- "Tôi vẫn đang tìm thợ giỏi, phải tính toán cách làm cho hiệu quả. Khi hoàn thiện, tôi muốn mang bức tượng quý đi khắp Bắc-Trung-Nam để người dân cả nước được chiêm bái", ông Đào Trọng Cường, Giám đốc Công ty Thần Châu Ngọc Việt, chủ nhân của khối ngọc khổng lồ nặng 35 tấn nói về việc chế tác pho tượng kỷ lục.
Vì sao ông vẫn giữ “bí mật” vị trí đặt pho tượng, điều mà phật tử và khách thập phương rất muốn biết?
Đây là việc lớn, tôi với vai trò người thợ thủ công, chẳng qua được "phân vai" phải làm việc này. Tôi chỉ cố làm cho thật đẹp, còn đặt ở đâu là do trời phật định đoạt. “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, thời gian chế tác mất đến hai năm, thời gian này sẽ có nhiều thay đổi nên tôi cũng chưa biết sẽ thế nào.
Ông Đào Trọng Cường. |
Tiêu chí nào để ông tuyển chọn cũng như thuê nghệ nhân nước ngoài chế tác pho tượng phật ngọc này? Theo ông, tay nghề của nghệ nhân nước ta thế nào? Vì sao chưa để đảm đương được công việc này?
Tôi là người thợ ngọc nên biết cái gì mình yếu, kém. Nước mình không có tiền lệ làm ngọc, cũng chưa có tượng ngọc nào có kích thước lớn thế, bởi vậy phải mời người hơn mình về. Thực hiện tác phẩm này phải là những nghệ nhân có kinh nghiệm hàng chục năm, chuyên tạc tượng lớn. Tôi đã phải sang tận nơi, tận mắt xem người ta làm rồi mới có lời mời. Nhưng cái khó là nhiều thợ giỏi không đồng ý cộng tác với mình, vì thế còn phải chờ vào cơ duyên. Tôi mất đến ba tháng tìm nghệ nhân giỏi và bây giờ vẫn tiếp tục tìm. Ngoài ra, những người thợ của Công ty Thần Châu Ngọc Việt cũng sẽ cùng làm.
Việc này khá tốn kém tiền bạc. Ông có thể tiết lộ chi phí thuê khoảng 50 thợ nước ngoài sang ăn ở và làm việc ở Việt Nam mấy năm liền?
Ước lượng chi phí khoảng trên dưới 1 triệu USD.
Được biết ông có một tuổi trẻ vất vả mưu sinh, cho đến khi thành đạt. Vậy các thành viên trong gia đình ông có “can ngăn” hay “ý kiến” về việc ông đã bỏ ra một món tiền lớn như thế để mua, chế tác tượng Phật?
Lúc có ý định mua khối ngọc, số tiền của tôi chỉ đủ 1/3, tôi phải bàn với gia đình bán ngôi nhà vốn đã đồng ý để dành cho các con sau khi chúng lập gia đình. Tôi bảo, nhà đất đẹp mấy lúc nào cũng mua được nhưng khối ngọc này thì không biết bao giờ mới được sinh ra lần nữa. Không ngờ, mọi người trong gia đình ủng hộ ngay.
Ông có lo ngại khi đục đẽo, ngọc sẽ bị vỡ, và bức tượng khó hoàn thành như mong muốn?
Rủi ro này thì bất cứ người thợ nào cũng phải tính tới nhưng tôi tin, với pháp lực vô biên của đức Phật tổ thì mọi việc sẽ suôn sẻ, giống như việc đã vận chuyển khối ngọc về nước thành công.
Dựa vào đâu, ông tin đây sẽ là bức tượng phật ngọc lớn nhất thế giới? Được biết, ông đang tiến hành làm hồ sơ đăng ký pho tượng phật ngọc lớn kỷ lục, ông có nghĩ, sau 2 năm nữa, có thể thế giới cũng xuất hiện bức tượng lớn hơn của ông?
Tôi chỉ dám khẳng định, đây là bức tượng lớn nhất tại thời điểm này, còn tương lai, có thể có tác phẩm lớn hơn chứ. Tuy nhiên, hiện nay, nếu ai đó có khối ngọc lớn như vậy thì cũng phải mất ngần ấy năm mới chế tác thành tượng được.
Phác thảo đặt trên khối ngọc chưa phải là chuẩn về kích thước. |
Có ý kiến cho rằng, so với kích thước hơi nhỏ của bức phác thảo được đặt trên viên ngọc, khi hoàn thành, bức tượng sẽ khó đạt được 16 tấn. Vậy đó có phải là kích thước chuẩn?
Phác thảo này chỉ là hình mẫu chứ chưa phải chuẩn. Khối đá cao 3m, chiều ngang 2m, hơn nữa thời gian chưa cho phép mình tính toán kỹ về kích thước chuẩn của bức tượng. Hiện, các nghệ nhân đã bắt tay vào làm nhưng riêng việc mài vỏ cũng mất mấy tháng, rồi tính toán để cắt thế nào cho đúng cũng phải một tháng mới xong. Tôi hy vọng, khi hoàn thành tác phẩm nặng khoảng từ 16 đến xấp xỉ 20 tấn.
Ông dự định làm gì với số ngọc thừa ra khi làm tượng? Ông sẽ phải bảo vệ thế nào để khối ngọc không bị xâm phạm?
Tôi sẽ không bỏ đi cái gì, những mảnh ngọc vụn sẽ được dùng làm những bức tượng phật nhỏ. Chúng tôi chỉ bảo vệ để không ai đến làm phiền trong lúc làm việc thôi, chứ khối ngọc nặng 35 tấn thì phải hai cần cẩu mới nhấc được. Khi đục đẽo xuất hiện các mảnh vỡ thì sẽ có bốn máy camera quay suốt ngày đêm. Tuy nhiên, tôi tin người làm ngọc không ai gian dối.
Sau khi hoàn thành, ông có định “rước” pho tượng đi một số nơi trên thế giới (như một ông người Úc đã làm với bức tượng phật ngọc của mình) hoặc các địa phương trên cả nước để phật tử có điều kiện tận mắt nhìn và chiêm bái?
Khi hoàn thiện, việc đầu tiên tôi làm là mang bức tượng quý đi khắp Bắc-Trung-Nam để người dân cả nước được chiêm bái. Tôi biết, nhiều phật tử không được chiêm bái bức tượng bằng ngọc thạch nặng 18 tấn hồi đầu năm 2009 đã khóc. Nếu có điều kiện, tôi cũng muốn chia sẻ với phật tử thế giới tác phẩm của mình.
Làm ra bức tượng phật ngọc lớn vào hàng nhất thế giới rồi, ông còn mơ ước gì nữa không?
Tôi mong muốn, khi hoàn thành, bức tượng sẽ được đặt ở một nơi xứng đáng. Tôi cũng mơ xây một ngôi chùa bằng ngọc nhưng cái này chắc mình không làm được mà cần mọi người chung sức.
-
Thu Huyền