221
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
1132849
Tổng đạo diễn cho 1000 năm Thăng Long: Ghế nóng chờ ai?
1
Article
null
Tổng đạo diễn cho 1000 năm Thăng Long: Ghế nóng chờ ai?
,

 - Nước ta có thể nhỏ/nghèo/khiêm nhường hơn Trung Quốc và các cường quốc khác. Tuy nhiên, đó không phải là lý do để chúng ta chuẩn bị cho sự kiện lớn với ít tâm huyết, ít lòng tận tụy quên mình và ít sự công tâm hơn họ với sự kiện lớn nhất trong 1000 năm lịch sử của dân tộc? 

 

ĐD 1000 năm Thăng Long: Nhà đổ móng chờ kiến trúc sư?

 

Giàn hợp xướng không nhạc trưởng 

 

Thông tin từ phía BCĐ 1000 năm Thăng Long khiến không ít người ngỡ ngàng: Kế hoạch tổ chức đại lễ lớn nhất 1000 năm lịch sử của dân tộc đã có từ 10 năm về trước. Thông tin về nó được cập nhật thường xuyên trên báo, những tưởng mọi việc đang được triển khai đến giai đoạn cuối nhưng vai trò quan trọng nhất: Tổng đạo diễn toàn chương trình đó chưa hề xuất hiện.

 

Có lẽ đó là quy trình làm việc có duy nhất tại Việt Nam. Tại các sự kiện lớn trên thế giới, việc ai đó được chọn vào vị trí Tổng chỉ huy là sự cân nhắc tối quan trọng. Thông qua một người cụ thể đó, thông điệp và văn hóa của cả một sự kiện, của dân tộc, của quốc gia được thể hiện. Chọn phong cách nào cho giàn hợp xướng, đương nhiên người nhạc trưởng phải là người có ý tưởng và được kỳ vọng.

 

Múa rồng tại Lễ kỷ niệm 995 năm Thăng Long, 1000 năm chúng ta sẽ làm gì? (Ảnh: Trương Vị)

Hãy khoan bàn đến các sự kiện trên thế giới rộng lớn, hãy nhìn sang nước láng giềng gần gũi của chúng ta: Chắc hẳn không mấy ai trong chúng ta đã không theo dõi Lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh 2008 với niềm say mê, choáng ngợp và thán phục. Thán phục một đất nước kỳ vĩ, một nền văn hóa kỳ vĩ, và thán phục những con người làm nên một công trình kỳ vĩ, tuyệt diệu đến thế. Trong những con người đó, một cái tên chiếm vị trí nổi bật: Trương Nghệ Mưu.

 

Nhạc trưởng Trương Nghệ Mưu đã được lựa chọn như thế nào: Ngay từ tháng ba năm 2005, Ban tổ chức Olympic Bắc Kinh đã công khai mời nộp đề cương cho lễ khai mạc và bế mạc giải. Trước thời hạn chót, 409 đề cương hoàn chỉnh đã được nộp. Sau một quá trình đánh giá và sàng lọc gắt gao, người ta chọn ra 13 đề cương để mời trình bày trực tiếp. Rồi, dựa trên các nhận xét, góp ý và phản hồi xung quanh các đề cương này, người ta mới chọn ra năm nhóm vào vòng trong, yêu cầu năm nhóm này phát triển thêm và hoàn thiện đề cương này để trình bày trực tiếp một lần nữa.

 

Và một lần nữa, trên cơ sở đánh giá năm đề cương chi tiết này, Ban tổ chức mới quyết định lập một nhóm công tác gồm các đạo diễn và nhà sản xuất hàng đầu thuộc cả năm nhóm trên. Nhóm này được giao nhiệm vụ lập đề cương cấp quốc gia trên cơ sở kết hợp những yếu tố và giá trị hay đẹp nhất của cả năm đề cương.

 

Trương đã trải qua toàn bộ quá trình sàng lọc gắt gao này, ngang hàng với những đạo diễn hàng đầu khác của Trung Quốc như Trần Khải Ca. Không phải tài năng như thế, tâm huyết như thế mà Trương được chọn giao trọng trách cao quý và cực kỳ khó khăn này một cách dễ dàng, đương nhiên.

 

Thậm chí bên cạnh Trương người ta còn mời đạo diễn lừng danh Mỹ Steven Spielberg làm cố vấn cho chương trình. (Mặc dù sau đó, vì một số lý do, Spielberg rút lui, và Lễ khai mạc dưới tay Trương vẫn thành công ngoài mọi mong đợi, song chắc chắn nếu có sự góp mặt của đạo diễn E.T.Schindler’s List thì buổi lễ sẽ còn bao hàm những cái hay đẹp khác mà người ta không thể ngờ tới).

 

Và toàn bộ quá trình đã được tiến hành từ tháng ba năm 2005, hơn ba năm trước Lễ khai mạc. Trương được chọn vào tháng Tư năm 2006, vậy, quá trình chọn lọc đạo diễn đã diễn ra trong hơn một năm.

