221
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
1320223
Không hùa với kẻ nói dối, dù chúng đông!
0
Article
null
Hành trình tư tưởng của L. Tostoi:
Không hùa với kẻ nói dối, dù chúng đông!
,

- Tolstoi ưa dẫn lời dạy của Kitô: “Đừng lo lắng cho ngày mai, bởi vì ngày nào có nỗi lo của ngày ấy”, và ông cũng đưa ra châm ngôn của mình: “Việc gì quan trọng nhất trên đời? Việc ta đang làm”.

  • Mô tả ảnh.
    Lev Nikolaevich Tolstoi (1828-1910)

    Cái chương trình ấy được biết đến dưới tên thuyết “không kháng cự” (non - resistance) hay “không chống lại cái ác bằng vũ lực”, thời nay gọi ngắn gọn là thuyết phi bạo lực (non - violence). Ở châu Âu và phương Tây nó có nguồn gốc trong đạo Kitô, ở phương Đông - trong những học thuyết tôn giáo - triết học rất cổ xưa của Ấn Độ và Trung Quốc. Tolstoi đã tự đến với thuyết này trong quá trình tìm tòi chân lý và đã tìm thấy chỗ dựa cho những xác tín mới của mình trong những lời dạy của Kitô được diễn đạt tập trung trong bài giảng trên núi nổi tiếng.

    Lần đầu tiên ông trình bày học thuyết không chống lại cái ác bằng vũ lực của mình trong sách “Tín ngưỡng của tôi” (1882-1884). Sau khi sách này được dịch ra các Âu ngữ, những độc giả Mỹ (gia đình Garrison và những người khác) đã cho Tolstoi biết ở Hoa Kỳ có một trào lưu tư tưởng gần gũi với ông, khởi đầu từ những năm 30 thế kỷ XIX, và gửi cho ông những tác phẩm của hai nhà chủ xướng và lãnh đạo trào lưu ấy, không mấy được biết đến ngay ở nước Mỹ - William L. Garrison (1805-1879) và Adin Ballou (1803-1890) trong sách “Vương quốc của Thiên Chúa ở trong ta” (1890-1893), phát triển và minh định như tư tưởng phi bạo lực của mình, ông giới thiệu rộng rãi cả những trước tác của Garrison và Ballou.Cũng trong thời kỳ này, ông tìm hiểu sâu triết học Ấn Độ và Trung Quốc, tìm thấy trong đạo Bàlamôn, đạo Phật, trong triết học của Khổng Tử, Lão Tử, Mặc Tử những tư tưởng tương đồng với những tư tưởng cốt lõi của học thuyết khắc kỷ trong triết học Hy - La, của đạo Do Thái và đạo Kitô và đi đến nhận thức về một bản chất thống nhất của tất cả các tôn giáo thế giới và càng thêm tin tưởng vào tính đúng đắn của những tìm kiếm tín ngưỡng - đức lý nơi mình.

    Mô tả ảnh.
    Tostoi, vị thánh của nước Nga đang đi sau cái cày, sau con ngựa trắng trên cánh đồng buổi sớm còn ướt đẫm sương...

    Trong một bức thư, bàn luận với một luật gia Nga về khả năng thiết lập nền hòa bình thế giới trên cơ sở tôn giáo, Tolstoi viết: “Các học thuyết Phật giáo và khắc kỷ, cũng như các học thuyết của các nhà tiên tri Do Thái, đặc biệt học thuyết được biết đến dưới tên Isaye, và cả những học thuyết Trung Hoa của Khổng Tử, Lão Tử và Mặc Tử (người còn ít được biết đến), tất cả đều xuất hiện gần như cùng một lúc, vào khoảng thế kỷ thứ 6 trước Kitô - tất cả đều như nhau nhìn thấy bản chất con người ở tính tinh thần của nó, và đây là công lao lớn nhất của chúng. Song chúng khác biệt với đạo Kitô xuất hiện sau chúng ở chỗ chúng đã dừng lại ở sự thừa nhận tính tinh thần của con người, nhìn thấy ở sự thừa nhận ấy cứu sách và hạnh phúc cho cá thể con người. Còn đạo Kitô thì rút ra một kết luận tiếp nối. Xuất phát từ việc con người nhận thức được bản chất tinh thần của mình, từ việc mỗi người nhận ra được trong mình một đứa con của Thiên Chúa, đạo Kitô tuyên cáo khả năng và sự cần thiết tạo lập trên trái đất vương quốc của Thiên Chúa, tức là vương quốc của hạnh phúc chung, bao hàm cả khái niệm về hòa bình trên toàn thế giới”.

    Học thuyết không chống lại cái ác bằng vũ lực của Tolstoi là một bộ phận hữu cơ của một học thuyết bao trùm hơn về những điều kiện cần thiết để kiến tạo trên toàn thế giới “vương quốc của hạnh phúc chung”. Nó xuất phát từ một nhận thức tôn giáo cơ bản được nhắc lại trong thư vừa dẫn: tất cả mọi người đều là con của Thượng Đế và họ phải đối xử với nhau với tư cách ấy. Trong một bức thư khác, gửi một viên chức Mỹ về vấn đề giáo dục tôn giáo cho trẻ em, Tolstoi viết: “Sự tôn thờ đích thực Thượng Đế chỉ có thể là sự tôn thờ Thượng Đế ở trong ta và trong những người khác. Tôn thờ Thượng Đế ở trong mình tức là hình dung ra cho mình và giữ trước mình hình ảnh của thể hoàn hảo tối cao của cái thiện và cố gắng đạt tới độ gần nhất với thể hoàn hảo ấy trong cuộc sống của mình.

    Còn sự tôn thờ Thượng Đế trong những người khác thì tựu trung là thừa nhận ở trong từng người một cũng một Thượng Đế mà ta ý thức được trong ta, do đó mà cố gắng đoàn kết với từng người; mà sự đoàn kết ấy thì chỉ thực hiện được bằng tình yêu thương”. Cuối thư, ông dặn dò: “Khi tiếp xúc với một người, bất kỳ người ấy là ai, hãy đừng quên rằng trên đời không có cái gì cao cả hơn và quan trọng hơn cái có ở trong con người ấy. Vì vậy, dù những việc làm của người ấy có xấu xa đến đâu, bản thân con người ấy, dù anh ta có là ai, phải được ta tôn kính như là Thượng Đế và yêu thương như là bản thân mình (chúng tôi nhấn - PVC) và vì thế ta phải cố gắng làm cho người ấy cái mà ta mong muốn cho mình, giả dụ ta ở trong vị trí của người ấy”.

    Từ một nhận thức kiên định như thế, dễ hiểu là Tolstoi không chấp nhận bất kỳ một sự xét xử nào và một hình phạt nào đối với các tội nhân. Từ nhận thức ấy mà sinh mạng con người được tuyên bố là giá trị cao nhất trong thế giới này: “Trên thế gian, chỉ có một vật thiêng liêng không thể hồ nghi - con người, và một đối tượng duy nhất mà con người không được làm xúc phạm và làm ô uế - ấy là con người…” Người có đức tin tôn giáo chân chính “sẽ không khi nào xúc phạm, làm ô uế Thượng Đế ở trong mình và trong đồng loại của mình, và lại càng không xâm hại đến cái mà những người tin vào giới luật của tình yêu coi là vật thiêng cao nhất và duy nhất - mạng sống của người khác (chúng tôi nhấn - PVC)” (“Chỉ một giới luật”, 1909).

    Nếu là thế thì bất kỳ một sự xâm hại và sát hại cuộc sống con người nào, dù vì những mục đích nào đi nữa, cũng không thể được chấp nhận. Chân lý tôn giáo này quá hay bị lãng quên, cho nên Tolstoi cứ nhắc đi nhắc lại không biết mệt mỏi. Một chân lý tôn giáo nữa, làm nền tảng cho học thuyết không chống cự cái ác bằng vũ lực của Tolstoi là: cái thiện chỉ là cái thiện khi nó là cái thiện cho tất cả mọi người không có ngoại lệ, nhưng cái ác là cái ác, nếu nó là cái ác dù chỉ cho một người. Về mặt đạo lý, quan điểm này là không thể bác bỏ, nhưng trong thực tế thì không mấy người thấu triệt nó, lấy nó làm kim chỉ nam cho hành động bởi vì người đời quá quen đồng nhất những lợi ích cá nhân hay cục bộ của mình với cái thiện và những gì đối nghịch với chúng với cái ác. Do đó mà cái ác, được quan niệm là cái thiện, mới ngự trị trong lịch sử loài người. Và cái ác đẻ ra cái ác, bạo lực đẻ ra bạo lực, máu gọi máu - vì thế minh triết loài người từ lâu đã nhận ra rằng để loại trừ cái ác phải lấy thiện trả ác, lấy nhân nghĩa thắng bạo tàn.

