221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
967206
Trả giá đắt nếu Công viên Thống Nhất thành "đại nhà hàng"!
1
Article
null
Trả giá đắt nếu Công viên Thống Nhất thành 'đại nhà hàng'!
,

(VietNamNet) - Tò mò trước bức xúc đến "nghẹt thở", đến "sôi sùng sục" của người phụ nữ từng đưa ra ánh sáng vụ "Thủy cung Thăng Long’’ nhiều năm trước, nay lại "quyết chiến" để bảo vệ Công viên Thống Nhất (Hà Nội) khỏi bị "trục lợi" - KTS cảnh quan Trần Thanh Vân, VietNamNet đã có cuộc trao đổi với bà...

Kiến trúc sư cảnh quan Trần Thanh Vân (Ảnh: T.A.N)

Kiến trúc sư cảnh quan Trần Thanh Vân (Ảnh: T.A.N)

Kể từ sau "cuộc chiến" với một số ít người có quyền, có tiền toan núp bóng cái gọi là "Thủy cung Thăng Long" hòng chiếm đoạt hàng vạn mét vuông đất công ven hồ Tây - KTS cảnh quan Trần Thanh Vân dường như khép lại với thế giới của riêng bà. Ít giao du, hạn chế xuất đầu lộ diện, nhưng không "đừng" được trước nguy cơ mất nốt màu xanh hiếm hoi của một số công viên Thủ đô - bà Vân lại vừa lên tiếng sau nhiều năm vắng lặng...

Công viên Thống Nhất là nơi rất tốt để "học làm người"

- Công viên Thống Nhất chỉ là một trong số các công viên hiện nay của Thủ đô đứng trước nguy cơ xâm lấn núp bóng "xã hội hóa cải tạo", như: Công viên Tuổi Trẻ sắp mất đứt 20 nghìn m2 đất cho cao ốc hơn 50 tầng, công viên Yên Sở buộc phải điều chỉnh qui hoạch tổng thể để "dung nạp" khách sạn 5 sao, văn phòng cho thuê, nhà nghỉ vào đây... nhưng sao bà có vẻ chú trọng đến Công viên Thống Nhất nhiều hơn cả?

KTS Trần Thanh Vân: - Cuộc đấu tranh của tôi nói riêng và anh em, bạn bè, đồng nghiệp nói chung sẽ đi từ tâm điểm đầu tiên là công viên Thống Nhất để rồi bảo vệ toàn bộ "hệ thống không gian xanh công cộng của Thủ đô". Công viên Thống Nhất là một thành tựu của Thủ đô sau ngày giải phóng về cải tạo môi trường (khởi công năm 1958, khánh thành 1960 với 40ha đất trồng cây, 20ha hồ).

Đừng nghe 2 tiếng "công viên" mà đánh đồng nó với những công viên, khu vui chơi giải trí khác. Ví dụ: công viên nước Hồ Tây, Công viên văn hóa Đầm Sen, Công viên Suối Tiên, Công viên Kỳ Hòa... ở TP.HCM cũng gọi "công viên" nhưng thực chất là những khu kinh doanh thuộc lĩnh vực công nghiệp giải trí với mục đích lợi nhuận là chính, còn Công viên Thống Nhất từ khai sinh đến nay luôn mang sứ mệnh "phúc lợi công cộng".

Để khách quan, tôi xin trích lời một người nước ngoài nhìn nhận về công viên Thống Nhất - bà Debra Efroymson, Giám đốc vùng Quỹ HeathBridge (Canada): "Công viên Thống Nhất thực sự là một ốc đảo thanh bình giữa lòng Hà Nội, dù có phần rìa giáp ranh nhiều phố lớn nhưng hầu như phía trong lại tách biệt hoàn toàn với giao thông bên ngoài và mang một nét rất riêng mà không phải công viên nào trên thế giới cũng có được. Nó như hình ảnh thu nhỏ của cuộc sống, nơi thành phần lui tới thật đa dạng, từ người giàu đến người nghèo, từ trí thức đến người lao động, từ người khỏe mạnh đến người già yếu, bệnh tật...

