(VietNamNet) - Đã 32 năm rồi "Bài thánh ca buồn" vẫn ngân vang long lanh trong những đêm lành. Bây giờ nếu bạn đặt câu hỏi bài Giáng sinh nhạc Việt nào được chọn mở đầu tiên trong đêm Thánh vô cùng thì phần lớn câu trả lời sẽ nghiêng về "Bài thánh ca buồn" với sự thể hiện của Elvis Phương. Nguyễn Vũ sáng tác nó trong những cảm xúc bất tận về một nhà thờ Con Gà thuở nhỏ với một mối tình lơ lửng sương khói nhưng Elvis Phương mới là người đã đẩy nó lên trở thành một tuyệt tác và qua bao nhiêu thế hệ người nghe nó vẫn sống và luôn là bài ca Giáng sinh được yêu mến nhất...
Bài thánh ca đó còn nhớ không em
Elvis cười rất tươi khi tôi bảo có rất nhiều người yêu thích "Bài thánh ca buồn" qua phần thể hiện của anh. Đó là nụ cười của một người đi qua nhiều trải nghiệm, 60 mà vẫn trẻ, vẫn máu lửa như một thời xa xưa. Tôi biết anh không phải là người đầu tiên thể hiện nó và cũng sẽ chẳng phải là người cuối cùng nhưng anh là người đã định được cho "Bài thánh ca buồn" một vị trí bất biến và đặt nó vào một không gian mà đến giờ vẫn chưa ai thay thế được.
Bài Thánh Ca Buồn |
Bài thánh ca đó còn nhớ không em
Cùng nhau quỳ dưới tượng Chúa cao sang
Rồi mùa giá buốt cũng qua mau Lời nguyện mình Chúa có nghe không
Rồi những đêm thánh đường đón Noel |
Sài Gòn bắt đầu trở lạnh, cái lạnh của một miền quanh năm chỉ rặt toàn mưa và nắng, những chiếc áo gió đủ màu bắt đầu lượn lờ trên khắp các con phố. Sài Gòn không có nhiều lò sưởi và cũng thiếu những nụ cười phả khói nhưng Sài Gòn chẳng vắng không gian cho những tâm hồn đồng cảm bay cao. Nguyễn Vũ sáng tác bài hát này với những kỷ niệm về một người con gái, về khoảnh khắc Silent night trong đêm Thánh ở nhà thờ Con Gà vẫn còn đầy màu sắc của thời gian, Elvis đẩy cao nó do "nhập" được ca từ và không gian bài hát, cảm được những mùa Noel cũ và mới, sự đến và đi và đôi lúc cũng biết nương nhờ vào kỷ niệm của những người bạn cũ...
Tông Đô trưởng, điệu slow rải đều, phần accord đơn giản với một giọng hát cao vút, ngân dài và trang trọng đến lạ thường, "Bài thánh ca buồn" nhẹ nhàng đi vào lòng người và cũng ở lại đó ngay từ phút đầu gặp gỡ. Elvis bảo rằng hát bài này mấy chục năm nay nhưng khi nào thể hiện lại cũng đem cho anh cảm giác như mới. Có những buổi anh phải thể hiện đến 3, 4 lần mà vẫn chưa làm no nê những người thưởng thức. Có hôm anh quyết định làm mới, đổi tông, thay intro, đưa điệp khúc lên đầu để tạo bất ngờ nhưng người nghe vẫn nhận ra và vỗ tay rần rần. Dù ở đâu, Mỹ, Sài Gòn, Hà Nội hay Đà Nẵng..., bất kể không gian và thời tiết "Bài thánh ca buồn" vẫn có một số phận như được định sẵn. Có người bảo với Elvis rằng họ có thể nghe bài này bất kỳ vào lúc nào chứ chẳng nhất thiết là Noel bởi không gian của nó đủ sức chứa cả 4 mùa. Cũng có người kể lại, có lần gần kề Noel cả nhà 4 người mà cả 4 căn phòng đều vô tình mở cùng lúc bài hát này, một sự vô tình ngọt ngào... Hạnh phúc của người nghệ sỹ cất cánh từ những chi tiết vụn vặt như thế nhưng không có nó thì những giải thưởng hay số lượng đĩa bán ra cao ngất ngưởng cũng chỉ thành thừa.