    Thế thì học thuyết không chống cự cái ác bằng vũ lực của Tolstoi có cống hiến gì mới và quý cho cái minh triết chung ấy không? Để trả lời câu hỏi này, sẽ là bổ ích nhớ lại cuộc tranh luận dai dẳng giữa Tolstoi với những người cùng chí hướng với ông về những giới hạn của sự không chống cự cái ác. Trao đổi ý kiến với mục sư Mỹ Adin Ballou (mà tên tuổi chúng tôi đã nói đến), Tolstoi khẳng định không được dùng bạo lực chống lại bất cứ ai, ngay cả những người điên hay những kẻ say rượu hành hung. Ballou bắt bẻ Tolstoi: “Ông nói: một tín đồ thực thụ của đạo Kitô sẽ luôn luôn chọn thà bị kẻ điên giết, còn hơn tước đoạt tự do của y.

    Theo phép ngoại suy, tôi cho rằng ông phải công nhận là một tín đồ Kitô giáo chân chính cái người mà, trông thấy tên điên giết trước mắt mình vợ mình, con mình và những người bạn tốt nhất của mình, sẽ bình thản quan sát tất cả cái đó thay vì bằng sức mạnh hạn chế tự do bệnh hoạn của bệnh nhân mà không làm hại cho hắn? Điều răn nào của Kitô linh thiêng hóa bệnh điên? Hay là lý trí được khai sáng, lòng nhân đạo và tình bác ái xui khiến một thái độ như thế đối với những người mắc bệnh tâm thần?”. Tolstoi đã đáp trả như sau (xin phép dẫn một đoạn trích dài):

    “Tôi sẽ không làm cái việc phản bác những phản bác của tiên sinh - cách làm như thế sẽ không dẫn đến cái gì cả. Tuy nhiên cái đã được diễn đạt chưa đủ rõ ràng trong thư trước của tôi thì tôi phải minh xác để tránh sự hiểu lầm. Đó là về sự nhượng bộ. Tôi nói rằng sự nhượng bộ, không thể tránh khỏi trong thực tiễn, không thể được chấp nhận trong lý thuyết. Tôi hiểu như thế này: con người không bao giờ đạt được sự hoàn hảo mà chỉ đến gần với nó. Cũng như trong thực tại không thể kẻ một đường thẳng toán học và mọi đường kẻ chỉ là sự đến gần với đường thẳng, hệt như thế mọi mức độ hoàn hảo đạt được bởi con người chỉ là sự nhích lại gần với thể hoàn hảo của Cha, mà con đường đến với Người đức Kitô đã chỉ cho chúng ta. Vì vậy trong đời sống hiện thực mọi hành vi của một người hoàn hảo nhất và toàn bộ cuộc đời của anh ta sẽ luôn luôn chỉ là sự nhượng bộ trong thực tiễn - lực hợp thành giữa sự yếu đuối của anh ta và khát vọng đạt tới thể hoàn hảo. Và sự nhượng bộ như thế không phải là tội lỗi mà là điều kiện tất yếu của mọi cuộc sống Kitô giáo.

    Nhưng sự nhượng bộ trong lý thuyết là một tội lỗi vĩ đại, một mưu đồ đánh thấp lý tưởng của Kitô hòng làm cho nó trở thành khả thi. Và tôi cho rằng một thoái nhượng lý thuyết như thế chính là sự chấp nhận bạo lực, cho dù đó là bạo lực thiện ý, đối với những người điên (rất khó định nghĩa chính xác thế nào là người điên). Không chấp nhận sự thoái nhượng ấy, tôi chỉ đánh liều cuộc sống của mình hay của những người khác mà có thể bị kẻ điên giết chết; nhưng cái chết sớm muộn sẽ đến, mà cái chết để thực hiện ý chí của Thượng Đế là ân phúc, như chính tiên sinh viết trong sách của mình. Nhưng nếu chấp nhận sự thoái nhượng ấy, tôi liều lĩnh đi ngược lại luật của Kitô, mà cái đó thì tồi tệ hơn sự chết.”

    Có nghĩa là nếu coi nguyên tắc phi bạo lực là luật hay lệnh của Thượng Đế thì ta sẽ thà chết còn hơn vi phạm luật ấy. Trả lời những người phản biện khác, cũng đưa thí dụ cổ điển ấy ra: một người lương thiện trông thấy một ác thủ đang hãm hiếp hoặc định giết một em bé gái phải làm gì, Tolstoi trả lời: giơ ngực mình ra cho hắn đâm hoặc bắn và bảo em bé: “chạy đi!”. Trong đời sống cá nhân là thế nào thì trong đời sống xã hội, quốc gia, quốc tế cũng phải là như thế. Chính theo tinh thần ấy, áp dụng nguyên tắc phi bạo lực vào lĩnh vực đấu tranh giải phóng dân tộc, môn đệ của Tolstoi Mahatma Gandhi sẽ nói với những đồng bào của mình: “Từ nay cho đến ngày chúng ta dành lại được độc lập, những sông máu có thể chảy ra, nhưng đó phải là máu của chúng ta, không phải của kẻ thù”. Gandhi không mệnh lệnh hoặc hô hào ai đổ máu mình vì tổ quốc, nhưng ông khuyến dụ không lấy máu trả máu để cho thắng lợi trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc được thanh sạch, được phù hợp với đạo Trời. Đạo Trời cao quý hơn mọi ích lợi trần gian - đó là điều mà Gandhi và Tolstoi thấm nhuần và kêu gọi mọi người thấm nhuần.

    Như vậy giới hạn chịu đựng cái ác, chịu đựng bạo lực mà học thuyết của Tolstoi đưa ra là hầu như không có, cho nên nó mới khó được tiếp nhận đến thế và vì thế mà những đối thủ tư tưởng của Tolstoi từng buộc tội ông là phản nhân đạo theo kiểu của mình và bằng cách của mình tiếp tay cho cái ác. Nhưng họ quên đi rằng lời khuyến dụ “hãy chịu đựng cái ác” ở Tolstoi luôn luôn đi kèm với lời khuyến dụ khác - “đừng tuân phục cái ác” và phần lớn chương trình hành động của ông nhằm triệt tiêu cái ác là ở phần thứ hai này. “Không tuân phục cái ác” đương nhiên bao hàm không hợp tác với cái ác bất kỳ trong lĩnh vực nào, dưới hình thức nào và ở mức độ nào: không tham gia các cơ cấu quyền lực, không gia nhập các đảng phái, thực chất chỉ đấu tranh cho các lợi ích cục bộ của mình và phản bội lợi ích của nhân loại, không tham chiến, không sống bằng lao động của người khác, không ủng hộ và truyền bá những gì giả dối và vô đạo đức, v.v… và v.v…

    Nhưng như thế chưa đủ: “Không tuân phục cái ác” còn là không nộp thuế cho nhà nước, khi đã hiểu rằng những thuế má ấy là bất công và được sử dụng cho những mục đích bất chính, không đi lính và không phục vụ trong quân đội và cảnh sát vì chúng là những công cụ thực hiện bạo lực và chiến tranh, không thề nguyện trung thành với bất kỳ một tổ chức nào để khỏi bị ràng buộc bởi lời thề, khỏi đánh mất tự do tinh thần của mình, không nghe theo bất kỳ một tiếng nói bên ngoài nào, khi thấy tiếng nói ấy trái ngược với tiếng nói của lương tri ta, v.v… Đấy, sự “không tuân phục cái ác” theo Tolstoi, nói còn rất nhiều chưa đầy đủ, là như thế và không thể không thừa nhận rằng nếu nó được thực hiện triệt để, thì cái ác sẽ không có chỗ tồn tại trên hành tinh này.

