- Hoà nhạc "Điều còn mãi" 2010 diễn ra vào đúng thời điểm lịch sử của đất nước, khi thủ đô Hà Nội 1000 năm tuổi. Do vậy, chủ đề của chương trình năm nay là Ngàn năm Thăng Long.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Buổi gặp gỡ báo chí về chương trình hoà nhạc "Điều còn mãi" sáng 25/8 tại Không gian sáng tạo Trung Nguyên. |
Chương trình "Điều còn mãi" được tổ chức định kỳ vào 2h chiều ngày 2/9 hàng năm tại một điểm duy nhất: Nhà hát Lớn HN nhằm thể hiện và biểu dương lòng tự hào dân tộc của lớp người tinh hoa văn hoá, những người đang góp phần vào sự chuyển mình của đất nước trong thời kỳ mới, thông qua việc trình diễn những tác phẩm kinh điển của nền ca khúc Việt Nam, những tác phẩm kinh điển của nền ca khúc Việt Nam, những tác phẩm đã từng lay động trái tim hàng triệu người VN yêu nước qua nhiều thời kỳ lịch sử và những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao trong lĩnh vực thanh nhạc và khí nhạc của dòng nhạc giao hưởng thính phòng.
Chương trình Hoà nhạc VietNamNet "Điều còn mãi" 2010 diễn ra vào đúng thời điểm lịch sử của đất nước, khi thủ đô Hà Nội 1000 năm tuổi. Do vậy, chủ đề của chương trình năm nay là Ngàn năm Thăng Long.
Nhạc sĩ Dương Thụ đảm nhiệm hai vai trò: Giám đốc nghệ thuật và Biên tập của chương trình hoà nhạc VietNamNet "Điều còn mãi". |
Theo nhạc sĩ Dương Thụ, Giám đốc nghệ thuật của chương trình thì Hoà nhạc VietNamNet "Điều còn mãi" 2010 là một chương trình thuần Việt. Bên cạnh sự góp mặt của các nghệ sĩ VN, nhạc mục được lựa chọn cũng đều là những bản nhạc Việt Nam. "Đây là chương trình, tôi xin nhấn mạnh, nhạc thính phòng giao hưởng chứ không phải show diễn. Đó là điểm khác biệt. Thứ hai, đây là một concert hoàn toàn Việt Nam. Chỉ huy là người Việt Nam, các nghệ sĩ trình diễn trong dàn nhạc đều là người Việt Nam, các tác phẩm trình diễn trong chương trình từ khí nhạc đến thanh nhạc là của người VN", nhạc sĩ Dương Thụ nói.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (ngoài cùng bên trái) trong vai trò là thành viên BTC. |
Và điều quan trọng nhất là Hoà nhạc VietNamNet "Điều còn mãi" là một chương trình dành cho công chúng. Trong buổi gặp gỡ báo chí sáng 25/8 tại HN Nhạc sĩ Dương Thụ chia sẻ: "Một nhà báo có hỏi: "Điều còn mãi, một chương trình hàn lâm như thế, năm nào cũng thế thì chắc là nó sẽ nhàm chán". Tôi có trả lời, sự lặp lại chính là để định dạng phong cách của chương trình. Chúng ta chưa thành cái gì mà đã thay đổi thì chúng ta sẽ không có gì cả. Thêm nữa, đây là làm nghệ thuật, không phải là giải trí. Làm nghệ thuật phải có quy chuẩn của nó".
"Đây là chương trình có tính chất xây dựng công chúng, xây dựng công chúng từ những người không thích nhạc thính phòng giao hưởng. Chính vì vậy chương trình có 50% là thanh nhạc bởi người VN nghe bài hát là chính. Do vậy, phải có phần thanh nhạc để dẫn dụ người nghe, để họ quen dần với việc nghe các ca khúc trình diễn với dàn nhạc giao hưởng", nhạc sĩ Dương Thụ.
Về phần khí nhạc, chương trình giới thiệu "Bài ca chim ưng" của cố nhạc sĩ Đàm Linh viết cho violin và dàn nhạc, một trong những tác phẩm kinh điển của nền khí nhạc VN và bản Sonate số 8, Chương 2 có tên Tâm hồn người Hà Nội viết cho violin của nhạc sĩ Nguyễn Văn Quì, một người Hà Nội gốc năm nay đã tuổi 80.
