221
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
1249057
Chống bạo lực gia đình bằng phim ảnh
1
Article
null
Chống bạo lực gia đình bằng phim ảnh
,

 - Không có những cảnh quay màu mè, dàn diễn viên bắt mắt hay những cảnh nóng, "Phá vỡ im lặng" vẫn làm người xem "sốc" với những câu chuyện khác nhau về bạo lực gia đình.

"Vạch mặt" nạn bạo hành trên màn ảnh

Mô tả ảnh.
Bộ phim đề cập trực diện đến vấn đề bạo lực gia đình nhưng không hề khô cứng, giáo điều.
Vừa ra mắt trên sóng VTV1 cách đây không lâu nhưng bộ phim truyền hình 10 tập, "Phá vỡ im lặng" của "bác sĩ Hoa súng" đã tạo nên những cú sốc dư luận. Không chỉ được khán giả VN tán thưởng, bộ phim còn được rất nhiều khán giả nước ngoài, đặc biệt là những chuyên gia về các vấn đề xã hội chú ý.

"Phá vỡ im lặng" thậm chí còn nhận được lời mời tham gia một số LHP ở nước ngoài nhờ thông điệp sâu sắc mà bộ phim truyền tải. Bộ phim xoay quanh những người phụ nữ ở thành thị lẫn nông thôn đang hàng ngày phải đối mặt với những hình thức bạo hành khác nhau trong gia đình. Họ là nạn nhân của bạo hành lao động, bạo hành tình dục, bạo hành tinh thần và cả thể chất.

Mô tả ảnh.
Không chỉ đề cập đến vấn đề bạo hành thể chất, bạo hành tinh thần cũng được biến hoá trong những câu chuyện khác nhau trên phim.
Đó là câu chuyện cảm động về chị Na, người phụ nữ nông thôn bất hạnh vẫn bị chồng bạo hành và đuổi đánh mỗi đêm chỉ vì chị không đồng ý sinh thêm cho gã một đứa con trai dù bác sĩ nhiều lần cảnh báo rằng nếu chị Na còn đẻ nữa thì sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng.

 Đó là tình cảnh ê chề của chị Phai khi hàng ngày phải đối mặt với người chồng vũ phu và những lời mắng nhiếc thậm tệ chỉ vì chị đã để mất đời con gái trước khi làm vợ hắn.

Và chắc có lẽ không có ai muốn làm vợ của một kẻ "đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành" như ông Lãi Văn Ốc trong phim khi tính toán chi ly đến từng trăm đồng đi chợ của vợ. Thậm chí ông chồng quá quắt này còn có Gia quy riêng với những quy tắc hết sức gia trưởng và vô lý như: vợ phải phục tùng chồng, không được ngủ khi chồng chưa ngủ...

Bộ phim mở màn hết sức ấn tượng với tiếng hô: Cướp, Cướp... của một người đàn ông trong đêm mù mịt. Khán giả bất ngờ khi "tên cướp" ấy lại là một người phụ nữ yếu đuối, cuống cuồng chạy trốn khỏi gã chồng hung dữ đang lăm lăm trong tay chiếc gậy to tướng. Người dân làng, thậm chí là công an xã chẳng buồn can thiệp vì họ đã quá quen với cảnh đuổi bắt nhau của vợ chồng anh Nhấn - chị Na mỗi tối, coi như đó chỉ là chuyện nội bộ gia đình họ. Ê kíp làm phim lý giải, họ cho nhân vật Nhấn hô hoán, ám chỉ vợ mình là "cướp" là để chỉ tâm lý của những kẻ bạo hành là "vừa ăn cướp, vừa la làng", luôn tìm cách đổ lỗi cho người phụ nữ.

Những câu chuyện như thế chúng ta đều bắt gặp ở bất cứ đâu trong cuộc sống. Và trên thực tế, kịch bản phim được xây dựng dựa trên những câu chuyện có thật từ những nạn nhân của bạo hành gia đình. Bộ phim tạo ấn tượng cho người xem chính bởi sự chân thực của nó.

"Phá vỡ im lặng" có thể coi là một bộ phim tiếp cận và phản ánh một vấn đề nóng trong xã hội, bạo lực gia đình, một cách trực diện và hấp dẫn. Nó không mang tính khẩu hiệu, hô hào khô cứng mà tuyên truyền chống lại nạn bạo hành một cách dễ chịu qua những câu chuyện sâu sắc, đôi khi hài hước. Đây là điều mà hầu hết các bộ phim "tuyên truyền" trước đây thất bại.

Mô tả ảnh.
Diễn viên Điệp Vân trong vai Na.
"Phá vỡ im lặng" cũng giới thiệu một cách khéo léo Luật Phòng chống bạo lực trong gia đình, bộ luật đã ra đời cách đây hai năm nhưng vẫn chỉ dừng lại trước cửa các gia đình. Thông qua số phận của những phụ nữ bất hạnh, "Phá vỡ im lặng" cũng đã ngầm đưa ra thông điệp: Không phải lúc nào sự cam chịu cũng đúng.

