- Nhiều người đã bắt đầu nghĩ tới những sự kiện thảm đỏ tưng bừng tại LHP Cannes, Venice, Berlin và lễ trao giải Oscar lộng lẫy.
Từ chuyện thảm đỏ
Các ngôi sao phải tự túc đến sự kiện thảm đỏ bằng phương tiện cá nhân. Ảnh: Hoàng Vy |
Nếu chỉ đứng ở lối vào chính của TTHNQG hay xem đoạn phim về sự kiện Thảm đỏ phát sóng trong ngày khai mạc LHP 2010 tối 17/10 thì nhiều người không khỏi trầm trồ suýt xoa rằng sao các nghệ sĩ sướng thế, toàn được ô tô sang đưa tới thảm đỏ.
Nhiều người đã bắt đầu nghĩ tới những sự kiện thảm đỏ tưng bừng tại LHP Cannes, Venice, Berlin và lễ trao giải Oscar lộng lẫy. Không hoành tráng cho lắm nhưng cũng là lần đầu tiên các nghệ sĩ được bước xuống thảm đỏ từ những chiếc xe bóng lộn của BTC, hơn chán vạn lần những sự kiện thảm đỏ khác.
Những sự kiện thảm đỏ cũng là nơi sinh ra khối chuyện hài hước. Buổi giao lưu giữa các nghệ sĩ và công chúng chiều 19/10 tại Quảng trường Nhà hát Lớn cũng thế. Các diễn viên phải tập trung tại một nhà hàng ở cánh trái Nhà hát Lớn từ sớm trước khi bước trên thảm đỏ lúc 3h chiều. Cứ lần lượt từng cặp một đi ra kèm lời giới thiệu của hai MC. Xem các nghệ sĩ bước trên thảm đỏ cứ tưởng là họ đang trình diễn thời trang trên sàn catwalk ngoài trời, chỉ thiếu mỗi thông tin về NTK trang phục họ mặc là đủ bộ.
Trong khi phía ngoài đang sôi động với sự xuất hiện của các ngôi sao và sự hò reo của người hâm mộ thì ngay sảnh Nhà hát Lớn, vị đạo diễn nổi tiếng của một bộ phim được nhắc đến nhiều trong thời gian qua không hiểu đang bức xúc chuyện gì mà không ngại ngần văng tục trước sự ngơ ngác của không ít người.
Các nghệ sĩ ngồi trong Phòng Gương để chờ giao lưu với báo giới. Ảnh: Hoàng Vy |
Buổi giao lưu giữa báo chí và nghệ sĩ trong Phòng Gương ngay sau sự kiện Thảm đỏ chiều 19/10 cũng có nhiều chuyện bi hài chẳng kém. Các ngôi sao sau khi diễn trên thảm đỏ thì được sắp xếp vào Phòng Gương của Nhà hát Lớn để tiếp xúc với báo giới. Tuy nhiên không khí tại đây khá lộn xộn khi ghế ngồi kê chẳng theo thứ tự nào mà cũng không đủ chỗ cho các nghệ sĩ.
Không có người dẫn, phóng viên muốn phỏng vấn ai thì tự tới mà hỏi. Trong lúc chờ được... hỏi và có phóng viên tới xin chụp hình, các nghệ sĩ đành phải ngồi nói chuyện với nhau hoặc... cười lấy lệ rồi ra về, thậm chí chẳng có nước mà uống dù dàn nhạc dân tộc chơi phục vụ rất nhiệt tình. Nếu như buổi giao lưu được tổ chức giống như một buổi tiệc đứng thì có lẽ sẽ tạo không khí thân mật và gần gũi hơn.
