221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
969322
"Công viên của dân, vài người không thể định đoạt thay dân!"
1
Article
null
'Công viên của dân, vài người không thể định đoạt thay dân!'
,

(VietNamNet) - "Các anh muốn làm gì ở công viên Thống Nhất này, ít ra cũng phải hỏi xem người dân muốn gì, và công khai tiếp thu ý kiến rộng rãi của họ" - những người dân nhiều năm nay ngày nào cũng có những khoảng thời gian "sống trong công viên" bày tỏ như vậy với VietNamNet.

Những ngày qua, khi hội thảo "đặc biệt" nhằm cứu các công viên Hà Nội diễn ra - một hội thảo khiêm tốn tổ chức ngay giữa công viên Bách Thảo, không doanh nghiệp nào tài trợ như các cuộc thi hoa hậu, cũng không ăn trưa, không "túi nặng" cho mỗi đại biểu xách một chiếc về... nhưng lại qui tụ được rất nhiều tiếng nói nhiệt tâm và kinh nghiệm.

Khi
hàng trăm thư độc giả khắp nơi trên thế giới chấp chới bay về VietNamNet, mong manh hy vọng sẽ góp phần bé nhỏ "cứu mạng" các công viên...

... Cũng là lúc tại UBND TP. Hà Nội, Sở Qui hoạch - Kiến trúc Hà Nội cùng các nhà đầu tư trình Nhiệm vụ thiết kế qui hoạch tỉ lệ 1/500 xây dựng, cải tạo, nâng cấp công viên Thống Nhất.

Công viên là một phần tất yếu không thể thiếu trong cuộc sống rất nhiều người (Ảnh: T.A.N).

Công viên là một phần tất yếu không thể thiếu trong cuộc sống rất nhiều người (Chụp công viên Thống Nhất chiều 10/8/2007 - Ảnh: T.A.N).

Theo đơn vị tư vấn, bố cục của công viên sau cải tạo có thể chia thành 3 vùng: vùng động, vùng đệm và vùng tĩnh. Vùng động bố trí tại phía bắc với toàn bộ dải đất giáp đường Trần Nhân Tông (cũng là vùng đất rộng lớn nhất, giá trị nhất của công viên Thống Nhất) sẽ bao gồm các hoạt động mang tính sôi nổi như: vui chơi giải trí, không gian lớn cho lễ hội, mít-tinh, khu đỗ xe và dịch vụ công cộng ngầm xen kẽ vài hoạt động thể thao, rèn luyện thân thể...

Vùng đệm gồm bán đảo Phong Lan, khu vực đông hồ Bảy Mẫu (dọc đường Nguyễn Đình Chiểu) sẽ bố trí các khu chức năng có tính chất nhẹ nhàng, văn hóa như: vườn hoa chuyên đề, hội hoa cây cảnh, bến thuyền... Hồ Bảy Mẫu được cải tạo để tổ chức hoạt động vui chơi trên mặt nước, xây thuỷ cung, nhạc nước...

Phần còn lại rất "hẻo" và khuất nẻo góc đường Đại Cồ Việt - Lê Duẩn, trên thực tế hiện nay chỉ có mỗi 1 lối nhỏ vòng theo hồ để người dân đi lại, tập thể dục (vì hồ đã ra gần sát bờ rào công viên khu vực này), được các nhà tư vấn dành làm vùng tĩnh để nhân dân nghỉ ngơi, thư giãn, dạo bộ, ngắm cảnh, tập thể dục, dưỡng sinh...

Vẫn sẽ thành công viên động bởi "vùng động" rộng nhất, chủ đạo?

Có mặt tại công viên Thống Nhất thời điểm này, phóng viên VietNamNet ghi nhận được rất nhiều ý kiến của những người không hẹn mà ngày nào cũng gặp nhau tại công viên, đã nhiều năm như thế, kể cả khi đau yếu, chỉ trừ lúc mưa bão, xa Hà Nội hoặc ốm liệt giường... Bao trùm lấy họ là cảm giác tiếc nuối, đầy băn khoăn, thắc mắc.

