến hàng cứu trợ đầu tiên của huyện mới vào được vào người dân xã Nậm Giải sáng 8/10. Công tác tìm kiếm xác người mất tích hiện nay cũng chỉ nhờ vào… mùi tử khí và… ruồi phát hiện.
![]() |
Trường Tiểu học Nậm Giải bị lũ quét tàn phá. Ảnh chụp ngày 7/10/2007, sau nhiều giờ lội bộ. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Có hay không sự tắc trách và thản nhiên của chính quyền địa phương? VietNamNet có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Yên, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong:
"Không thể quản lý nổi" dân (?)
Phải nói lại là theo xác minh mới nhất, con số là 13 người chết.
Còn công tác đối phó, không thể nói là chủ quan. Huyện đã chỉ đạo xã Nậm Giải di dân lên những vùng an toàn trước khi lũ về. Tuy nhiên, con nước rất khó lường, lên rồi lại xuống. Cho nên, khi nước có dấu hiệu rút, dân đã tự ý quay trở lại nhà. Và sau đó, lũ bất ngờ ùa về…
Cũng phải nói thêm nữa là, cơn lũ về quá nhanh, lại lúc 3h sáng nên hậu quả rất đáng tiếc!
- Như vậy, rõ ràng công tác quản lí dân di dời quá lỏng lẻo?
Nậm Giải gồm 6 bản, mỗi bản gần như 1 quả đồi. Khu vực này có 370km đường biên giới với cả trăm ngõ đường tắt, lối mòn. Tập tục của người dân miền núi lại tự do. Không thể quản lý nổi. Ngay việc thông báo di dời cũng chỉ qua loa phóng thanh kêu gọi chứ không thể đến tận nhà, từng người được.
- Vậy những lực lượng nào đảm nhận công việc này?
Chủ yếu là lực lượng tại chỗ của xã Nậm Giải. Một số nữa là bộ đội biên phòng Trạm 517 gần đó. Nhưng khi lũ về, trạm biên phòng này cũng bị ngập lũ nên không biết họ hỗ trợ dân được bao nhiêu!
"Huyện cũng rất sốt sắng nhưng phải kiểm tra"
Lũ về lúc 3h sáng ngày 4/10. Nậm Giải bị chia cắt hoàn toàn. Mọi thông tin về Nậm Giải chỉ trong tâm lũ chỉ qua bộ đàm của biên phòng với vẻn vẹn: “14 người chết”!.
Huyện cũng rất sốt sắng nhưng phải kiểm tra lại thông tin, nắm tình hình mới có phản ứng hiệu quả được. Mà thông tin trong những ngày qua, thì…anh biết rồi đó!
Hôm 6/10, Bí thư huyện mới vào được bằng đi bộ. Ca nô, tàu bè, ô tô hay xe ôm đều không thể tiếp cận nên làm sao cứu trợ được (?). Chiều qua, đến trực thăng cứu hộ vẫn chịu thua!
Tận hôm nay, chuyến hàng cứu trợ được 2 tấn gạo, ít dầu thắp và muối mới trên đường vào bằng xe ôm.
- Công tác tìm xác người chết đến sáng nay vẫn diễn ra hết sức “nguyên thủy”: Nhờ ruồi bâu, hoặc dân đi nhặt củi nghe mùi tử khí. Huyện, hay tỉnh có hỗ trợ gì?
Vẫn là dân quân tại xã làm thôi. Dân chỉ đâu làm đó. Nên đôi lúc đào phải xác trâu, xác cá chết là chuyện thường. Chẳng có lực lượng hay phương tiện đặc biệt nào cả.
Đến nay, tỉnh đã hỗ trợ 4 triệu/gia đình có người chết.
- Ngoài 2 tấn gạo sáng nay, trong những ngày tới có chuyến hàng nào “quy mô” hơn không, vì hiện tại, người dân trong Nậm Giải vẫn đang phải san sẻ cho nhau từng miếng ăn?
Vẫn phải chờ đường thông thôi, chứ xe ôm chở gạo vào còn phải “người khiêng xe”.
Hơn nữa, đoạn dưới, đường 48 vẫn đang phải khắc phục sạt lở, chưa thấy xe tải, xe lớn lên tận thị trấn được. Việc này vẫn phải chờ tỉnh, ngành giao thông nữa. Có những việc ngoài sức của huyện (!!!).
- Hiện nay, ngoài xã Nậm Giải ra, công tác cứu trợ lương thực cho các xã khác bị chia cắt trong huyện được tiến hành như thế nào?
Có một số xã chỉ vừa mới được tiếp cận đến, chưa có hàng cứu hộ chuyển về. Nhưng tôi nghĩ rằng trong đó người dân cũng không bị đói. Họ cũng có thể chia sẻ lương thực cho nhau để vượt qua khó khăn.
-
Chí Hiếu - Văn Tuấn