Riêng với tôi, một người nước ngoài nhiều năm gắn bó Hà Nội, Công viên Thống Nhất là nơi rất tốt để học làm người. Tôi yêu khoảng thời gian từ 7-8h sáng tại công viên này, đó là khoảng thời gian đẹp nhất trong ngày của tôi. Nơi này, những người cao tuổi tập dưỡng sinh với thanh kiếm và quạt giấy, nơi kia nhóm thanh niên chơi cầu lông, nhảy valse, bách bộ... giúp tôi thấy được vẻ đẹp của thành phố". 

Không chỉ có vị trí trung tâm, 4 mặt tiền phố lớn, hồ đẹp, đất rộng mà công viên Thống Nhất còn có những dải vỉa hè thoáng rộng như mơ... (Ảnh: T.A.N)

Không chỉ vị trí trung tâm, 4 mặt tiền phố lớn, hồ đẹp, đất rộng mà công viên Thống Nhất còn có những dải vỉa hè thoáng rộng như mơ... (Ảnh: T.A.N)

Công viên Thống nhất có duyên nợ sâu đậm với tôi nửa thế kỷ qua. Điều này, chỉ ai đã đẩy từng xe bò hoặc gánh từng gánh bùn, đất, cát, để cải tạo Hồ Bẩy mẫu bẩn thỉu, xây dựng nên công viên đầu tiên của Thủ đô như chúng tôi mới hiểu. Đó là thời gian 1955-1960, đang học trường cấp 2-3 Việt Đức, tuần nào chúng tôi cũng đi lao động một buổi để làm cái việc chân lấm tay bùn nhưng rất vinh quang đó!

Những năm tháng ấy, chúng tôi được giáo dục rằng: Công viên là công trình công ích của xã hội. Nhà nước ta còn nghèo, chưa có tiền đầu tư thì lớp thanh thiếu niên mới lớn như chúng tôi phải bỏ sức lao động ra để làm cho chính mình. Chiến tranh kết thúc, được về sống ở Thủ đô, gánh đất xây dựng Công viên Bảy Mẫu, đắp đường Cổ Ngư thành đường Thanh Niên - chúng tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Chúng tôi đã thực sự "lao động quên mình".

Đầu 1960, công viên Bảy Mẫu hoàn thành. Tháng 6 năm đó, chúng tôi tốt nghiệp phổ thông trung học và tổ chức liên hoan chia tay ngay bờ hồ công viên, viết lưu niệm cho nhau, hát cho nhau nghe những bản tình ca, rồi mỗi người một ngả.

Năm 1966, khi tôi tốt nghiệp Kiến trúc từ Thượng Hải trở về, đất nước bắt đầu bị bom đạn chiến tranh phá hoại. Tôi nhận công tác tại Viện nghiên cứu qui hoạch thuộc Bộ Kiến trúc. Viện chúng tôi là viện đầu ngành cả nước về qui họach và thủ trưởng trực tiếp của tôi - Giáo sư Đàm Trung Phường lại có sáng kiến thành lập Tổ nghiên cứu Công viên TP do chị Nguyễn Thị Thanh Thủy làm thủ lĩnh. Tôi trở thành một trong những thành viên đầu tiên của Tổ nghiên cứu này.

- Tổ nghiên cứu của bà vào những năm 60-70 đó đã làm gì cho các công viên nói chung và công viên Thống Nhất nói riêng?

KTS Trần Thanh Vân: - Thời kỳ đó, công trình xây dựng mới không có, nhưng đề tài nghiên cứu, thu thập tài liệu nước ngoài để chuẩn bị cho mai sau rất nhiều. Chúng tôi đọc, dịch và viết sách. Theo nguyên lý sử dụng đất đô thị thì "diện tích đất xanh" của các thành phố lớn phải chiếm từ 40-45% đất toàn đô thị, trong đó công viên cấp thành phố như công viên văn hóa nghỉ ngơi, công viên thể thao, công viên thiếu nhi… mỗi cái phải rộng vài trăm hecta. Ngoài ra, ở mỗi khu dân cư phải có vườn hoa công cộng để dân quanh đó thư giãn, hít thở. 

