- Bắt gặp Giao Tiên trong một lần ông trở lại Sài Gòn chóng vánh, để nghe nhạc sĩ tâm sự về cô Thắm, về những mùa chôm chôm kỷ niệm, về những tháng năm khốn khó không thể nào quên. Nhưng hào quang xưa đã hết. Những hồn nhiên cũ không còn.
> Đỗ Duy Ngọc rong chơi trên cánh cung Nhân Mã
> MPK Phước khùng dạo này có vẻ "a dua"
Lên chuyến xe đêm từ Cam Ranh vào Sài Gòn, sáng sớm có mặt ở quán cà phê để hàn huyên với bạn hữu cùng lớp, đồng hương, cuối ngày lại quày quả ra bến xe về lại thị xã nhỏ miền Trung cát cháy, vị nhạc sĩ của những tình khúc được đông đảo công chúng biết đến vẫn lặng lẽ đi qua khán thính giả của mình mà chẳng mấy ai hay biết.
Giao Tiên 2010. Ảnh: V.Tiến |
Ông là Giao Tiên, tác giả của những tình khúc nổi tiếng Tình đẹp mùa chôm chôm, Cô Thắm về làng, Nhớ người yêu... vẫn được nhiều lớp ca sĩ hát đi hát lại từ trước năm 1975 đến nay, vang vọng khắp nơi từ tiệm băng đĩa ra quán karaoke, từ các sân khấu đến những chuyến xe đường dài mà có khi chính cha đẻ của chúng là một hành khách...
Ông Trung bánh chưng hay Giao Tiên nhạc sĩ
Lần này Giao Tiên vào Sài Gòn, có thể nói là "về Sài Gòn", chốn cũ của mình, ông cũng chỉ lưu lại chừng một ngày. Sáng đi cà phê với bạn bè, đồng nghiệp, đồng hương, chiều tối ông lại ra xe về quê ngay. "Tôi hay ngồi ở quán cà phê trên đường Võ Văn Tần, vẫn thường gặp lại những người bạn nhạc sĩ ngày xưa như Mặc Thế Nhân, Thanh Sơn"...
Ông nói mình thỉnh thoảng cũng gặp lại cả nhạc sĩ Vinh Sử, người bạn vong niên một thời nhưng sau mỗi người một ngả vì chuyện tranh chấp ca khúc. Nhưng... nhờ vụ ồn ào Vinh Sử đề tên mình lên tác phẩm của Giao Tiên được đưa ra trung tâm bản quyền xử lý, cùng với việc một số bài hát bị sử dụng không xin phép, ông mới biết thế nào là... bản quyền. Giao Tiên đã sáng tác trở lại vừa để chứng minh quyền tác giả, vừa thông báo rằng mình... còn sống.
Giao Tiên và khoảng cách thời gian 40 năm. |
Bởi từ năm 1975 đến trước 1994, Giao Tiên "du mục". Người ta tưởng ông đã chết. Đi kinh tế mới ở Bù Đăng, Sông Bé (tỉnh Bình Phước hiện nay) đến năm 1985, sau đó nhạc sĩ nghèo đưa cả nhà lên Đà Lạt trồng rau. Ở đây 5 năm, Giao Tiên lại dắt vợ con xuống Cam Ranh... đào vuông nuôi tôm. Cảm thấy mình không còn là người của thời cuộc, không còn ai sử dụng tác phẩm của mình nữa, Giao Tiên gác bút, buông đàn! Nhưng cũng vì gia cảnh quá khó khăn. "Tôi có sáu người con nhưng một đã mất, lo đói, lo nghèo, lo bệnh hoạn cho con đã ngất ngư rồi còn viết lách gì nữa!".
Nuôi tôm, tôm chết, sạt nghiệp, Giao Tiên bán cả nhà trả mấy năm sau vẫn không hết nợ. Vợ chồng chuyển sang làm bánh chưng đi bỏ mối để có tiền sống. Mấy năm gần đây ông mới có tiền tác quyền, khoảng 6 - 7 triệu đồng mỗi quý tùy mức độ bài hát được sử dụng nhiều hay ít, tạm đủ chi phí cho sinh hoạt đời thường, điện, nước và trang trải cho những phút thăng hoa, viết lách, hội hè... Vậy là bỏ nghề làm bánh chưng.
Dân quê ông không hề biết rằng họ đang sống bên cạnh Giao Tiên tiếng tăm của Tình đẹp mùa chôm chôm. Họ chỉ biết "cụ" là ông Trung (Dương Trung là tên thật của nhạc sĩ) bán bánh chưng. Mãi đến mười lăm năm sau, Giao Tiên tham gia sinh hoạt tại Hội văn học nghệ thuật Khánh Hòa, giao lưu với anh em, phổ thơ một số bạn bè, ra băng đĩa, có chút tiếng vang, mọi người mới biết, à đó là ông "nhạc sĩ chôm chôm". Mất 20 năm sau, cô Thắm và những mùa chôm chôm của Giao Tiên mới trở lại, khi vuông tôm và những cái bánh chưng mưu sinh của "ông Trung" đã qua đi.
