- Từ chỗ "khát" một bộ phim về Lý Công Uẩn, cả báo giới lẫn công chúng bỗng "rối tung rối mù" trước sự xuất hiện của không chỉ một mà có đến ba bộ phim về đề tài này.
Đua nhau làm phim lịch sử về Lý Công Uẩn
Ngoài "Thái sư Trần Thủ Độ", có ít nhất 2 dự án phim khác về Lý Công Uẩn đang được gấp rút triển khai để kịp chiếu vào dịp 10/10/2010. Ảnh: TGĐA |
Sau vụ "lùm xùm" về dự án phim truyện nhựa Thái tổ Lý Công Uẩn cách đây 2 năm, cả giới làm phim cũng như công chúng đều gần như "hết hy vọng" về việc sẽ có một bộ phim kịp làm để trình chiếu vào dịp đại lễ 2010.
Không có tuyên bố chính thức nhưng bộ phim truyện nhựa Thái tổ Lý Công Uẩn trước đó đã được giao cho Hãng phim truyện I với con số dự toán lên đến 200 tỉ đồng đã bị hoãn lại vô thời hạn.
Do dự án Thái tổ Lý Công Uẩn "chìm xuồng" nên mọi sự chú ý lại đổ dồn về bộ phim truyền hình "Thái sư Trần Thủ Độ" được BCĐ Quốc gia 1000 năm Thăng Long đặt hàng Hãng phim truyện I vừa khởi quay hôm 12/6 với dự toán kinh phí trên dưới 50 tỉ đồng cho 30 tập phim truyền hình. Tuy nhiên, thời gian gần đây, dư luận lại bất ngờ trước sự xuất hiện của không chỉ một mà là 3 bộ phim lịch sử xoay quanh Thái tổ Lý Công Uẩn.
Ngoài bộ phim truyện nhựa Chiếu dời đô (đạo diễn Lưu Trọng Ninh) do Hãng phim Hội Điện ảnh đứng ra huy động vốn làm với nguồn kinh phí dự kiến lên tới 60 tỷ đồng còn có hai bộ phim truyền hình khác về Lý Công Uẩn tuyên bố sắp bấm máy do các công ty tư nhân phía Nam đầu tư. Một phim triển khai theo kịch bản của Đinh Thiên Phúc, tác giả của Thái tổ Lý Công Uẩn trước đây, bộ phim còn lại có độ dài dự kiến 60 tập do nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn, tác giả kịch bản phim Thái sư Trần Thủ Độ chắp bút.
Nhận lời của một công ty tư nhân cách đây tròn 1 năm, nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn đã hoàn thành 60 tập kịch bản cho bộ phim truyền hình Huyền sử Thiên Đô. Được biết, ngày 12/8 tới đại diện nhà đầu tư sẽ ra Hà Nội để ký hợp đồng hợp tác với VTV (đơn vị phát sóng) và Hãng phim truyện I (hãng sản xuất). Trong giai đoạn 1 của dự án, nhà sản xuất chỉ thực hiện 30 tập hoàn chỉnh đầu tiên để kịp chiếu đúng dịp 10/10/2010. Kinh phí làm cả bộ phim dự kiến cũng ngót nghét 40 tỉ đồng
Theo kế hoạch, Đỗ Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình - Đài THVN (VFC) và Tất Bình - Giám đốc hãng phim truyện I sẽ được mời làm đạo diễn của Huyền sử Thiên Đô. Bộ phim này sẽ tận dụng những bối cảnh có sẵn và đạo cụ của phim Thái sư Trần Thủ Độ để tiết kiệm chi phí sản xuất và đơn vị đầu tư cũng rất tin có thể tranh thủ được kinh nghiệm làm phim của Hãng phim truyện I khi quyết định hợp tác.
Đến thời điểm này, gần như chắc chắn sẽ có một phim nhựa và một phim truyền hình về Lý Công Uẩn triển khai và dự định chiếu vào dịp đại lễ.
"Cũng phải nói thêm rằng nếu Thái sư Trần Thủ Độ không gặp sự cố huỷ vai của diễn viên Thiên Lý thì tôi và đạo diễn Tất Bình cũng đã bàn nhau giãn tiến độ bộ phim bởi các bộ phim về Lý Công Uẩn sẽ được ưu tiên chiếu trước", ông Nguyễn Trọng Tuấn, Phó Chánh văn phòng BCĐ Quốc gia 1000 năm Thăng Long khẳng định với VietNamNet.
