- Phải bàn giao càng sớm càng tốt để nhất thể hóa quản lý, việc này đang được đẩy nhanh tiến độ. Hà Nội đã thỏa thuận được với Bộ QP những vị trí để di chuyển, còn thời gian cụ thể thì hai phía đều phải nỗ lực phấn đấu...
Dấu vết nền cung điện thời Lý ở Hố A20 - Di tích Hoàng Thành Thăng Long |
29/9/2008, UNESCO đã tiếp nhận Hồ sơ đăng ký Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long (HTTL) là Di sản văn hóa thế giới. Hồ sơ nộp trước hạn đúng 1 ngày (30/9/2008 là hạn cuối cùng) là niềm vui lớn không chỉ cho những người đã ngày đêm cố gắng vì HTTL, mà còn cho những người yêu lịch sử, yêu văn hóa nước nhà.
Bởi HTTL mới chỉ được công nhận là di tích quốc gia vào cuối năm ngoái (28/12/2007), và phần di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu hiện tại vẫn chưa thuộc quyền quản lý của UBND thành phố Hà Nội. Phức tạp hơn, có tới hai đơn vị quản lý phần diện tích này, là Bộ Xây dựng (quản lý đất vì thuộc dự án xây dựng Nhà Quốc hội) và Viện Khảo cổ học Việt Nam (quản lý nghiên cứu, khai quật khảo cổ). Đã có lúc, tưởng như việc đăng ký hồ sơ sẽ phải lùi lại, bởi có những ý kiến muốn chờ công trình Nhà Quốc hội hoàn tất mới tiến hành lập hồ sơ.
Khu Trung tâm HTTL luôn được coi là công trình văn hóa tiêu biểu nhất, được trông đợi nhất, và đúng nhất với tính chất chiều dài lịch sử 1000 năm. Hồ sơ được tiếp nhận, Hà Nội tiến thêm một bước đến hy vọng có di sản văn hóa thế giới quý giá vào đúng dịp kỷ niệm đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. VietNamNet đã trao đổi với TS Nguyễn Văn Sơn, GĐ Giám đốc trung tâm Bảo tồn khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội nhân cột mốc này.
Đã có những thời điểm, việc nộp hồ sơ đúng thời hạn là "nhiệm vụ bất khả thi", bởi thời gian quá gấp rút, bởi việc nghiên cứu vẫn đang tiến hành,... Là người trực tiếp chịu trách nhiệm, ông có chịu nhiều áp lực không?
- Quả thật, việc hoàn thành hồ sơ đúng hạn là cuộc chạy đua, nhưng chúng tôi luôn xác định phải đến đích, vì đăng ký di sản văn hóa thế giới không chỉ là chuyện nội bộ, mà còn là thể diện quốc gia, vì Nhà nước Việt Nam đã có đề nghị đưa khu di tích vào dự thảo danh sách DSVHTG từ 21/6/2006, đã có cam kết của tổng GĐ UNESCO với Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
Việc soạn thảo hồ sơ được sự tham gia trực tiếp, góp ý kiến chi tiết, sát sao không chỉ của các chuyên gia trong nước, mà cả các chuyên gia của UNESCO. Họ tận tình giúp ta vì chính họ bị thuyết phục bởi những giá trị lớn của tự thân di tích. Rất mừng vì sau khi hoàn thành, dù chỉ trong một thời gian ngắn, nhưng hồ sơ được đánh giá là tổ chức khoa học nhất, hình thức trình bày đẹp.
HTTL được đăng ký theo tiêu chí 2, 3 và 6 trong "Hướng dẫn thi hành công ước quốc tế". Vậy đâu là tiêu chí quan trọng nhất, là giá trị tiêu biểu "độc nhất vô nhị" của HTTL so với các kinh thành khác trên thế giới?
- Ba tiêu chí liên quan mật thiết với nhau. Đây là trung tâm quyền lực, kéo dài từ giai đoạn tiền Thăng Long (An Nam đô hộ phủ từ thế kỷ VII đến IX), như Chiếu dời đô của Thái tổ Lý Công Uẩn đã viết là "về thành cũ của Cao Vương". Liên tục là kinh đô qua các triều đại Lý, Trần, Lê Sơ, ngay cả triều Nguyễn dời kinh đô vào Huế thì Thăng Long vẫn là Bắc thành, và người Pháp vẫn chọn xây dựng Phủ toàn quyền Đông Dương ở Hà Nội.
"Tiêu chí quý giá nhất, HTTL là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa kéo dài hơn 1000 năm, đến giờ vẫn là thủ đô. Những phát lộ khảo cổ học thời gian qua minh chứng rằng, chúng ta có cả kho tàng di sản vĩ đại trong lòng đất, quá trình nghiên cứu còn rất lâu dài, và cần nhiều sự trợ giúp của quốc tế." |
Tiêu chí quý giá nhất, HTTL là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa kéo dài hơn 1000 năm, đến giờ vẫn là thủ đô. Những phát lộ khảo cổ học thời gian qua minh chứng rằng, chúng ta có cả kho tàng di sản vĩ đại trong lòng đất, quá trình nghiên cứu còn rất lâu dài, và cần nhiều sự trợ giúp của quốc tế.