    Nhưng thực hiện nó rõ ràng còn khó hơn thực hiện “không chống cự cái ác”, vì thế mà học thuyết của Tolstoi mới bị coi là không tưởng. Tolstoi quá hiểu rằng học thuyết của ông, mà ông không bao giờ gọi là của mình, mà coi là một bộ phận nhỏ của học thuyết Kitô giáo chân chính, không thể nhanh chóng được đưa vào đời sống. Trong lời tựa cho tiểu sử của Garrison được đưa vào sách này, ông viết: “Nguyên tắc không chống cự không phải là nguyên tắc của bạo lực, mà là nguyên tắc của sự hòa hợp và tình thương yêu, và vì thế nó không thể biến thành bắt buộc đối với loài người bằng những biện pháp cưỡng chế. Nguyên tắc không chống lại cái ác bằng bạo lực, mà tựu trung là sự thay thế bạo lực bằng thuyết phục, chỉ có thể được tiếp nhận một cách tự do và tự do áp dụng vào đời sống (chúng tôi nhấn - PVC), tức là ở chừng mực mà loài người chối bỏ bạo lực và thiết lập những quan hệ của mình trên sự thuyết phục hợp lý hợp lẽ…”

    Biết trước rằng quá trình ấy sẽ rất tiệm tiến và khúc khuỷu, Tolstoi tuy vậy vẫn một mực khẳng định: “Dù muốn hay không, loài người chỉ có thể giải phóng mình khỏi cảnh nô dịch và áp bức lẫn nhau nếu tuân thủ nguyên tắc này”. Sẽ không là thừa nhớ đến thời điểm của tuyên bố này - đầu thế kỷ XX, khi chưa hề có Hội quốc liên, Liên hợp quốc cùng các tổ chức quốc tế khác bảo vệ quyền con người hay chăm lo giải quyết các xung đột liên quốc gia, tôn giáo và sắc tộc.

    Trong ngôn ngữ của loài người khó tìm được những từ ngữ mà Tolstoi lại kiêng kị như “anh hùng”, “cái anh hùng”, “chủ nghĩa anh hùng”. Như đã nói, trong “Chiến tranh và hòa bình” ông không tôn vinh công đức của một ai trong số những nhân vật tham gia bảo vệ đất nước, mà chỉ viết về họ như những người đã cố gắng làm tròn bổn phận của mình. Nhưng về già ông lại dành nhiều dòng và trang viết để tuyên dương những tấm gương anh dũng của những người đàn ông vì xác tín tôn giáo mà chối từ quân dịch, chịu đựng mọi hình phạt như giam cầm, đánh đập, lao động khổ sai, phát vãng. Và ông ca ngợi những phụ nữ - những người vợ, người mẹ một mình ủng hộ, nâng đỡ tinh thần những kẻ “phạm tội” như thế, và nhìn thấy ở những quan hệ liên ngã thể như thế một kiểu mẫu cho liên minh gia đình trong loài người (không phải trong quốc gia và lại càng không trong giai cấp!)

    Ông biểu dương những giáo phái thiểu số dám ly khai với giáo hội chính thống vì không thể chấp nhận những việc làm phản Chúa, phản nhân của nó và tự nguyện hứng chịu những truy bức của nhà nước vào hùa với giáo hội ấy. Ông khen ngợi những người nông dân, bị địa chủ phú hào cướp đất mà lại không khởi loạn đốt phá tài sản của chúng, nhưng chịu đi tìm những nơi nào có thể sống bằng lao động của mình mà không phải chịu áp bức, bóc lột, cho dù việc ấy ban đầu có khó khăn đến đâu. Và bản thân Tolstoi như là một người không tuân phục cái ác không ngớt cất tiếng lên án cái ác bất cứ nó diễn ra ở đâu: ông phê phán toàn bộ chính sách đối nội và đối ngoại của chính phủ nước ông; ông phản đối chính sách thuộc địa của Anh ở Ấn Độ và Nam Phi, phản đối chiến tranh Philipin của Mỹ, lên án những tội ác của thực dân Pháp ở Đông Dương, v.v…

    Cần phải nói thêm về lập trường của Tolstoi đối với các dân tộc bị thực dân đô hộ và cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của họ. Ông cảm thông sâu sắc với tình cảnh của họ, nhưng không đồng tình với chủ nghĩa yêu nước quá khích và óc dân tộc chủ nghĩa hay thể hiện ở họ. Tolstoi nói với họ: giành lại độc lập dân tộc chỉ là mục tiêu trước mắt nhất thời và không nên gán cho nó một ý nghĩa quá quan trọng; cái quan trọng hơn nhiều là làm thế nào thoát khỏi cảnh ngộ ngàn năm người thống trị người, người áp bức người, bởi vì từ việc là những kẻ thống trị và áp bức sẽ là những kẻ đồng tộc, chứ không ngoại tộc, sự thống trị áp bức ấy không trở nên ít xấu xa, ít tệ hại hơn. Ông còn nói tiếp: sở dĩ các đế quốc phương Tây đô hộ được các nước phương Đông là vì nhân dân của các nước ấy trước khi đế quốc thực dân đến đã quen tuân phục cái ác, khuất tùng và tham gia bạo lực vì những lợi ích trần tục, chứ không sống theo đạo Trời, theo những điều răn của các thánh nhân hiền giả của chính họ. Tolstoi viết trong “Thư gửi một người Ấn Độ” (1908) cũng được đưa vào sách này:

    “Nếu người Anh đã nô dịch được người Ấn, thì chỉ vì người Ấn đã và đang thừa nhận bạo lực như là nguyên tắc tổ chức xã hội chủ yếu và cơ bản. Vì nguyên tắc ấy mà họ từng phục tùng những tiểu vương của mình, vì nó mà họ từng đấu tranh với nhau, từng đấu tranh với người Âu, người Anh và giờ đây vẫn cố gắng đấu tranh với chúng.

    Một công ty thương mại đã nô dịch một dân tộc 200 triệu người. Hãy nói điều này cho một người không mê tín dị đoan, và anh ta sẽ không hiểu những lời nói ấy có ý nghĩa gì. Thế nào là 30 nghìn người không phải lực sĩ, mà nhiều phần hơn là những kẻ yếu ớt, kém cỏi đã nô dịch được 200 triệu con người hoạt bát, thông minh, tráng kiện, yêu tự do? Lẽ nào chỉ từ những con số ấy lại không rõ là không phải người Anh, mà chính người Ấn đã nô dịch chính mình? Là người Ấn Độ mà lại than phiền rằng những người Anh đã nô dịch mình thì chẳng khác nào những kẻ nát rượu than phiền rằng những người bán rượu sống chung với họ đã nô dịch họ. Bạn bảo họ có thể không uống, nhưng họ trả lời bạn rằng họ không uống không được […] Chẳng phải cũng điều này đang xảy ra với mọi người, với hàng triệu người đang phục tùng chỉ hàng nghìn hay hàng trăm người đồng tộc hoặc ngoại tộc?”

    Ở một chỗ khác Tolstoi nói rằng nếu mà người Ấn biết sống với nhau theo đạo Trời chứ không theo luật đời thì không phải 30 nghìn người Anh, mà cả nước Anh cũng không làm gì được họ, cho dù họ chỉ có không phải 200 triệu mà chỉ 5000 người.

    Cũng những thư ngỏ với nội dung tương tự Tolstoi đã viết cho người Trung Quốc, người Ba Lan, người Serbie. Và đã chẳng dân tộc nào nghe theo những khuyến dụ của ông. Ngay ở Ấn Độ nhân dân nước này vừa mới giành được độc lập quốc gia thì đã lao vào một cuộc chém giết lẫn nhau khủng khiếp do những kỳ thị tôn giáo (điều mà Tolstoi sinh thời không ngớt lên án và không ngớt cảnh báo và chính vì lý do này mà ông cứ muốn thiết lập mau mau một tôn giáo toàn thế giới) và đã giết chết cả thánh Gandhi của mình. Nhưng từ đó có nên kết luận rằng những khuyến dụ của Tolstoi là viển vông, vô bổ, ở ngoài chân lý?