Nghe Elvis hát nhiều nhưng ở bài hát này có điều gì đó mang đến sự riêng biệt. Chàng ca sỹ chịu nhiều ảnh hưởng từ Elvis Presley, khoái Rock 'n' roll kiểu Jingle Bell Rock (Bobby Helmes) hay Long tall Sally (Little Richards)... nhưng vẫn hết sức đằm thắm và điềm đạm trong những bản tình ca. Anh chọn cho "Bài thánh ca buồn" một chút chậm rãi, lắng đọng và trầm mặc. Không gian cao rộng với ca từ rõ ràng, phả vào đấy một chút tiếc nuối, xa vắng pha chút cái lạnh tê tái của trời Đà Lạt "Bài thánh ca đó còn nhớ không em/ Noel năm nào chúng mình có nhau/ Long lanh sao trời đẹp thêm môi mắt/ Áo trắng em bay như cánh thiên thần/ Giọt môi hôn dưới tháp chuông ngân"... Người con gái của một thời như bước ra từ quá khứ, trắng toát màu cánh áo thiên thiền, nỗi buồn chầm chậm phả giọt, sự cô quạnh có nét gì đó tương đồng với "Cơn mưa phùn" của Đức Huy thuở nào "Cơn mưa phùn bay qua thành phố nhỏ/ đèn đêm lặng thầm gục trên đường phố"... hay "giờ đây em đã xa thật xa, còn lại tôi và ngôi giáo đường, tiếng chuông chiều vấn vương" trong "Thiên đường" mới đây của Anh Quân....
Nhớ quá đi thôi giọng hát ai buồn...
60 thường là tuổi của hoài niệm, là cột mốc cho những hồi ức dội về. Tuổi trẻ của Elvis gắn đầy với những kỷ niệm Sài Gòn. Les Vampires khi xưa không còn ai, Phượng Hoàng cũng đã bay mất, ý tưởng về một sự tái lập cũng chẳng còn điểm tựa để cất cánh. Những người bạn cũ, người đi kẻ ở, Nguyễn Trung Cang, Lê Hựu Hà cũng ra đi nốt nhưng Việt Nam vẫn là nơi mà anh mong muốn quay về. Bây giờ Elvis Phương thoải mái trong một ngôi biệt thự nhỏ cách khá xa trung tâm thành phố và có thêm nhiều nụ cười từ những người bạn mới. Hàng đêm lái xe cùng phu nhân Phan Lệ Hoa đi hát tại những nơi vẫn còn nhiều người muốn lắng đọng cùng anh.
Giáng sinh Sài Gòn qua bao nhiêu năm vẫn không đổi trong đôi mắt Elvis. "Vẫn đẹp, vẫn náo nhiệt nhưng bây giờ người ta ra đường nhiều hơn và những bức tường khi xưa đã đổi màu nhiều quá", Elvis bảo vậy. Thời gian mà, "thương tiếc những vì sao thì anh sẽ mất luôn cả mặt trời", Tagore từng bảo thế, hoài niệm và thực tại có một gạch nối của thời gian, những con đường nhỏ của Sài Gòn vẫn đẹp theo thời gian cho dù đôi lúc cũng bị lạc lõng bởi những biển báo 1, 2 chiều mới mẻ.
Giáng sinh này Elvis cũng sẽ lại ngân vang những bài ca đêm Thánh, trong đó có cả "Ngọn nến" của Phú Quang "Bài thánh ca cho ta cho em/ và ngọn nến mong manh trong đêm" mà anh đang rất tâm đắc nhưng dù sao vẫn chưa át nổi "Bài thánh ca buồn" 32 năm tuổi. Chiều Sài Gòn nắng nhẹ, gió thổi man mác, một mình chạy xe vòng vòng Nhà thờ Đức bà và môi khẽ hát "Rồi những đêm thánh đường đón Noel/ Lang thang qua miền giáo đường dấu yêu" vẫn nhận được những rung cảm thật sự... Và cứ thế nó sẽ sống, sống như những kỷ niệm đã đi vào hồi ức...
-
Minh Cường