Phóng viên VietNamNet (phải) gặp và trao đổi với KTS Trần Thanh Vân tại tư gia của bà chiều 6/8/2007 (Ảnh: T.A.N).

Phóng viên VietNamNet (phải) gặp và trao đổi với KTS Trần Thanh Vân tại tư gia của bà chiều 6/8/2007 (Ảnh: T.A.N).

Hà Nội khi ấy diện tích xanh thiếu trầm trọng. Chúng tôi cộng tất lại, kể cả các hàng cây trên hè phố và hồ thì diện tích xanh vẫn dưới 25% diện tích toàn thành phố. Khoảng đất xanh đó là diện tích tối thiểu để cây cỏ đủ sức hấp thụ khí CO2 do con người thải ra, nhằm tái tạo không khí trong lành, đặc biệt tại các khu phố cũ chật chội.

Do công việc, tôi thường xuyên đến công viên Thống Nhất. Tôi là người đầu tiên biên soạn qui phạm thiết kế công viên ở tỉ lệ 1/500 và bộ mẫu ký hiệu các bản vẽ ở tỉ lệ này. Đây là những nguyên tắc kinh điển buộc mọi kiến trúc sư phải tuân theo. Thiết kế 1/500 được duyệt, rồi đến thiết kế sơ bộ và thiết kế thi công. Cây cỏ xanh tốt, sạch sẽ, không khí trong lành... là những tiêu chuẩn hàng đầu mà một không gian xanh thành phố phải đạt được - Công viên Thống Nhất những năm đó đã đạt tiêu chuẩn này và thực sự là nơi có khoảng xanh thoáng đãng nhất Thủ đô.

 Không phải cứ đưa nhiều "trò" vào là công viên sẽ tốt hơn

- Điều bức xúc nhất của bà trong dự án cải tạo Công viên Thống Nhất hiện nay?

KTS Trần Thanh Vân: - Tôi đã đọc "Nhiệm vụ quy họach chi tiết cải tạo nâng cấp Công viên Thống Nhất tỷ lệ 1/500" và hầu hết  văn bản, quyết định của UBND TP từ 2003 đến nay liên quan công viên này. Tôi cũng đã đọc lời phát biểu trên báo chí mới đây của các nhà đầu tư, thể hiện tự tin, khẳng định sẵn sàng ném vào công viên 100 triệu USD (1.500 tỉ đồng)...

Với tư cách là một chuyên gia đúng ngành nghề có 40 năm thâm niên, tôi thấy rất buồn vì bộ hồ sơ này có quá nhiều mâu thuẫn, tiền hậu bất nhất. Hai vấn đề lớn tôi cần nói rõ: Thứ nhất, trình tự thiết kế chưa đúng. Tôi xin hỏi: Bản nhiệm vụ thiết kế này do ai lập? Tại sao không có bản chính với dấu và chữ ký? Tại sao ngày 28/5/2007 TP mới ra thông báo "Xem xét phê duyệt nhiệm vụ thiết kế quy họach chi tiết" nhưng trước đó 2 tháng (3/2007) đại diện liên doanh kia đã công bố với báo chí "tổng vốn đầu tư là 1.500 tỉ đồng, sẽ khởi công quý III /2007"? 

Disneyland trên thế giới là một tổ hợp công trình hoành tráng luôn đủ bộ: casino, nhà hàng, khách sạn, siêu thị... để khách ăn, ngủ, nghỉ khi đến vui chơi (Ảnh tư liệu).

Disneyland trên thế giới luôn là một tổ hợp công trình hoành tráng luôn đủ bộ: casino, nhà hàng, khách sạn, siêu thị... để khách ăn, ngủ, nghỉ  khi đến vui chơi (Ảnh tư liệu).