    *

    * *

    Cho đến giờ, chúng tôi vẫn chủ yếu nói về những luận điểm, những tư tưởng mang tính phủ định của Tolstoi. Bây giờ xin được đề cập, cũng chỉ qua loa, tới mặt chính diện, khẳng định trong học thuyết của ông. Do khuynh hướng đạo đức luận rõ rệt của tư duy Tolstoi, mọi khẳng định chính diện nơi ông đều tập trung xung quanh vấn đề con người nên sống thế nào. Nhưng ngay từ đầu cần phải tâm niệm rằng khi Tolstoi nói “nên” tức là ông cũng nói “có thể”. Ông hoàn toàn tin những gì ông khuyến dụ đều làm được, thậm chí dễ làm - ông biết có những người đã và đang làm như thế. Thứ hai, Tolstoi tin tưởng sắt đá rằng những lời khuyên của ông hữu ích trong mọi hoàn cảnh của cá nhân con người và trong mọi cục diện của xã hội loài người, bất cứ chúng là thế nào. Đến đây, cần nói đến một quan điểm kiên định nữa của Tolstoi.

    Ông sống và hoạt động trong thời đại khi mà do những bước tiến vượt bậc của khoa học, con người càng ngày càng tin tưởng vào khả năng của mình đoán biết chính xác tương lai của loài người, và từ những tiên đoán được gọi là khoa học người ta xây dựng nhiều học thuyết xã hội rất “dài hơi”, cho tiền đồ hàng thế kỷ nhân loại, và từ cái tiền đồ tưởng là nắm trong tay ấy mà người ta thiết lập những cương lĩnh hoạt động cho từng thời kỳ lịch sử ngắn hơn, quy định những nhiệm vụ phải được giải quyết và những mục tiêu phải đạt được trong từng thời kỳ (thí dụ điển hình là chủ nghĩa Mác). Tolstoi về mặt này là kẻ ngoan cố theo thuyết bất khả tri. Ông cho rằng nếu con người không thể biết được nó tồn tại trong thế giới này để làm gì (nói bằng ngôn ngữ thần học: Thượng Đế phái cử nó vào cõi đời này để làm gì), nó từ đâu đến và sẽ đi đến đâu, thì nó cũng không thể biết được tương lai của loài người sẽ ra sao. Hơn thế nữa, Tolstoi còn quả quyết: con người không nên cố gắng biết về cái không thể biết, việc ấy chỉ có hại cho nó. Trong tác phẩm “Về ý nghĩa của cách mạng Nga” (1906) ông viết:

    “Con người không chỉ không thể biết, đời sống xã hội trong tương lai sẽ thâu thái những hình thức thế nào, song còn thường là không tốt cho con người, khi nó tưởng rằng nó có thể biết về cái đó. Không tốt bởi vì không gì cản trở dòng chảy đúng đắn của đời sống con người như cái tri thức hư ngụy về việc cuộc sống tương lai của loài người phải là thế nào. Cuộc sống của từng con người riêng lẻ lẫn các xã hội chỉ là ở chỗ những con người và những xã hội đi đến cái chưa được biết, không ngừng biến đổi không do những hoạch định duy lý của dăm ba người về việc những biến đổi ấy phải là thế nào, mà do ý nguyện hướng tới sự hoàn hảo đạo đức - tinh thần nằm sâu trong tất cả mọi người, được thể hiện bằng hoạt động đa dạng vô tận của hàng triệu và hàng triệu cuộc sống con người. Vì thế những điều kiện mà con người sẽ tạo ra trong quan hệ với nhau và những hình thức mà xã hội của những con người sẽ thâu thái chỉ phụ thuộc vào những thuộc tính nội tại của con người, chứ tuyệt không phải vào việc con người tiên đoán được hình thức này hay hình thức khác mà họ mong muốn đời sống của họ thu nhận được.

    Nhưng trong khi ấy thì những người không tin vào luật của Thượng Đế lại luôn luôn tưởng rằng họ có thể biết, trạng thái tương lai của xã hội sẽ phải là thế nào và họ không chỉ xác định cái trạng thái tương lai ấy, mà còn làm đủ mọi việc chính họ cho là xấu xa chỉ cốt sao cho xã hội loài người trở nên như họ mong muốn. […] Hậu quả tai hại nhất của sự tiên tri hư ảo về việc xã hội tương lai phải là thế nào và của cái hoạt động nhằm biến cải xã hội - đó là chính sự tiên tri hư ảo ấy và chính hoạt động biến cải ấy cản trở hơn cả sự vận động của xã hội theo con đường thích hợp với nó, vì lợi ích chân chính của nó”.

    Như vậy, theo Tolstoi, con người không thể tiên kiến và hoạch định tương lai, Thượng Đế không cho nó năng lực ấy, và nếu nó vẫn cứ cố làm cái việc bất khả ấy thì nó chỉ có thể dựng xây những lâu đài trong không trung thay vì xây dựng nhà ở cho mình và đồng loại trên mặt đất, và say mê với những sứ mệnh xa viễn và hư ảo, nó sẽ quên lãng những nhiệm vụ và bổn phận trong đời thực ngắn ngủi của nó. Tương tự như thế, trong lĩnh vực thám hiểm tự nhiên, con người cũng không được ban cho năng lực phát lộ những bí mật cuối cùng của thế giới, cho nên nếu nó vẫn cứ cố làm điều ấy, thì nó sẽ chỉ tính toán chính xác được những điều như trái đất cách xa mặt trăng, mặt trời và các thiên thể khác bao nhiêu cây số, những con số chính xác ấy không làm cho nó trở nên thông minh hơn và hữu đức hơn, nhưng nếu nhét đầy đầu mình những con số như thế, nó sẽ tưởng rằng nó đủ sức chinh phục thiên nhiên và hoạt động với ảo tưởng như thế về mình, nó sẽ làm cho chính mình càng ngày càng không còn khả năng sống trên trái đất nữa.

    Cho nên, để nó có thể sống an phúc và dài lâu trên hành tinh này, nó phải biết tự hạn chế những đối tượng tìm hiểu và phấn đấu đạt tới, phải biết xác định cái gì là quan trọng hơn cả cho mình và tập trung sức mình vào đấy và chỉ khi đã làm tốt cái việc quan trọng nhất ấy thì mới nghĩ đến những việc khác. Cái việc quan trọng nhất ấy, theo Tolstoi, là làm sao sống cho có ý nghĩa cái cuộc sống phù du nay còn mai mất của mình, mà cuộc sống ấy thì toàn bộ nằm trong hiện tại. Và nếu mỗi người làm tốt những gì cần phải và có thể làm trong hiện tại, thì chẳng việc gì cần phải lo âu về tương lai của thế giới và nhân loại. Tolstoi ưa dẫn lời dạy của Kitô: “Đừng lo lắng cho ngày mai, bởi vì ngày nào có nỗi lo của ngày ấy”, và ông cũng đưa ra châm ngôn của mình: “Việc gì quan trọng nhất trên đời? Việc ta đang làm”.

    *

    * *

    Sống có ý nghĩa, theo Tolstoi ( và ở đây ông không đơn độc) trước hết là sống trong tình yêu. Về tình yêu đối với Thượng Đế như là một điều kiện không thể thiếu cho tình yêu đích thực đối với con người chúng tôi đã nói đến. Chỉ cần nói thêm là theo đạo đức học Kitô giáo mà Tolstoi hoàn toàn chia sẻ ở điểm này thì với con người ta cần phải yêu thương như yêu thương bản thân mình (dĩ nhiên có thể yêu thương hơn bản thân) nhưng với Thượng Đế thì cần phải luôn luôn yêu kính hơn bản thân, yêu kính tuyệt đối. Tolstoi nói rằng cái họa của loài người không phải ở chỗ họ không biết yêu kính và xả thân cho cái mình yêu kính, mà nhiều phần hơn ở chỗ họ hay yêu kính tuyệt đối cái không đáng yêu kính tuyệt đối và không yêu kính hay yêu kính không tuyệt đối cái phải được yêu kính tuyệt đối.