Liệu việc xây nhà Quốc hội sát cạnh di tích có ảnh hưởng đến việc được công nhận di sản văn hóa thế giới không?
- Về nguyên tắc, lõi di sản được xác định trừ phần xây Nhà Quốc hội, với diện tích do Bộ Chính trị - Chính phủ - Quốc hội quyết định.
Phần diện tích đăng ký di sản hiện nay so với quy mô của Hoàng thành Thăng Long là rất nhỏ, dưới 1/5 diện tích. Nhưng đây là phần có giá trị lớn nhất, đậm đặc nhất.
Quan điểm của Đảng, Chính phủ là vừa xây dựng NQH, vừa đảm bảo hồ sơ di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận. Phải đạt được cả 2 mục đích, nên không lấy cái này để loại trừ cái kia. Có nhiều hình thức để bảo quản, giữ gìn di sản. Trên cơ sở những khuyến cáo của UNESCO, tôi tin ta sẽ tìm ra được những giải pháp hợp lý để dung hòa.
Tạm dừng phần việc xây dựng hồ sơ, chờ phản hồi của UNESCO (vào 15/11/2008) để tiếp tục chỉnh sửa. Dư luận cũng rất quan tâm đến việc bàn giao những phần diện tích thuộc quản lý của Bộ Quốc phòng, để Hà Nội có thể tiếp quản, chỉnh trang? Trong hồ sơ trình UNESCO có lộ trình cụ thể của việc bàn giao không?
- Đúng là phải bàn giao càng sớm càng tốt để nhất thể hóa quản lý, việc này đang được đẩy nhanh tiến độ. Hà Nội đã thỏa thuận được với Bộ QP những vị trí để di chuyển, còn thời gian cụ thể thì hai phía đều phải nỗ lực phấn đấu, Trong hồ sơ chúng ta đã trình bày rõ hiện trạng, và tiến trình triển khai các bước tiếp theo. Hà Nội và Bộ QP đang quyết tâm giải phóng phần diện tích phía trước (từ cửa Đoan Môn ra phía đường Điện Biên Phủ), riêng Bảo tàng Lịch sử quân sự thì cần thời gian lâu hơn để chuyển địa điểm.
Nhận bàn giao đến đâu, chúng tôi sẽ tiến hành tháo dỡ những công trình không có giá trị, chỉnh trang cảnh quan. Riêng việc tu bổ, tôn tạo phải là quá trình dài, phụ thuộc vào quá trình và kết quả nghiên cứu, không thể là ý chí chủ quan.
"Nguyên tắc là tôn trọng di tích gốc; đảm bảo cảnh quan môi trường, tạo ra sự hấp dẫn; và hài hòa với quy hoạch chung, đảm bảo tính trước mắt và yêu cầu phát triển lâu dài." |
Việc tháo dỡ những công trình không có giá trị, chỉnh trang phần diện tích đang thuộc quyền quản lý của trung tâm đã bắt đầu chưa, thưa ông?
- Việc này đã triển khai từ 24/9/2008, và sẽ kết thúc vào 1/2009. Trước mắt sẽ tháo dỡ 48 công trình đã được hội đồng tư vấn thẩm định là không có giá trị. Sau khi tháo dỡ sẽ chỉnh trang cho sạch đẹp, đường đi lối lại, mỹ quan ổn định. Dự án chỉnh trang đang được nghiên cứu để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong năm 2009 sẽ chỉnh trang xong trong khu vực đã được bàn giao. Nguyên tắc là tôn trọng di tích gốc; đảm bảo cảnh quan môi trường, tạo ra sự hấp dẫn; và hài hòa với quy hoạch chung, đảm bảo tính trước mắt và yêu cầu phát triển lâu dài.
Bao giờ ta sẽ có quy hoạch tổng thể cho toàn bộ diện tích của Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long? Liệu năm 2010, người dân Hà Nội có được "chiêm ngưỡng" bản quy hoạch này? Thông tin rằng những hiện vật khai quật được sẽ được trưng bày ở Bảo tàng Hà Nội có đúng không, thưa ông?
- Đó là cột mốc đặt ra để phấn đấu, nhưng chúng tôi chưa dám khẳng định sẽ làm được, bởi còn nhiều khó khăn trong việc bàn giao, chưa phải một đơn vị quản lý toàn bộ diện tích của di tích nên việc nghiên cứu cũng hạn chế. Riêng thông tin trên không chính xác, vì trong khuôn viên của Khu di tích sẽ có một bảo tàng để trưng bày toàn bộ hiện vật khai quật được, đó mới là cách làm theo chuẩn quốc tế.
Ba tiêu chí của Công ước di sản thế giới mà Hoàng Thành Thăng Long đạt được gồm: |
-
Khánh Linh (thực hiện)