- "Cánh diều có nguy cơ chỉ là một bản nháp, một cú tập dượt cho LHP quốc gia vì cách tổ chức, công thức trao giải của nó không có dấu ấn riêng và hoàn toàn rập khuôn với giải Bông Sen", đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn.
>> Cánh diều vàng: Thêm một mùa không… vàng!
>> Cánh diều vàng 2008: Lại không có giải vàng phim truyện nhựa
>> Cánh diều vàng sát giờ "bay" vẫn trục trặc
>> "Cánh diều vàng" dò dẫm tìm đường "bay"
Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn: BGK phải có trình độ thẩm định cao và công tâm
Phim "Trăng nơi đáy giếng" của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn giành 4 giải Cánh diều 2009. |
Tôi đã tham gia khá nhiều giải Cánh diều cũng như Bông Sen với cả tư cách đạo diễn có phim tham dự và thành viên BGK. Về giải Cánh diều, theo tôi, điều đầu tiên cần phải lo ngại là quan niệm sai lầm đã tồn tại lâu nay rằng đây chỉ đơn thuần là hoạt động hội hè, chia đều giải thưởng cho vui cả làng.
Chính quan điểm sai lầm này đã làm cho giải Cánh diều dần mất đi giá trị của nó cũng như làm hạ tính chuyên nghiệp. Thứ hai là Cánh diều của Hội Điện ảnh có nguy cơ chỉ là một bản nháp, một cú tập dượt cho LHP quốc gia vì cách tổ chức, công thức trao giải của nó không có dấu ấn riêng và hoàn toàn rập khuôn với giải Bông Sen. Điều đó rất uổng phí.
Giải của Hội, theo tôi, nên chú trọng đến tính đại chúng (popular), khác với tính hàn lâm (academic) của giải quốc gia. Do vậy, cách tổ chức, tiêu chí chấm giải và thành phần ban giám khảo cũng phải khác biệt, nghiêng về cách phổ biến, lắng nghe đánh giá của mọi tầng lớp khán giả.
Ở nước ta, Giải Khán giả thường thất bại vì cách tổ chức lẫn trình độ và tính trách nhiệm của người bỏ phiếu chưa cao. Theo tôi, ta nên tổ chức một hội đồng khán giả, gồm những người yêu điện ảnh, có trình độ thẩm định và tính trách nhiệm cao. Những đại cử tri đó sẽ đưa ra những đánh giá nhiều chiều dưới nhiều góc nhìn khác nhau, rất bổ ích cho người làm phim và đông đảo người xem.
Bản thân tôi là đạo diễn của phim Trăng nơi đáy giếng, đã được một số giải thưởng trong và ngoài nước, tôi vẫn rất muốn nghe ý kiến đánh giá của những người ví dụ như GS Nguyễn Huệ Chi, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, họa sĩ Lê Thiết Cương… chẳng hạn. Như thế, kết quả của giải Cánh Diều sẽ khác biệt so với giải Bông Sen, với những giá trị riêng của nó.
Dù thế nào, thì quan trọng nhất là BGK phải có trình độ thẩm định cao và công tâm, đừng bị ảnh hưởng bởi tư tưởng vùng miền, phe này hãng nọ. Vì thế tôi cũng hết sức ủng hộ việc mời thành phần người nước ngoài ngồi ghế ban giám khảo. Họ sẽ như những cái chuẩn mốc của trình độ chuyên nghiệp và không thiên vị, vì họ không thuộc bất cứ hãng phim nào, không thân quen ai, không phải nhận những cú điện thoại lobby lúc nửa đêm để bỏ phiếu cho phim này phim kia.
Cho dù hiện giờ số phim dự giải Cánh diều mỗi năm không nhiều, nhưng cũng nên duy trì giải thưởng này thường niên để phản ánh của người xem được kịp thời, nóng hổi. Những người làm phim cũng nóng lòng muốn biết bộ phim mình được người xem đón nhận như thế nào, kịp thời rút tỉa kinh nghiệm cho những kế hoạch sau.