    Người đời tìm những đối tượng ngưỡng mộ và tin theo ở thế giới bên ngoài, ở đủ các nhân vật và thế lực được thần thánh hóa, nhưng lại không biết tôn kính và nghe theo Thượng Đế sống trong mình và nói bằng tiếng nói của trí tuệ và lương tâm mình. Chỉ Thượng Đế sống trong ta ấy, mà Tolstoi hay đối lập với Thượng Đế phát ngôn qua tiếng nói của các linh mục, mới là người hướng đạo đáng tin cậy trong toàn bộ cuộc đời của ta, mới chỉ bảo cho ta cần phải xử sự như thế nào trong từng trường hợp khó xử trong cuộc đời.

    Tolstoi khẳng định: trong mọi tình huống có thể xảy ra, dù chúng có khó khăn đến đâu, vẫn có thể tìm được lối thoát xứng đáng, chỉ cần chúng ta nhớ rằng trong chúng ta có một Thượng Đế. Không biết trước Tolstoi có nhà truyền giáo nào nói mạnh như thế không, nhưng Tolstoi thì không ngớt nhắc lại điều này phải chăng vì ông tiên cảm được trong những thập kỷ sắp đến trên thế gian sẽ xuất hiện những cảnh huống nghiệt ngã chưa từng có trong lịch sử và rất nhiều người thiện lương và đầy trí lực sẽ sa ngã ê chề chỉ vì họ không còn nhớ đến Thượng Đế sống trong họ?

    Không thể yêu thương đồng loại mà lại không yêu kính Thượng Đế và không thể yêu kính Thượng Đế mà lại không thương yêu đồng loại - chân lý này của đạo Kitô ở độ sâu nhất phù hợp với chân lý của các tôn giáo khác. Nét riêng của Tolstoi trong cách hiểu chân lý này là ở chỗ Tolstoi không bao giờ dùng định thức phổ biến trong thần học Kitô giáo - “con người là hình ảnh và thể tương đồng với Thiên Chúa”, mà nói xác định hơn và mạnh bạo hơn, xóa nhòa ranh giới giữa đấng sáng tạo với vật thụ tạo: mọi người đều là con của Thượng Đế hay, như vừa dẫn, Thượng Đế sống trong mọi người.

    Tức là sống trong từng người mà ta bắt gặp, tiếp xúc, có quan hệ trong cuộc sống hàng ngày - đúng theo nghĩa chữ của từ “blizhnij; the next; le prochain” được chuyển dịch sang tiếng Việt bằng từ “đồng loại” hơi trừu tượng. Yêu cái người ở sát nách ta ấy, cái người mà ta ngày ngày cùng sinh hoạt, cùng làm việc và nhiều khi không ưa, xích mích, thù ghét là việc khó hơn rất nhiều so với yêu những đồng loại ở xa, yêu nhân loại chung chung, và Tolstoi viết nhiều về cái tình yêu khó xây dễ phá ấy, coi nó là công việc quan trọng nhất của đời người. Câu châm ngôn của ông được dẫn ở trên có phần tiếp theo: “Ai là người quan trọng nhất trên đời? Người đang giao thiệp với ta”.

    Với Tolstoi, cũng như với mọi người nhân đạo chân chính, tình yêu con người phải luôn luôn cần mẫn, phải không chỉ là thái độ và tình cảm mà còn là hành vi và việc làm. Ông thích nhắc lại lời dạy của Khổng Tử: “Cái gì không muốn cho mình thì đừng làm cho người”, nhưng ông giải thích rằng đây là lời dạy không đi ngược lại tình nhân loại, còn để thực hiện tình nhân loại thì phải làm theo lời của Kitô: “Hãy đối xử với người như ta muốn được người đối xử với ta”. Có điều mặc dù những chân lý ấy, mà Tolstoi hay viện dẫn và minh họa, là không thể bác bỏ, những người không ưa thích ông vẫn chê ông nặng óc duy lợi: cả hai điều răn trên đều không ra ngoài lợi ích của con người.

    Thế còn tình yêu và cái thiện như là những giá trị tự thân tự tại? Nhưng Tolstoi cũng biết khẳng định chúng. “Nếu việc thiện được làm vì một cái gì đó, thì nó đã không còn là việc thiện. Ta chỉ yêu thực sự khi không biết tại sao và để làm gì”. Ở mệnh đề đầu ông nói theo Kant, ở mệnh đề sau ông đã nói như một triết gia - nghệ sĩ, xuất hiện trong thể lưỡng - nhất thuần toàn rất hiếm hoi. “Người ta nói: có ích lợi gì làm điều thiện cho những người khác, khi mà họ thường lấy ác trả thiện? Nhưng nếu bạn yêu thương người được bạn làm thiện, thì bạn đã nhận được phần thưởng rồi trong tình yêu đối với người ấy và bạn sẽ còn nhận được phần thưởng lớn hơn trong lòng mình, nếu với tình thương yêu con người ấy bạn sẽ chịu đựng cái ác mà người ấy gây cho bạn”. “Người đời hay nghĩ rằng nếu họ thương yêu đồng loại thì họ đã lập công trước Thượng Đế. Song sự thể hoàn toàn ngược lại. Nếu bạn thương yêu đồng loại, thì không phải bạn đã lập công trước Thượng Đế, mà Thượng Đế đã cho bạn cái hạnh phúc lớn nhất trên đời - tình yêu”.

    *

    * *

    Sống có ý nghĩa, theo xác tín của Tolstoi, còn là sống trong tự do. Tự do theo cả nghĩa phản diện lẫn chính diện, cả về mặt vật chất lẫn tinh thần. Tự do theo nghĩa phản diện được Tolstoi hiểu như là sự không bị lệ thuộc, không bị trói buộc bởi bất cứ cái gì cản trở sự thể hiện bản chất thần thánh của con người. Sự giành lấy cái tự do ấy bắt đầu từ việc con người làm chủ bản thân, chế ngự những dục vọng của thân xác, đặt thân xác dưới sự chỉ huy của tinh thần - ở đây, Tolstoi hầu như không nói cái gì của mình mà chỉ trình bày lại những cơ sở của phép khổ hạnh tôn giáo mà không đạt được sức lôi cuốn của nhiều nhà khổ tu đắc đạo truyền đạt kinh nghiệm của mình.

    Những người ấy trong thái độ với thân xác biểu lộ một sự hiểu biết, đồng cảm, thương mến bất cập đối với nhà tư tưởng Tolstoi. Nét riêng của Tolstoi bộc lộ ở chỗ khác. Khi đặt vấn đề về việc không ai có quyền sống bằng lao động của người khác và ai ai cũng phải bằng lao động chân tay kiếm sống cho mình và gia đình mình thì Tolstoi không chỉ khẳng định lao động như là nghĩa vụ không thể thoái thác của mọi người mà còn nói với ta rằng chỉ cái lao động “cơm áo” ấy, lao động làm ra những nhu yếu phẩm không thể thiếu cho con người mới mang lại cho nó cái độc lập vật chất triệt để, sự không phụ thuộc vào bất cứ một ai, không bị ai lợi dụng sự phụ thuộc ấy mà cưỡng bức, tha hóa, nô dịch.

    Lao động nông nghiệp, đời sống nhà nông được Tolstoi yêu chuộng đến thế không chỉ vì chúng gần gũi với thiên nhiên, lành mạnh và đem lại nhiều niềm vui cho con người mà còn bởi vì theo ông những con người tự làm ra cái ăn cái mặc cho mình là những người độc lập nhất, tự do nhất, có nhiều điều kiện nhất để thể hiện và bảo vệ nhân phẩm của mình, những xác tín, sở thích và nguyện vọng chính đáng của mình, có nhiều khả năng nhất chống đối mọi hình thức áp lực từ bên ngoài, bất cứ chúng xuất phát từ đâu. Và cái lao động bảo đảm những nhu yếu phẩm cho mình ấy cũng là căn cứ vững chắc cho tự do sáng tạo ở những người có năng lực sáng tạo tinh thần - cái tự do sáng tạo ấy, cũng như tự do xác tín, tự do ngôn luận, tự do làm những việc mình yêu thích đã là cái tự do chính diện - một trong những mục đích và giá trị cao nhất của nhân sinh.

