221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
971830
Công viên Thống Nhất sẽ chỉ là nơi nghỉ ngơi, thư giãn
1
Article
null
Công viên Thống Nhất sẽ chỉ là nơi nghỉ ngơi, thư giãn
,

(VietNamNet) - Trước phản ứng gay gắt của đông đảo cư dân Hà Nội nói riêng, người Việt trên khắp thế giới nói chung, UBND TP Hà Nội vừa chính thức trả lời về công viên Thống Nhất.

Hồn nhiên trong công viên... (Ảnh: T.A.N)

Hồn nhiên trong công viên... (Ảnh: T.A.N)

Công văn 1506/VP-XDĐT vừa được Phó Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Thịnh ký ban hành  ngày 17/8/2007 với lượng chữ chỉ vừa vặn một mặt giấy A4 nhưng đã nhấn mạnh 2 lần cụm từ "nghỉ ngơi, thư giãn" khi nói về chức năng của công viên Thống Nhất. Riêng từ "nghỉ ngơi" được sử dụng tổng cộng 3 lần.

Văn bản này hoàn toàn không nhắc gì đến việc "sẽ biến Công viên Thống Nhất thành điểm vui chơi số một của Hà Nội với tổ hợp các trò chơi trí tuệ, mạo hiểm, thể thao, nghệ thuật và văn hóa. Sự phối hợp liên hoàn giữa vui chơi trên cạn và dưới nước với những công nghệ giải trí tối tân của thế giới", hay đến "tổ hợp giải trí đẳng cấp quốc tế, ví như sàn nhảy, studio, phòng chiếu phim công nghệ 3D, 4D hàng đầu thế giới"...

Dưới đây là nguyên văn trả lời của Văn phòng UBND TP Hà Nội:

"Công viên Thống Nhất hiện đang trong tình trạng xuống cấp. Việc đầu tư cải tạo, nâng cấp công viên là việc làm cần thiết. Trong lúc nguồn đầu tư từ ngân sách còn nhiều khó khăn, Thành phố chủ trương xã hội hóa, huy động nguồn lực từ các nhà đầu tư cùng tham gia đầu tư. Chủ trương xã hội hóa công viên Thống Nhất được gắn liền với việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của công viên, được tạo dựng bởi công sức lao động của người dân Hà Nội những năm sau hòa bình lập lại đồng thời phải đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, thư giãn của quảng đại quần chúng nhân dân Thủ đô.

Để đạt được mục tiêu trên, UBND TP đề ra nguyên tắc:

- Công viên Thống Nhất phải được bảo tồn là công viên văn hóa, nghỉ ngơi, thư giãn, môi trường sinh thái; bảo tồn các vườn hoa, cây xanh, đảo, hồ. Các trò chơi trong công viên cần được nghiên cứu, chọn lọc kỹ, mang tính văn hóa, giáo dục. Nghiên cứu khai thác mặt nước hồ hợp lý, tách nước thải, không cho xả trực tiếp vào hồ.

- Mọi công dân đều có quyền vào nghỉ ngơi, tham quan và hoạt động thể dục dưỡng sinh trong công viên bình thường như hiện nay mà không phải trả bất kỳ một khoản thu nào nếu không tham gia các dịch vụ giải trí có thu tiền.

- Các kỷ vật, cây trồng lưu niệm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các vị khách quốc tế đều phải được bảo vệ nghiêm ngặt, bảo dưỡng thường xuyên.

Bình yên trong công viên... (Ảnh: T.A.N)
Bình yên trong công viên... (Ảnh: T.A.N)

Những nguyên tắc nêu trên được xem xét đưa vào nhiệm vụ thiết kế quy hoạch công viên để nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết trình Thành phố phê duyệt. Hiện Thành phố đang xem xét nhiệm vụ thiết kế quy hoạch chi tiết công viên Thống Nhất do Sở Quy hoạch-Kiến trúc thẩm định, trình duyệt".

Như vậy, với văn bản trả lời này, Thành phố hoàn toàn nhất trí giữ chức năng chính của công viên Thống Nhất là nơi "nghỉ ngơi, thư giãn của quảng đại quần chúng nhân dân Thủ đô" chứ không phải "điểm vui chơi số một của Hà Nội" để níu giữ "hàng triệu đô-la của dân Hà Nội đã chảy vào các điểm vui chơi giải trí các nước lân cận". 

Thậm chí, cụm từ "vui chơi giải trí" cũng không được nhắc đến dù chỉ một lần trong mục tiêu, nguyên tắc cải tạo công viên Thống Nhất tại văn bản 1506 này.

Như vậy, có thể thấy bước đầu nhu cầu cần chỗ "nghỉ ngơi, thư giãn, hít thở, dưỡng sinh" của quần chúng nhân dân cũng đã được thông cảm và tôn trọng, chứ không phải cứ bước vào công viên là để "vật tung người" trên những chiếc đu quay nhào lộn chóng mặt, "giật bắn mình" vì những chùm tàu lượn vụt xé không gian, ghế ngồi miễn phí thì thiếu và ô uế, còn ghế quán bar, nhà hàng nhậu nhẹt thì thừa...

Đáng chú ý, văn bản ban hành ngày 17/8/2007 hoàn toàn không nhắc gì tới "10% quỹ đất của công viên dành cho các nhà đầu tư xây dựng khu dịch vụ; còn lại 90% giữ nguyên" mà chiều qua (16/8/2007), chính ông Nguyễn Văn Thịnh trong cuộc làm việc với báo giới tại trụ sở UBND TP đã nói tới, và các nhà đầu tư cũng rất "thích" đề cập trong mọi cuộc tiếp xúc, giải trình với báo chí gần đây.

