- Gần ông, tôi học được sự khoan dung, sự độ lượng với người, với đời. Nhất là học được “cậu bé Hoàng Cầm hồn nhiên và cả tin” trong ông.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Trái tim đa cảm của “ông hoàng” thơ tình Hoàng Cầm đã ngừng đập tại Bệnh Viện Hữu Nghị. Hà Nội vào hè nóng nực chợt thoáng lạnh, vậy là nhà thơ cuối cùng của một thời đáng nhớ đã ra đi.
![]() |
Tác giả "Bên kia sông Đuống" ở bên này sông Đuống (2000) |
Trưa 3/5/2010, Nguyễn Trọng Tạo sau khi cùng Hữu Thỉnh vào bệnh viện thăm nói với tôi: “Thấy tay cụ lạnh lắm. Chắc chả còn là bao”. Một chút rưng lệ, Tạo vừa chịu tang mẹ được ít ngày. Và cuối cùng, điều không ai mong muốn vẫn cứ xảy ra. Bàng hoàng. trống trải.
![]() |
Cùng con gái Kiều Loan bên sông Đuống (1997) |
Năm 1988, ngọn gió đổi mới bắt đầu thổi mạnh. Hoàng Cầm và những người bạn của mình là Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán được phục hồi hội tịch. Tạp chí “Sông Hương” nhanh nhẹn muốn ấn hành ngay một tập thơ Hoàng Cầm. Tôi được anh em nhờ biên tập và viết giới thiệu. Lúc ấy, tôi và Hoàng Cầm mới chính thức làm việc và để rồi làm “bạn vong niên” của ông cho đến bây giờ.
Tôi là dân Hải Phòng nhưng gia đình có mấy đời lên Sen Hồ-Việt Yên-Bắc Giang bán thuốc lào Vĩnh Bảo. Vậy nên cũng có chút đồng hương như với Đỗ Chu, Trần Ninh Hồ. Hoàng Cầm sinh ở thôn Phúc Tằng, huyện Việt Yên, Bắc Giang vào năm 1922. Cha ông đặt tên ông là Bùi Tằng Việt. Hoàng Cầm là bút danh của ông – tên của một vị thuốc. Nhưng chính quê mẹ Thuận Thành của Hoàng Cầm mới là nơi thăm thẳm dinh dưỡng nguồn thơ lai láng cho ông.
![]() |
Phút thư giãn bên Hồ Gươm |
Ngọn gió đổi mới càng thổi mạnh vào thập kỷ cuối thế kỷ trước, càng khiến Hoàng Cầm thanh xuân trở lại. Ông vào Sài Gòn rồi đi phiêu lãng nhiều nơi cùng “Lá diêu bông” nổi tiếng. Tôi thường đùa: “Cụ dắt sông Đuống chảy vào văn học chống Pháp, rồi mang lại lá diêu bông đi tung tảy trong văn học đương đại. Cụ cứ đi như đi trong chốn không thời gian”.
![]() |
Nhà thơ Hoàng Cầm và dàn diễn viên, đạo diễn nhà hát Tuổi trẻ dựng vở kịch thơ Kiều Loan |
Niềm đau đáu nhất ở đáy sâu tâm hồn Hoàng Cầm là sự không tha thứ của người vợ thứ hai Tuyết Khanh - người đã sinh ra Kiều Loan xinh đẹp và mang tên vở kịch thơ ám ảnh của ông gần đây vừa được Nhà hát Tuổi Trẻ trình diễn. Giữa bà và thơ cùng sự cách tân mà ông theo đuổi, ông đã chọn thơ và mãi mãi mất bà. Bà Tuyết Khanh đã qua đời ở California năm ngoái. Cộng hưởng với niềm đau đáu này là sự ra đi bi phẫn của cô con gái Hoàng Yến và sự ra đi ngậm ngùi của bà vợ Hoàng Yến: “Em xa anh và rất gần nước mắt”, khi ông vẫn còn chìm trong bóng tối. Giờ đã đến lượt ông đi theo họ về cõi xa xăm. Ra đi để bước vào bất tử. Xin vĩnh biệt ông.
- Nhà thơ Nguyễn Thuỵ Kha