    Xuất phát từ quan niệm như thế mà Tolstoi kêu gọi những người đã rời bỏ đất ở các xã hội công nghiệp trở về với đất, còn các dân tộc đang làm nghề nông thì đừng rời bỏ, đừng đi theo vết xe đổ của các nước phương Tây, nơi những người công nhân nhà máy là những người mất tự do nhất, bị nô dịch nhất, còn những tầng lớp khác, không lao động thì lại càng không có tự do vì bị nhà nước và tư bản mua. Phương sách mà Tolstoi đề xướng để đạt tới và bảo vệ cái tự do thực chất, không phải hình thức, là như thế. Nó có hiện thực không? Sẽ là bất công nói nó hoàn toàn không hiện thực (vì sao xin được nói đến sau). Thế nhưng tại sao cái cơ sở vật chất cho tự do ấy - các công xã nông nghiệp ở Nga, ở Trung Quốc, ở Ấn Độ - những nơi Tolstoi gửi gắm hy vọng - lại tan rã đồng loạt và nhanh chóng như thế trước sức tấn công của kinh tế thị trường, kinh tế tư bản chủ nghĩa? Và có đúng là cái cơ sở vật chất ấy một mình nó có thể bảo đảm cho tự do thực chất của con người?

    Chính Tolstoi trong những thư ngỏ gửi nhân dân Trung Quốc, nhân dân Ấn Độ không nể nang trách cứ, phê phán họ đã bán rẻ tự do của mình đổi lấy những lợi ích cỏn con được ban phát từ tay những kẻ áp bức bóc lột nội tộc và ngoại tộc. Có nghĩa là có thể có cơ sở vật chất cho tự do, nhưng vẫn không có tự do, hay tự do vẫn tiêu vong, nếu con người không quý giá tự do và ưa thích những giá trị khác hơn. Thành thử vẫn chỉ có một tự do không phải thiết lập và không thể mất đi - tự do trong Thượng Đế, từ sự thấm nhuần và sự trung thành trước sau như một với những chân lý của Thượng Đế - điều mà Tolstoi cũng luôn luôn khẳng định.

    Về thái độ phủ định của Tolstoi đối với những hình thức tự do tương đối đã đạt được trong đời sống các dân tộc phương Tây cũng xin được nói đôi lời. Đây không phải là định kiến ngoan cố của nhà văn Nga, từ một nền văn minh kém phát triển nhìn vào nền văn minh phát triển hơn nhiều, như một số người ở phương Tây nói. Một nhận định như thế có thể là đúng đối với phái “thân Slavơ”, nhưng không đúng với Tolstoi. Thái độ phủ định của ông trong trường hợp này lại là một biểu hiện của lối tư duy gọi là cực đoan cũng được, gọi là triệt để thì sát hơn của nhà tư tưởng - nghệ sĩ vĩ đại.

    Tolstoi không muốn các dân tộc phương Tây thỏa mãn với cái tự do rất tương đối, tự do hình thức đã đạt được và ngại rằng, để mai một đi đức tin tôn giáo, chối bỏ Thượng Đế, đặt những lợi ích vật chất lên trên những lợi ích tinh thần, họ sẽ không bao giờ thực hiện được tự do chính thực. Thứ hai, ông nhìn thấy rõ tính không chắc chắn, không vững chãi của cái tự do tương đối ấy, và từng cảnh báo rằng trong những tình huống khủng hoảng xã hội nó rất dễ chuyển hóa thành chế độ độc tài, và lịch sử thế kỷ vừa qua đã xác nhận lời cảnh báo ấy. Ngay cả ở những nước phát triển đã tránh được những cuộc chuyển hóa như thế, tự do của người dân cũng đang bị ngày một hạn chế, thắt chặt, đặt dưới sự kiểm soát gắt gao của nhà nước và các cơ cấu quyền lực liên quốc gia.

    *

    * *

    Cuộc sống có ý nghĩa, theo Tolstoi, đương nhiên còn là cuộc sống trong nhân phẩm - cái mà Tolstoi luôn luôn đặt cao hơn hạnh phúc, từ này nhà tư tưởng Tolstoi ít khi dùng do hàm nghĩa quá chủ quan của nó và thường thay thế bằng từ “blago”, có thể tạm dịch ra Việt ngữ bằng những từ ghép như “cái phúc hảo”, “cái thiện phúc”, “cái thiện hảo”. Về tần số sử dụng, từ “blago” giữ vị trí hàng đầu trong từ vựng Tolstoi.

    Phạm trù nhân phẩm có nội hàm rất rộng, chúng ta chỉ dừng lại đôi chút ở một thành tố của nội hàm ấy liên quan mật thiết với Tolstoi - sự trung thực, chân thật. Tolstoi như một con người, như một nhà văn và nhà tư tưởng là hiện thân của sự trung thực, chân thật, và ở đây ông đã là một thể tam - nhất thuần toàn cực kỳ hiếm hoi. Tất cả những người quen biết Tolstoi đều ghi nhận tính trung thực, chân thật như một đặc tính nổi bật của nhân cách ông. Tolstoi nhạy cảm phi thường đối với mọi biểu hiện dù nhỏ nhất của sự không thật lòng, sự gượng gạo, giả tạo, giả dối và cương quyết không chấp nhận chúng.

    Nguồn gốc sức cuốn hút khó cưỡng lại của văn phong Tolstoi cũng là ở đây. Những người không ưa Tolstoi - mà họ không ít ngay trong hàng các danh nhân văn hóa châu Âu, xin dẫn chỉ một vài tên: Shaw, Gide, Claudel, ngay cả Zweig - vin vào mâu thuẫn thấy được giữa những tuyên tín của ông về việc người theo đạo Kitô phải biết chịu đựng gian khổ và cuộc sống dư dật mà ông miễn cưỡng chia sẻ với gia đình mình, đã nghi ngờ ông giả nhân giả nghĩa, nhưng chỉ cần đọc, thí dụ, bài viết “Gửi nhân dân lao động” của ông để thấy không yêu thực sự nhân dân lao động thì không thể viết như thế.

    Trong mọi dạng thức bất trung, đối với Tolstoi xem ra không thể chấp nhận hơn cả là sự bất trung với bản thân. Từ “trung thành” (vernyi) với từ “tin, tin tưởng” (verit’) trong tiếng Nga có căn chung, cho nên khi Tolstoi kêu gọi tuổi trẻ “hãy tin mình” (xem bài mang tên này) thì thực chất ông kêu gọi tuổi trẻ hãy trung thành với mình, với cái phần tốt đẹp nhất trong sinh linh mình, đừng phản bội nó, đừng để cho tro bụi cuộc đời vùi lấp nó. Mọi lợi ích trần thế mà chúng ta có thể giành được không là gì so với những giá trị bị phản bội và vùi lấp ấy nhưng ta thường nhận ra điều ấy quá muộn, khi đã không còn thời gian nữa để làm lại cuộc đời, thành thử những người vào đời trước cần phải nhắc nhở những người đi sau ngõ hầu giúp họ đừng mắc nữa cái sai lầm muôn thuở ấy của loài người.

    Và Tolstoi tin rằng nếu chịu khó và biết cách nhắc nhở thì có thể giúp được các thế hệ đi sau, vì vậy mà ông mới say mê với hoạt động nhà giáo đến thế. Ông dạy nhiều điều cụ thể và thiết thực về việc làm thế nào giữ được tính trung thực đạo đức và trí tuệ, mà không có nó thì không thể có phẩm giá con người. Đây, một vài lời dạy như thế, lấy từ sách “Đường sống” đến tay bạn đọc sau khi Tolstoi đã qua đời.

    “Đừng nghĩ rằng nói và làm theo lẽ phải là cần thiết chỉ trong những việc quan trọng. Nói và làm theo lẽ phải là luôn luôn quan trọng, ngay cả trong những việc vặt vãnh nhất. Cái quan trọng không phải là tai hại lớn hay nhỏ sẽ phát sinh từ sự không trung thực của bạn, mà quan trọng là sao cho bạn không vấy bẩn mình bằng sự giối trá”. “Nếu đời sống không phù hợp với công lý, thì dù sao vẫn sẽ là tốt hơn thừa nhận công lý chứ không che giấu nó: cuộc sống của ta, ta có thể thay đổi theo công lý; nhưng công lý thì ta không thể thay đổi được bằng bất cứ cái gì, nó sẽ còn lại như nó từng là và sẽ không ngừng tố cáo chúng ta”.