Sắp thi công? Vậy bản thiết kế đâu? Dự toán đâu? Dự án đã được duyệt chưa? Đấu thầu trên cơ sở nào? Các công ty Vincom và Tân Hoàng Minh trúng thầu vì lẽ gì? Đã đủ điều kiện khởi công chưa mà thi công?

Phải chăng các vị chẳng phải muốn cải tạo một công viên "của dân, do dân, vì dân" gì mà chỉ nhằm vào mảnh đất mầu mỡ 52ha có 4 mặt tiền thoáng đẹp mà thôi? Thật kỳ lạ, qui họach chi tiết không có, bản vẽ kỹ thuật thi công không cần, nhưng các vị ấy đã kể ra những thứ sẽ xây ở đây và số tiền sẽ chi vào đây rồi!?

Các vị khẳng định đây sẽ là một trung tâm văn hóa lễ hội, vui chơi giải trí lớn nhất cả nước, một biểu tượng của Thủ đô Hà Nội, một "chốn thần tiên", còn quyết tâm sẽ không có trò chơi nào lặp lại giống như Singapore hay Thái Lan và không quên cả rạp chiếu phim 3D, 9.000m2 sàn ga-ra để ôtô và 6.000m2 sàn trung tâm thương mại… Thế là nơi đây sẽ thành một "đại nhà hàng, siêu thị" với đủ trò bát nháo! Công viên tiếp tục bị xẻ thịt!

Dân Thủ đô đã và đang cam chịu một "đại nhà hàng Vườn thú Hà Nội" với đủ loại quán nhậu từ cao cấp như Làng Việt, Phố Ngói đến thịt chó, tiết canh... hoặc gọi là "Tập đoàn ẩm thực Vườn thú Hà Nội" cũng được - nay sắp phải chấp nhận thêm "Trung tâm thương mại Công viên Thống Nhất"?!

Kiến trúc sư đâu hết mà cứ ai có tiền là tha hồ "phán" như thể họ là tổng công trình sư vậy?! Tôi xin khẳng định: Bản Nhiệm vụ thiết kếSơ đồ cơ cấu với mấy từ chung chung chia ra khu động, khu tĩnh… kia chưa nói lên gì cả, chưa đủ điều kiện để vẽ tiếp bản thiết kế kỹ thuật thi công. Vì thế, tôi kiến nghị Sở Xây dựng không được cấp phép tại đây khi chưa đủ cơ sở pháp lý.

Hơn nữa, như tôi đã nói, Công viên Thống Nhất quá chật chội, lại ngay khu đông dân, không đủ qui mô đầu tư hạng mục vui chơi giải trí kiểu Disneyland. Một nhà kinh doanh có ý định ngăn con cái các đại gia không xách từng va-ly tiền đô của cha mẹ ra nước ngoài đốt là rất đúng, nhưng mời các vị xuống Hòa Lạc hoặc lên Sóc Sơn mà đầu tư Disneyland, ở đó tha hồ ý tưởng "Tổ hợp giải trí đẳng cấp quốc tế".

Tôi không tin rằng các bậc phụ huynh giàu có từng cho con cái sang tận Singapore hay Bangkok để tiêu xài lại chê Hòa Lạc, hay Sóc Sơn là quá xa? Chẳng hạn, hồ Đồng Quan cách Sân bay Nội Bài chỉ 4km, nếu đầu tư tốt, các vị sẽ tha hồ "bắt" bọn con nhà giàu ở các nước khác mang tiền nộp lại cho các vị!

Thênh thang Disneyland quốc tế... (Ảnh tư liệu)
Thênh thang Disneyland quốc tế... (Ảnh tư liệu)

- Tất nhiên đã là doanh nghiệp, kinh doanh thì phải "khôn", phải tìm chỗ có lợi mà "đổ" tiền - vì vậy các công ty kia chắc cũng không sai khi chọn Công viên Thống Nhất bởi nơi đây đắc địa. Vấn đề là ở trách nhiệm quản lý nhà nước, chính quyền đô thị có thấy cần và quý khoảng xanh đó không hay sẵn sàng đánh đổi lấy rạp chiếu phim, nhà hàng, siêu thị?