Cuộc đối thoại mà cặp vợ chồng chuyên làm công tác hoà giải ở tổ dân phố nói chuyện với nhau: "Lâu nay chúng ta khuyên cô Phai cắn răng chịu đựng là làm khổ cô ấy", thể hiện sự thay đổi nhận thức về bạo lực gia đình. Hay cảnh cô Phai làm đơn tố cáo đức ông chồng cũng là một bước thay đổi tư duy cũ: "Tôi chưa muốn chết nên tôi không thể im lặng mãi...". Và kết quả là người chồng vũ phu ấy đã phải ra vành móng ngựa, lĩnh án 12 tháng tù vì tội ngược đãi vợ.

"Phá vỡ im lặng" thể hiện một thực tế phổ biến trong xã hội, đó là nạn bạo hành gia đình đã lên tới cấp độ báo động và đã đến lúc việc đánh đập, lạm dụng người phụ nữ phải được nhìn nhận dưới góc độ tội phạm.

Đạo diễn Hoàng Nhuận Cầm: "Chính tôi cũng là thủ phạm của bạo lực gia đình"

Mô tả ảnh.
Vợ chồng diễn viên Điệp Vân - Hoàng Nhuận Cầm trong buổi toạ đàm "Phá vỡ im lặng - Lên tiếng ủng hộ nạn nhân của Bạo lực gia đình" tại HN.
"Phá vỡ im lặng" là bộ phim mới nhất của "bác sĩ Hoa súng" Hoàng Nhuận Cầm với tư cách đạo diễn và đồng tác giả kịch bản. Bộ phim là sản phẩm của Hãng Điệp Vân do vợ anh, diễn viên Điệp Vân sáng lập.

Chị đồng thời cũng là diễn viên chính thủ vai Na trong "Phá vỡ im lặng". Chị tâm sự rằng rất hay từ chối các vai diễn không hợp với mình nhưng không thể từ chối cô Na vì đó là hiện thân của rất nhiều phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình. "Tôi đã lấy kinh nghiệm từ những lần tiếp xúc với hơn 300 nạn nhân của nạn bạo hành gia đình với những câu chuyện và lý do khác nhau. Sau đó tôi xâu chuỗi lại tất cả những cảm xúc của các chị, những giọt nước mắt của các chị đã hàm chứa tất cả nỗi đau của người phụ nữ khi bị bạo hành", diễn viên Điệp Vân tâm sự.

Trước khi bộ phim khởi quay hồi đầu năm 2009, toàn bộ thành viên đoàn làm phim đã được tham gia lớp tập huấn về phòng, chống bạo lực gia đình. Trong hai ngày tập huấn, các diễn viên không chỉ được học những kiến thức về bạo lực gia đình mà còn được gặp gỡ trực tiếp với những người phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình, nghe những câu chuyện về cuộc đời họ để "cảm" nhân vật được tốt hơn. Nội dung "Phá vỡ im lặng" cũng được dựng lên từ những cảnh đời thật.

Nhà biên kịch Hoàng Nhận Cầm thì cho biết dù đã làm nhiều phim nhưng "Phá vỡ im lặng" là bộ phim khiến anh xúc động nhất vì cảm thấy nó đã chạm được đến dây thần kinh của toàn xã hội. "Trước khi làm phim này, tôi nghĩ bạo lực gia đình là vấn đề ở xa, là chuyện gia đình của người khác cơ. Nhưng khi bắt tay vào thực hiện bộ phim, tôi thấy nó ở rất gần, thậm chí ở ngay trong gia đình mình.

Và chính tôi cũng là thủ phạm của bạo lực gia đình. Có những cảnh tuy tôi không dùng đòn gánh đuổi vợ như nhân vật Nhấn trong phim nhưng lại cầm cuốn kịch bản phân cảnh đập vào cô ấy rất mạnh vì tôi nghĩ đơn giản Điệp Vân là vợ tôi nên tôi có quyền làm vậy. Toàn bộ nam giới trong đoàn làm phim chúng tôi đều từng là thủ phạm của bạo lực gia đình. Đến đoạn diễn viên mắng vợ, tát vợ, anh nào cũng đỏ mặt cả", Hoàng Nhận Cầm hài hước nói.

Nhân Ngày quốc tế của LHQ về xoá bỏ bạo lực chống lại phụ nữ, 25/11, cũng là lúc dư âm về bộ phim "Phá vỡ im lặng" vẫn còn quá mạnh, Đại sứ quán Hoa Kỳ và Văn phòng Ma tuý và Tội phạm Liên hợp quốc tổ chức buổi toạ đàm mang tên Phá vỡ im lặng - Lên tiếng ủng hộ nạn nhân của Bạo lực gia đình tại Hà Nội chiều 27/11.

Tiêu điểm của buổi thảo luận là bộ phim truyền hình nhiều tập mới được công chiếu “Phá vỡ im lặng” do UNODC và CSAGA phối hợp sản xuất dưới sự tài trình của Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thuỵ Sĩ. Tại đây, từ chuyên gia cho đến những bạn sinh viên đều hào hứng chia sẻ những thông tin và những câu chuyện xung quanh nạn bạo hành gia đình cũng như sự quan tâm đối với bộ phim. Thậm chí nhiều người còn bày tỏ mong muốn Điệp Vân sẽ thực hiện thêm các tập phim “Phá vỡ im lặng”.

  • Bích Hạnh

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,