- Lần đầu tiên, có một bản dịch tiếng Việt trọn bộ trường ca "Thần khúc" của đại thi hào Italia Dante Alighieri.
Bìa cuốn "Thần khúc" của Dante trọn bộ |
Cách đây bốn năm, dịch giả Nguyễn Văn Hoàn đã dịch và giới thiệu phần một - "Địa ngục" - của trường ca này. Nhưng theo ông thì phần 2 "Tĩnh ngục" và phần ba "Thiên đường" mới là những phần khó khăn nhất.
Dante viết trường ca này bằng thứ tiếng Ý rất cổ (1265-1321), các dịch giả châu Âu với đầy đủ kiến thức, uy tín và có chung một nền văn hóa để hiểu được phần nào tư duy sáng tạo của tác giả mà vẫn kêu trời vì khó. Đối với Nguyễn Văn Hoàn thì đây quả là một thách thức.
"Thần khúc" được coi là bằng chứng văn học của văn minh trung cổ và là kiệt tác của nhân loại. Trường ca được chia làm ba phần, gồm 100 khúc, mỗi khúc gồm nhiều khổ thơ ba câu có 11 âm tiết; kể về một cuộc du hành qua ba vương quốc của thế giới bên kia.
Phần "Địa ngục" còn có thể luận giải được trên cơ sở liên tưởng từ thế giới thực trong cuộc đời, chứ phần "Thiên đường" thì hoàn toàn là những tưởng tượng phong phú kiệt xuất của một cái đầu vĩ đại mà người bình thường không dễ gì hiểu được.
Thế giới hiện đại luôn quan tâm đến tác gia vĩ đại này. Cho đến bây giờ, Dante vẫn là nhà thơ Ý được tìm kiếm và chuyển ngữ tác phẩm nhiều nhất. Tại các trường đại học ở Ý, các cuộc điều tra cũng cho thấy sinh viên yêu thích và tôn thờ Dante như một vị thánh của văn hóa. Những lần được mời sang Ý tham dự các sự kiện đọc thơ Dante trên quảng trường, dịch giả Nguyễn Văn Hoàn đều thấy hàng ngàn người dân Ý kéo tới xem, say mê và ngưỡng vọng.
Dịch giả Nguyễn Văn Hoàn tâm sự: "Dante là một cái đầu vĩ đại. Kiến thức của ông từ lịch sử, tôn giáo, triết học cho đến cả những tội ác và bao nhiêu chuyện thấp hèn trong cuộc sống đều khiến tôi kinh ngạc. Tôi cho rằng đây là một cuốn bách khoa toàn thư về lịch sử và xã hội mà người sáng tạo ra nó có một cái đầu uyên bác vượt ra ngoài thời đại của ông".
Cũng chính vì sự say mê thứ ngôn ngữ đẹp và ngưỡng vọng nhà thơ cổ đại này mà dịch giả Nguyễn Văn Hoàn đã mất tới 18 năm liền để có thể công bố với bạn đọc trọn bộ trường ca "Thần khúc". Tất nhiên, không phải là suốt chừng đó thời gian dịch giả chỉ làm việc với bản dịch, ông vốn là giảng viên Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, nhưng nếu áng chừng số thời gian thực sự miệt mài bên tác phẩm, thì cũng mất tới 5 năm liền.
Dịch giả đã phải tham khảo tới 6 bản dịch và chú giải khác nhau, trong đó 3 bản bằng tiếng Ý, 3 bản bằng tiếng Pháp. Ông khiêm tốn nhìn nhận: "Quả thực, dịch một tác phẩm văn chương cổ và có tầm vóc đồ sộ như "Thần khúc" là một việc làm quá liều lĩnh, cho dù sự liều này của tôi là "làm liều" một cách nghiêm túc chứ không làm ẩu, nhưng dù sao thì vẫn rất mạo hiểm. Thế nhưng, chính vì lòng yêu mến tác giả kiệt xuất này và mong muốn có thêm tư liệu cho những người đọc và nghiên cứu văn học, nên tôi đã bỏ công sức làm bằng được".
Dịch giả Nguyễn Văn Hoàn (78 tuổi, bên phải) trong buổi ra mắt cuốn sách tại Đại sứ quán Italia, chiều 16/11/2009. |
Ngài Andrea Perugini, đại sứ Italia tại Việt Nam, cho biết, cuốn sách đang được gửi tặng Tổng thống Italia. Dịch giả Thúy Toàn, chủ tịch Hội đồng văn học dịch của Hội Nhà văn nhận định: "Rất hiếm nước nào trên thế giới dịch được trọn bộ "Thần khúc" của Dante. Đây quả là một lao động khổng lồ của dịch giả, một công trình mang ý nghĩa lớn đối với những người yêu mến, đam mê và nghiên cứu văn học thế giới ở Việt Nam.
Từ những năm bẩy mươi của thế kỷ trước, chúng tôi đã giới thiệu các trích đoạn của "Thần khúc" qua bản tiếng Pháp của các dịch giả Lê Trí Viễn, Khương Hữu Dụng và Huỳnh Lý; nhưng lần này là bản dịch trọn bộ và chuyển ngữ thẳng từ tiếng Ý. Trước đây, ở Nga có một bản dịch trọn bộ "Thần khúc" và đã được trao giải thưởng Nhà nước. Tôi tin cậy ở giáo sư Hoàn, một người đã bước vào con đường dịch thuật khi không còn trẻ nữa và đã có mấy chục năm đứng trên bục giảng của trường đại học.
Trong loạt chương trình của Ngày thơ Việt Nam 2010 tới đây, chúng tôi sẽ tổ chức riêng một ngày đọc thơ - ngày 12 tháng Giêng. Công chúng yêu thơ sẽ được thưởng thức một phần trình diễn đặc biệt: trích đoạn "Thần khúc" do dịch giả Nguyễn Văn Hoàn đọc bằng tiếng Việt song song với một nghệ sĩ người Ý đọc nguyên tác".
-
Hòa Bình