- Bất ngờ xuất hiện trên Facebook với những trang viết hài hước, thông minh, Hoa hậu báo Tiền Phong 1994 Nguyễn Thu Thủy thừa sức khiến những ai từng định kiến về “cái gọi là chất xám ở những người đẹp” dễ chừng phải nghĩ lại.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Hoa hậu Nguyễn Thu Thủy |
Truyện ngắn Chuyện về tổ kiến của Thủy khiến một vài con mắt xanh dự đoán, nếu dự thi, đây sẽ là một phát hiện gây sửng sốt của Văn học tuổi 20 (do NXB Trẻ, Hội Nhà văn TP.HCM và báo Tuổi Trẻ tổ chức, nơi đã phát hiện ra Nguyên Hương, Nguyễn Ngọc Tư, Phan Việt…) năm nay.
Trong lần gặp gỡ tuần này với hoa hậu, thay cho những chuyện về sắc đẹp, vương miện, tình yêu, sự đổ vỡ… thường thấy, là một câu chuyện về…viết lách, về văn chương, về người và…kiến!
Thật bất ngờ khi biết hoa hậu Nguyễn Thu Thủy viết văn! Điều đó có “mầm mống” từ lúc nào vậy?
- Trước hết có lẽ là do nhận ảnh hưởng từ bố mẹ (bố mẹ Thủy đều làm ở Viện Ngôn Ngữ - PV). Nhà mình có hai chị em nhưng cách nhau rất xa (9 tuổi).Vì vậy, có những khoảng thời gian, mình gần như là “con một” nên nhận được rất nhiều sự quan tâm của bố mẹ cho việc bồi bổ tinh thần, khi mà phần bồi bổ vật chất còn rất hạn chế. Nếu không có sự động viên của bố mẹ, chắc chắn mình sẽ không đủ tự tin để viết như bây giờ. Vì nói thật, suốt những năm đi học, điểm văn của mình chỉ ở mức làng nhàng, mặc dù năm nào cũng có một bài rất xuất sắc được nhà trường lưu lại làm bài mẫu.
Sau này, có dạo mình không viết không đọc được gì vì bận rộn, vì đầu óc trống rỗng, vì cuộc sống gấp gáp quá. Chỉ bắt đầu từ khi mình kinh doanh và sinh con, mình mới viết trở lại. Do đặc thù kinh doanh nên mình phải viết rất nhiều: báo cáo tổng kết, nghiên cứu khả thi, viết bài PR, viết thư cho đối tác, khách hàng, nhân viên… Qua kinh doanh, mình học được cách tư duy có thể nói là khá rành mạch, biết cách xây dựng cấu trúc cho một đoạn văn và phương pháp luận rõ ràng hơn. Mình đọc rất nhiều, rồi chiêm nghiệm với thực tế, chia sẻ với mọi người, và viết lại những suy nghĩ đó để hiểu mình hơn, để tự nâng cao khả năng nhận thức và tư duy, và tất nhiên để không mất đi cảm xúc – điều thật cần thiết để tự cân bằng trong cuộc sống nhiều áp lực và hối hả như hiện nay.
- Việc này đúng là mình chưa bao giờ ngờ tới. Dù từ một năm trở lại đây, đúng là mình có tham vọng viết văn thật. Nhưng cũng như khi làm kinh doanh, mình thường lên kế hoạch để thực hiện và kế hoạch của mình là ba năm nữa mình mới xuất bản tác phẩm đầu tiên cơ! Mình muốn đi học thêm một số thứ, đi một số nơi trên thế giới và thu thập thêm kiến thức để tìm vốn sống cho các tác phẩm của mình. Ngoài ra, còn nhiều kế hoạch cá nhân khác nữa. Áp lực từ công việc là rất lớn, mình lúc nào cũng thiếu thời gian, mà viết lách thì không thể vội vàng và cẩu thả được. Từ kinh doanh, mình học được một điều: làm bất cứ thứ gì mà hời hợt, nửa vời sẽ là tự sát!
Ba năm nữa mới định trình làng, thế sao đã vội trổ cửa trên Facebook?
- Ngoài mục đích là để chia sẻ như mọi người vẫn nghĩ, thực sự mình cũng muốn đo dư luận. Vì vậy, nếu ai đó tinh ý theo dõi các bài viết mình đã “post” lên Facebook thì sẽ thấy đó là một kế hoạch cẩn thận. Thật không ngờ là câu chuyện về tổ kiến của mình lại được đón nhận và lan tỏa đến vậy. Trước nay, điều làm mình hoang mang lo sợ nhất là không biết mình đang ở đâu và sẽ đi về đâu. Còn nếu như đã xác định cho mình một cái đích để đến rồi thì có khó khăn vất vả đến mấy mình cũng sẽ cam kết đi đến cùng. Dẫu biết, có nhiều cái đích, có khi dành cả đời mình cũng vẫn chưa chắc đã tới nơi được.
Việc viết văn đối với Thủy có bao giờ là một cách để giúp thỏa mãn cảm giác hiếu thắng: Phải thay đổi bằng được quan niệm “Đàn bà đẹp thì (đừng mơ) thông minh”?
- Hồi còn trẻ và nhất là sau khi bỏ học, mình cũng có cảm giác hiếu thắng như vậy thật! Mình bực lắm nếu có ai đó coi thường trí tuệ của mình hoặc cứ gán ghép là đẹp thường dốt. Nhưng bây giờ thì khác. Thậm chí có nhiều lúc mình không muốn cho người khác nhìn thấy mình biết hoặc hiểu quá nhiều thứ. Mình nghĩ, kiến thức, sự am hiểu là những thứ thuộc về mình mà không cần phải đem khoe. Mình chỉ chia sẻ với những người mình yêu quí, trân trọng và ngược lại.
