- Qua hai ngày làm việc, Hội thảo quốc tế "Nhận diện giá trị khu di tích Hoàng Thành Thăng Long sau 5 năm nghiên cứu so sánh (2004 - 2008)" đã kết thúc chiều 25/11. Đọng lại sau hội thảo là việc những giá trị tiêu biểu toàn cầu của khu di tích được khẳng định, những đề xuất cho công tác bảo tồn được đưa ra cùng lời đề nghị hợp tác giúp đỡ đến từ các chuyên gia Nhật, Hàn Quốc, Bỉ, Italia và của Viện Viễn đông Bác cổ.
> Hoàng thành Thăng Long: Khẳng định giá trị, nhưng còn tranh cãi
Có thể khẳng định, hội thảo là nơi các nhà khoa học, các chuyên gia sử học, khảo cổ, địa chất... có dịp cọ xát, đối chiếu và tổng hợp những kết quả nghiên cứu trong những lĩnh vực khác nhau. Báo cáo của PGS Vũ Văn Quân (ĐH Quốc gia Hà Nội) khẳng định: dựa trên những cứ liệu lịch sử về quy mô thành Hà Nội (thời Nguyễn), rằng thành được xây dựng trên nền của khu trung tâm HTTL thời Lê, bao trọn cả Cấm thành từ thời Lý - Trần đến Lê. Điều này cũng được PGS Tống Trung Tín xác nhận phù hợp với những kết quả nghiên cứu khảo cổ học tại 62 - 64 Trần Phú khi xuất lộ những vết tích của tường thành phía Đông.
Giếng thời Lê - Hố A6
Hay theo TS Phan Thanh Hải (Trung tâm bảo tồn Di tích cố đô Huế), có những thời điểm Thăng Long không phải là kinh đô của cả lãnh thổ nước Việt Nam, vì từ thế kỷ 17 đàng trong đã xuất hiện như một vương quốc riêng.
Nghiên cứu so sánh giữa HTTL với hệ thống các kinh đô trong khu vực châu Á cũng là một nội dung rất quan trọng của hội thảo. Các chuyên gia Hàn Quốc đã trình bày những nghiên cứu rất sâu về sự phát triển của Silla (Hàn Quốc), kinh thành không bị xê dịch qua một nghìn năm lịch sử (năm 57 trước CN - năm 935), bởi họ cảm nhận giữa hai kinh thành có nhiều nét tương đồng.
Những nghiên cứu về kinh thành Huế, thành Hoàng Đế (Bình Định), hay thành Cổ Loa đều cùng mục đích làm rõ sự kế thừa của kinh thành Việt Nam qua các thời kỳ. Hay PGS Đỗ Bang đã nhấn mạnh việc không có sự đứt gãy ở Hoàng thành Thăng Long, bởi Hoàng thành đã không bị phá hủy (khi nhà Nguyễn xây thành Hà Nội) hoàn toàn như thành Phú Xuân (Huế) khi xây dựng kinh thành Huế.
Mục tiêu lớn của hội thảo lần này, như GS Lưu Trường Tiêu (Chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia) khẳng định, là mong muốn tìm ra phương thức bảo tồn phù hợp với giá trị độc nhất vô nhị, tầng tầng lớp lớp của HTTL (có nơi di tích nằm đến độ sâu 4.5m) cũng như những điều kiện tự nhiên đặc trưng (mưa nhiều, độ ẩm cao) của Việt Nam, điều kiện quy hoạch "nhạy cảm" của khu chính trị Ba Đình.
Các chuyên gia nhiều kinh nghiệm bảo tồn đến từ Bỉ (Jean Plumier và J. M. Leotard) đã chia sẻ những kinh nghiệm hết sức phong phú về bảo tồn di sản đô thị của châu Âu, nơi quá trình đô thị hóa cũng đang muốn "nuốt chửng" di sản văn hóa, nơi nghiên cứu khảo cổ cũng thường tiến hành trong tình trạng "khẩn cấp", với thông điệp "Nếu chúng ta muốn giữ gìn di chỉ khảo cổ, cần tìm một cuộc sống mới và chức năng cho di sản: bảo tàng chỉ là một cách, không phải là tốt nhất. Bảo tồn phải ăn nhập với đời sống đương đại để phục vụ công chúng".
