(VietNamNet) - Dịch cúm gia cầm vừa bất ngờ bùng phát tại Quảng Bình; hơn 200 con vịt trên 4 tháng tuổi đã chết. Trong khi đó, dịch bệnh ở lợn vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh miền Trung khác.
Tiêu hủy vịt nghi nhiễm cúm gia cầm ở Cam Thủy chiều 23/7. (Ảnh: Quang Cường)
Quảng Bình: Phát hiện virut H5N1 ở vịt
Ngày 23/7 Chi cục thú y tỉnh Quảng Bình đã nhận được kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của đàn vịt ở xã Cam Thủy, huyện Lệ Thủy do Trạm chẩn đoán - Xét nghiệm thuộc Cơ quan Thú y vùng III (thành phố Vinh, Nghệ An) gửi đến. Kết quả xét nghiệm này cho thấy đàn vịt trên đã bị nhiễm vi rút cúm H5N1.
Đàn vịt này có tổng số gần 2.000 con do anh Nguyễn Văn Dương ở thành phố Đồng Hới mua về từ xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh ngày 15/7/2007. Đến ngày 21/7/2007, bà con ở xã Cam Thủy phát hiện thấy vịt chết hàng loạt liền báo cho chính quyền địa phương.
Vịt thả rông ở Cam Thủy bất chấp dịch cúm. (Ảnh: Quang Cường)
Cùng ngày, Chi cục thú y Quảng Bình nhận được tin báo, lập tức về Cam Thủy để kiểm tra và khoanh vùng, bảo vệ khu vực có vịt chết, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm gửi Trạm Chẩn đoán - Xét nghiệm Cơ quan Thú y vùng III. Lúc này đàn vịt đã bị chết 300 con.
Ông Phạm Hồng Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Quảng Bình cho biết: “Ngay sau khi nhận được tin báo có vịt chết, cán bộ của Chi cục đã đến tận nơi để chỉ đạo khoanh vùng, bảo vệ không cho đàn vịt di chuyển rộng, đồng thời dùng hóa chất để xử lý khu vực có vịt chết. Chúng tôi cũng đã phối hợp với địa phương triển khai kế hoạch tiêu hủy đàn vịt”.
Chiều 23/7, Chi cục thú y Quảng Bình phối hợp với huyện Lệ Thủy đã tiến hành tiêu hủy gần 2000 con vịt nói trên và tiêu độc, khử trùng trong phạm vi tác động của vi rút H5N1.
Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Quảng Nam: Dịch heo tai xanh lan rộng
Cục Thú y cho biết, tại Quảng Ngãi dịch "tai xanh" vẫn lây lan sang huyện khác, "đích" đến hôm nay (23/7) là huyện Tư Nghĩa. Tổng số lợn mắc bệnh trong ngày là 34 con.
Virus gây bệnh tai xanh trên đàn lợn ở miền Trung có khả năng mạnh lên, gây chết hàng loạt gia súc.
Còn Đà Nẵng, theo báo cáo của Cơ quan Thú y vùng IV, cũng có thêm 17 con lợn mắc bệnh tại huyện Hoà Vang và Cẩm Lệ.
Quảng Nam - tỉnh đầu tiên bùng phát dịch, vẫn chưa ngăn chặn được sự lây lan của bệnh trên đàn gia súc. Một ổ dịch mới tiếp tục phát sinh tại thị trấn Núi Thành, huyện Núi Thành, làm 131 con mắc bệnh.
Một chuyên gia của Cục Thú y nhận định, dịch tai xanh ở miền Trung còn lây lan mạnh do con lợn có thể đã nhiễm một loại virus hoàn toàn mới, độc hơn trước đó. Khi kết hợp với các bệnh khác như tụ huyết trùng, tả lợn, liên cầu khuẩn... , dịch tai xanh sẽ gây chết hàng loạt gia súc.
"Việc người dân ở Quảng Nam vứt xác lợn xuống sông đã vô tình phát tán mầm bệnh theo dòng nước, nhanh hơn sự lây lan khi virus ở trên bờ", ông này cảnh báo.
E ngại trước thông tin về dịch tai xanh ở miền Trung, Sở NN-PTNT TP.HCM vừa yêu cầu các cơ quan chức năng không nhập lợn từ Quảng Nam về nuôi, cảnh giác khi mua lợn từ miền Trung. Khi phát hiện lợn nuôi có dấu hiệu bệnh tai xanh, người chăn nuôi phải khai báo ngay với cơ quan thú y địa phương. Lãnh đạo TP.HCM cấm người dân tự ý vứt xác bừa bãi hoặc bán chạy lợn bệnh chết.
Phú Yên “lừng khừng” triển khai phòng chống dịch
Sở NN - PTNT Phú Yên vừa có tờ trình gửi UBND tỉnh kiến nghị tạm ngưng nhập lợn và các sản phẩm từ lợn từ các tỉnh phía Bắc, nhưng quyết định này chưa được ban hành, các ngành chức năng lúng túng trong việc ngăn chặn dịch đang có nguy cơ lây lan trên địa bàn.
Heo bệnh vẫn được vận chuyển ra khỏi vùng dịch. (Ảnh: Vũ Trung).
Ngày 23/7, bà Đỗ Thị Đậu - Chi cục phó Chi cục Thú y tỉnh Phú Yên cho biết: thực hiện công điện khẩn của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT “Về việc tập trung chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên đàn lợn”, Chi cục Thú y đang triển khai các biện pháp cấp bách.
Bà Đậu cũng cho biết lâu nay 2/3 người chăn nuôi heo ở Phú Yên nhập lợn giống thường gọi là lợn F1 từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng. Trung bình mỗi ngày trên địa bàn toàn tỉnh tiêu thụ 200-300 con lợn giống loại lợn lứa có trọng lượng từ 30-40 kg. Các chợ đầu mối tập trung tại các huyện Đông Hoà, Tây Hoà, Tuy An, Phú Hoà và TP. Tuy Hoà thường mua loại heo này về nuôi thịt. Vì loại giống này ăn nhiều chóng lớn.
Chi cục Thú y chỉ đạo cho các trạm thú y các huyện, thành phố và chỉ đạo thú y các xã, phường tăng cường công tác giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn lợn, đặc biệt là chú ý phát hiện bệnh sớm và báo cáo kịp thời cho ngành chức năng, vận động người chăn nuôi không mua bán, nhập lợn từ các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng như lâu nay.
Vấn đề quan trọng là hiện nay Chi cục Thú y tỉnh sau khi dự hội nghị triển khai các biện pháp cấp bách về phòng chống dịch bệnh này tại Quảng Ngãi, đã có tờ trình Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo tạm ngưng nhập lợn và các sản phẩm từ lợn từ các tỉnh phía Bắc vào Phú Yên.
Ngày 17/7, Sở NN-PTNT Phú Yên cũng đã có tờ trình cho UBND tỉnh về việc này, tuy nhiên cho đến nay tỉnh vẫn chưa có quyết định. Vì vậy ngành thú y đang rất khó khăn trong việc kiểm soát vận chuyển, tiêu thụ lợn trên địa bàn tỉnh.
-
H.Yên - Trình Kế - Quang Cường