(VietNamNet) - Sau khi bị tòa sơ thẩm tuyên án tử, "đầu nậu đất” Phạm Thị Tuyết Lan, kẻ được cho là chủ mưu trong vụ án "Gò Môn" đã có biểu hiện lơ ngơ như kẻ tâm thần.
"Đầu nậu đất" Phạm Thị Tuyết Lan tại phiên tòa phúc thẩm. |
Sáng nay (5/7/2007), Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án tham ô, đưa hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi xảy ra tại Công ty Xây dựng Gò Vấp (nay là Công ty Địa ốc Gò Môn).
Ngay trong phần thẩm vấn, bị cáo Phạm Thị Tuyết Lan, người chịu mức án tử hình trong phiên sơ thẩm đã có những biểu hiện không bình thường về tâm thần.
Khác hẳn hình ảnh người phụ nữ sắc bén, cãi tay đôi với công tố viên tại phiên tòa sơ thẩm, cũng như việc được cáo trạng và bản án sơ thẩm quy kết là người phụ nữ "đầy quyền lực" lôi kéo cả Bí thư, Chủ tịch quận vào guồng máy, phục vụ cho mình nhưng tại phiên tòa phúc thẩm này hình ảnh ấy không còn nữa.
Dáng người tiều tụy, vẻ mặt lơ ngơ, ra trước vành móng ngựa mà cứ ngơ ngơ, ngẩn ngẩn, đầu cứ lúc lắc, miệng thì lảm nhảm và những động thái này của bị cáo Lan đã làm cho vị chủ tọa nổi cáu.
Thẩm phán Huỳnh Thành Lập - Chủ tọa phiên tòa đã phải ngừng tóm tắt bản án, buộc bị cáo Lan đứng dậy, đồng thời yêu cầu cảnh sát dẫn giải giải thích về những biểu hiện bất thường của bị cáo Lan. Theo cán bộ dẫn giải trình bày tại tòa, ngay sau khi bị tuyên tử hình trong phiên sơ thẩm, bị cáo Lan đã có những biểu hiện lơ ngơ, nói nhảm và sức khỏe sa sút, nhiều lần ngất xỉu.
Luật sư Trần Văn Tạo, người bào chữa cho Lan cũng xác nhận chuyện này, thông qua những lần tiếp xúc với bị cáo sau phiên tòa sơ thẩm. Trong phiên tòa sáng nay, luật sư Tạo đã đề nghị HĐXX cho tiến hành giám định sức khỏe của bị cáo Lan. Tuy nhiên, HĐXX đã không có ý kiến và vẫn tiếp tục phiên xử.
Trần Thị Kim Lan bị HĐXX cấp sơ thẩm nhận định là bị cáo chủ mưu trong vụ án và tuyên mức án cao nhất đối với tội danh tham ô tài sản. Trên thực tế, bị cáo Lan không phải là một cán bộ nhà nước mà chỉ là một cò đất, mua bán, sang nhượng đất thông qua một số mối quan hệ quen biết với những người có chức quyền như nguyên Chủ tịch UBND quận Gò Vấp Trần Kim Long, nguyên Giám đốc Công ty Địa ốc Gò Môn - Lê Minh Châu để hợp thức hóa việc chuyển nhượng trái phép hơn 11.000m2 đất để chiếm đoạt hơn 16,6 tỷ đồng từ Công ty Xây dựng Gò Vấp. Sau khi trả tiền mua đất cho các hộ dân, chia cho các đối tượng cùng tham gia còn lại 11.068.060.000 đồng Lan chiếm hưởng cá nhân.
Các bị cáo trong vụ án Gò Môn tại phiên tòa phúc thẩm. |
Ngày 6/2/2007, TAND TP.HCM đã tuyên án tử hình Phạm Thị Tuyết Lan (Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH TM&SX An Hội) về tội “Tham ô tài sản”. Bị cáo Trần Kim Long, nguyên Chủ tịch UBND quận Gò Vấp bị tuyên 25 năm tù về các tội tham ô tài sản, đưa hối lộ và tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; Nguyễn Văn Tính, nguyên Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Gò Vấp 11 năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đến người khác để trục lợi.
Bị cáo Lê Minh Châu, nguyên Giám đốc Công ty Xây dựng Gò Vấp mức án 22 năm tù; Hồ Tùng Lâm, nguyên Phó Giám đốc Công ty Xây dựng Gò Vấp 18 năm tù về hai tội tham ô, đưa hối lộ. Bị cáo Dương Công Hiệp, nguyên Phó phòng Quản lý đô thị quận Gò Vấp bị tuyên 18 năm tù về tội tham ô; Nguyễn Minh Hoàng 5 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ngay sau bản án sơ thẩm, bị cáo Lan đã có đơn kháng cáo kêu oan về tội danh và mức hình phạt. Cùng kháng cáo xin xem xét lại tội danh trong vụ án này có Trần Kim Long nguyên Chủ tịch UBND quận Gò Vấp. Trong bản án sơ thẩm, bị cáo Long chịu mức hình phạt 25 năm tù. Bị cáo Long cho rằng, hành vi của mình chỉ đơn thuần là vấn đề thủ tục phải làm chứ không tổ chức đưa hối lộ hay lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi. Bốn bị cáo Nguyễn Văn Tín, Lê Minh Châu, Dương Công Hiệp và Hồ Tùng Lâm đều có đơn kháng cáo xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Tại phiên tòa phúc thẩm, trong phần thẩm vấn bị cáo Lê Minh Châu đã cho thấy sự chỉ đạo làm sai của nguyên Chủ tịch và Bí thư quận Gò Vấp trong việc chuyển nhượng hơn 11.000m2 là rất lớn. Mặc dù biết việc chuyển nhượng đất với Lan là sai trái nhưng do sức ép của Chủ tịch Trần Kim Long nên Lê Minh Châu đã phải nghe theo. Bị cáo Châu giải thích một phần là do tin vào lãnh đạo.
Tuy nhiên, theo chủ tọa phiên tòa, niềm tin vào các lá chắn Trần Kim Long, Nguyễn Văn Tính có thể san bằng tất cả sai trái, đổi trắng thay đen không mạnh bằng lá chắn đồng tiền. Chính đồng tiền đã làm mờ mắt các bị cáo đẩy các bị cáo đến chỗ làm càn.
Chiều nay phiên tòa tiếp tục.
-
Gia Khang