Một đề xuất được GS Phan Huy Lê đánh giá cao là việc thành lập "diễn đàn khảo cổ", là điểm cần bảo tồn nhưng du khách có thể thoải mái tham quan trong khi các nhà nghiên cứu vẫn tiến hành công việc. Nhiều phương cách bảo tồn theo cách tiếp cận mới, thay vì tách hiện vật ra khỏi di chỉ để đưa vào bảo tàng, được đưa ra thảo luận: làm bảo tàng ngoài trời, bảo tàng dưới lòng đất, hoặc lấp đất đi để giữ lại hiện trạng di sản cho tương lai.
Đã có quá trình nhiều năm hợp tác với phía VN trong việc nghiên cứu HTTL kết hợp với bảo tồn các di chỉ, chuyên gia Olivier Tessier (đại diện Viện Viễn đông Bác cổ - EFEO) đưa ra một chương trình hành động cụ thể với ba trục hợp tác khoa học sẽ được ưu tiên triển khai: lập bản đồ và tái tạo khu di tích bằng hình ảnh tổng hợp, Khai quật phòng ngừa (không phá hủy) và khai quật khẩn cấp, Làm bảo tàng tại chỗ (cho khu D).
Tuy thế, thách thức lớn đặt ra cho bảo tàng của khu di tích còn do kiến trúc quá hoành tráng của tòa nhà Quốc hội mới. "Nếu hai bảo tàng tại chỗ cũng là những kiến trúc lớn thì toàn bộ khu di tích sẽ bị che lấp" là khuyến nghị của EFEO, với đề xuất sẽ chọn những mẫu thiết kế nhẹ nhàng, thiên về chiều dài, và phải tuân theo đề án quy hoạch tổng thể để tạo thành "Công viên lịch sử - văn hóa Hoàng thành Thăng Long".
GS Ueno (Nhật Bản) còn "nghiêm khắc" hơn, khi cho rằng chỉ có thể xây dựng khu triển lãm hay bảo tàng sau khi nhận thức được toàn bộ giá trị của khu vực này, và phải thật sự tạo ra một công trình "để đời" cho các thế hệ sau phải tự hào. Sức ép đang đặt lên vai các nhà khoa học Việt Nam, khi việc xây dựng Nhà Quốc hội đòi hỏi phải có quy hoạch tổng thể cho khu di tích này, trong khi việc nghiên cứu vẫn cần thêm nhiều thời gian và sự phối hợp liên ngành để cho ra những kết quả chuẩn xác, sâu sắc.
Báo cáo tổng kết hội thảo, GS Phan Huy Lê khẳng định, dù còn có những tranh luận trên những khía cạnh cụ thể như độ chính xác của thước đo thời Lý, hay những đường gạch được phát lộ là dấu vết của con đường hay bức tường..., hội thảo lần này phản ánh chiều hướng nghiên cứu sâu, đi vào khảo cổ học đô thị, với những thành quả giá trị, khẳng định vị thế của HTTL với gần 13 thế kỷ là trung tâm quyền lực, gần 10 thế kỷ trung tâm chính trị, văn hóa quốc gia".
Về định hướng cho công tác bảo tồn, GS Lê cho rằng, chỉ khi hiểu sâu sắc bản thân di sản, cũng như mối quan hệ chặt chẽ của di sản với tự nhiên, với con người, với môi trường xung quanh với việc đẩy mạng nghiên cứu liên ngành, nghiên cứu so sánh, sự hợp tác với quốc tế, mới tìm ra những phương thức bảo tồn thích hợp cho mỗi vùng trong di tích".
-
Khánh Linh