Hầu hết các triển lãm đáng chú ý đều do người nước ngoài tài trợ và bảo trợ, một nghệ sỹ đương đại tên tuổi đã phải thốt lên trong một cuộc phỏng vấn: làm nghệ thuật ở nước mình cho nước mình mà sao các nhà bảo trợ trong nước thờ ơ thế?
Nghệ thuật đương đại Việt Nam đã chính thức hòa vào dòng chảy nghệ thuật đương đại thế giới những năm 1990 rồi phát triển lên đến đỉnh điểm vào nửa đầu những năm 2000. Ở trong nước mở đầu bằng những triển lãm cá nhân trong các gallery nhỏ rồi tại ba trung tâm văn hóa nước ngoài (Pháp, Anh, Đức) và thảng hoặc tại các nhà triển lãm chính thống và tại nước ngoài trong các triển lãm về Việt Nam hoặc liên hoan nghệ thuật quốc tế.
Tranh của Trần Trung Thành.
Hầu hết các triển lãm đáng chú ý đều do người nước ngoài tài trợ và bảo trợ, một nghệ sỹ đương đại tên tuổi đã phải thốt lên trong một cuộc phỏng vấn: làm nghệ thuật ở nước mình cho nước mình mà sao các nhà bảo trợ trong nước thờ ơ thế?
Dẫu đã có nhiều bài báo, chương trình truyền hình về tài trợ, bảo trợ văn hóa nhưng dường như việc tìm các nhà bảo trợ cho các chương trình performance, múa đương đại hoặc tìm người mua các tác phẩm nghệ thuật đương đại trong nước vẫn như mò kim đáy bể. Các tác phẩm xuất sắc nhất của thế hệ Trần Lương, Trương Tân, Lê Hồng Thái, Lê Quảng Hà, Nguyễn Minh Thành, Nguyễn Quang Huy, Nguyễn Văn Cường và sau đó là Phạm Ngọc Dương, Nguyễn Mạnh Hùng, Trần Trung Thành, Lý Trần Quỳnh Giang… lần lượt "đội nón" ra đi.
Giả sử một ngày nào đó, khi chúng ta lập một bảo tàng nghệ thuật đương đại để lưu giữ lại kí ức và cảm xúc của một thời kì đầy biến động của đất nước sau mở cửa và những suy tư của người Việt đầu thế kỷ 21, chắc chắn số tiền bỏ ra để mua lại các tác phẩm có giá trị sẽ không nhỏ thậm chí có thể sẽ không thể mua được. Trong khi đó, báo chí dồn dập đưa tin về những vụ chuyển nhượng cầu thủ bóng đá cả chục tỉ đồng, những chương trình nghệ thuật quần chúng tốn kém cả ngàn tỉ đồng, nhưng tiền cho nghệ thuật đương đại vẫn ở nơi nào xa xôi lắm.
Chương trình, nghệ sỹ hay, thú vị nhưng sao… khó hiểu quá?
Với mục đích hỗ trợ việc đưa các tác phẩm nghệ thuật đương đại đến với cộng đồng, một số tổ chức phi chính phủ và cá nhân trong giới nghệ thuật cũng hăng hái xây dựng một số quỹ văn hóa để vận động tài trợ nhưng được tiếp đã khó, nhận được một cái gật đầu của các vị lãnh đạo tập đoàn còn khó hơn. Câu trả lời chung thường là: Chương trình, nghệ sỹ hay, thú vị nhưng sao… khó hiểu quá? Câu kết luận có lẽ là việc bảo trợ là "đặc sản" chỉ dành cho người nước ngoài. Vậy thiếu tiền có phải là lý do chính?
Nhìn vào số lượng máy bay, du thuyền, xe siêu sang, biệt thự và vô số các nhãn hiệu cao cấp của thế giới hiện diện tại Việt Nam khó có thể nói người Việt ta không có người giàu, nhiều người chẳng ngần ngại rút túi cả trăm triệu bạc để tài trợ cho một chương trình để "ngoại giao" bất chấp việc thực chất chương trình ấy không có tác động gì đến đời sống nghệ thuật nước nhà.
