221
12060
Diễn đàn kinh tế Việt Nam
vef
/vef/
1318634
Phó CT Đăk Nông ngỡ ngàng trước kiến nghị dừng bô-xít
0
Article
null
Phó CT Đăk Nông ngỡ ngàng trước kiến nghị dừng bô-xít
,

(VEF) - Với kỳ vọng lớn lao cho giấc mơ một nền công nghiệp bô-xít sẽ làm thay đổi bộ mặt kinh tế tỉnh vốn là nông lâm như Đăk Nông, ông Trần Phương, Phó Chủ tịch tỉnh Đăk Nông, khá bức xúc khi nghe tin có người xin dừng dự án.

Nhân chuyến đi khảo sát thực địa dự án bô-xít Nhân Cơ, Đăk Nông ngày 7/11, PV. Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (VEF) đã trao đổi với ông Trần Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông, xung quanh quan điểm của tỉnh này về dự án này.

- Thưa ông, ông có ý kiến thế nào trước việc gần 2.500 nhân sĩ, nhà khoa học ký thư kiến nghị dừng dự án bô-xít Nhân Cơ và mới đây, trong đó có cả các đại biểu Quốc hội?

Tôi nghĩ rằng, việc Trung ương chọn xây dựng nhà máy Nhân Cơ ở Đăk Nông là một quyết định thận trọng, được chuẩn bị kỹ lưỡng, kéo dài hàng chục năm của các cơ quan liên quan. Quyết định đó đã được cân nhắc ở tất cả khía cạnh.

Người dân tin tưởng trên địa bàn có một nền công nghiệp phát triển tốt, cải thiện được cuộc sống của dân.

Vì thế, thông tin xin dừng dự án Nhân Cơ làm cho người dân cảm thấy ngỡ ngàng, thiếu tin tưởng vào tương lai phát triển của tỉnh. Tôi cho rằng, đó là một điều không tốt, tạo tâm lý không tốt cho người dân.

Tôi đã đọc ý kiến của các vị đó, nhưng tôi rất tiếc là tôi chưa bao giờ gặp các vị đó đến Đăk Nông để xem xét tình trạng triển khai dự án khai thác bô-xít như thế nào, đặc biệt là nghe xem thảo luận của chúng tôi về dự án Nhân Cơ.

Mô tả ảnh.
Ông Trần Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông (ảnh: Phạm Huyền)

Tôi thực sự ngạc nhiên về ý kiến đó. Những việc các ông ấy nói về dự án rất xa lạ với chúng tôi.

Riêng về ý kiến phản biện của ông Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Công ty Năng lượng sông Hồng, tôi đã có dịp trao đổi với ông ấy nhiều lần. Tôi cho là ý kiến của ông ấy mang tính cực đoan, không xây dựng. Tôi đã từng chủ trì hội thảo quốc tế mà ông Sơn là diễn giả trong cuộc đó.

Khai thác bô-xít còn mới ở nước ta nên xuất hiện những ý kiến khác nhau về chủ trương nên làm hay không nên làm, là điều đương nhiên.

Chúng tôi lắng nghe, theo dõi những ý kiến khác nhau, với thái độ thận trọng, sẵn sàng cởi mở, tranh luận để xóa bỏ bớt những khác biệt về nhận thức để tạo điều kiện phát triển cho Đăk Nông nói riêng, đất nước nói chung.

- Vậy, về kiến nghị cần thành lập một hội đồng khoa học độc lập để thẩm định lại dự án, ông có quan điểm thế nào về việc này?

Tôi cho là hoàn toàn không cần thiết, vì bản thân hội đồng khoa học thẩm định của Chính phủ thành lập đã mang tính độc lập đối với chủ sở hữu là Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam.

Hội đồng đó không chỉ bao gồm mỗi Bộ Công Thương mà còn có nhiều cơ quan khác liên quan đến công nghiệp bô-xít.

Một hội đồng như vậy mà chúng ta không tin thì còn tin vào hội đồng nào khác hơn nữa? Liệu có một hội đồng độc lập cao hơn nữa? Chẳng lẽ, mời Liên hợp quốc vào thẩm định sao?

Rõ ràng, nếu xảy ra sự cố tràn bùn đỏ, ảnh hưởng xấu tới môi trường thì ngươi dân Đăk Nông chúng tôi hứng chịu đầu tiên.

Chính vì thế, tôi đã yêu cầu các cơ quan quản lý phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường, đẩy nhanh quá trình xây dựng trạm quan trắc môi trường của tỉnh. Chúng tôi sẽ giám sát, đảm bảo nhà máy đúng thiết kế được phê duyệt.