Chương trình giành được sự quan tâm của báo giới. |
Đặc biệt công chúng sẽ được thưởng thức bản giao hưởng thơ "Hào khí Thăng Long" của nhà soạn nhạc trẻ tuổi Trần Mạnh Hùng, tác phẩm "Thốt" (Đối thoại với Tuồng) viết cho piano với kèn bóp, trống chiến và giọng vocal Tuồng của Tuệ Nguyên, một tài năng âm nhạc trẻ thuộc thế hệ 8X và điệu dân ca quan họ Bắc Ninh "Hoa thơm bướm lượn" duyên dáng trữ tình được chuyển thể cho dàn nhạc giai hưởng của nghệ sĩ Cello Ngô Hoàng Quân.
Phần thanh nhạc là tuyển chọn 6 bài hát về Hà Nội qua các thời kỳ của các tác giả là người HN hoặc đã từng sống, gắn bó với Hà Nội như: Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi), Hướng về Hà Nội (Hoàng Dương), Bài ca Hà Nội (Vũ Thanh), Hà Nội niềm tin và hy vọng (Phan Nhân), Nhớ về Hà Nội (Hoàng Hiệp), Mong về Hà Nội (Dương Thụ).
Nhạc trưởng Lê Phi Phi (ngoài cùng bên phải) vừa sắp xếp công việc tại châu Âu để kịp trở về với hoà nhạc "Điều còn mãi". |
Ngoài ra còn 3 tác phẩm được trình diễn với tư cách là tác phẩm truyền thống của chương trình như một "nhạc hiệu" của Hoà nhạc VietNamNet "Điều còn mãi". Đó là Quốc ca của nhạc sĩ Văn Cao (được chuyển thể cho dàn nhạc Giao hưởng), Du kích sông Thao của nhạc sĩ Đỗ Nhuận (được chuyển thể cho Acapella), Ca ngợi Hồ Chủ tịch của nhạc sĩ Văn Cao (hát với giao hưởng và hợp xướng).
Tham gia chương trình gồm có Dàn nhạc Giao hưởng Nhà hát Giao hưởng VN, Dàn hợp xướng Nhà hát Nhạc vũ Kịch VN, các nghệ sĩ độc tấu: Bùi Công Duy (violin), Xuân Huy (violin), Phó An My (piano) và nhóm nghệ sĩ Tuồng. Bên cạnh đó, hoà nhạc VietNamNet "Điều còn mãi" 2010 còn có sự xuất hiện của các ngôi sao ca nhạc hàng đầu của VN như Trọng Tấn, Đăng Dương, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Đức Tuấn, Nguyên Thảo, Khánh Linh...
Với sự tham gia của những tên tuổi hàng đầu của âm nhạc VN, "Điều còn mãi" từng bước gây dựng tên tuổi như một chương trình hoà nhạc đỉnh cao. |
Và bên cạnh một không gian âm nhạc đặc biệt trong một ngày đặc biệt, tại một địa điểm đặc biệt, sảnh Nhà hát Lớn sẽ trở thành nơi trưng bày những bức tranh sơn dầu vẽ về Hà Nội của hoạ sĩ Đào Hải Phong. Nếu như năm ngoái, những khán giả đến với chương trình hoà nhạc Điều còn mãi được thưởng thức những bức ảnh chụp Nhà hát Lớn qua nhiều thời kỳ lịch sử thì năm nay, những bức ảnh đó sẽ được thay thế bằng những tác phẩm hội hoạ về Hà Nội chưa từng được triển lãm của hoạ sĩ Đào Hải Phong.
Chia sẻ trong cuộc họp gỡ báo chí về hoà nhạc "Điều còn mãi" 2010 sáng 25/8 tại HN, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, thành viên Ban tổ chức cho biết ông đã đề xuất ý tưởng sẽ biến không gian của sảnh Nhà hát Lớn thành nơi sắp đặt tất cả các loài hoa về mùa thu hoặc thành sảnh trưng bày những bức ảnh lịch sử chụp sự kiện 2/9 trong các chương trình Hoà nhạc VietNamNet sau.
-
Hoàng Vy. Ảnh: Lê Anh Dũng