Ở Việt Nam, sưu tầm các tác phẩm nghệ thuật là một điều quá xa vời với hầu hết những người có khả năng mua những tác phẩm ấy. Các nghệ sỹ của ta chẳng khỏi chạnh lòng khi thấy tác phẩm Mao Trạch Đông của Andy Warhol đã được một tỷ phú Hồng Kông mua với giá 17,4 triệu đô la mà lý do chính là đó là tác phẩm về người Trung Quốc. Thể hiện chủ nghĩa dân tộc bằng việc mua các tác phẩm của nước mình, giới "đại gia" Trung Quốc đã làm được nhiều hơn việc bỏ tiền "giúp" nghệ sỹ nước nhà.
Các nghệ sỹ nhiều họa sỹ đương đại Trung Quốc đã lọt vào danh sách những người giàu nhất nước và sánh ngang với những nghệ sỹ đương đại nổi tiếng nhất thế giới với số tiền kiếm được lên đến hàng chục triệu đô la. Tác phẩm của họ được nhiều tỷ phú trong nước mua và thậm chí đã trở thành một sản phẩm đầu cơ của giới đầu tư quốc tế. Thực tế này thực sự không chỉ tăng cường vị thế của Trung Quốc trong giới nghệ thuật quốc tế mà còn là một phương tiện quảng bá cho hình ảnh của đất nước.
Có ý kiến cho rằng các họa sỹ nên "Tiên trách kỷ"’ thì hơn, rằng nghệ thuật đương đại Việt Nam đang giậm chân tại chỗ. Tuy nhiên cần nhìn nhận vấn đề này một cách công bằng và bình tĩnh. Những năm 1990, hội họa và nghệ thuật Việt Nam bừng tỉnh sau giấc ngủ dài, các triển lãm, trình diễn, tác phẩm múa đương đại, video art, sắp đặt hừng hực phát triển và tạo ra những sự hào hứng đón nhận của công chúng nghệ thuật (bao giờ cũng là thiểu số) và thậm chí là phản đối của báo giới và các nhà quản lý (triển lãm của Lê Quảng Hà tại trung tâm văn hóa Pháp là một ví dụ).
Thế nhưng, sự phát triển liên tục của các nhà sáng tạo cũng kéo theo sự phát triển của công chúng yêu nghệ thuật và trong kỷ nguyên internet, người thưởng thức bao giờ cũng có cơ hội đi nhanh và qua đó bắt kịp nhà sáng tạo. Không phải nghệ sỹ đang bước lùi mà thực tế là trình độ khán giả đã cao hơn và cả nền nghệ thuật Việt Nam đang phát triển. Số lượng người xem và biết đến 1 triển lãm không còn được đo bằng số lượng người có mặt trong 1 tiếng khai mạc triển lãm mà còn bằng số lượng người xem sau đó, lượng ảnh và bình luận trên vô số blog, face book, trang web chuyên về nghệ thuật như soi, hanoigrapevine...
Nỗi sợ mơ hồ về "nguy cơ đụng chạm"
Vấn đề chính yếu vẫn nằm ở chỗ doanh nghiệp chưa nhìn thấy lợi ích của việc bảo trợ nghệ thuật hoặc nếu có cũng không biết nên làm thế nào cho hợp lý. Hiện tại, tại Việt Nam doanh nghiệp không hề có bất cứ lợi ích về thuế nào khi mua các tác phẩm nghệ thuật hay bảo trợ cho một sự kiện văn hóa, thể thao. Các tác phẩm nghệ thuật vẫn chưa trở thành một khoản đầu tư có tính thanh khoản (dù là cao hay thấp) với doanh nghiệp.
Bức tranh đắt giá nhất của hội họa Trung Quốc đương đại, Mặt nạ (họa sỹ Zeng FANCHZHI) đã bán được tại Hồng Kông với giá 9,7 triệu đô la.