Nhiều người tàn tật, đau yếu không thể tham gia các trò vui chơi giải trí, cũng không thể ăn nhậu nhiều trong các quán hàng - chỉ cần nhất là một con đường đẹp, một bãi cỏ sạch, một hồ nước không bốc mùi, một lán trú mưa... (Ảnh: T.A.N)

Nhiều người tàn tật, đau yếu không thể tham gia các trò vui chơi giải trí, cũng không thể ăn nhậu nhiều trong các quán hàng - chỉ cần nhất là một con đường đẹp, một bãi cỏ sạch, một hồ nước không mùi, một lán trú mưa... (Ảnh: T.A.N)

Họ đặt ra với nhau hàng loạt câu hỏi, đại loại như: Tại sao chẳng thấy bàn đến việc mở rộng "vùng tĩnh" ra cả 4 mặt công viên Thống Nhất (giáp Trần Nhân Tông, Nguyễn Đình Chiểu, Đại Cồ Việt, Lê Duẩn) để người dân từ "bốn phương tám hướng" đều dễ dàng vào hít thở, tập thể dục, nghỉ ngơi và công viên cũng vẹn nguyên sứ mệnh "phúc lợi công cộng" của mình? Tại sao cứ "dồn" người dân chỉ được thư giãn, nghỉ ngơi tại mỗi cái dải đất hẹp góc Đại Cồ Việt - Lê Duẩn, còn khu đất rộng lớn, giá trị nhất (giáp Trần Nhân Tông, đối diện là hồ Thiền Quang) thì cố "nhét" hàng loạt công trình xây dựng, khiên cưỡng so với chức năng chính của công viên này?

Theo người dân, việc chia vùng động, vùng tĩnh, vùng đệm trong công viên chỉ "đẹp" trên lý thuyết, nghe có vẻ "khoa học" nhưng thực tế lại không phù hợp. 

Thứ nhất,
nếu chia vùng cho một thành phố lớn hoặc ít ra là một khoảng đất từ vài trăm đến hàng nghìn hecta thì còn khả thi, nhưng đây là một công viên chỉ 48,5ha (trong đó mặt nước đã chiếm non nửa, chỉ có khoảng 28ha đất) thì các vùng được chia kia liệu có gì đảm bảo sẽ "bảo toàn chức năng", không ảnh hưởng nhau, ví dụ: sự huyên náo, âm thanh mít-tinh, lễ hội của "vùng động" sẽ hoàn toàn không lọt sang "vùng đệm" và "vũng tĩnh" (bởi khoảng cách giữa các vùng quá gần)?

Thứ hai, cũng theo người dân quan tâm - khi đặt "vùng tĩnh" gần đường Đại Cồ Việt (chính là vành đai 1 của Hà Nội) và đường Lê Duẩn cũng đang quá tải (phải chuyển thành đường 1 chiều với ồn ào xe lửa đi qua hiện nay) liệu có phù hợp, trong khi đúng ra "vùng tĩnh" (nếu có) phải nằm chính tại phía giáp Trần Nhân Tông bởi khu vực đó gần trung tâm thành phố, tĩnh tại hơn và liền kề với hồ Thiền Quang yên ả.

’Đứng

Đứng từ bờ hồ phía đường Lê Duẩn này nhìn sang, người dân cho biết khu đất rộng nhất công viên đang được hoạch định là "vùng động" rất gần tòa tháp đôi Vincom hiện hữu (Chụp chiều 10/8/2007 - Ảnh: T.A.N).

Ý đồ của tư vấn đưa vào "vùng động" giáp Trần Nhân Tông khu "dịch vụ + bãi đỗ xe ngầm" rộng lớn. Người dân phân vân trên nóc cái móng ngầm kiên cố ấy sẽ là gì, hay trong tương lai dần dà sẽ hình thành tòa nhà văn phòng, cao ốc tại đây?

Thế nhưng, tất cả những câu hỏi người dân tự băn khoăn với nhau (kể trên) đều "rơi tõm" vào tình trạng chung: "Ông hỏi tôi thì... tôi biết hỏi ai?"!!!