Cuộc tái sinh muộn
Bài hát Tình đẹp mùa chôm chôm nói riêng và nhiều ca khúc trữ tình nổi tiếng khác của Giao Tiên nói chung, đã sống với nhiều thế hệ người nghe, từ người bình dân đến trí thức, dưới nông thôn trên thành thị, từ phòng karaoke ra những sân khấu... "Vẫn còn một nơi nữa hay dùng bài hát của tôi là ở các... đám cưới", ông cười hóm hỉnh. Có lẽ vì nhạc của Giao Tiên mộc mạc, gần gũi, thể hiện tâm lý tình cảm của đại bộ phận người dân. "Tôi nghĩ sao viết vậy, chân thật, không bóng bẩy, giai điệu dễ hát, ca từ dễ nhớ, nhờ vậy mà đi vào lòng người chăng"...
Nhiều người vẫn nhớ hình ảnh cùng câu chuyện lãng mạn của Tình đẹp mùa chôm chôm trong cuốn băng video ca nhạc Mưa bụi đình đám một thời. Nhưng còn có một chuyện tình ngoài đời thực hấp dẫn không kém. "Năm ấy ở Sài Gòn, tôi có người bạn học, nghỉ hè nên rủ về Vĩnh Long chơi. Xe vừa dừng, tôi bước xuống thì gặp cô gái bán chôm chôm duyên dáng mời mua. Người bạn tôi xuống sau, nói chuyện với cô gái ấy như người nhà. Sau tôi mới được giới thiệu, hóa ra cô nàng ấy là em gái người bạn. Lưu lại chơi ở nhà người bạn vài ngày, nhưng tôi có cảm giác như quen biết và thân thiết với người con gái ấy từ lâu lắm", Giao Tiên nhớ lại.
Những tập nhạc bạc màu năm tháng |
Trước đó có nơi đặt hàng Giao Tiên sáng tác bài hát về miền tây, nhưng người nhạc sĩ trẻ chưa biết lấy đâu ra cảm hứng để viết, thì cơ duyên gặp được cô em bán chôm chôm trong chuyến đi về miền cây trái Vĩnh Long. Bài hát được ca sĩ Thanh Tuyền thể hiện, sau 1975 bị quên lãng, mãi đến năm 1992, Đình Văn hát lại mới thực sự nổi tiếng.
Dù rằng bảo "nếu thời cuộc không cho phép thì mình cũng đành chịu thôi", nhưng "nguyên chủ lò bánh chưng" thừa nhận việc mình có ý định bỏ nghề sáng tác là sai lầm, khi Tình đẹp mùa chôm chôm từ Mưa bụi đã kéo theo hàng loạt ca khúc của ông trở lại với công chúng.
Ngoài mảng ca khúc nhạc tình lãng mạn, Giao Tiên còn viết hai mảng khác là tự tình quê hương và nhạc vui đồng quê. Không còn chỉ để chứng minh rằng tôi vẫn sống đây, ông đã sáng tác nhiều bài hát hay như Anh đi chài tôm, Lên chùa cầu duyên, Mống chuồn chuồn... đầy hứng khởi. Từ trước năm 1975 chỉ có khoảng 100 bài, mất 20 năm không viết, đến nay Giao Tiên đã có tổng cộng hơn 700 ca khúc.
Cũng là lẽ thường tình, đến cuối đoạn đường đời và hành trình sáng tạo, phong cách quen thuộc trong những tình khúc nổi tiếng của Giao Tiên đã khác đi ít nhiều. Nhiều người giật mình khi biết rằng, chẳng hạn bài hát Lần đầu nói dối là của Giao Tiên. Ông sáng tác bài này khoảng năm 1997 - 1998 nhưng có hãng băng đĩa hải ngoại dùng không ghi tên tác giả nên thiên hạ cứ tưởng... nhạc ngoại lời Việt.
Một cuộc "tái sinh" muộn khi người nhạc sĩ đang bước vào tuổi 70. Dù có bản 20 năm tình đẹp mùa chôm chôm nối theo bài đầu, dù có tới 14 bản về nhân vật cô Thắm sau Cô Thắm về làng, nhưng Giao Tiên nói ông phải chuyển hướng, vì không muốn lặp lại mình. "Ngày trẻ tôi viết theo tâm trạng, nghĩ sao thể hiện vậy, giờ già phải nắn nót", ông nhạc sĩ già chia sẻ câu chót trước khi gói gém đồ đạc chuẩn bị ra xe về quê. Giao Tiên không tìm lại hào quang xưa. Bởi những hồn nhiên cũ không còn nữa.
-
Võ Tiến