Sự thiếu vắng các chuyên gia thẩm định về nguồn gốc và giá trị thương mại của tác phẩm càng làm cho các tác phẩm nghệ thuật không có cơ hội rơi vào tầm quan sát của các nhà đầu tư cũng như các doanh nhân. Thị trường tác phẩm nghệ thuật leo lắt ở Việt Nam không giúp nâng cao vị thế và đời sống của nghệ sỹ. Mua mang về nhà đã khó vậy, bỏ tiền tài trợ cho một dự án nghệ thuật mà không "mang" được cái gì cụ thể về càng khó.
Thêm vào đó còn là nỗi lo về sự nhiêu khê khi xin giấy phép triển lãm, những nỗi sợ mơ hồ về "nguy cơ đụng chạm", phản ứng có thể là tiêu cực của công chúng… làm cho các doanh nghiệp thờ ơ với các đề nghị kiểu này.
Trước mắt nên làm gì?
Hỗ trợ phát triển nghệ thuật đương đại Việt Nam là một chủ đề lớn và cần đến một chính sách tổng thể.
Việc đầu tiên cần làm chính là đầu tư vào giáo dục và phổ biến kiến thức. Việc cải tiến chương trình học chính thức đã là chuyện không thể nên càng không thể bàn đến việc cải thiện giảng dạy mỹ thuật trong trường. Chính vì thế báo chí và sách khảo cứu đóng vai trò hết sức quan trọng. Có lẽ nên bắt đầu bằng việc 1 số trang web có lượng truy cập lớn và có uy tín mở đưa tin thường xuyên về các triển lãm, kể cả việc phối hợp với những trang web có chất lượng bài viết cao để đồng loạt đưa tin về các triển lãm với các góc nhìn khác nhau, gây tiếng vang cho một triển lãm là điều cần thiết. Quyền lợi về mặt hình ảnh sẽ là một trong các yếu tố quan trọng để một nhà tài trợ, bảo trợ quyết định hỗ trợ cho một dự án nghệ thuật.
Ở Pháp, các thành phố hoặc đơn vị hành chính nhỏ hơn thường xuyên chú trọng đặt hàng các nghệ sỹ làm các tác phẩm nghệ thuật công cộng. Điều này vừa giúp nghệ sỹ đảm bảo cuộc sống, có cơ hội sáng tác và mang tác phẩm đến với công chúng, vừa làm nên điều tự hào của đơn vị hành chính ấy. Không phải chỉ các nước giàu mới làm như vậy.
Các tác phẩm nghệ thuật được trưng bày ngay trên đường phố Praha (CH Séc).
Sang đến Praha (CH Séc), chúng ta có thể nhận thấy nhiều triển lãm điêu khắc, sắp đặt được trưng bày tại các khu thương mại sầm uất, các tác phẩm bày ngay giữa lòng đường. So với những cuộc trưng bày lẻ tẻ xung quanh hồ Hoàn Kiếm hoặc dọc bờ sông Hương mà thỉnh thoảng ta bắt gặp thật đáng suy nghĩ.
Tiếp đến là việc thành lập một bảo tàng nghệ thuật đương đại Việt Nam tại Hà Nội hoặc TP.HCM hay chí ít cũng là nâng cấp toàn diện khu vực trưng bày các tác phẩm đương đại của hai bảo tàng mỹ thuật hai đầu đất nước trở nên cần thiết hơn bao giờ hết vì khó có thể tưởng tượng một thành phố thủ đô mà không có một bảo tàng nghệ thuật đương đại lưu giữ các tác phẩm (ít nhất là) của đất nước mình.
Một điều đáng suy nghĩ là ở Bangkok có ít nhất 48 bảo tàng trong đó có 3 bảo tàng nghệ thuật hiện đại, 1 bảo tàng nghệ thuật đương đại và hàng chục trung tâm nghệ thuật của tư nhân, của nhà nước hay thậm chí của một trường đại học. Sự phát triển của một quốc gia không phải được đo bằng số lượng xe hơi cao cấp nhập khẩu mà là chất lượng cuộc sống trong đó có chỉ số số lượng các bảo tàng.
-
Nguyễn Đình Thành (Theo VEF)