- Các kiến nghị dừng dự án về Nhân Cơ, ngoài lo ngại vấn đề môi trường, đều liên quan đến lý do rủi ro kinh tế lớn. Vì sao, ông lại không đồng tình việc dừng dự án này?

Tôi cho rằng, dự án này mà dừng lại thì thiệt hại rất lớn cho chính sự phát triển kinh tế của tỉnh Đăk Nông. Vì sao tôi nói vậy?

Theo tôi nhận thức được, dù có tiềm năng 220.000-230.000 ha đất nông nghiệp song Đăk Nông không phải là tỉnh có lợi thế về nông nghiệp tốt như Đăk Lak, Gia Lai. Năng suất cao su, cà phê của Đăk Nông đều kém Đăk Lăk, Gia Lai cả. Do đó, sự phát triển kinh tế của tỉnh Đăk Nông không thể dựa vào mỗi nông nghiệp.

Lợi thế thứ 2, là phát triển tài nguyên du lịch sinh thái do vị trí địa lý, thổ nhưỡng, khí hậu của tỉnh. Nhưng việc phát triển du lịch sinh thái là tiềm năng lâu dài, phải có thời gian chứ không thể làm nhanh được.

Lợi thế thứ 3 là phát triển công nghiệp thủy điện song đến nay, nguồn thủy điện đã gần tới giới hạn, chỉ còn trên dưới 300MW tiềm năng.

Mô tả ảnh.
Dự án bô xít Nhân Cơ mới xong phần giải phóng mặt bằng (ảnh: Phạm Huyền)

- Vậy, còn khoảng nào cho phát triển kinh tế Đăk Nông?

Chúng tôi có khoảng 5,4 tỷ tấn quặng bô-xít có chất lượng tương đối tốt. Với trữ lượng đó, không chỉ cho phép Đăk Nông mà còn cho phép đất nước ta phát triển một ngành công nghiệp quan trọng, lớn, có ý nghĩa.

Nếu như, không đánh thức nguồn tài nguyên bô-xít đó, không xây dựng nhà máy khai thác và chế biến alumin, phát triển kinh tế, góp phần làm giàu đất nước thì tôi thấy điều đó là vô lý.

- Thưa ông, nếu dừng dự án, phải chăng là ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách địa phương? Vì dự án này dự kiến đóng góp tới 50% cho ngân sách tỉnh.

ất nhiên tỉnh nào cũng mong muốn mình có nguồn thu riêng của mình đủ để đảm bảo nhu cầu chi tiêu mà không cần phải xin trợ cấp của Trung ương. Đó là lòng tự trọng của các địa phương.

Tuy nhiên, dự án này không phải quá lớn ở địa phương. Tôi không quan tâm dự án đóng góp ngân sách nhiều hay ít, mà quan tâm nó phát triển kinh tế xã hội ở Đắk Nông như thế nào?

Nếu có công nghiệp bô-xít sẽ kéo theo một loạt các ngành khác như ngành cơ khí, ngành sản xuất bao bì đựng alumin, sản xuất băng tải cho nhà máy… Chính cái đó góp phần nâng cao trình độ sản xuất cho người dân Đăk Nông, còn việc sau này nhà máy đóng góp ngân sách vài trăm tỷ thì tôi lại không quan tâm.

- Vậy, ông mong mỏi gì ở sau chuyến thực địa vừa qua của Tập đoàn Than và Bộ Công Thương, Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội?

Tôi 55 tuổi và đã ở đây 52 năm, từ năm 1958. Chuẩn bị cho dự án, tôi đã tham gia từ năm 2000, khi là Giám đốc Sở Công nghiệp của tỉnh.

Không có lý do gì chỉ vì vài dữ kiện mà chưa thực sự chính xác, vì dụ như bảo dự án bô-xít nằm trên vùng đá vôi là không đúng… mà bảo dừng dự án. Những ý kiến như vậy không thỏa đáng và không thể vì ý kiến không thỏa đáng mà dừng một dự án đã được chuẩn bị công phu tốn kém cả chục năm nay.

Tôi đề nghị Tập đoàn Than, Bộ Công Thương sau chuyến thực địa, cung cấp thêm thông tin cho chúng tôi để tuyên truyền thông tin đúng đắn cho người dân. Tôi tin là khi họ hiểu thì họ sẽ ủng hộ dự án.

  • Phạm Huyền (thực hiện)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,