- Trong ngõ 93, phố cổ Hàng Buồm, nửa thế kỷ nay đã trưng bày hàng trăm bức tranh của các danh họa nổi tiếng.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Người chủ của những bức tranh vô giá ấy là cựu pháo binh năm xưa, Phạm Văn Bổng. Điều lạ có thật là rất nhiều bức tranh nổi tiếng của tứ đại danh họa Việt Nam đang treo tại căn phòng nhỏ trong không gian tĩnh lặng của phố cổ Hà Nội.
Nửa đời sưu tầm cả phòng tranh
Bức kí họa chân dung Phạm Văn Bổng của họa sĩ Bùi Xuân Phái |
Từ bản chính đến bản in, bản kẽm, bản nháp tranh của những danh họa như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn. Các nhà văn thì có Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Phùng Quán, Trần Dần, Nguyễn Huy Thiệp... ông Bổng đều có vài bức đến vài bộ tranh, sách.
Đời sưu tầm tranh của ông Bổng cũng khá tình cờ khi ông còn là lính pháo binh đánh phá một doanh trại của quân đội Pháp. Khi xâm nhập vào phòng làm việc của sĩ quan Pháp, ông sững sờ trước một bức tranh vẽ phong cảnh châu Phi bằng sơn dầu. Ông Bổng đặt câu hỏi: “Tại sao một sĩ quan Pháp lại treo một bức tranh ở một vị trí trang trọng như thế?”. Ông gỡ xuống và cất kín vào túi để về khoe với đồng đội. Sau đó, do mưa bom, bão đạn, ông gửi lại người bà con dưới quê và thất lạc.
Qúa ấn tượng với tác phẩm sơn dầu ấy, Phạm Văn Bổng nảy ra ý định sưu tầm tranh từ những bức nhỏ bé của đồng đội. Hòa bình lập lại, ông giao lưu với một số nhà sưu tầm lớn ở Hà Nội như Nguyễn Đức Minh, Bá Đạm… và có được một cơ số tranh treo kín nhà.
Theo lời kể của anh con trai Phạm Phú Tín: “Khi chơi thì muốn sở hữu. Người chơi có một bức rồi muốn có bức thứ hai. Vài bức thì muốn có bộ. Vì thế cha tôi muốn sưu tầm tranh để làm thú vui. Tôi sống trong môi trường đó nên cũng học hỏi được nhiều kiến thức và lẽ đời từ nghệ thuật. Không có đại học nào bằng đại học gia đình, vì thế tôi ngấm dần môi trường hội họa”.
Những bức nổi tiếng như Thúy Kiều – Kim Trọng, Múa cổ, Thánh Gióng... của Nguyễn Tư Nghiêm hay bức Dân quân của Trần Văn Cẩn… đều được ông Bổng sưu tầm và tôn kính như những vật báu trong gia đình.
Bức Múa cổ của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm |
Trong những bộ tranh quý ấy có cả những bức tranh mừng cưới những người con của ông Bổng. Thời bao cấp không có tiền đi mừng nên khách có thể mang bất cứ tài sản gì trong nhà như tranh, gà vịt, hoa quả… đi mừng cưới.
Ngày cưới cô con gái Phạm Phú Tiêu Tương, danh họa Bùi Xuân Phái tặng bức tranh vẽ một cô gái đang chèo thuyền trên sông. Chị tên là Tương nên ông Bùi Xuân Phái tưởng nhớ đến dòng sông Tương bên Trung Quốc có cô gái chèo thuyền về nhà chồng. Bức tranh khổ 60 x 80 cm, đang được vợ chồng chị Tiêu Tương cất giữ coi là món quà đặc biệt nhân ngày cưới.
Bức tranh triệu đô của danh họa Nguyễn Sáng
Đặt trang trọng nhất trong căn phòng rộng chừng 10 m2 là bức “Vũ trụ” của danh họa Nguyễn Sáng. Đây là bức tranh cuối cùng của Nguyễn Sáng và cũng là bức tranh đắt nhất đời sáng tác của ông khi được một doanh nhân người Mỹ trả giá… 1 triệu đô la.
Bức tranh "Vũ trụ" triệu đô của danh họa Nguyễn Sáng. |
Vào những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, thời kỳ xảy ra chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô, một thương gia người Nhật đến nhà họa sĩ Nguyễn Sáng đặt hàng một bức tranh với chủ đề thế giới “Hai cực” chuyển hóa thành nghệ thuật tranh. Nguyễn Sáng phải mất nhiều đêm để xây dựng bố cục và ý tưởng cho bức tranh mang màu sắc chính trị, pha chút viễn tưởng này.
Nội dung bức tranh nói về hai người đàn ông đang đối đầu nhau, giành giật như trên xới vật biểu thị cho hai cường quốc thời “Hai cực Ianta”. Bên cạnh là những mảng màu vàng và màu đen mà đến nay nhiều nhà phân tích mỹ thuật chưa giải thích thỏa đáng ngụ ý nghệ thuật của Nguyễn Sáng.
Sau khi đóng khung bức tranh “Vũ trụ”, Nguyễn Sáng mang đi triển lãm cá nhân đầu tiên và duy nhất của ông tại Hà Nội năm 1984. Trong cuộc triển lãm này, bức “Vũ trụ” vượt lên trở thành một bức tranh lạ, được trả giá rất cao nhưng Nguyễn Sáng chỉ bán cho bạn tri âm Phạm Văn Bổng với giá hữu nghị.
Một năm sau, thương gia Nhật quay lại lấy tranh và hay tin bức tranh năm nào đã thuộc sở hữu người khác. Thương gia Nhật liên hệ với Hội Mỹ thuật Việt Nam đứng ra hòa giải sự việc này vì người có thể phân giải là họa sĩ Nguyễn Sáng đã chuyển vào Sài Gòn sinh sống với tình hình sức khỏe không được tốt.
Ông Bổng nhất quyết bảo vệ bức tranh không bán với lý do đây là sản vật cuối cùng trong đời sáng tạo của họa sĩ Nguyễn Sáng.
-
Đức Chính