Niềm riêng trong công viên...
Niềm riêng trong công viên... (Ảnh: T.A.N)

10% đất công viên để xây là xây những gì?

Câu trả lời chắc chắn là: Đất công viên để xây những công trình công viên, phục vụ người đến nghỉ ngơi, thư giãn tại công viên. Đó là các công trình: lán trú mưa, che nắng (dạng quán trống, mái nhẹ có ghế công cộng); nhà vệ sinh; sân chơi trẻ em như cầu tụt, ôtô đụng, bập bênh, đu quay...; các ki-ốt nhỏ bán hoa, báo, kem, nước giải khát, đồ lưu niệm...; nhà ban quản lý công viên.

Theo một quy tắc chung, có thể hiểu rằng diện tích của tất cả những công trình có "dính dáng" đến xây dựng trong công viên (ki-ốt, lán che, sân chơi... kể trên) sẽ được cộng lại sao cho không vượt quá 10% quỹ đất.

Đất công viên tất yếu không thể xây siêu thị bán đủ thứ từ nước mắm, mì chính đến tủ lạnh, tivi (cho dù siêu thị này ngầm hay nổi), hoặc xây những nhà hàng - karaoke máy lạnh như đất Vườn thú Hà Nội, công viên Thành Công... đang bị tận dụng hiện giờ.

TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam (Ảnh: T.A.N)

TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam (Ảnh: T.A.N)

Thậm chí, TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam đã đưa ra một ví dụ đầy thận trọng: Từ thời Chủ tịch UBND TP là ông Hoàng Văn Nghiên, có một giáo sư đã bàn với Đại sứ quán Pháp xin được một nhà chiếu hình vũ trụ trị giá khoảng 1 triệu USD với mong muốn thiếu nhi Việt Nam được mở mang tầm mắt.

Sau khi phía bạn đã nhất trí, vị giáo sư này trao đổi với UBND TP Hà Nội và chọn được một góc công viên Thống Nhất để đặt nhà này. Thế nhưng, bàn đi bàn lại, cuối cùng ông Nghiên đã kiên quyết không đồng ý cho công trình vui chơi giải trí này "du nhập" vào công viên Thống Nhất, yêu cầu đưa xuống công viên Yên Sở.

Cũng tại văn bản lần đầu tiên chỉ đạo về chủ trương xã hội hóa cải tạo, khai thác công viên Thống Nhất (số 09 ngày 16/2/2004), ông Hoàng Văn Nghiên đã luôn nhấn mạnh nguyên tắc "bảo tồn được tính chất của công viên là khu nghỉ ngơi, thư giãn của nhân dân; bảo tồn các vườn hoa, cây xanh và đảo, không bố trí làm nơi kinh doanh ăn uống..." mà không hề có ý định hướng chủ đầu tư phải phát triển nơi đây thành "tổ hợp vui chơi giải trí" động trời!

Để giải tỏa thông thoáng cả 4 mặt của công viên Thống Nhất, đảm bảo thuận tiện nhất cho sự tiếp cận của nhân dân, cũng từ năm 2004, Thành phố đã giao Sở QH-KT quy hoạch tuyến đường từ phố Nguyễn Đình Chiểu đến Đại Cồ Việt để tách khu dân cư ra khỏi công viên, đồng thời nghiên cứu việc di chuyển khách sạn SAS và rạp xiếc đến địa điểm khác, đảm bảo đồng bộ quy hoạch chung công viên này.

TS Phạm Sỹ Liêm cũng cho biết, khi ông còn là lãnh đạo Thành phố Hà Nội, ông đã không tán thành Công ty Công viên (ý nói các Công ty Công viên Cây xanh, Công ty TNHHNN một thành viên Công viên Thống Nhất bây giờ) đóng trụ sở ngay trên đất công viên - ’’nhưng mà thôi, nó bí quá thì nó làm cho nó, đành chấp nhận" - ông Liêm nói.

Thế nhưng, "phú quí giật lùi", nhiều năm trôi qua, công viên Thống Nhất chẳng những đã không thông thoáng, tốt đẹp hơn mà ngày càng bị lối tư duy ngắn hạn xâm hại. Đất công viên bị "ép" phải sinh ra "tiền tươi thóc thật" ngay cho những người "múa may" quanh nó. "Trụ sở của Công ty Công viên bây giờ lại biến thành cái gì rồi, còn ông Công ty Công viên lại ra lấn chiếm ở gần đấy nữa! Ông ra đi, ông đã không những không trả lại đất công mà còn biến nơi cũ của ông thành địa điểm cho thuê, tệ hại hơn trước!" - TS Liêm bức xúc.

Còn với dự án cải tạo công viên Thống Nhất, trái với ý đồ của Thành phố luôn xuyên suốt trong chủ trương từ trước đến nay là "khu nghỉ ngơi, thư giãn" của nhân dân - những người được giao phó trọng trách thực thi đã hết vẽ vời cho nó những "vùng động" rộng gấp nhiều lần "vùng tĩnh", lại còn tuyên bố sẽ biến nó thành "Disneyland giữa lòng Hà Nội" khiến nhân dân một phen hoảng hồn!

Và, thật đáng suy nghĩ nhận định của TS Phạm Sỹ Liêm, người trước kia từng nhiều năm lãnh đạo Thành phố Hà Nội, rồi lại lãnh đạo Bộ Xây dựng, và bây giờ là lãnh đạo Tổng Hội Xây dựng Việt Nam: "Các công viên của chúng ta hiện nay đang bị lấn chiếm, mà không ai có quyền tự lấn chiếm được - phải có sự ủng hộ, đồng tình của những người quản lý! Họ chẳng ngu chẳng dốt gì đâu, chẳng qua đã bị đồng tiền sai khiến mà thôi!"...

  • Hoàng Huy

Ý kiến của bạn?

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,