- Cả nước đang đón chờ Đại lễ nghìn năm Thăng Long – Hà Nội, không có thời khắc nào thích hợp hơn để hướng về Thủ đô và cùng hồi tưởng…
Không phải ngẫu nhiên khi mùa xuân năm Canh Tuất (1010) vua Lý Thái Tổ ban Chiếu dời đô, chuyển kinh đô nước Đại Việt từ Hoa Lư ra Đại La, mở đầu cho một thời đại mới của đất nước, cuộc dời đô do ông khởi xướng cũng găn liền với một huyền thoại. Đại Việt sử ký toàn thư đã ghi : “Mua thu, tháng 7 vua từ thành Hoa Lư dời đô ra kinh phủ ở thành Đại La, tạm đỗ thuyền dưới thành, có rồng vàng hiện lên ở thuyền ngự, nhân đó đổi tên thành gọi là thành Thăng Long”.
Thăng Long tứ trấn gồm 4 ngôi đền thiêng, có vai trò trấn giữ 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc của thành Thăng Long. Long Đỗ là vị thần trấn hướng Đông (thờ ở đền Bạch Mã), thần Linh Lang trấn hướng Tây (thờ ở đền Voi Phục), thần Cao Sơn trấn hướng Nam (thờ ở đình Kim Liên), và vị thần trấn hướng Bắc là Huyền Thiên Trấn Vũ thờ ở đền Quán Thánh.
Hồ Hoàn Kiếm gọi là hồ Gươm với truyền thuyết Vua Lê Lợi trả gươm cho Rùa thần. Hồ Gươm có 2 công trình kiến trúc là Tháp Rùa và đền Ngọc Sơn. Tháp Rùa là kiến trúc cuối thế kỷ XIX, đền Ngọc Sơn được xây trên đảo Ngọc Sơn (tương truyền xưa kia các tiên nữ thường dừng chân múa hát mỗi lần đi chơi hạ giới).
Huyền thoại, đó không chỉ là điều phi thường, nơi gửi gắm ước mơ, khát vọng của cha ông. Vì thế, nếu bỏ qua vẻ ngoài huyền ảo, đa số huyền thoại về Đất và Người Thăng Long – Hà Nội đều hướng về điều tốt lành là an dân, thịnh vượng, điều đó lý giải vì sao sau hàng nghìn năm, rất nhiều những huyền thoại vần sống trong tâm khảm người Hà Nội.
“Thăng Long là vùng đất địa linh nhân kiệt, từ bao đời nay đã trải qua lớp lớp biến thiên, tầng tầng sự kiện, thế nhưng với bao thăng trầm, Thăng Long – Hà Nội vẫn giữ được vẻ cổ kính uy nghiêm” - Nhà lý luận, phê bình văn học, nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hòa từng chia sẻ:
Chùm ảnh: Vùng đất của những huyền thoại
Mùa xuân năm Canh Tuất (1010) vua Lý Thái Tổ ban Chiếu dời đô, chuyển kinh đô nước Đại Việt từ Hoa Lư ra Đại La, sau đổi tên là thành Thăng Long. (Ảnh: Điện kính thiên trong Hoàng thành Thăng Long). |
Thành Cửa Bắc được xây bằng đá tảng và gạch nung rất kiên cố từ triều Nguyễn. Hiện trên bờ tường thành Cửa Bắc nhìn từ phía ngoài vẫn còn thấy dấu vết đạn đại bác của thực dân Pháp công phá thành bắn từ tàu chiến trên sông Hồng. Sử tích chép, Cửa Bắc được xây dựng từ thời Nguyễn, trên nền Cửa Bắc thời Lê và hoàn thành năm 1805. Cửa Bắc được xây dựng theo kiến trúc vọng lâu: phía trên là lầu, phía dưới là thành. Trên lầu hiện là nơi thờ Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu - hai vị Tổng đốc đã có công cùng nhân dân thành Hà Nội chống trả lại kế hoạch chiếm thành của thực dân Pháp |
Ô Quan Chưởng hay còn gọi là ô Đông Hà, là một cửa ô của Hà Nội xưa, nằm ở phía Đông của toà thành đất bao quanh Kinh thành Thăng Long, được xây dựng vào năm Cảnh Hưng thứ 10 (1749), đến năm Gia Long thứ ba (1817) được xây dựng lại và giữ nguyên kiểu cách đến ngày nay. |