Theo ghi nhận, người dân cũng mong muốn các nhà quản lý, nhà đầu tư phải qui định và cam kết rõ: loại mít-tinh, lễ hội nào thì phù hợp tổ chức trong công viên, loại nào không - và khẳng định công viên không thể "dung nạp": các đêm rock, đêm rap, rồi ca nhạc thời trang lồng ghép quảng cáo cho các doanh nghiệp, thi hoa hậu các cấp... Điều này hoàn toàn phải được hoạch định trong dự án, trong thiết kế và phải được duyệt bởi qui hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 đã có thể kỹ càng tới mức: trồng cây gì, ở đâu, cái đu quay này cao bao nhiêu, to bao nhiêu, đặt ở góc nào...

Cùng với đó, đông đảo người dân yêu cầu được biết và đóng góp ý kiến cho bản qui hoạch công viên Thống Nhất trước khi chính thức phê duyệt. Theo họ, song song với việc triển lãm công khai lấy ý kiến nhân dân trong nhiều ngày, cần tổ chức các hội thảo tiếp thu đóng góp của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, xã hội. Dự án công viên cần có các chuyên gia riêng về công viên, bởi một số lãnh đạo sở, ngành, Thành phố giờ đây có thể quản lý rất giỏi nhưng chuyên môn chính lại là cấp thoát nước, hoặc giao thông, hoặc xây dựng công trình nói chung mà chưa được học tập, nghiên cứu về công viên. Các ý kiến sau khi thu thập này phải được gộp vào biên bản đính kèm dự án.

Ông Trần Khắc Kế (Ảnh: T.A.N)
Ông Trần Khắc Kế (Ảnh: T.A.N)
Ông Trần Khắc Kế - giáo viên hưu trí (Tập thể Bộ NN&PTNT):  "Đừng "ăn chơi nhảy múa" gì ở đây!"

Các vị làm gì thì làm nhưng phải đảm bảo mặt nước không được bé đi, cây không được chặt, và đừng "ăn chơi nhảy múa" gì trong công viên này. Thích ăn chơi thì ra nhà hàng, khách sạn chứ vào công viên làm gì? Công viên này là công viên xã hội, là lá phổi xanh của thành phố, phải để chỗ cho người dân đi lại, thư giãn... Nói thật chứ, ở công viên này, toàn dân lao động đến thường xuyên nhiều chứ người giàu họ đi đâu ấy chứ họ không đến đây, hoặc thỉnh thoảng lắm mới đến.

Thêm nữa, đã là công viên xã hội thì theo tôi phải không mất tiền. Việc này TP.HCM thi hành rồi, nhiều công viên đã tháo bỏ hàng rào hoặc hàng rào chỉ làm thấp, tượng trưng thôi! Thế mà ngay như bây giờ ở công viên Thống Nhất này, mặc quần đùi, đi giày thể thao vào thì không mất tiền nhưng mặc sang trọng thì lại bắt mua vé 2.000 đồng/người - hóa ra thấy người ta ở xa đến thì thu, ở gần thì không thu, là cái kiểu gì? Đã không thu thì tất cả phải không thu!

Công viên bây giờ có bao nhiêu cổng, cổng nào cũng lớn nhưng cánh cổng to lại đóng kín, chỉ mở mỗi cái cửa ngách con con bên cạnh là không được. Thế nhiều cửa để làm gì? Đây có phải ngọ môn của nhà vua, chỉ có khâm sứ khi tiếp kiến vua mới được đi cửa chính còn dân đi cửa phụ đâu?! Phải mở thông thoáng cho mọi người vào chứ!

Nếu không có kinh phí, Nhà nước phải cố gắng mà bỏ tiền ra, chứ không nên lấy cái nọ trong công viên để nuôi cái kia! Tôi nghĩ, Thành phố này chỉ cần tiết kiệm đi một tí là "nuôi" được công viên ngay chứ có gì đâu! Tư duy rằng chúng tôi phải xây nhà hàng, siêu thị này nọ trong công viên để "nuôi" công viên là không được! Công viên này là để phục vụ đại bộ phận nhân dân, không trừ một tầng lớp nào nên trước hết ngân sách Thành phố, Nhà nước phải có trách nhiệm.