 

Lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh 2008 do Trương Nghệ Mưu làm Tổng đạo diễn (Ảnh THX)

Trương Nghệ Mưu đã không phụ sự kỳ vọng của Chính phủ và người dân Trung Quốc. Vào đầu tháng 4 năm 2006, sau khi được chính thức chọn làm Tổng đạo diễn cho Lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh, Trương đã hứa, ông sẽ không làm bất kỳ bộ phim nào trong vòng hai năm tới để toàn tâm toàn ý cho công cuộc chuẩn bị sự kiện này. Chắc hẳn rằng ngay từ lúc đó, ông đã biết trước rằng đây sẽ là một trong những tác phẩm để đời của ông, không kém bất cứ bộ phim nào.

 

Tổng cộng, quá trình chuẩn bị cho Lễ khai mạc đã kéo dài trong ba năm. Và, dĩ nhiên, nếu chỉ có một mình Trương thì cũng không thể làm nên bất cứ một kỳ tích nào. Bên cạnh ông còn là một ê-kíp những con người vừa tài năng vừa tâm huyết mà báo chí Trung Quốc gọi vừa một cách vừa thân mật vừa tôn quý là “ngũ tướng”.

 

Họ, cùng với trên 20.000 diễn viên chuyên nghiệp cũng như quần chúng, và một bộ máy đông đảo, đầy ý thức trách nhiệm, tinh thần cống hiến quên mình vì hiệu quả công việc, họ đã làm được điều mà họ muốn làm: mang lại cho thế giới hình ảnh không thể nào đẹp hơn về đất nước họ và chính họ.

 

Trương Nghệ Mưu: Tổng đạo diễn Lễ khai mạc và bế mạc Olympic Bắc Kinh 2008 (Ảnh: men.stareastasia.com)

Đại lễ 1000 năm: "Ghế nóng” chờ ai?

 

Còn Đại lễ 1000 năm Thăng Long chúng ta thì sao? Trở thành Tổng đạo diễn của đại lễ lớn nhất trong 1000 năm lịch sử của dân tộc chắc chắn là một vinh dự lớn lao cho bất kỳ nghệ sĩ nào.

 

Thế nhưng, chỉ còn 700 ngày, tức chưa đầy hai năm, thế mà đạo diễn, cùng với ý tưởng, đề cương… vẫn hoàn toàn là những ẩn số?

 

Dĩ nhiên có người sẽ nói: nước ta không lớn như Trung Quốc, văn hóa của ta không đồ sộ như của họ, nước ta không nhiều người tài như họ, và dân ta hoàn toàn không có ai như Rick Birch, một người “chuyên trị” làm tổng chỉ huy các buổi diễn khổng lồ từ Lễ khai mạc Olympic 1984 (Los Angeles) đến Olympic 1992 (Barcelona) và Olympic 2000 (Sydney), v.v.

 

Nói thế dĩ nhiên không sai, và, từ đó suy ra, việc chọn ra được một đạo diễn đáng tin cậy để giao phó trọng trách trong Đại lễ 1000 năm Thăng Long là điều không đơn giản.

 

Tuy nhiên, điều đó càng khiến cho sự chậm trễ của những người có trách nhiệm của chúng ta càng trở nên khó hiểu.

 

Nếu việc tìm cho được người xứng đáng để gửi vàng là khó khăn đến thế, thì có những lý do nào ngăn cản họ chuẩn bị và bắt đầu làm điều này từ sớm hơn?

 

Mặt khác, khi được hỏi, đại diện Ban Chỉ đạo Quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long lại thể hiện một sự khó hiểu khác.

 

Vấn đề này theo tôi là phải hỏi Sở. Có thể họ sẽ mời các đạo diễn Việt kiều tham gia với tư cách cố vấn, sẽ có hội thảo và mời các nước tới tham dự” và "không thể sân khấu hóa như ngày xưa, chắc chắn cũng không phải điện ảnh". Đến giờ này câu trả lời của Ban tổ chức vẫn mơ hồ như vậy thì thật đáng ngạc nhiên.

 

Hơn nữa, phải chăng ông Tuấn nói vậy vì, thật ra, trong thâm tâm, ông và những người hữu trách như ông chưa một lúc nào nghĩ đến việc lựa chọn và trân trọng mời một đạo diễn Việt kiều có tài năng tâm huyết làm đạo diễn chính cho Đại lễ 1000 năm Thăng Long?

 

Liệu có phải một đạo diễn, dù người Việt, rất có tài năng, và vô cùng tâm huyết với quê hương xứ sở, nhưng cùng lắm cũng chỉ có quyền nhận cái ghế cố vấn, chỉ vì lý do duy nhất rằng họ mang chữ “kiều” đằng sau chữ Việt?

 

Nếu đúng như vậy thì lại càng thật đáng buồn, và thật đáng phê phán. Bởi, nó sẽ mặc nhiên cho thấy rằng câu nói “Việt kiều là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt” là một khẩu hiệu suông, không có thực chất.

Nước ta có thể nhỏ/nghèo/khiêm nhường hơn Trung Quốc và các cường quốc khác. Tuy nhiên, đó không phải là lý do để chúng ta chuẩn bị cho sự kiện lớn với ít tâm huyết, ít lòng tận tụy quên mình và ít sự công tâm hơn họ với sự kiện lớn nhất trong 1000 năm lịch sử của dân tộc? 

  • Thụ Nhân

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,