    “Nếu người ta nói với bạn rằng không cần trong mọi việc lần tìm đến tận chân lý, bởi vì sẽ không bao giờ tìm được chân lý đầy đủ, thì bạn đừng tin và hãy sợ những người như thế. Đó là những kẻ thù ác dữ nhất không chỉ của chân lý, mà còn của bạn. Họ nói thế chỉ vì bản thân họ sống không theo chân lý và họ biết điều đó và muốn cho những người khác sống cũng như họ”. “Nhiều khi ta thấy mừng vui, mỗi khi nhận ra sự không trung thực của những người khác và vạch trần nó, nhưng còn vui sướng hơn biết bao, khi ta nhận ra sự không trung thực của chính mình và tự vạch trần mình. Bạn hãy cố mang lại cho mình thật nhiều niềm vui sướng như thế”.

    “Nếu bạn muốn nhận thức chân lý, thì trước tiên hãy giải phóng mình, dù chỉ trong thời gian tìm chân lý, khỏi mọi suy tính về sự có lợi cho mình của đáp án này hay đáp án kia”. “Trí tuệ là vật thiêng lớn nhất trên đời, vì thế mà cũng là tội lỗi lớn nhất lạm dụng trí tuệ, dùng nó để che giấu hoặc xuyên tạc sự thật”. “Trí tuệ được ban cho con người không phải để dạy nó biết yêu Thượng Đế và đồng loại. Cái đó được gài trước vào trái tim con người, bên ngoài trí tuệ. Trí tuệ được ban cho con người để chỉ cho nó thấy cái gì là giả dối và cái gì chính thực. Và chỉ cần con người vứt bỏ đi cái giả dối thì nó sẽ học được tất cả những gì cần thiết cho nó”.

    Ở một chỗ khác Tolstoi nói rằng không có nghĩa vụ nào quan trọng bằng nghĩa vụ nói thật, nhưng trong cuộc sống có thể có những tình huống khi mà nói thật là rất nguy hiểm. Những lúc ấy cái mà con người phải làm là ít nhất không nói dối, không vào hùa với những kẻ nói dối cho dù chúng có đông đến đâu. Alexandre Solzhenitzyn, văn hào Nga thế kỷ XX, đã thấm nhuần lời dặn bảo này và đã truyền thụ lại cho đồng bào mình. “Sống không theo dối trá” là tên một trong những áng văn nghị luận hay nhất và đã có tác dụng xã hội lớn nhất của ông.

    *

    * *

    Cuộc sống mang ý nghĩa trong mình có một dấu hiệu bề ngoài mà Tolstoi luôn luôn căn dặn ta dựa vào đó mà nhận ra nó. Đó là sự khiêm tốn và giản dị. Tolstoi cũng nói nhiều điều cụ thể và thiết thực về đức tính khiêm tốn, trong ngôn ngữ tôn giáo gọi là đức khiêm nhường (smirenie; humility; humilité). Lại xin dẫn mấy lời khuyên từ sách “Đường sống”:

    “Con người không thể tự hào về những việc làm của mình, bởi vì tất cả những gì tốt đẹp mà nó làm đều không phải nó, mà bản nguyên thần thánh sống trong nó làm”. “Nếu con người hướng tới Thượng Đế, thì nó sẽ không bao giờ có thể bằng lòng với mình. Cho dù nó có tiến bộ đến đâu, nó bao giờ cũng cảm thấy mình xa cách như nhau với sự hoàn thiện, bởi vì sự hoàn thiện là vô tận”. “Chúng ta là những công cụ của Thượng Đế. Chúng ta phải làm gì - chúng ta biết, nhưng chúng ta làm cái đó để làm gì - chúng ta không biết được. Ai hiểu điều đó, người ấy không thể không khiêm nhường”. “Chỉ cần thừa nhận mình không phải là ông chủ, mà là kẻ đầy tớ, thế thì lập tức mọi sự tìm kiếm, lo âu, bất mãn được thay thế bằng sự minh bạch, yêu tĩnh, đồng thuận và niềm vui”.

    “Những kẻ tự tin thái quá, không thông minh và vô đạo đức thường khiến những người khiêm tốn, thông minh và hữu đức nể trọng chính bởi vì con người khiêm tốn, suy xét theo mình, không thể hình dung được là kẻ xấu có thể kính trọng mình đến thế”. “Hãy kiêng tránh ý nghĩ rằng bạn tốt hơn những người khác và rằng ở bạn có những đức hạnh không có ở người khác. Cho dù những đức hạnh của bạn có là thế nào, chúng không có giá trị gì hết, nếu bạn nghĩ rằng bạn tốt hơn những người khác”. “Hãy cố gắng đừng cất vào góc tối những hồi ức đáng xấu hổ về những tội lỗi của mình mà luôn luôn giữ chúng ở chỗ sáng để khi phán xét tội lỗi của người bên cạnh thì đối chiếu với tội lỗi của mình”.

    “Mọi người đều muốn những người khác yêu quý mình, biết rằng sự kiêu ngạo đẩy người khác ra xa, thế nhưng vẫn không khiêm nhường được. Tại sao lại thế? Bởi vì đức khiêm nhường không thể được hấp thụ một mình. Đức khiêm nhường là hậu quả của việc con người chuyển dịch những nguyện vọng của nó từ lĩnh vực vật chất vào lĩnh vực tinh thần”. “Cửa vào thánh đường của chân lý và phúc lạc thấp lè tè. Chỉ ai khom lưng người ấy mới vào được. Nhưng ai qua được cửa, người ấy sẽ được tốt. Trong thánh đường rộng rãi và tự do thoải mái vô cùng, và mọi người ở đấy yêu thương nhau, giúp đỡ nhau và không biết khổ đau”.

    Chỉ còn lại vài câu cần nói về đức tính giản dị. Như đã nói, theo Tolstoi chân lý bao giờ cũng giản dị. Cho nên những người thấm nhuần chân lý phải sống giản dị cả về vật chất lẫn tinh thần. Thế nào là sự giản dị vật chất, ai ai cũng biết. Nhưng giản dị tinh thần trước hết là biết sống tự thân tự tại, làm những việc thấy cần làm và có thể làm tốt mà không tính đến hiệu quả và ích lợi xã hội của chúng, không cần biết những người xung quanh nghĩ gì và nói gì về ta, tuyệt không cần đến tiếng tăm, thanh danh. Tolstoi thường nhắc nhở: tư tưởng và thói quen sùng bái thắng lợi, óc hiếu danh vừa tai hại nhất, vừa khó khắc phục nhất, nhưng nếu không biết khắc phục chúng thì con người sẽ không đến được với những giá trị thật mà chỉ luẩn quẩn trong vòng vây của những ngụy giá trị và sẽ không bao giờ được toại nguyện.

    Nhưng ai đã đến được với những chân giá trị, mà số lượng của chúng không nhiều, thì người ấy sẽ không cần nữa cơ man những thứ giông giống giá trị, tựa như một người được dinh dưỡng đầy đủ bằng những dưỡng chất hảo hạng không cần đến những gia vị. Nếu là thế thì phải chăng nền văn minh hiện đại của chúng ta tựa như một bàn tiệc có quá nhiều gia vị nhưng lại thiếu khủng khiếp những dưỡng chất? Phải chăng tiên lượng được điều đó mà Tolstoi cứ một mực kêu gọi những người quá giàu có cả về vật chất lẫn tinh thần hãy sống giản dị hơn, hãy khiêm hạ noi gương những người nông dân chất phác chỉ biết kính Chúa thương người, làm ăn lương thiện, không cần đến nhà nước và các tổ chức xã hội quốc nội và quốc tế nào cả, không băn khoăn về ý nghĩa cuộc sống của mình và vì vậy không tìm đến những thầy dùi ngu ngốc và xảo quyệt.