Đến chuyện ở các rạp chiếu phim
Các bộ phim chiếu trong khuôn khổ VNIFF luôn có đông khán giả. Ảnh: Hoàng Vy |
Khu vực sôi động nhất trong những ngày diễn ra VNIFF ngoài Nhà hát Lớn, trụ sở chính của LHP, nơi diễn ra buổi giao lưu trên thảm đỏ chiều 19/10 và hai buổi chiếu phim ngoài trời tối 18 và 19/10 là các rạp chiếu phim. Hơn 60 bộ phim tham dự VNIFF làn này được chiếu liên tục tại 3 cụm rạp MegaStar, TTCPQG và Platinum từ 17-21/10. Do giá vé rẻ và lượng phim chiếu phong phú nên lượng khán giả đến các suất chiếu rất đông.
Cụm rạp Platinum dù chưa chính thức khai trương nhưng cũng đã kịp... lắp ghế chỉ vài ngày trước khi khai mạc VNIFF để chiếu các phim tham dự. Do xác định đây là cơ hội quảng bá cho rạp nên thay vì chỉ duy trì 20% số vé mời như hai cụm rạp còn lại, số vé mời của cụm rạp này lên đến 70%. Quản lý cụm rạp Platinum cho biết hầu hết tất cả các suất tại 3 phòng chiếu đều kín chỗ và rất bất ngờ là nhiều phim Pháp như Nhóc Nicolas, Coco Chanel rất đông khán giả. Một số phim Việt Nam cũng như bộ phim Chậm thì chết, vì có đoàn làm phim tới giao lưu nên khá đông. Toàn bộ vé cho các suất chiếu phim tham dự VNIFF ngày 21/10 cũng đã được bán hết từ ngày 20/10.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại TTCPQG. "Rút kinh nghiệm" từ nhiều sự kiện chiếu phim có vé mời nên cụm rạp này đã chủ động bán hết vé cho hết các ghế ngồi tại các phòng chiếu, để tránh tình trạng 20% khách đi bằng vé mời không đến xem. Tuy nhiên, trái với dự đoán, lượng khán giả đi bằng vé mời đến xem rất đông nên nhiều suất chiếu phải kê thêm ghế vào phòng chiếu. Điều này khiến cho TTCPQG hết sức bất ngờ bởi không ngờ VNIFF lại thu hút sự quan tâm của công chúng đến vậy.
Tương tự với cụm rạp MegaStar, các suất chiếu phim tham dự VNIFF cũng luôn ở tình trạng cháy vé do giá vé giảm đi một nửa so với các phim thông thường ở đây. Tuy nhiên có khá nhiều sự cố diễn ra tại các buổi chiếu.
Đơn cử như buổi chiếu phim "Phỉnh tình" vào suất chiếu 20h45 ngày 18/10. Buổi chiếu nhiều lần bị gián đoạn, đèn bật sáng do lỗi ở bản phim và bắn phụ đề không chuẩn. Đại diện của cụm rạp này cho biết phim chỉ được chiếu tại MegaStar còn việc xử lý máy chiếu, cho bắn phụ đề song song do người của Cục Điện ảnh, đơn vị tổ chức VNIFF, phụ trách nên nhân viên của cụm rạp không can thiệp được.
Thêm nữa, lượng vé mời được phát ra quá tuỳ tiện, không có mối liên hệ với cụm rạp nên xảy ra tình trạng người có vé mời không có số ghế lại ngồi vào chỗ của khán giả đã bỏ tiền mua vé được bán qua hệ thống máy của cụm rạp này trước đó. Chính vì vậy nhiều suất chiếu luôn bắt đầu bằng tình trạng "đòi chỗ", đổi chỗ rất lộn xộn, làm ảnh hưởng đến uy tín của rạp chiếu và các khán giả đã bỏ tiền mua vé hẳn hoi. Trong khi đó, cụm rạp Platinum và TTCPQG lại tiến hành bán vé nhưng không ghi số ghế để khán giả chọn chỗ ngồi tự do nên dù mất tiền mua vé hay có vé mời, khán giả nào đến sớm thì có chỗ ngồi tốt, không thì đành ngồi ghế... Xuân Hoà.