Đình, đền Kim Liên vốn được lập nên để thờ Cao Sơn Đại Vương (theo tín ngưỡng dân gian, thì đây là một người con của Lạc Long Quân và Âu Cơ, sau theo mẹ lên núi). Trong đền có treo tấm bia đá cao 2,34m, rộng 1,57m, dầy 0,22m (đây cũng là di vật quý giá nhất ở đền này) |
Đền Quán Thánh thờ vị thần Huyền Thiên Trấn Vũ trấn hướng Bắc thành Thăng Long. Đền Quán Thánh được xây dựng vào đầu thời nhà Lý, qua các đợt trùng tu vào các năm 1618, 1677, 1768, 1836, 1843, 1893, 1941, (các lần trùng tu này được ghi lại trên văn bia). Đợt trung tu năm Đinh Tỵ niên hiệu Vĩnh Trị thứ 2 đời vua Lê Hy Tông thì đúc tượng Huyền Thiên Trấn Vũ bằng đồng hun, thay cho tượng bằng gỗ trước đó. |
Chùa Trấn Quốc: Vào thời vua Lý Nam Đế (544-548), chùa có tên là Khai Quốc, và ở trên bãi Yên Hoa, bên bờ sông Hồng. Đến niên hiệu Đại Bảo, đời vua Lê Thái Tông, chùa được đổi tên thành An Quốc. Đến đời Lê Trung Hưng năm 1615, do bãi sông bị lở gần vào đến chùa, nhân dân phường Yên Hoa (sau này là Yên Phụ) mới dời chùa vào đảo Cá Vàng ở Hồ Tây, là địa điểm hiện nay của chùa. Chùa được dựng trên nền cũ cung Thúy Hoa (thời nhà Lý) và điện Hàn Nguyên (thời nhà Trần). Sau đó, người ta cho đắp đê Cố Ngự (sau đọc chệch ra Cổ Ngư) và tạo đường nối từ đê vào chùa. |
Đền Bạch Mã Đền Bạch Mã được xây dựng từ thế kỷ 9 để thờ thần Long Đỗ (Rốn Rồng) - vị thần gốc của Hà Nội cổ. Năm 1010, khi Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, định đắp thành nhưng nhiều lần thành đắp lên lại bị sụp đổ. Vua cho người cầu khấn ở đền thờ thần Long Đỗ thì thấy một con ngựa trắng từ đền đi ra. Vua lần theo vết chân ngựa, vẽ đồ án xây thành, thành mới đứng vững. Thần được vua Lý Thái Tổ phong làm Thành hoàng của kinh thành Thăng Long. |
Cột cờ HN Cột cờ Hà Nội hay còn gọi Kỳ đài Hà Nội là một kết cấu dạng tháp được xây dựng cùng thời với thành Hà Nội dưới triều nhà Nguyễn (bắt đầu năm 1805 hoàn thành năm 1812). Kiến trúc cột cờ bao gồm ba tầng đế và một thân cột, được coi là một trong những biểu tượng của Thủ đô.
|
Tháp rùa Tháp xây trên gò Rùa ở phía nam Hồ Hoàn Kiếm |
Nhà hát Lớn Hà Nội tọa lạc trên Quảng trường Cách mạng tháng Tám. Nhà hát này là một phiên bản nhỏ hơn của Opéra Garnier ở Paris và được xây dựng từ 1901 đến 1911 |
Tháp Bút ở Hồ Gươm là một ngọn tháp bằng đá cao năm tầng, được xây dựng năm Tự Đức thứ 18 (1865) trên nền núi Độc Tôn cũ theo ý tưởng của nhà nho Nguyễn Văn Siêu, nằm ở phía ngoài lối vào cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn. |
Bắc Bộ Phủ: Thời thuộc Pháp tòa nhà này là Phủ thống sứ Bắc Kỳ. Trong Cách mạng tháng Tám, ngày tổng khởi nghĩa ở Hà Nội (19/8/1945), lực lượng Việt Minh cùng nhân dân Hà Nội đã tiến công và chiếm giữ tòa nhà này. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về làm việc tại đây cho đến ngày toàn quốc kháng chiến. Trong thời gian này, tòa nhà được đổi tên thành Bắc Bộ phủ và ngày nay trở thành Nhà khách Chính phủ. |
Thiếu nữ Hà Nội |
Múa rồng dưới chân tượng đài Lý Thái Tổ |
Thủ đô Hà Nội ngày nay |
-
Phạm Hải