Trạng thái “đáng sợ” nhất khi viết văn là gì? Có khi nào cảm thấy, đó là một chứng “tự kỷ” ở mình – như Thủy nói về hành vi ngồi hàng giờ ngắm “tổ kiến”?
- Đó là một sự hành xác thực sự! Mỗi lần viết ra được xong một cái gì đó, đầu óc trống rỗng, người mệt bã ra. Mất một hai ngày để hồi phục và nạp lại năng lượng. Chắc nhiều người sẽ cười về điều này, cứ như là đã làm được gì ghê gớm lắm mà phải quằn quại thế. Nhưng quả thật đây là một quá trình tự thân và vì là tự thân nên không thể so sánh. Mình không tin rằng không có lao động thực sự, không có mồ hôi, nước mắt mà tạo ra được những giá trị đích thực. Nếu coi việc nhìn vào bản thân, vào cái tôi bên trong mình một cách thành thực và đúng đắn nhất để nhận thức, để tư duy, để thăng hoa và tạo ra được những giá trị tư tưởng, cảm xúc nhất định thì cũng không sai khi gọi nó là quá trình “tự kỷ”.
Chứng tự kỷ, trong một chừng mực nào đấy, biết đâu lại là có lợi cho nghề viết, đúng như định nghĩa: “Viết văn cần cô độc”?
- Không phải chỉ có viết văn hay là nghệ sĩ mới cô độc đâu. Kinh doanh cũng rất cô độc, mặc dù có doanh nghiệp hàng trăm, thậm chí hàng ngàn nhân viên cùng nhiều đối tác, đồng nghiệp. Thế nhưng người lãnh đạo doanh nghiệp sẽ là người duy nhất chịu trách nhiệm trước sự sống còn, trước mỗi đường đi nước bước, mỗi quyết định của chính mình, làm sao không cô độc cho được!
Đọc “tổ kiến”, thấy hiện ra một Thu Thủy rất đỗi hóm hỉnh và thông minh, nhờ một tâm hồn tinh tế, nhạy cảm và một “văn hóa đọc”, “văn hóa đi” khá dày dặn. Trong sự thu nạp những tín hiệu từ đời sống, Thủy có thấy mình có phẩm chất cần mẫn, cầu thị của một con kiến?
- Đúng là mình là người rất nhẫn nại, mặc dù người ngoài nhìn vào tưởng rằng mình thuộc tuýp người sôi nổi, trực tính và thiếu kiên nhẫn. Mình vẫn thường tự nhủ là số phận không bao giờ cho mình được là người trúng số độc đắc, không tự nhiên có một cái gì dễ dàng và những gì người khác làm một lần là được thì mình phải làm đến vài ba lần, thậm chí hơn. Mọi người nhận xét là mình thông minh và tài giỏi nhưng nói thật (xin đừng nghĩ là khiêm tốn) nếu đặt bất cứ ai ở hoàn cảnh, địa vị của mình, chịu lao động, chịu hi sinh và miệt mài đi đến cùng thì ít nhất (ít nhất nhé!) cũng sẽ đạt được như những gì mình đang có. Có chăng mình nghĩ mình chỉ là một người biết cảm nhận cuộc sống, biết quan sát, cầu thị và biết cách duy trì, nuôi nấng những cảm xúc vốn có bên trong con người mà thôi!
Điều gì ở Kiến mà Thủy muốn có nhưng chưa có được?
- Đó là sự tuân thủ theo những quy định, trật tự mà mình đã đặt ra với bản thân. Nhiều khi mình vẫn nuông chiều bản thân quá, nếu có tính kỷ luật cao hơn với bản thân, chắc mình sẽ còn làm được nhiều thứ hay ho hơn nữa chăng?
Thường Thủy thích đọc loại sách nào, đọc một cách bài bản, thực tế - như sự bổ khuyết kiến thức hay là đọc một cách ngẫu hứng, chỉ để thả lỏng?
- Khoảng ba năm trở lại đây, mình bắt đầu coi việc đọc như một hình thức “tự học”. Mình lên danh sách các thứ cần đọc, đọc tất cả mọi thứ kể cả những cuốn sách mà nhiều người cho là dở hoặc không liên quan đến những thứ mình đang làm. Để đọc được như vậy thì phương pháp đọc và kỹ năng lên thư mục sách cần đọc phải có “lộ trình” để tránh “tẩu hỏa nhập ma”. Sau đó lại phải hệ thống lại, kết nối chúng với nhau rồi chiêm nghiệm, viết lại những suy nghĩ đó. Lúc ấy các kiến thức mới thực sự là của mình. Đọc không thôi chưa đủ. Điều khó khăn là phải làm sao cân bằng được để việc đọc vẫn cứ phải lôi cuốn, vẫn phải mang đến cho mình cảm xúc chứ không chỉ là cách thu nạp kiến thức khô khan với từng đó thứ phương pháp, kỹ năng.
Trong “tổ kiến”, Thủy có nói về tác hại của việc “đi nhanh”. Thủy nghĩ mình có “đi nhanh”? Vậy đổ vỡ trong hôn nhân của Thủy có phải một phần là vì điều đó: Thủy đã “đi nhanh” thay vì nên đi chậm, hoặc vì hai người đã không cùng vận tốc?
- Cuộc hôn nhân của mình đổ vỡ là vì nhiều lý do, mà có lẽ nguyên nhân sâu xa cũng là từ nhận thức của cả hai người. Cho phép mình chỉ nói đến thế vì mình đã hứa với mọi người và hứa với mình là sẽ không đem chuyện cũ ra phân tích, kể lể hay thanh minh lý giải gì nữa...
Theo TT&VH