Những dự án tiền tỉ liệu có "đụng" nhau?
Phim về Lý Công Uẩn sẽ được ưu tiên chiếu trước "Thái sư Trần Thủ Độ" nếu sản xuất kịp tiến độ. Ảnh: TGĐA |
Có một điểm chung giữa các dự án phim về Lý Công Uẩn đang được triển khai, đó là: tất cả đều được sản xuất bằng nguồn vốn xã hội hoá.
Chưa kể 50 tỉ đồng Nhà nước "rót" cho Thái sư Trần Thủ Độ thì tính sơ sơ hai dự án phim về Lý Công Uẩn đã ngốn mất 100 tỷ đồng. Đây là khoản đầu tư không nhỏ đối với các đơn vị sản xuất tư nhân và đang được chuẩn bị gấp rút với mục tiêu cao nhất là kịp trình chiếu vào dịp 10/10/2010.
Thay vì gõ cửa xin tài trợ của Nhà nước, các đơn vị sản xuất này đều chọn cách tự huy động nguồn vốn đầu tư và ít nhất lựa chọn này đã phát huy tác dụng khi tiến độ sản xuất phim được đẩy nhanh hơn. "Nếu xin kinh phí của Nhà nước thì kịch bản phải qua hội đồng duyệt với hơn chục người. Sau khi nhận xét, phải sửa chữa lại rồi duyệt lần 2, nếu không ổn lại phải duyệt lần 3...
Qua nhiều lần duyệt kịch bản văn học, đến lượt duyệt kịch bản phân cảnh của đạo diễn, tất cả cũng phải mất vài tháng nữa. Cuối cùng kịch bản phim lại phải qua hội đồng duyệt giá mới có thể tiến hành. Nếu vậy thì không còn thời gian làm phim nữa. Nói chung trình duyệt xin kinh phí một dự án phim rất mệt mỏi và mất thời gian", nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, Giám đốc sản xuất phim Chiếu dời đô nói.
Nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn, tác giả của Huyền sử Thiên đô và Thái sư Trần Thủ Độ cũng đồng tình: "Chủ trương của Nhà nước về xã hội hoá làm phim là việc làm hết sức cởi mở. Nhưng phải thừa nhận rằng khi tư nhân bỏ tiền làm phim thì từ lúc có ý tưởng đến lúc thực hiện ít khúc khuỷu hơn và thoải mái hơn, kể cả về mặt nội dung chứ không riêng gì chuyện tiền nong".
Ông Nguyễn Trọng Tuấn, Phó Chánh văn phòng BCĐ Quốc gia 1000 năm Thăng Long cũng rất khuyến khích các phim làm theo hình thức xã hội hoá mà cả hai dự án phim về Lý Công Uẩn hiện nay đang làm: "Phim xã hội hoá có nhiều thành phần tham gia, nói thẳng là làm vừa nhanh, vừa chất lượng và lại ít tiêu cực".
Kịch bản đã xong, đạo diễn đã có, tiền đã sẵn sàng, điều dư luận quan tâm lúc này là khi đã có quá nhiều dự án phim kỷ niệm 1000 Thăng Long Hà Nội với kinh phí sản xuất lên tới cả trăm tỉ đồng mà thời gian thì không còn nhiều, liệu các bộ phim có hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng sẽ ra sao? Và, có đến 3 bộ phim về Lý Công Uẩn được tiến hành, cùng là phim dã sử, nhân vật chỉ có thế, đều khai thác một giai đoạn lịch sử khi Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long thì sự trùng lắp rất dễ xảy ra.
"Nếu như Thái sư Trần Thủ Độ không có đối thủ thì Huyền sử Thiên đô lại phải cạnh tranh với nhiều đối thủ khác về mặt chất lượng. Tôi chỉ lo cả ba bộ phim khi công chiếu đều có nội dung gần giống nhau bởi nguồn sử liệu để các nhà biên kịch tham khảo về Lý Công Uẩn đều không nhiều", nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn cho biết.
Chất lượng và sự khác biệt là bài toán mà các nhà sản xuất phải đặt ra và tìm lời giải thấu đáo. Đó cũng là đòi hòi của dư luận và những người yêu thích môn nghệ thuật thứ bảy.
-
Bích Hạnh