KTS Trần Thanh Vân: - Thành phố gần như quên rằng những công viên này là công trình phúc lợi công cộng, nên đã nghĩ ra đủ cách kinh doanh để kiếm tiền từ khoảng xanh vốn rất nghèo nàn này. Chúng tôi kêu đất xanh quá ít, nhưng một số người lại cho là đất trống nhiều quá, phí quá, thi nhau xẻ thịt công viên! Tôi tán thành ý kiến trên VietNamNet của tác giả Thanh Bình (ĐH Deakin - Úc) rằng "Công viên không phải là dịch vụ giải trí", hay nói chính xác hơn: Không nên nghĩ thiển cận là phải đưa vào đây nhiều dịch vụ giải trí thì công viên mới có chất lượng tốt hơn được.

Từ 1975 đến nay, Hà Nội có thêm nhiều công viên trung bình và nhỏ, chủ yếu được xây dựng bằng lao động công ích (còn gọi là lao động XHCN). Diện tích xanh có vẻ được tăng lên nhưng vẫn không kịp tốc độ tăng dân số. Mật độ dân cư Hà Nội giờ đây lên tới 3.400 người/km2. Người dân ngày càng cần không gian xanh để thở, nhưng chất lượng các công viên (kể cả Công viên Thống Nhất) thì ngày một kém. 

’Nhiều

Nhiều công trình đang nghiễm nhiên "ký sinh" trên đất công viên Thống Nhất hiện hữu như thể công viên sinh ra là có trách nhiệm "cưu mang" chúng? (Ảnh: T.A.N)

Đầu tiên là rất bẩn - bẩn thì không phải do đầu tư kém mà chính vì tổ chức quản lý kém. Theo tôi, giải quyết tồn tại này không cần quá tốn tiền nâng cấp mà cần thay đổi cơ chế quản lý. Thành phố kiểm tra xem đã sử đúng quỹ phúc lợi xã hội chưa? Một Thủ đô văn minh mà để cho một công viên nằm giữa khu đông dân lay lắt suốt 50 năm, đang trở thành khu xả rác và tụ điểm ma túy thì thật đáng buồn!

Đến dạo chơi ở công viên không phải thứ gì xa xỉ mà là nhu cầu sống tối thiểu của tuyệt đại đa số nhân dân, nhất là dân lao động đang sống trong phố cũ chật hẹp. Chỉ cần một bãi cỏ xanh, một hồ nước trong là đủ! 50 năm trước, bằng sức lao động của mình, bằng cơm nắm bánh mỳ cha mẹ cho, chúng tôi đã tạo được những thứ đó thì bây giờ khá giả hơn rồi mà không giữ được là lỗi ở cơ chế, chính sách, lỗi của chính quyền.

- Vậy tâm nguyện liên quan đến Công viên Thống Nhất bà muốn nhắn nhủ người trong ngoài cuộc?

KTS Trần Thanh Vân: - Nếu các nhà đầu tư có lòng, xin hãy công đức vào đây chút ít để giúp Thành phố cải tạo vệ sinh môi trường, khai thông cống rãnh, nạo vét lòng hồ, sửa sang các bồn hoa, tạo chỗ cho người già đọc sách, đánh cờ, cho con trẻ chạy nhảy vui chơi sau giờ tan học, cho đám thanh niên có chỗ đánh cầu lông, học nhảy valse… Tôi tính, làm tất cả những thứ đó, các vị sẽ chỉ tiêu không đến 1% tổng số vốn 1.500 tỉ đồng dự kiến, nhưng lại được người đời ngợi ca.

Tôi phát biểu những điều này rất thực lòng và thiện chí. Bởi nếu Disneyland và các nhà hàng, trung tâm thương mại, sân khấu mà xuất hiện sẽ không khác gì đại họa đối với Công viên Thống Nhất  thanh bình này!

  • Hoàng Huy (thực hiện)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,