Và những chuyện thú vị khác
Trong khi các sự kiện Thảm đỏ, các cuộc giao lưu của ngôi sao thu hút sự chú ý của nhiều người thì các cuộc hội thảo được tổ chức tại VNIFF lại quá khu biệt và mang tính chuyên môn nên đa phần vắng vẻ. Ngoài các nghệ sĩ và giới làm phim cũng như đội tình nguyện viên, lực lượng chính tham gia các cuộc hội thảo này là giới... báo chí. Trong số 3 cuộc toạ đàm, cũng may có màn đấu khẩu giữa hai đạo diễn Lê Hoàng và Vương Đức tạị diễn đàn về giải pháp tăng cường sản xuất phim của Việt Nam mà khuấy động được không khí. Hau cuộc toạ đàm còn lại về Việt Nam - môi trường hấp dẫn sản xuất phim VN và xây dựng nền công nghiệp điện ảnh VN diễn ra khá tẻ nhạt.
Các sự kiện giao lưu giữa diễn viên và khán giả đáng lẽ phải thu hút nhiều sự chú ý hơn từ phía công chúng. Ảnh: Nguyễn Hoàng |
Khá ngạc nhiên là nhiều sự kiện dành cho công chúng như buổi chiếu phim ngoài trời và giao lưu với diễn viên Ngô Ngạn Tổ tối 18/10 hay sự kiện thảm đỏ giao lưu giữa các diễn viên và khán giả chiều 19/10 diễn ra tại quảng trường Nhà hát Lớn không thu hút được nhiều khán giả tham gia mặc dù đây là những sự kiện tổ chức dành cho họ. Lý do là các sự kiện này không được quảng bá rộng rãi.
Ngoài poster về VNIFF được treo dọc phố Tràng Tiền, không có thông tin nào về các buổi chiếu phim ngoài trời hay giao lưu với diễn viên để những người quan tâm biết mà đến theo dõi. Chính vì vậy, khi thấy khu vực từ ngã tư Ngô Quyền và Tràng Tiền cấm các phương tiện qua lại, nhiều người chỉ còn biết quay xe đi vì không thể biết có sự kiện gì ở trước cửa Nhà hát Lớn và mình có được vào hay không.
Tương tự với lễ khai mạc VNIFF tối 17/10 tại TTHNQG. Chỉ những người có thẻ và giấy mời mới được qua cửa nên người hâm mộ dù có muốn cũng chẳng thể vào khu vực gần thảm đỏ mà nhìn mặt thần tượng. Chẳng riêng công chúng, đến cánh báo chí cũng có lúc "nhiễu" thông tin. Đinh ninh rằng sự kiện giao lưu giữa diễn viên và công chúng diễn ra từ 17h ngày 19/10 như in trong chương trình phát cho phóng viên tại cuộc họp báo chính thức sáng 17/10, có người đến khi sự kiện đã kết thúc bởi thực tế buổi giao lưu đã bắt đầu từ 15h như thông báo trong một tờ rơi khác.
Sự kiện Ra mắt phim "Cánh đồng bất tận" tối 20/10 cũng chỉ tổ chức trong phạm vi hẹp và chỉ rất ít phóng viên có giấy mời mới có thể tham dự. "Cánh đồng bất tận", "Trung Uý" là một trong hai bộ phim được nhắc đến nhiều nhất trong những ngày qua. Một phim được chuyển thể từ tác phẩm văn học nổi tiếng, có nhiều ngôi sao tên tuổi tham gia và được PR rầm rộ trên báo chí, một phim thì được chú ý vì những tuyên bố rất sốc của cả đạo diễn và nữ diễn viên chính về những cảnh nóng. Không chỉ có cánh phóng viên mà khán giả cũng rất quan tâm đến hai bộ phim này. Do vậy cũng dễ hiểu khi suất chiếu đầu tiê kéo được nhiều khán giả đến rạp xem phim.
-
Hoàng Vy