    Có thể hỏi: một cuộc sống như thế có sát đất quá không và có nghèo nàn quá không? Sát đất thì chắc chắn không, bởi vì những người ấy sống với Thượng Đế, còn nghèo nàn thì Tolstoi cũng cam đoan là không, không những không nghèo nàn, mà còn phong phú hơn nhiều cuộc sống của các giới thượng lưu xã hội, bởi vì những người ấy yêu thương nhau, mà những tình cảm và tư tưởng nảy sinh từ tình yêu thương, những việc làm mà nó thôi thúc là phong phú vô tận. Nhưng ta hãy cứ không đồng ý với Tolstoi đi, cứ cho một cuộc sống như thế là quá đơn sơ, nghèo nàn và không thể chấp nhận.

    Nhưng thử tưởng tượng nếu mọi người chúng ta chịu sống một cuộc sống đơn sơ, nghèo nàn như Tolstoi khuyến dụ, thì trên hành tinh này đã không có những chiến tranh thế giới và chiến tranh khu vực, không có những chính thể phát xít và toàn trị, không có chủ nghĩa khủng bố nhà nước bây giờ được thay thế bằng chủ nghĩa khủng bố quốc tế, không có Auschwitz và quần đảo GULAG, không có Hirosima và Nagasaki, không có nạn diệt chủng ở châu Phi và chế độ tự diệt chủng ở Campuchia thời Pol Pot, không có sự đói khổ của hàng tỉ người và khủng hoảng sinh thái toàn cầu hiện nay, v.v… và v.v…

    *

    * *

    Như đã nói, lúc còn sống Tolstoi đã bị chỉ trích nhiều về tội viển vông, không tưởng, nhưng ông thì lại cứ quả quyết: tất cả những gì ông khuyến nghị đều khả thi, thậm chí dễ thực hiện. Dễ thì rõ ràng không dễ rồi, còn khả thi? Ở Nga khi Tolstoi còn sống và sau khi ông qua đời từng tồn tại những cộng đồng người tự gọi mình là “tolstovtzy” (những người noi theo Tolstoi), họ sống đúng như Tolstoi khuyên bảo và truyền bá những tư tưởng của ông. Dưới thời xôviết họ đã bị truy kích triệt để và không còn tồn tại nữa. Nhưng những cộng đồng như thế của những môn đệ Tolstoi đã di cư ra nước ngoài (Mỹ, Canada) thì còn tồn tại khá lâu, đáng tiếc chúng tôi không có tư liệu mới nhất về họ.

    Còn những cá nhân thì ít nhất chúng tôi biết một người - Albert Schweitzer (1875-1965) - suốt đời hâm mộ Tolstoi và đã làm được những việc mà Tolstoi không làm được. Sau khi đã nổi danh như một nghệ sĩ đại phong cầm kỳ tài, một nhà thần học và triết gia, Schweitzer đã học nghề y rồi cùng vợ trẻ rời châu Âu xuống châu Phi xích đạo, lập ở nơi rừng thiêng nước độc thuộc cộng hòa Gabon hiện nay một bệnh viện chữa trị bệnh phong cho cư dân da đen vùng ấy và đã trọn đời sống trên quê hương mới ấy, chỉ thỉnh thoảng trở về châu Âu công diễn nghệ thuật chơi đại phong cầm lấy tiền tu sửa, mở mang bệnh viện của mình. Nếu một cuộc sống như thế và những việc làm như thế là vừa sức với Schweitzer, thì cũng không bất khả thể với các trí thức và nghệ sĩ khác, chỉ cần họ có nguyện vọng và ý chí.

    *

    * *

    Giới thiệu những tư tưởng, quan điểm của Tolstoi về văn học, nghệ thuật không phải là nhiệm vụ của sách này. Nhưng sẽ không thừa nói đôi lời về những sáng tác văn chương cuối đời của Tolstoi. Theo đuổi những tôn chỉ của nền “nghệ thuật Kitô giáo” liên kết nhân loại trong Thượng Đế, Tolstoi về già viết nhiều truyện ngắn và rất ngắn dành cho công chúng bình dân. Chúng được viết rất giản dị, cốt sao cho ngay những người ít chữ nhất cũng hiểu được. Cái “văn xuôi nhỏ” này cho đến nay vẫn bị “văn xuôi lớn” của Tolstoi che khuất, chưa mấy người để ý đến nó, công luận thì theo thói quen coi nó là thứ văn chương minh họa, “tải đạo” đơn thuần.

    Nhưng Mikhail Bakhtin, từng bất công với Tolstoi, vào giờ chiều tàn của đời mình ông nhìn thấy ở những truyện rất ngắn ấy của Tolstoi và ở diễn ngôn triết học của Heidegger những tuyệt đỉnh của sáng tạo ngôn lời còn cần được nhận ra. Nếu là thế, và nếu cũng quả là, như triết gia Nga đương đại A.A. Guseinov khẳng định, loài người còn phải lớn lên hơn nữa để tiếp nhận những tư tưởng của Tolstoi, thì cần phải chờ đợi (nếu còn thời gian để chờ đợi) cuộc hội ngộ mới của nhân loại với Tolstoi, một Tolstoi bất tử trong thể thống nhất của mình.

    Hà Nội, tháng Mười 2010

    • PGS Phạm Vĩnh Cư


    Chú thích:

    (1) Từ đó mà phát sinh thái độ mấp mé với kinh miệt của Tolstoi đối với giới trí thức bình dân, giới cách mạng dân túy và cách mạng dân chủ như Belinski, Chernyshevski (và cả Nekrasov), trong khi đó thì ông lại một mực quý trọng Herzen - nhà cách mạng quý tộc không giấu giếm chất quý tộc của mình. Trong liên quan này, sẽ không là thừa nhớ đến hình tượng uy nghi, gây nể trọng sâu sắc của công tước già Nikolai Andreevich Bolkonski trong “Chiến tranh và hòa bình”.

    (1) Ở đây cũng cần nhắc đến cả những trùng hợp kỳ lạ, không chỉ về tư tưởng, mà còn về lời văn, giữa “Đạo đức Kinh” và một kiệt tác của Dostoievski - “Giấc mơ của kẻ nực cười” (1877).

    (1) Chúng tôi không đề cập đến tiểu thuyết “Hạnh phúc gia đình” (1858), nơi tư tưởng này chỉ mới manh nha.

    (1) Trong triết học phương Đông Tolstoi rõ ràng tâm đắc nhất với thuyết vô vi của Lão Tử, nó đã đặt dấu ấn lên toàn bộ tư duy của ông, nhưng chúng tôi chưa thể đề cập sâu đến vấn đề này.

    (1) Tolstoi không bao giờ dùng định thức: “kẻ nô lệ (hay đầy tớ) của Thượng Đế” rất thông dụng trong ngôn ngữ Kitô giáo.

    ,
    Ý kiến của bạn
    Ý kiến bạn đọc
    ,
    ,
    ,

    Tin khác

    ,
    ,
    ,
    Xem các hoa hậu HIV bên lợn, gà
    Xem các hoa hậu HIV bên lợn, gà

    (VietNamNet)- Rời xa ánh đèn sân khấu, trở về cuộc sống đời thường họ lại tất bật chăm sóc cho con lợn, đàn gà để lấy thu nhập trang trải cho bản thân, gia đình.

    4 đội quốc tế tham dự thi pháo hoa quốc tế 2011
    4 đội quốc tế tham dự thi pháo hoa quốc tế 2011

    (Vietnamnet) - 4 đội quốc tế tham dự thi pháo hoa quốc tế 2011

    Những trang phục Halloween ấn tượng của các ngôi sao
    Những trang phục Halloween ấn tượng của các ngôi sao

    Siêu mẫu Heidi Klum làm Người Sắt, Meredith Vieira mặc giống Lady Gaga còn vợ chồng nhà Mariah Carey thì thành lính cứu hoả...

    Chiêm ngưỡng căn phòng triệu đô của các ngôi sao
    Chiêm ngưỡng căn phòng triệu đô của các ngôi sao

    Cùng People ghé thăm chốn riêng tư nhất của các ngôi sao nổi tiếng thế giới.

    ,
    ,
    ,