- Đêm 5/6, cả TP.Huế và hơn 15 vạn du khách trong và ngoài nước gần như không ngủ để đón chào “đại tiệc” văn hóa với sự tham gia của 28 nước hội tụ trong đêm khai mạc Festival Huế 2010 và những hoạt động văn hoá trong chương trình Đêm hoàng cung, Đêm Phương đông. Vọng mãi ngàn năm.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Mới lạ, hấp dẫn
”Hào khí Hoa Lư” tiết mục biểu diễn mở màn đêm khai mạc.
Festival Huế 2010 vẫn với chủ đề “Di sản văn hoá, hội nhập và phát triển” trở thành Đại tiệc văn hóa mang quy mô, tầm vóc lớn, hoành tráng hơn rất nhiều so với 5 kỳ Festival trước, bởi có sự tham gia của các đoàn nghệ thuật đến từ 28 nước mang theo nhiều chương trình mới lạ, hấp dẫn.
Festival năm nay có nhiều chương trình, lễ hội mới lạ, hấp dẫn như “Hành trình mở cõi”, “Thao diễn thuỷ binh thời Chúa Nguyễn”, “Đêm phương Đông”.... Tính gắn kết cộng đồng và xã hội hoá được nâng cao, đặt người dân vào vị thế làm chủ thể của lễ hội. Các lễ hội chính đều có diễn viên quần chúng tham gia; các chương trình, lễ hội được đưa về tận các vùng nông thôn, miền núi...
Màn biểu diễn cồng chiêng Tây Nguyên
Chương trình đêm khai mạc (do NSND Lê Ngọc Cường viết kịch bản và tổng đạo diễn) với âm hưởng chủ đạo là tôn vinh các giá trị truyền thống, di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại ở Việt Nam và sự giao lưu tỏa sáng của các di sản văn hóa đại diện cho 5 châu lục; gắn với nét văn hóa tiêu biểu của các nước này. Nét nổi bật của biểu diễn nghệ thuật là sự đan xen tinh tế giữa các tiết mục truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế.
“Liên khúc tôn vinh Di sản”, “Nhã nhạc cung đình”, “Múa Bát dật” Ca trù, “Múa Dâng hương”, “Quan họ Tứ hải giao tình” (Quan họ Bắc Ninh), Cồng chiêng Tây Nguyên... là những món ăn tinh được hội tụ khắp nơi trên đất nước ta.
Khai thác chiều sâu văn hóa 5 châu lục
Bạn bè thế giới đã góp vào bữa tiệc Festival Huế 2010 những ấn tượng, mới lạ qua những màn trình diễn nghệ thuật: múa rồng Trung Quốc, Hàn Quốc, múa balet Nga; Cà kheo, tung hứng của Bỉ, pháo hoa Gerbs của Pháp, Nhật...
Múa rồng Trung Quốc
Tiết mục múa cổ truyền Hàn Quốc
Múa ballet đến từ nước Nga
Tiết mục đi cà kheo của đoàn Bỉ
Đoàn Nhật Bản
Màn pháo hoa rực rỡ vút lên trời và 2 con rồng lửa múa lượn trên lễ đài làm cho đêm khai mạc thêm lộng lẫy, hoành tráng, báo hiệu một mùa Festival tưng bừng. Sau đó, cánh cửa Ngọ Môn rộng mở đón du khách tham dự chương trình “Đêm Hoàng cung” lung linh, huyền ảo.
Mưa đã làm Festival Huế kém vui
Bao nhiêu công sức chuẩn bị của diễn viên và chờ đợi của người xem đã bị những giọt mưa ngày càng nặng hạt dần làm ảnh hưởng .Trên các hàng ghế đại biểu nhiều người đã đứng dậy ra về. Đường Trần Hưng Đạo dẫn về hai đầu cầu Phú Xuân và Trường Tiền chen chúc người…chạy mưa. Chương trình vẫn biểu diễn liên tục vì…có truyền hình trực tiếp.
“Chêm” thế này là chắc ăn. |
Các nhà báo chen chúc nhau hai bên cánh gà bị hạn chế chụp ảnh. |
Chỉ có truyền hình là mặn mà vì truyền trực tiếp. |
Cơn mưa đã giải tán đám đông. |
Còn nhiều diễn viên thì phải tự tìm chỗ trú mưa |
Song, điều gây phiền hà nhiều nhất cho giới báo chí là sự thiếu chuẩn bị cho việc tác nghiệp của các nhà báo. Tại lễ khai mạc, theo Ban tổ chức có đến 500 nhà báo của 21 cơ quan thông tấn báo chí trong nước và nước ngoài đến đưa tin nhưng tất cả chỉ được bố trí đứng hai bên cánh gà.
1000 con diều hướng tới đại lễ 1000 năm Thăng Long
Trong khuôn khổ Festival Huế 1000 con diều đủ sắc màu biểu tượng cho khung cảnh hoà bình và khát vọng tự do đã tung bay trên cầu Trường Tiền hướng tới đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội.
Toàn bộ số diều trên được trình bày theo hình thức nghệ thuật sắp đặt, diễu hành đường phố. Những cánh diều này sẽ theo hành trình tiến về thủ đô Hà Nội, phối hợp với chương trình biểu diễn áo dài tại hai đầu cố đô Huế- Hà Nội và các chặng dừng chân mang dấu ấn của các cuộc dời đô trong lịch sử dựng nước và giữ nước.
Tranh đường phố do hơn 100 người cùng sáng tác
Cùng ngày trường Đại học Mỹ thuật Huế phối hợp cùng CLB họa sĩ trẻ Thừa Thiên Huế tổ chức Quãng diễn mỹ thuật “Ký ức từ cố đô Thăng Long đến cố đô Huế” tại phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu. Hơn 100 sinh viên, họa sĩ đã cùng nhau vẽ bức tranh đường phố dài hơn 50m, rộng gần 3m thể hiện phong cảnh, kiến trúc, đền đài, đặc sản… của 3 miền Bắc – Trung – Nam.
- Nguyên Bình - Mai Long - Dương Thanh Xuân