Ông Lê Cửu Long - cán bộ đối ngoại hưu trí (phố Huế, Hai Bà Trưng, HN): "Cần nhất là làm sạch, khỏi

Ông Lê Cửu Long (Ảnh: T.A.N)
Ông Lê Cửu Long (Ảnh: T.A.N)
cần xây dựng!"

Tôi thấy đang có vấn đề thương mại hóa tại công viên Thống Nhất này, có ý biến công viên thành nơi kinh doanh. Mà đã nhằm mục đích thương mại hóa thì sẽ chủ yếu kiếm tiền của những người có tiền, sẽ phân biệt giàu nghèo, hạn chế sự ra vào của những người già, người lao động ít tiền.

Công viên này hiện giờ theo tôi cảnh thiên nhiên, cây, nước, đường đi cũng khá đẹp rồi - cái cần nhất trong "cải tạo" là giữ cho sạch sẽ, an ninh chứ không cần xây thêm gì nhiều. Nếu có xây, thì hãy xây thêm cho chúng tôi mấy chỗ trú mưa (dạng quán trống, mái nhẹ) chứ bây giờ mưa sập xuống bất ngờ không biết trú vào đâu cả, vào nhà hàng thì không phải lúc nào cũng sẵn tiền; và xây vài cái bốt canh bố trí nhân viên an ninh tại đó, để người dân cảm thấy an tâm, an toàn hơn nữa khi nghỉ ngơi ở đây.

Hiện giờ công viên buổi tối rất thiếu ánh sáng. Nếu có thể, hãy lắp thêm một ít đèn, thế thôi! Nâng cấp, cải tạo hay xây dựng gì cũng phải phù hợp nguyện vọng chung của nhân dân. Chúng tôi rất sẵn sàng tham gia ý kiến nếu được mời dự các hội thảo liên quan đến công viên Thống Nhất.

Ông Trần Khắc Nhiêm (Ảnh: T.A.N)
Ông Trần Khắc Nhiêm (Ảnh: T.A.N)
Ông Trần Khắc Nhiêm - doanh nhân (tổ 16 Phương Liên, Đống Đa, HN): "Cần nhân rộng khung cảnh tự nhiên thêm nữa"

Cải tạo là cần thiết, công viên hay bất cứ công trình gì nếu có điều kiện cũng cần liên tục giữ gìn, cải tạo, tu bổ để mang lại lợi ích lớn nhất và không lạc hậu. Tôi nghĩ, việc cải tạo thì ai cũng ủng hộ thôi, nhưng cải tạo thế nào để những khung cảnh tự nhiên bây giờ không chỉ giữ được và còn nhân rộng ra mới là thành công, chứ không phải cứ xây thêm nhiều hàng quán, trò chơi là thắng lợi!

Công viên Thống Nhất này, các cụ nhà mình ngày xưa đã bỏ bao công sức ra xây dựng, nếu bây giờ cải tạo mà làm thay đổi đi, làm mất ý nghĩa vốn có của nó đi thì tâm lý chung ai cũng lo lắng. Ra công viên thích nhất là được hưởng thụ không khí tự nhiên, cái đó mới lâu dài, lợi ích đó mới bền vững chứ chơi trò gì cũng chỉ vài lần là chán. Nếu cải tạo, cần chú trọng đầu tiên là nước hồ. Bây giờ hồ hôi hám lắm, không thể chịu nổi!

Nên công khai qui hoạch để người dân được bổ sung cho hoàn chỉnh hơn, kết hợp ý kiến của các nhà chuyên môn (thuộc nhiều tổ chức và độc lập) "có nghề", cùng tạo nên một bức tranh tổng thể công viên đẹp và phù hợp.

  • Hoàng Huy (thực hiện)

Ý kiến của bạn?

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,