Diễn viên Trương Ngọc Ánh: Nên trao thêm các giải cá nhân khác
Trương Ngọc Ánh và chồng - Diễn viên phụ xuất sắc nhất Cánh diều 2009, Trần Bảo Sơn. |
Từ trước đến giờ tôi nghĩ ngoài những giải thưởng chính cho diễn viên, quay phim, đạo diễn, Cánh diều nên có thêm những giải thưởng phụ cho hoá trang, phục trang... vì họ cũng là thành phần hết sức quan trọng trong mỗi đoàn làm phim và cũng đóng góp rất nhiều cho thành công của mỗi bộ phim. Một khi được trao giải, họ sẽ có thêm động lực để cố gắng hơn nữa.
Tôi thấy đề xuất mời các nước gửi phim tham gia giải Cánh diều hay mời người nước ngoài vào thành phần ban giám khảo là ý kiến hay. Nếu làm được điều này thì nó sẽ tăng thêm yếu tố cạnh tranh, làm cho giải Cánh diều thêm phần hấp dẫn và quan trọng hơn là giải thưởng này sẽ được nâng tầm lên khi mang thêm tính giao lưu quốc tế.
Phía nhà tổ chức phải tìm cách làm cho những người trong nghề tích cực tham gia giải Cánh diều hơn nữa. Tôi cho rằng phải cải thiện cách tổ chức, cơ cấu giải, các hoạt động phải mở rộng hơn để không chỉ người trong giới mà đông đảo khán giả cũng quan tâm đến giải Cánh diều bởi điện ảnh phải có khán giả. Muốn làm được như thế thì khâu quảng bá cho sự kiện này phải mạnh hơn nữa. Một khi giải Cánh diều được đông đảo công chúng quan tâm thì đó sẽ là động lực mạnh để các nhà làm phim cũng như diễn viên sẽ hào hứng tham gia sự kiện này hơn nhiều.
NSX Phước Sang: Hiện tại, chúng ta vẫn tham gia giải Cánh diều với tâm lý vỗ béo, ca tụng rồi chia giải cho nhau...
Giám đốc hãng phim Phước Sang (trái) với Cánh diều bạc cho phim "Huyền thoại bất tử". |
Nên bắt đầu luôn từ việc tuyển chọn phim tham gia chứ không phải cứ phim nào gửi đến thì cũng được xét trao giải. Có như thế thì giải thưởng mới có giá trị. Tôi cho rằng cũng nên mở rộng thành phần BGK, thậm chí mời cả người nước ngoài chấm giải.
Dù giải Cánh diều là hoạt động nghề nghiệp nhưng tôi nghĩ nên mời thêm các nước ở Đông Nam Á hay châu Á gửi phim tham gia vì khi đó chúng ta mới biết tầm của mình là ở đâu. Chứ hiện tại chúng ta vẫn tham gia giải Cánh diều với tâm lý vỗ béo, ca tụng rồi chia giải cho nhau, rồi người này không phục người kia khiến cho giải thưởng thiếu đi sự đột phá.
Ai cũng biết trong lĩnh vực điện ảnh không ai chịu thua ai, không ai nhường ai nên khó tiến bộ. Chỉ khi có yếu tố nước ngoài thì giải thưởng mới mang tính cạnh tranh vì giới làm phim trong nước đã biết nhau quá rõ. Tôi cũng không kỳ vọng quá nhiều thay đổi ngay ở Cánh diều năm nay. Theo tôi, trước mắt hãy đổi mới ngay ở việc mời 1-2 vị giám khảo người nước ngoài.
Cũng nên mời một vài diễn viên hay đạo diễn nổi tiếng nước ngoài sang, khi đó giải thưởng sẽ mang một giá trị khác. Tôi lấy ví dụ như nếu mời đạo diễn Phillip Noyce ngồi ghế BGK chẳng hạn, khi đó giá trị của giải Cánh diều sẽ hoàn toàn khác. Việc bộ phim của tôi đoạt giải có ông Phillip Noyce ngồi ghế giám khảo sẽ là vinh dự lớn. Còn nói thật là với tôi giải Cánh diều chỉ mang tính động viên là chính dù nó mang về cho mình chút vinh dự nhưng không thể mang giải thưởng đó đi mà vận động đầu tư cho phim của mình.
-
Hạnh Phương